Halloween Và Câu Chuyện Tôi Đi Hát Cho Đám Ma |
Tác Giả: Chân Quê |
Thứ Bảy, 18 Tháng 10 Năm 2008 07:44 |
Ngày Lễ Halloween nguyên thủy đã có cách đây 2000 năm; do một giống người thượng-cổ tên là “The Celts”. Họ sống ở một vùng miền bắc nước Pháp; ngày nay, đa số họ sống ở nước Ái-Nhĩ-Lan (Ireland) - Thuộc Liên-Hiệp-Anh (United Kingdom).“The Celts” mừng Tết đầu năm vào ngày 1, tháng 11 Dương-Lịch. Thời điểm này đánh dấu cuối mùa gặt hái. Bóng tối cùng sự lạnh lẽo của mùa Đông bắt đầu bao trùm không-gian, vạn vật. Đồng thời nó cũng liên-hệ đến sự chết chóc của loài người.“The Celts” tin tưởng rằng trong đêm trước ngày đầu năm (tức là 31, tháng 10); những ngăn cách giữa thế-giới của sự SỐNG và cái CHẾT bắt đầu mờ nhạt. Vào đêm này “The Celts” làm Lễ mừng “Samhain” – phát-âm là “Sow-in” - (tên của một vị Thần Chết-Chóc) vì họ tin rằng trong đêm ấy, những hồn ma sẽ trở lại trái đất. Đó là lý do gây ảnh-hưởng hư-hại cho các mùa gặt hái của nông-dân. Tuy vậy, sự trở lại trái đất của những âm-binh này lại giúp cho con người dễ bói toán về vận mệnh tương-lai; dễ “cầu cơ” linh-ứng, giúp cho họ định hướng trong suốt mùa đông dài lạnh lẽo.Đây là những điều “Mê-Tín, Dị-Đoan” của giống người “The Celts”. Để tiến hành cho buổi Lễ mừng “Samhain” họ đốt lửa thiêng và lấy các nông-sản cùng súc vật mà Tế-Thần. Trong suốt đêm này họ mặc đồ hóa-trang bằng da thú, mang mặt nạ hình súc vật nhảy múa bên đống lửa và xem bói cho nhau. Khi buổi Lễ chấm dứt họ bắt buộc phải đốt lại ngọn lửa thiêng đã tàn; hầu mong hơi ấm của lửa sẽ giúp họ ấm-áp suốt mùa đông buốt giá.Vào năm 43(A.D) sau Công-Nguyên– (A.D tạm dịch là kỷ-nguyên của Thiên-Chúa). Người La-Mã (Romans) đã thống-trị đa số người “The Celts” trong khoảng thời gian là 400 năm. Họ phối hợp hai buổi Lễ nguyên-thủy của người La-Mã với ngày Lễ mừng “Samhain” của người “The Celts.”:* Buổi Lễ thứ nhất gọi là: “Feralia”; rơi vào ngày cuối tháng 10. Nhằm tung hô, ca ngợi Thần CHẾT.* Buổi lễ thứ hai nhằm vinh-danh Thần Pomona (Thần Cây-Trái). Trái Táo (Apple) tượng trưng cho vị Thần này mà chúng ta thường thấy biểu hiện ấy trong ngày Lễ Halloween bây giờ. Còn trái Bí đỏ (Pumkin) tượng trưng cho mùa màng.Khoảng năm 800 Dương-Lịch; Ki-Tô-Giáo đã bắt đầu bành trướng tại vùng của người “The Celts”. Cho đến thế-kỷ thứ 17; Đức Giáo-Hoàng Boniface Đệ Tứ (IV) đã chuẩn chọn ngày 1, tháng 11 Dương-Lịch hàng năm làm ngày “All-hallows” hay còn gọi là: “All-hallowmas”. (lấy từ tiếng Middle-English: “Alholowmesse) , tức là Lễ Kính Các Thánh (All Saint’s Day). Người ta cũng tin tưởng rằng mục đích của Đức Giáo-Hoàng mong muốn được thay thế ngày Lễ “Samhain” (thờ ma-quỷ) của người thượng-cổ “The Celts” vào đêm 31, tháng 10 thành ngày Lễ “All hallows-eve.”; gọi tắt là “Halloween”. Tức là ngày Lễ Vọng Các Thánh. (Chữ “eve.” nói trên được dùng tương-tự như “Christmas-eve.” (Vọng Giáng-Sinh). Vào năm 1000 Dương-Lịch; Giáo-Hội chọn ngày 2, tháng 11 hàng năm là ngày Lễ Cầu Cho Các Đẳng Linh-Hồn “All Soul’s Day”. Hiện tại các Nhà Thờ vẫn cử hành những ngày Lễ này. Phong-tục “Trick or Treating” (đi gõ cửa từng nhà xin kẹo bánh) đã có từ rất lâu trong ngày Lễ Cầu Cho Các Đẳng Linh-Hồn “All Soul’s Day” tại Anh-Quốc trong các buổi diễn hành. Người ta phân phát thức-ăn và một loại bánh gọi là “Soul Cakes” (Bánh Linh-Hồn) cho những người xin ăn. Bánh này tượng trưng cho lời hứa là mọì người phải cầu cho linh-hồn những thân-nhân quá-cố của họ. Trong ngày Lễ thời bấy giờ người ta cũng để thức ăn và rượu trước cửa nhà dường như để cúng cho các linh-hồn vất vưởng; đói khát; không nơi nương tựa - “roaming-spirits”. Hầu mong các hồn ma không vào quấy phá nhà họ. Để rồi thực tế thì các trẻ con trong vùng đến lấy về ăn hết. Tương tự như tục lệ “Cúng Cô Hồn” (Xá-Tội-Vong-Nhân) vào ngày Rằm tháng Bảy Âm-Lịch của nước Việt-Nam ta.Vì là ngày Lễ Cầu Cho Các Đẳng Linh-Hồn “All Soul’s Day”, họ tin rằng các vong-linh, hồn ma sẽ trở về nên khi ra đường họ phải hóa-trang, mang mặt nạ ma quái; nhờ vậy các hồn ma này không thể nhận ra họ là người SỐNG mà lầm lẫn với các hồn ma khác của người đã CHẾT.Khi nói về Lễ Halloween; không thể không nói đến mối liên-hệ giữa người SỐNG và người CHẾT. Theo đạo Phật; có “Luân-Hồi”; có “Đầu Thai” tùy thuộc lúc còn SỐNG; người thiện lành khi CHẾT đi, sẽ vào cõi Niết-Bàn. Hoặc cũng tùy vào sự Tích-Đức-Tu-Thân trong kiếp làm người để được đầu thai qua kiếp khác muôn vạn phần tốt đẹp hơn. Kẻ gian ác, hung tàn sẽ sa vòng Địa-Ngục có quỷ dữ cưa đầu, kìm lưỡi. Có vạc dầu lửa bỏng thiêu đốt nhục hình. Theo đạo Thiên-Chúa; khi con người CHẾT đi phần xác từ cát bụi Thiên-Chúa tạo thành sẽ trở về với tro bụi. Nhưng linh-hồn sẽ tồn tại mãi và nước Trời sẽ dành cho những người tốt lành thánh-thiện. Hỏa-ngục ở ngay cõi hiện-sinh nếu người với người đối xử độc ác, tham lam hoặc gây khổ cho nhau.Người vô-thần thì cho rằng CHẾT là HẾT. không còn gì cả: về xác; lẫn hồn.Cá nhân chúng tôi đã cảm nhận được rất rõ sự huyền-diệu, linh-thiêng của người quá-cố qua câu chuyện thật sau đây: Vào trung tuần tháng 9, 2008 vừa qua. Tôi trở lại California sau một cuộc hành trình dài làm Từ-Thiện; chia xẻ tình-thương đến những người khó nghèo, tất bạt tại Việt-Nam. Chưa kịp quen lại giờ giấc thì chúng tôi nhận hung tin một người em bạn vừa từ trần tại Sydney (Úc Châu). Đây là một người mà chúng tôi vô cùng yêu thương, kính trọng và quý mến. Xin nói sơ qua về người đã quá-vãng:Quê chàng (người CHẾT) ở tận miền Trung, vùng Quảng-Tín. Thuở lên sáu, trong một ngày mưa dầm dề trên con đường làng lầy lội; Chàng được thân-phụ chở trên một chiếc xe đạp thô-sơ, gặp “ổ gà” hất chàng té xuống đường; đá nhọn đâm xuyên qua lưng. Máu chàng nhòa trong mưa và nước mắt lẫn bùn lầy; vì quá kinh hoảng người Cha vội bế xốc con lên đem vào nhà thương cứu chữa, nên sau này phần xương lưng bị nhô ra ở ngực biến chàng thành dị tật. Người chàng nhỏ bé; chỉ đứng dưới tầm vai của tôi (mà tôi thì không được cao lắm!) Lúc lớn lên, gia-đình chàng di-cư về sống ở Bà-Rịa (Vũng-Tàu); người anh ruột của chàng là bạn cùng lớp thời Trung-Học với phu-quân tôi. Sau biến cố 1975; chồng tôi tìm đường vượt biên, khi rủ các bạn cùng lớp chẳng ai dám đi cùng. Chỉ có chàng, người nhỏ bé nhất mà lại can-đảm nhất nhận lời. Sau đó hai anh-em vượt đường bộ lên Pleiku định xuyên rừng, băng suối trốn qua Cam-Bốt. Đến đêm ngày thứ ba, mệt lả người. Vì có mang theo hai chiếc võng nên mắc tạm trên cây ngủ trong rừng chờ hừng sáng sẽ tìm đường đi tiếp. Khoảng 3 giờ khuya; cả hai đều mang cái cảm giác có người vỗ vai, thì thầm: “Về đi! Về nhà đi! Nguy hiểm lắm…” Sương khuya đổ xuống rợn gai ốc và khi trời tờ mờ sáng, hai anh em mới biết ra là mình nằm trong một khu nghĩa-trang đầy mồ mả; có những ngôi mộ dường như vừa mới lấp ngày hôm trước đó. Nhìn xa xa, thấy những đoàn xe Bộ-Đội trang bị súng ống dường như đang định tấn công qua Cam-Bốt. Nếu đêm qua cả hai không nghỉ lại mà vượt biên giới, chắc chắn sẽ bị Bộ-Đội bắn chết. Sau đó hai anh-em tìm đường quay trở lại; không còn một đồng teng dính túi. May sao khi đến đầu chợ Pleiku, có một bà cụ đon đả hỏi: “Hai cậu bé có gì bán cho Bà không? Bà mua cho”. Chỉ còn hai chiếc võng vì tất cả lương khô, đồ dùng mang theo hai người đã chôn dấu trong rừng, sợ khi tìm đường về sẽ bị phát giác là kẻ vượt-biên. Lạ thay! Số tiền bà cụ mua hai chiếc võng vừa vặn cho hai chiếc vé xe đò đi về thành-phố. (???) Những ngày tháng sau đó, phu-quân tôi và các bạn học sống chung một căn nhà; suốt ngày bàn tính kế-hoạch “kháng-chiến”. Trong khi một tay chàng (cậu bé tật nguyền); sáng sớm theo chị ra chợ bán hàng; chiều về mang gạo, thức-ăn, trái cây nuôi những ông anh sức dài, vai rộng, chẳng làm ăn gì cả vì đang chăm lo việc “quốc-gia; đại-sự”. Tôi còn được nghe kể; chàng có nuôi một con gà để đẻ trứng ăn; vậy mà mấy ông anh nỡ lòng giết gà ăn thịt; khi biết ra chàng cũng không giận dữ, chỉ cười và cười, không trách cứ ai… Đến năm 1978, chồng tôi lại tự đóng tàu, làm Thuyền-Trưởng, vượt biển tìm tự-do, lần này có người anh ruột và các bạn cùng đi; trong đó có chàng được luôn luôn sát cánh bên chồng tôi; không ngoài mục-đích sang ngoai-quốc vì ước muốn được chữa lành dị-tật. Chuyến vượt biển thành-công dù trải qua biết bao gian khổ, đoạn trường. Chàng qua Úc định cư, lúc đầu ở Melbourne, sau lên Sydney. Rồi chàng lập gia-đình và có một hoàng-tử vô cùng kháu khỉnh, khuôn mặt cậu bé đẹp như Thiên-Thần. Trong khi đó thì phu-quân tôi được bảo lãnh đi Mỹ. Tôi gặp chàng vào năm 2005 khi chúng tôi về Úc nghỉ hè. Lần đầu gặp nhau trong một buổi tiệc mừng họp mặt các bạn vượt biển cùng tàu của chồng tôi; chúng tôi cùng đàn hát đến khuya. Chàng rất mê ca-nhạc và khoe với tôi là có hai cây guitar thùng rất “chiến”, chàng hát hồn nhiên, lúc nào cũng tự tin, lạc quan, yêu đời. Những năm gặp chàng sau đó tôi hát và đàn guitar cho chàng nghe như hai người bạn tri-kỷ. Tôi cũng vô cùng xúc động khi biết ra chàng không chịu lãnh trợ cấp của Chính-Phủ, (vì chàng dư tiêu-chuẩn trong điều kiện dị-tật) chàng đi làm suốt cho đến ngày vào nhập viện vì không còn sức để thở, (do tai-nạn năm xưa, khi lớn lên phổi chàng quá bé, lúc nào cũng phải mang theo máy dưỡng-khí bên người). Lần cuối gặp chàng trong một bệnh-viện ở Sydney là tháng 7 vừa qua (2008); chàng vẫn cười