Home Tin Tức Thời Sự Lúc nào cũng cần phải học

Lúc nào cũng cần phải học PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Ngọc Nguyên   
Chúa Nhật, 19 Tháng 10 Năm 2008 15:15

September 05, 2008

Hoàng Ngọc Nguyên-Việt Tribune

Khi thủ đô Tiệp Khắc nô nức tiến vào Mùa Xuân Prague, ở Miền Nam chúng ta đang còn phải bận tâm trước những đổ nát sau vụ Mâu Thân, bồn chồn trước những bất định về chính trị và tương lai của đất nước. Những tin tức về cuộc phiêu lưu tìm kiếm nụ cười cho chủ nghĩa xã hội ở một nơi xa xôi như thế, dường như chúng ta đọc qua, cố tưởng tượng một chút, và rồi quên đi trước những thực tế thúc bách của cuộc sống. Ước gì thời đó chúng ta có thể nghĩ sâu hơn một chút.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh có một bài viết nổi tiếng: “Gì cũng cười”. Ông phàn nàn “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười.” Thông thường nụ cười là biểu hiện của sự vui vẻ, hài lòng, hạnh phúc, trừ phi người ta lạm dụng nó vào những mục đích khác không đẹp. Người Việt ta trong bao nhiêu đời đã phải sống khổ quá, cho nên nhiều khi phải cười cho đỡ khổ. Khi nào khổ quá mức, người ta bảo “cười không được”. Nhưng cái cười ở người Việt chúng ta, gì cũng cười, là một cách biểu hiện sự tìm kiếm ở người khác sự chia sẻ, thông cảm, đồng tình… Chúng ta xem nụ cười là một phần ngôn ngữ quan trọng. Và nói chung, ở con người, không có cái gì con người hơn, nhân bản hơn là nụ cười.























Thanh niên Tiệp khắc phất cờ trước xe tăng Nga ngày 21 tháng 8, 1968 tại thủ đô Prague.
AP PHOTO/LIBOR HAJSKY/CTK

Chủ nghĩa xã hội của ông Stalin mà ông áp đặt lên các nước “chư hầu” trong Cộng hòa Liên bang Xã hội Xô Viết (Liên Xô) và những nước Đông Âu vệ tinh như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Rumani…là một chủ nghĩa xã hội không có nụ cười. Một số người trên có thể cười với người dưới, nhưng đó là cười “dân vận”. Một số người không phải là người trên, nhưng họ cũng không cười, như các cô mậu dịch viên, các tiếp viên hàng không, các nhân viên phường xã… bởi vì lạnh lùng là một biểu thị của quyền lực. Người dân là người dưới, cho nên họ không cười. Không cười vì quá khổ, không cười vì quá sợ, quá căng thẳng. Họ sợ bị hiểu lầm là thiếu tôn kính. Họ sợ là khi cười một cách méo mó, người ta có thể biết được sự đau khổ bên trong của họ. Hay biết được họ nghĩ gì bên trong. Không cười là sự chối bỏ đau lòng cái phần nhân bản ở con người của mỗi người. Sự phủ nhận con người bằng một chế độ cai trị bằng áp bức, khủng bố, đe dọa… chính là sự phi nhân của chế độ. Vào tháng Giêng, trong khi những người lãnh đạo ở Hà Nội âm thầm tiến hành kế hoạch Tết Mậu Thân, ở Tiệp Khắc, ông Alexander Dubcek, sau khi đánh bại được người cầm đầu đảng Cộng Sản Tiệp Antonin Novotny đương nhiệm để lên làm tổng bí thư thứ nhất, đã nói lên thông điệp lịch sử: xây dựng chủ nghĩa xã hội với một bộ mặt con người” (socialism with a human face).

Nhân bản hóa chủ nghĩa xã hội, người ta nói, có nghĩa là xây dựng một “chủ nghĩa xã hội với một nụ cười”. Việt Nam dã đổi mới từ năm 1986, nhưng 22 năm sau, tìm lại nụ cười xem ra vẫn còn khó, thông thường người ta chỉ thấy nụ cười của những người hưởng thụ – cũng chẳng có bao nhiêu trong xã hội. Người Tiệp tìm lại nụ cười dễ hơn người Việt chăng, hay là vì thông điệp của ông Dubcek minh bạch hơn. Có nhiều điều người ta có thể còn nhắc đến mãi trong Mùa Xuân Prague nao nức đó. Người dân thủ đô cả ngày chỉ trông chờ và tìm kiếm mua báo, bởi vì ông Dubcek ra lệnh bãi bỏ hoàn toàn chế độ kiểm duyệt, và người ta tha hồ viết và tha hồ đọc. Người ta viết tất cả những điều mà 20 chục năm qua họ đã phải câm nín kể từ khi xe tăng của Hồng quân lăn bánh vào thành phố và đưa những người Cộng Sản Tiệp lên cầm quyền. Chính cuộc cách mạng này đã “tháo gỡ tất cả các cửa ngăn lụt, những luồng nước đã bao lâu nay bị chận lại bắt đầu tuôn vào. Báo chí đưa ra những việc hung bạo trong quá khứ trên đầy các trang. Tòa án bắt đầu xem lại tất cả những vụ được xử trong những năm 50 nhằm sửa sai công lý, và một ủy ban đặc biệt bắt đầu cho phục hồi cho hàng ngàn nạn nhân của những phiên toà kiểu Stalin trong thời trước. Báo chí, truyền hình và đài phát thanh bùng nổ trong hào khí của tự do diễn đạt; những tác phẩm của kịch tác gia đối kháng Vaclav Havel được dàn dựng; những nhạc sĩ hippie sau này là ban nhạc rock “phi lý” Những người nhựa của Vũ trụ (Plastic People of the Universe) bắt đầu náo động trên sân khấu…” – như hồi tưởng của một nhà báo của Time magazine. Giới công nhân, cũng bắt đầu xét nét về vai trò của đảng lãnh đạo, vì họ nói chủ nghĩa xã hội là của họ, và là công nhân họ không cần đảng lãnh đạo mà chỉ cần công đoàn. Người ta nhìn đến sự lãnh đạo kém cỏi ở những nhà máy và đến đời sống cơ cực của họ khi nhìn qua các nước láng giềng Tây Âu. Ngành tư pháp trong khi đó tìm kiếm những bảo đảm an toàn cho quyền con người tối thiểu của người dân. Những nhà văn, sau này là thành viên của phong trào nhân quyền 77, đã nói rõ: chủ nghĩa xã hội chẳng có nghĩa gì nếu không có tự do. Tuy nhiên, lãnh tụ Điện Cẩm Linh Leonid Brezhnev làm sao có thể tưởng được có một chế độ chuyên chính song hành với quyền tự do, dân chủ, với sự từ chối sự lãnh đạo của đảng khắp nọi nơi. Tuy nổi tiếng là người say sưa, nghiện rượu, ông còn đủ tỉnh táo để tổ chức một cuộc chinh phạt của một lực lượng 200,000 quân thuộc năm nước trong khối Minh ước Varsovie (Warsaw pact) Liên Xô, Ba Lan, Hungari, Đông Đức, Bulgaria, ba bốn mũi vượt biên giới Tiệp Khắc tiến vào thủ đô Prague. Sau ba bốn tuần bình định không tốn một viên đạn, quân chư hầu lục tục rút lui, chỉ còn 75,000 Hồng quân và 60 xe thiết giáp trấn thủ quanh thủ đô Prague. Người dân Tiệp không tổ chức vũ trang đối kháng. Họ chỉ nói với những “chiến sĩ” trên xe tăng: các ông là người xâm lược. Họ treo cờ rũ và cờ tang trên các công thự và các tòa nhà cao tầng. Họ viết đầy trên đường phố: “Người Nga cút đi”, “Tự do muôn năm”, “Trả lại độc lập cho chúng tôi”… Thanh niên từ các ngõ ngách tiến ra khắp các đường phố, reo hò: “Muôn năm Dubcek”. Họ leo lên các xe tăng và đối chất với lính Nga. Lính Nga hỏi: “Chúng tôi đến đây giải phóng, tại sao các anh lại phản đối?”, “Bọn phản cách mạng, phản động của phương tây, của Tây Đức đang phá hoại các anh, sao các anh lại ủng hộ người ta?”. Người dân Tiệp trả lời: “Chẳng có người ngoài nào ở đây cả. Chỉ có các ông là người ngoài. Chẳng ai đe dọa chủ quyền của chúng tôi cả. Chỉ có các ông xâm phạm chủ quyền. Đây là sự lựa chọn của chúng tôi.” Cuối cùng, thì các người lính phải nói: “Chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên”, và họ đóng nắp xe tăng lại, rút dưới hầm xe, mặc cho những thanh niên Tiệp nhảy ầm ầm trên đầu. Alexander Dubcek bị bắt, bị đưa về Mạc Tư Khoa, bị hạch hỏi, bị giam lỏng và bêu diếu – giống như Pen Sovan lãnh tụ Khmer Đỏ bị Lê Đức Thọ bắt ở Nam Vang và đưa về Hà Nội giam năm 1979. Sau đó, năm 1969 ông được cử làm đại sứ Tiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ được một năm. Rồi năm 1970 ông trở lại Prague, được đưa đến một địa phương xa xôi làm “cán bộ lâm nghiệp”.
 