vui, thanh-thản, nói chuyện tiếu-lâm, không than van đau đớn gì cả; chàng còn hứa sẽ hát cho chúng tôi nghe những tình khúc bất tử khi chàng khỏe lại. Nhận tin chàng: “Bùi Thanh Duy, tạ-thế ngày 15, tháng 9, 2008. Hưởng dương 48 tuổi”; từ email của người bạn gửi qua sáng sớm thứ hai. Thường thì chồng tôi không bao giờ “check email” vào ngày đầu tuần vì công việc rất nhiều ở sở; chẳng hiểu vì cớ gì hôm ấy anh lại mở email chỉ đúng 17’ sau khi người bạn gửi qua từ Úc. Bàng hoàng, nghẹn ngào hay tin, tôi vội gọi điện thoại để mua hai vé máy bay về Úc. Không thể chắc được là có vé đi liền và sẽ rất đắt (ít nhất cũng phải hơn năm nghìn đô cho cả hai). Vậy mà khi được vé trong tay, đi ngay trong đêm ấy chỉ với giá 1,068 đô cho một vé. Cũng từ giây phút đó, những chuyện diệu-kỳ bắt đầu xảy đến với chúng tôi… Trên đường gần đến cổng phi-trường LAX, chỉ còn hơn một tiếng tới giờ bay. Trước khi chạy vào đường hầm; xe kẹt chỉ nhích độ 5miles/ một giờ; rồi nối đuôi nhau đứng yên tại chỗ. Chồng tôi luôn miệng bảo: “chỉ có con đường này đi nhanh nhất thôi!” Tôi sốt ruột rồi bỗng như nghe tiếng ai thì thầm “Đi đường khác đi chị!” Đậu chờ độ hơn mười phút, tôi quyết-định đổi ý không đi vào đường hầm, bấm vội bản đồ (máy GPS) chỉ đường khác vào phi-trường, nhờ vậy mà chúng tôi không trễ chuyến bay vì sau đó biết ra do một sự cố quan-trọng, cảnh-sát tràn đầy khu vực cấm xe đi vào, đến hơn hai tiếng sau mới giải tỏa giao-thông.Tôi trao chìa khóa xe lại cho người nhân-viên làm việc của chồng tôi rồi kéo va-li chạy hộc-tốc vào quầy vé. Vì là “Electronic Ticket” nên thường khi chúng tôi phải tự bấm máy “Computer” để lấy “boarding-pass”. Lạ thay, có người của hãng máy bay ngoắc chúng tôi lại. Câu đầu tiên bằng ngoại-ngữ ông ta hỏi: “Quý khách đi đâu mà vội vàng thế?” Chúng tôi vừa thở, vừa nói: “Sydney, Australia”. Ông ta vui vẻ cười bảo: “Còn kịp mà. Không sao đâu”; rồi tôi bỗng rợn gai ốc khi ông ta tiếp lời: “LIFE is too short!” Hàm ý là “Có gì đâu mà vội vì cuộc SỐNG ngắn ngủi lắm!” Trong lúc làm thủ-tục để xếp chỗ cho chúng tôi; ông nói: “Chà! Tiếc quá, chỉ còn hai chỗ mà bà thì ngồi đầu này; ông phải ngồi góc kia.” Chồng tôi bảo: “ Miễn sao chúng tôi có chỗ bay gấp về để dự đám tang người em bạn là được rồi!” Ông ta ngập ngừng “À! Thế sao?”… Bấm máy một hồi lâu ông bảo chúng tôi cho hành-lý lên cân và đưa ra hai “boarding-pass”. Ông dặn dò: “Có hai chỗ rất tốt cho vợ-chồng ngồi gần nhau rồi! Vợ tựa cửa sổ để nghỉ ngơi và anh sẽ dựa vai vợ mà ngủ nhé! Chúc quý khách đi bình-an”. Ông ta còn bắt tay chồng tôi và nói một câu tiếng Việt “Cảm-Ơn nhiều lắm!” trước sự ngạc nhiên của chúng tôi. Trên đường đi vào cổng máy bay, sau khi làm xong thủ-tục “Check point”; tôi đề-nghị với chồng tôi là tại sao mình không đóng thêm 750US/cho một vé để lên hạng ghế “Economy-Plus” ngồi cho nó rộng rãi một chút vì hơn 14 tiếng đường chim bay lận. Chồng tôi biết trước đây trong những chuyến bay đi nước ngoài tôi thường ngồi ghế “Business hoặc First-class”; tệ lắm là “Deluxe”. Nên anh bảo: “Thôi! Chịu khó đi em, mình đi dự đám ma mà!”. Tôi nghe vậy cũng hài lòng song bước với anh. Khi ngồi vào ghế trong lòng máy bay. Anh bỗng ngạc nhiên hỏi tôi: “Ủa? Sao cái ghế của tụi mình rộng rãi quá vậy nè?” Hóa ra chúng tôi đã được xếp ngồi vào ghế “Economy- Plus” mà không phải đóng thêm một đồng nào (???) Chúng tôi thích-thú và tin chắc rằng Thanh-Duy (người CHẾT) đã “làm phép lạ” để ngạc-nhiên chúng tôi.Máy bay đáp xuống phi-trường Sydney độ 6giờ sáng; anh ruột của chàng và một người bạn thân ra đón; mọi người đều kinh-ngạc là chúng tôi có thể bay được cấp tốc từ Mỹ qua nhanh như thế. Tôi thầm nghĩ: “chắc chắn là Thanh-Duy (người CHẾT) thu xếp đây!” Họ đưa chúng tôi về nhà vợ chồng nhà văn Lệ-Hằng (tác-giả của “Ngựa Hồng”, “Thung Lũng Tình Yêu, “Tóc Mây”… Bây giờ là chị Cát-Mi -chuyên mục “Giải Đáp Tâm Tình” cho tờ “Văn-Nghệ” của anh Nguyễn-Vi-Túy). Mỗi lần ghé qua Sydney tôi đều ở đây; vì Lệ-Hằng cưng quý tôi như em ruột và phu-quân của chị rất uyên-thâm khi được đàm đạo cùng anh về Phật Pháp cũng như những chuyện trong đời sống. (Tôi có cảm nghĩ là kiến-thức của anh như một chiếc thuyền không đáy!)Đến buổi trưa phải đi tới nhà Quàn; đây là một dịch-vụ mai táng do người Việt làm chủ, nằm ngay trong khu phố đông dân-cư Việt-Nam. Chiều hôm ấy là buổi Lễ Phát Tang do một vị Thượng-Tọa chủ trì. Thường thì tôi thấy không-gian trong các nhà Quàn thâm-u, lạnh lẽo. Không hiểu sao hôm ấy ấm cúng lạ thường; giữa khói nhang trầm nghi ngút và tiếng kinh cầu tôi cảm như có mùi hương thơm rất lạ… Chồng tôi thấy có đầy đủ tất cả các bạn đi cùng tàu vượt biển năm xưa; mọi người tay bắt mặt mừng sau bao năm trời gặp lại. Rồi đứng chung quanh quan-tài chàng mà tưởng-niệm. Chàng nằm đó hai tay chắp lên ngực, thanh thản im lìm như đang ngủ rất say. “Phép lạ” xảy ra khi mọi người thấy chồng tôi làm hòa lại với người anh ruột (sau bảy năm trời giận hờn không liên lạc nhau vì những chuyện đáng tiếc trong quá khứ! - anh cũng vừa từ Melbourne bay qua Sydney). Ông anh chồng tôi tướng người cao lớn; hiên-ngang y như tính-tình của anh. Hình như anh không ngại mất lòng ai khi trực-diện vấn-đề, dám nói thẳng sự thật. Vậy mà tôi thấy anh khóc như trẻ thơ khi đứng bên quan-tài chàng; anh nâng-niu đôi bàn tay chàng băng giá; anh và chồng tôi cùng các bạn đứng trước di-ảnh chàng tâm-sự vắn dài trong những ngày giờ cuối tiễn đưa. Sau buổi Lễ Phát Tang thì quan-tài bắt buộc phải đóng lại; không được mở ra nữa để đợi hôm sau làm Lễ Di-Quan đến nghĩa-trang. Bỗng có một người bạn thân của chàng vừa từ Brisbane (Queensland) bay xuống trễ; đây cũng là người “tài-công” (chung chuyến tàu của chồng tôi). Anh vô cùng đau khổ vì không được nhìn mặt chàng lần cuối; mọi người năn nỉ ông quản-lý nhà Quàn mở nắp quan tài ra; nhưng ông không dám; bảo là phải liên lạc xin phép Hòa-Thượng đọc “niệm chú” sao đó… Chúng tôi thấy ông nỗ lực gọi điện thoại suốt hơn hai mươi phút mà vẫn không liên lạc được. Chồng tôi bỗng lâm râm khấn nguyện: “ Nếu em có linh-thiêng thì cho các anh nhìn thấy mặt em lần nữa đi!” Liền tức thì; ông quản-lý nhà Quàn vừa đi đến quan-tài vừa nói: “Tôi không cách nào liên