Nhiều người nhớ lại cái ngày tang tóc 20-8-1968 khi tỉnh dậy thấy xe tăng của Nga tràn đường phố. Họ nói: “Chúng tôi chẳng dám nghĩ có được một ngày hôm nay.” Nhưng 21 năm sau, cuộc Cách mạng Nhung đã chấm dứt chế độ Cộng Sản ở Tiệp Khắc, và Dubcek vẫn được ghi nhớ là người đã nhóm lên ngọn lửa đầu tiên cháy âm ỉ mãi trong cả hai thập niên trước khi bùng lên vào năm 1989. Một viên tư lệnh Nga đang điều quân tại Georgia có phát biểu: “Phương Tây phải hiểu rằng nước Nga chúng tôi không phải là một Đế quốc Tội ác và cũng chẳng phải là Liên Xô”, ý nói quân Nga vượt biên giới đi vào Georgia, chiếm đóng lãnh thổ nước này… chỉ nằm trong sứ mạng bảo vệ kiều dân Nga, “giải phóng” cho Nam Ossetia và Abkhazia, bảo vệ hòa bình, an toàn, chống nạn diệt chủng … Khi nói thế, ông chống chế một ám ảnh: nước Nga lúc nào cũng thế, và Nga hay Liên Xô thật ra cũng chỉ là Nga thôi. Cái tâm địa (mentalité), hay tật xấu, thói xấu của Nga đã có từ ngàn đời, xem quyền bá chủ của mình hơn chủ quyền và quyền tự quyết hay sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước lân bang. Georgia năm 2008 có khác gì Hungari 1956 hay Tiệp Khắc 1968. Nga đang cho rằng Mỹ làm ra vụ Kosovo đầu năm nay thì Nga làm vụ Georgia hiện nay. Quả thật quan điểm chiến lược của Mỹ về thế giới ngày nay đã dẫn đến nhiều chính sách và biện pháp sai lầm của Washington, nhưng cũng không thể nói khác hơn được là Nga đang bị thôi thúc mạnh mẽ bởi những tât xấu khó bỏ. Tuần qua, Nga đã cảnh cáo Moldova, cũng là một nước “anh em, đồng chí” cũ trong Liên Xô, đừng hòng tìm cách giải quyết vấn đề Transnistrian như cách Georgia giải quyết vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia. Transmistrian cũng thuộc lãnh thổ Moldova, cũng được Liên Xô cho tự trị từ lâu, cũng đang đòi được ly khai, độc lập… Giống hệt Nam Ossetia và Abkhazia. Tổng thống Moldova vội đáp: “Vâng, vâng, tôi đã hiểu bài học Georgia!”. Tổng thống Dmitry Medvedev nói rằng Nga chẳng sợ gì sự trở lại “chiến tranh lạnh”. Thủ tướng Putin “của ông” thì tố rằng Mỹ đã “đạo diễn tất cả vụ Georgia!”. Mỹ, NATO, Liên hiệp châu Âu đều đang lúng túng. Chỉ có điều khung cảnh địa lý chính trị ở miệt Đông Âu đó nay đã khác xưa. Nga đã hết chư hầu. Nga đã hết vệ tinh. Nhờ Cách mạng tháng Mười, Nga mới cưỡng chế được chư hầu. Nhờ Đệ nhị thế chiến, Nga mới có vệ tinh. Cho nên, sự bất định, bất an sẽ làm cho khí hậu vùng Hắc Hải mùa nào cũng khó chịu. Người ta cứ tưởng sau khi Liên xô sụp đổ, một quá trình tự do hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế sẽ cho người ta thấy một nước Nga mới, Âu hóa hơn, hội nhập hơn, dân chủ hơn trong nước, thoải mái hơn trên quốc tế. Có người còn mơ tưởng đưa Nga vào khối NATO để “bao vây Trung Quốc”. Tính toán thì như thế, mà cách lựa chọn hành động của Tổng thống George Bush lại đầy những mâu thuẫn. Mặc dù bà ngoại trưởng của ông được xem là một trong những người nghiên cứu hàng đầu về nước Nga, chính sách của Mỹ đối với nước Nga chỉ phản ảnh một sự nông cạn, hời hợt đáng sợ trong thời đại ngày nay. Cách đây 40 năm, người Việt chúng ta ở hai bên bờ vĩ tuyến 17 xem ra chẳng học được gì về bài học Tiệp Khắc. Ngày nay, người ta đang nhắc lại bài học đó. Nó nhắc nhở cho chúng ta không có gì thỏa hiệp được với những giá trị tự do, dân chủ của con người. Nó cũng cho ta thấy sự khủng khiếp, ngang ngược của chủ nghĩa bá quyền nước lớn. Mùa Xuân Prague vẫn còn là một bài học giá trị. (HNN)