lạc được với Hòa-Thượng, đành phải phá lệ mở nắp quan-tài ra; đây là một điều cấm kỵ của thủ-tục tang lễ. Thôi vậy chứ biết sao; để cho anh-em còn nhìn mặt nhau lần cuối chứ!” Chúng tôi rối rít cảm-ơn ông; không khí bỗng trở nên vui tươi vì mọi người nói cười với chàng (người CHẾT) khi nhắc lại những kỷ-niệm từ bên Việt-Nam đến khi vượt biển rồi qua Úc. Tôi cũng nói đùa: “Ở bên Việt-Nam bây giờ có phong trào ca-sĩ đi hát show cho đám ma; có cả ban nhạc đàn, trống như trong phòng trà vậy. Đây là những ca-nhạc-sĩ chuyên-nghiệp vì họ hát rất hay chứ không phải hát dở đâu!” Không ngờ câu nói giỡn của tôi thật linh-ứng vì sáng hôm sau (ngày Di-Quan); vừa bước vào nhà Quàn tôi gặp ngay Phiến-Đan; (cô bạn gái mà tôi đã đùng đùng nổi giận hồi trước vì không đồng quan-điểm trong phương cách “Chống Cộng” , tưởng rằng không gì hàn gắn lại tình bạn đã rạn nứt) không ngờ cô chạy đến ôm chầm lấy tôi, rồi nói với tôi rằng: “Đời người ngắn ngủi quá, thôi bỏ hết giận hờn đi nhe!”… Tôi ứa nước mắt và xin-lỗi bạn hiền. Sau đó chúng tôi nhận thấy bao nhiêu là tình bạn được nối kết lại trong ngày tiễn đưa chàng về cõi vĩnh-hằng. Như lời phu-quân của chị Lệ-Hằng nói với chúng tôi sau đó: “người CHẾT thật linh-thiêng vì anh là một chất keo gắn bó lại những tình gia-đình, tình bạn đổ vỡ”. Tôi giật mình khi nhận ra chàng đang tiếp tục “làm phép lạ”…Thế rồi bất ngờ buổi tiễn đưa hôm ấy bỗng biến thành một buổi nhạc Thính-Phòng thật ấm cúng thân tình; tôi chính-thức là một Ca-Sĩ hát và đàn cho đám ma (điều mà tôi đã trêu đùa trước đó!) có cả tiếng đệm Keysboard của phu-quân tôi và tay đánh Bass chuyên-nghiệp cho các phòng trà ở Sydney. Cô bạn gái tôi làm M.C, giới thiệu phu-quân tôi với tư-cách là một Thuyền-Trưởng; một người anh tinh-thần của chàng, lên chia xẻ những kỷ niệm buồn vui. Tôi nâng niu ôm cây guitar thùng yêu quý mà chàng đã khoe với tôi lúc sinh thời. Trước khi hát; tôi nói với mọi người: “Các anh-chị thấy là cái xác chàng nằm kia chút nữa sẽ đem hỏa táng để trở về tro bụi; nó không còn gì nữa vì hồn chàng đã lìa khỏi xác; dường như linh-hồn ấy đã nhập vào di-ảnh này. Vì tôi chưa thấy một bức hình nào lại tươi như thế; đôi mắt biết cười, đôi môi cùng khuôn mặt rạng rỡ. Chàng đã từ giã cõi đời ô-trọc này; chàng rất vui khi được bay về cõi vĩnh-hằng. Người ta thường nói SỐNG là người; CHẾT là ma. Tôi không tin như vậy vì tôi biết chắc chắn chàng đã trở thành Thiên-Thần; vì cả một đời chàng là những chuỗi ngày sống tốt lành, nhân-hậu. Tôi nghe nói hôm cuối cùng trong bệnh-viện chàng vẫn đem cho tiền một cơ-quan từ-thiện. Thiên-Thần mới có thể làm phép lạ, như chàng đã và đang làm cho chúng tôi đây…”Sau đó tôi đến cạnh di-ảnh để hát cho chàng nghe một liên-khúc:“… Hạt bụi nào hóa kiếp thân anh; để một mai anh về làm cát bụi; ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi…Nắng có hồng bằng đôi môi anh; mưa có buồn bằng đôi mắt anh… Từ lúc đưa anh về là biết xa nghìn trùng…” Và rồi tôi ôm lấy quan-tài chàng mà khóc ngất.Sau đó, thân bằng quyến thuộc cùng uống với chàng một ly rượu cuối cùng tiễn đưa (chai rượu đỏ do ông anh chồng tôi đem đến cúng). Lễ Di-Quan được cử hành trọng thể; vị Hòa-Thượng và Ban Hộ-Niệm tụng kinh dẫn đầu, theo sau là cậu bé con trai chàng cầm di-ảnh Bố đi bên Mẹ với gia-đình anh-chị em bằng hữu; những vành khăn tang trắng trên đầu; những vòng hoa tươi quấn quýt theo chàng, xe tang ghé qua hai căn nhà chàng đã cư-ngụ lúc sinh thời. Hàng cây dừa do chính tay chàng vun trồng cao ngun ngút dường như đang nghiêng mình theo gió vẫy tiễn đưa. Gió mùa Xuân Sydney mơn man ve vuốt trên từng nhánh cây ngọn cỏ vĩnh biệt chàng.Trước khi rời nghĩa-trang, chúng tôi đến dặn dò con trai chàng. “Rằng: Cha con đã sống hết một đời gương mẫu, gìờ Cha ra đi, con ráng ngoan ngoãn với Mẹ, nhớ nghe lời các Bác, các Dì, học giỏi và sống tốt lành để nên người ích quốc, lợi dân con nhé!” Cậu bé tròn xoe mắt lắng tai nghe và cúi đầu dạ nhỏ. Đi ra chỗ đậu xe, có chiếc lá vàng bỗng rơi nhẹ trên vai, tôi mở rộng lòng bàn tay đón lấy và cảm như có tiếng thở dài lung linh trong nắng ấm. Sáng sớm hôm sau phải bay về Trang-Trại của chúng tôi ở Brisbane (Queensland) cùng với người bạn “tài-công”; anh cũng là một trong những người Việt-Nam đầu tiên về vùng này làm nông trại. trên đường ra phi-trường chồng tôi bảo: “Lúc sinh thời, Thanh-Duy (người CHẾT) hay đùa lắm, không chừng anh chàng không muốn chúng ta rời Sydney đâu!” Liền ngay lúc đó có điện thoại của phu-nhân anh “tài-công” gọi vào máy của người bạn xin được nói chuyện với chồng, chị nói rằng đúng chính xác 3 giờ sáng (không hơn, không kém) có người nhắn (Text) vào điện thoại cầm tay của chị bảo rằng chúng tôi còn bận với đám ma nên chưa thể về lại Trang-Trại hôm nay. Chồng chị la lớn: “Đâu có, tụi anh đang trên đường ra phi-trường đây mà.” Chị cũng cho biết đã cố gắng gọi lại số điện thoại đó nhiều lần mà không ai nhấc máy cả; mà anh thì không mang điện thoại cầm tay của anh theo, rồi chị còn hỏi “ai mà phá kỳ-cục vậy?” Tôi mỉm cười biết ngay đó là Thanh-Duy (người CHẾT!). Tôi bảo: “3giờ sáng là giờ Chúa chết, linh lắm…” rồi tôi lâm râm đọc kinh cầu nguyện cho linh-hồn chàng trong khi mọi người trên xe đều nhíu mày suy nghĩ (???) Khi về đến Trang Trại, trong bữa cơm tối, anh chồng mới chỉ vào cái ghế tôi đang ngồi mà kể rằng: “Thật là lạ lùng, hôm trước chuẩn bị ra phi trường xuống Sydney đi đám ma, tự dưng tôi thấy cái áo của Thanh-Duy (người CHẾT) tặng tôi cách đây mười lăm năm treo trên cái ghế này” Rồi anh quay vào nhà bếp hỏi vợ: “Cái áo đó đâu rồi em?” Cô vợ nói: “Em thấy nó rách ở lưng nên đem bỏ thùng rác rồi!”…. Câu chuyện tưởng chỉ có thế, nào ngờ sáng hôm sau trong bữa điểm tâm anh chồng hớt hơ, hớt hải chạy ra phòng ăn, tay cầm chiếc áo miệng lắp bắp nói không nên lời: “Trời đất ơi! Nó đây nè!” Chiếc áo nghĩa-tình ấy đã được một bàn tay vô hình giặt sạch sẽ, thơm tho và nằm ngay ngắn trong phòng anh!” (???) Không thể tưởng tượng được, chị vợ nghe xong tái xanh mặt mày vì sợ. Phu-quân tôi cười trong khi tôi quấn lấy chiếc áo ôm trọn trong vòng tay và xin được giữ làm kỷ-niệm.Người CHẾT lại tiếp tục “làm phép lạ” trong hôm rời nước Úc bay về Mỹ: khi ra đến phi-trường, tôi không có gì đòi hỏi, thắc-mắc về chỗ ngồi trên máy bay vì nghĩ rằng hạnh-phúc quá đủ khi được tiễn đưa chàng về bên kia thế-giới; thực hiện được câu “Nghĩa Tử Là Nghĩa Tận”, nhất là gặp lại bạn bè, anh-chị em gia-đình đã hết giận, thôi hờn. Về phần chàng, giờ chắc cũng mỉm cười nơi chín suối. Đến quầy lấy vé chúng tôi không phải xếp hàng chờ đợi, không phải tự dùng máy “Computer” làm thủ-tục “check-in”, cũng có một nhân-viên người Úc ngồi ở quầy ngoắc tay gọi chúng tôi đến. Đưa “Passports” xong ông ta bấm máy rất lâu và bảo rằng xin chờ đợi vì máy trở ngại, đứng một hồi tôi để ý bảng tên ông là “Nick”; chồng tôi bảo nhỏ: “Nick là chữ viết tắt tên của ông Thánh Nicholas; mà Thánh Nicholas là “Ông Già Noel”. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt đôn-hậu nghiêm-trang của ông với hàm râu trắng như tuyết, tôi bỗng nói với chồng tôi là xin ông lấy cho cái ghế “Economy” ngồi ở ngoài để tôi có thể đi tới, đi lui trong máy bay cho dễ, không phải đánh thức người khác dậy trong đêm khuya. Chồng tôi chuyển lời lại, ông ta không nói gì cả vì vé đang in ra. Sau đó ông chậm rãi bảo chúng tôi để hành-lý lên cân; giọng ông run run nói bằng tiếng Anh: “Rất tiếc là hai ghế đã được sắp xếp. Nhưng mà chỗ ngồi này sẽ rất thoải-mái cho ông-bà. Xin chúc quý khách thượng lộ bình-an.” Chúng tôi cảm-ơn ông và quay ra đi lên cổng. Chồng tôi chợt nhìn vào vé “boarding-pass”, anh sững sờ khi có đóng dấu là “Business-Class”; tôi cũng đứng chết trân và hoàn toàn không tin vào đôi mắt mình. Tôi lắc đầu buột miệng bằng tiếng Mỹ: “No way! No way!” (Không thể nào như thế được). Cho đến lúc vợ chồng chúng tôi vừa ngồi vào ghế máy bay, người tiếp viên hàng-không ân cần, niềm nở mang nước cam tươi đến ngay, tôi mới nhớ ra là mình đang khát khô cả cổ. Máy bay cất cánh tôi ngả ghế ra nằm thẳng như trên giường, dưới lưng lại có máy đấm bóp. Lúc bấy giờ tôi mới tin là chàng hóa phép như một quà tặng lần nữa cho chúng tôi. Chồng tôi nói đùa: “Thanh-Duy trả tiền show đi hát đám ma cho em đó!” Tôi thấy mình lâng lâng bay bổng như nhân-vật sống trong các câu truyện thần-thoại, cổ tích hoang-đường. Tôi nhớ có người bảo rằng những người SỐNG tốt lành khi CHẾT đi họ rất linh-thiêng, dường như họ được Thượng-Đế cho quyền năng ban xuống trần-gian những phép nhiệm màu. Chỉ lạ một điều là tôi không hề tham-lam xin xỏ thì chàng (người CHẾT) lại cho. Chồng tôi thì nói anh rất an-tâm khi nghĩ về cõi vĩnh-hằng, (nơi Thanh-Duy đang ở) điểm cuối cùng mà tất cả mọi người chúng ta bắt buộc phải đến. Về lại California đúng mùa Lễ Halloween, tôi phải viết lại câu chuyện thật này vì chúng tôi muốn là chứng-nhân cho sự liên hệ giữa người SỐNG và người đã CHẾT. Không phải CHẾT là HẾT như suy nghĩ của những người vô-thần, vô tôn-giáo. Tôi cũng cảm nghiệm ra rằng “Cầu Nguyện” với lòng thành vô-vị-lợi sẽ tìm được sung-túc, an lành. Tha-thứ không oán thù sẽ cởi bỏ những oan-khiên hệ-lụy buộc ràng , cầm giữ ích-kỷ cho riêng mình sẽ bị lấy mất và cho đi không chừng mực thì sẽ được tặng lại vô biên./. (California- Mùa Lễ Halloween 2008). |