Nguyễn Tấn Dũng Xuôi Nam |
Tác Giả: Bai An Tran |
Thứ Sáu, 17 Tháng 10 Năm 2008 07:29 |
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã không dám đi cửa trước. Trần Hùng Ông từng đi tới đi lui về miền nam thường xuyên, không có gì đáng nói. Ông gốc gác ở miền nam nên có nhiều bè bạn và đồng chí ở miền này, khi ông được đảng đề cử làm thủ tướng, ông ra miền bắc, mang theo nhiều bè bạn và đồng chí của ông để cất nhắc, chuyện này cũng không có gì đáng nói. Chuyện đáng nói về việc ông xuôi nam lần này là đi xuống nam bán cầu, đi thăm nước Úc Đại Lợi. Trong tháng 10, Nguyễn Tấn Dũng phải đi 2 nơi. Cuối tháng 10, đi lên phía bắc để dự hội nghị ASEM 7 ở Bắc Kinh đồng thời tấu trình với quan thầy Trung cộng về nhiều vấn đề nhức nhối giữa 2 bên. Trước khi lên miền bắc lạnh lẽo, ông xuôi nam để tìm chút hơi ấm vùng xích đạo. Úc Đại Lợi dù không phải là đối tác hàng đầu đối với CSVN như Hoa Kỳ, Trung cộng, Nga Sô hay Liên Âu, nhưng đối với vấn đề Việt Nam, Úc luôn luôn có một vai trò năng động, tuy không mang tính cách quyết định. Trước năm 1975, Úc đã từng hiện diện trong lực lượng quân đồng minh đến giúp miền Nam chống lại sự xâm lăng của Việt cộng. Năm 1962, những cố vấn quân sự của ÚC đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Ba năm sau, Úc gửi tiểu đoàn bộ binh đầu tiên đến miền nam Việt Nam. Nhưng đến năm 1973, sau khi hiệp định Paris ra đời, trong khi vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng Hoà, Úc lại đồng thời thiếp lập quan hệ ngoại giao với cộng sản Bắc Việt. Điều này đã khiến Hà Nội thêm lợi thế tuyên truyền trên mặt trận ngoại giao. Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, vào cuối thập niên 80, khi CSVN thực hiện chính sách gọi là "đổi mới", Úc đã gia tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam. Đến nay, Úc Đại Lợi là nước đầu tư lớn thứ 16 của Việt Nam, và mậu dịch song phương đã gia tăng khoảng 20 phần trăm mỗi năm trong năm năm qua, lên tới 4,5 tỉ đô-la Mỹ trong hai năm 2007-2008. Con số này không phải là hàng đầu, nhưng nó đã đưa Úc nhanh chóng trở thành đối tác có tiềm năng của CSVN. Úc đã trở thành thị trường xuất cảng lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trong bảy tháng đầu năm nay đạt tới 3,6 tỷ đôla Mỹ. Úc cũng có 174 dự án đầu tư vào Việt Nam với giá trị hơn một tỷ đôla. Úc còn cung cấp nhiều viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam, riêng năm vừa qua là 93 triệu đôla. Trong vấn đề bang giao giữa 2 nước, còn phải kể đến yếu tố Úc là một thành viên quan trọng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation) . APEC đã thành hình và tổ chức hội nghị lần đầu tiên tại thủ đô Canberra vào năm 1989. Đến nay 21 quốc gia thành viên của APEC bao gồm hơn 40% dân số thế giới, sản xuất khoảng 60% tổng sản lượng toàn cầu. Việt Nam gia nhập APEC năm 1998, và cuối năm 2006 đã tổ chức APEC lần thứ 18 tại Hà Nội. Ngoài mục tiêu xin xỏ về kinh tế, CSVN cũng cần gia tăng nhiều mối quan hệ khác nhau để giảm bớt hình ảnh nội tình 2 phe lệ thuộc Trung cộng và Hoa Kỳ. Trong tháng 10, Nguyễn Minh Triết đi Nga và Nguyễn Tấn Dũng đến Úc cũng nằm trong chiều hướng này. Với tất cả những yếu tố trên, nói như từ ngữ quen thuộc ở trong nước hiện nay, Úc đã trở thành một điểm đến quen thuộc của các lãnh đạo Việt cộng. Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết đã đến Úc. Người tiền nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng là Phan Văn Khải cũng đã đến Úc. Và bây giờ, Nguyễn Tấn Dũng cũng đến Úc lần đầu tiên. Mục tiêu hàng đầu là để xin viện trợ và kêu gọi đầu tư. Xin xỏ là công việc mà lãnh đạo CSVN luôn "tranh thủ" thường xuyên và bất cứ nơi đâu. Mùa hè vừa qua, khi đi dự Thế Vận Hội Bắc Kinh, Nguyễn Minh Triết gặp thủ tướng Úc Kevin Rudd tại đây, đã níu áo ông này để xin Úc gia tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam, và nêu kế hoạch cụ thể là xây một chiếc cầu tại tỉnh Đồng Tháp, có lẽ bắt nguồn từ việc Úc đã xây tặng chiếc cầu Mỹ Thuận trước kia. Chính báo chí nhà nước đã khoe khoang về thành tích ăn xin đột xuất này. Lịch trình của Nguyễn Tấn Dũng tại Úc lần này ngoài các cuộc hội đàm với thủ tướng Kevin Rudd; hội kiến với vị Toàn quyền, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện, còn có các buổi gặp gỡ doanh nhân Úc tại Canberra và Melbourne. Chi tiết của những buổi gặp gỡ được giữ kín đến giờ chót theo truyền thống của CSVN!. Việc giữ kín những chi tiết di chuyển và sinh hoạt của lãnh đạo Việt cộng khi ra hải ngoại là điều vô cùng cần thiết để tránh né những cuộc biểu tình phản đối của cộng đồng người Việt. Đặc biệt tại Úc có khoảng 250.000 ngàn người Việt sinh sống, là cộng đồng người Việt đông đảo thứ 3 trên thế giới, và là cộng đồng có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ hàng đầu, thì việc bảo mật lại càng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc này cũng không giúp cho CSVN được nhiều, và để bảo vệ cho những người khách đến từ phương xa, cảnh sát địa phương thường phải đưa phái đoàn Việt cộng đến địa điểm sinh hoạt bằng cửa hậu. Từ lâu nay đã phát sinh ra một nền "ngoại giao cửa hậu" để dành chỉ cho những chuyến công du của lãnh đạo Việt cộng. Ở Mỹ hay Âu châu như thế nào thì tại Úc cũng không khác. Khi đến Melbourne để gặp gỡ doanh nhân tại đây, báo chí địa phương tường thuật rằng "Trước khí thế sôi sục căm phẫn của những người biểu tình, Thủ tướng CS Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng đã không dám đi cửa trước mặc dù cảnh sát có thể bảo vệ ông không bị những người biểu tình tấn công. Thủ tướng cộng sản Việt Nam đành phải đậu xe xa mất 5 phút đi bộ để đi vào ngã hậu thường dành cho những người làm vệ sinh tòa nhà". Có thể nói rằng trong môi trường dân chủ, tự do, chế độ CSVN đã bị phơi trần tất cả bản chất xấu xa của họ. Không có năm, bẩy trăm cơ quan truyền thông làm công việc xuyên tạc, bôi nhọ sự thật, và không có đội ngũ công an cầm dùi cui, roi điện để đàn áp người dân, chế độ này giống như một con bệnh liệt kháng ở giai đoạn cuối cùng. Ngay cả khi phái đoàn Nguyễn Tấn Dũng được đón tiếp ở tiền đình quốc hội liên bang ở thủ đô Canberra, với cờ quạt và súng thần công, thì quốc tế cũng được chứng kiến cảnh hai nghìn người biểu tình cầm biểu ngữ hài tội chế độ. Không một nhà lãnh đạo chân chính nào có thể hãnh diện trước những hình ảnh này. Trong khi CSVN tiếp tục ngoan cố duy trì chính sách đàn áp để bảo vệ ngôi vị của mình, thì tinh thần đấu tranh của cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn được phát huy mạnh mẽ, với nhiều hình thái đấu tranh mới mẻ, phù hợp với lòng người. Khởi đi với hình thức biểu tình đầy khí thế ở phiá ngoài, cộng đồng hải ngoại đã đẩy mạnh tính cách tiến công bằng cách hiện diện ngay cả bên trong, để trực tiếp vạch trần tội ác của chế độ trước ống kính truyền thông quốc tế. Thế trận "trong đánh ngoài la" này đã phải trải qua nhiều thời gian trước khi được tất cả mọi người nhìn thấy sự thành công độc đáo của nó, và từ một thập niên gần đây, hình thức này đã trở thành một cơn ác mộng cho lãnh đạo Việt cộng khi đi ra ngoài, mà việc Phan Văn Khải bị chỉ mặt là "tên nói láo" trong một cuộc họp báo ở Seattle không phải là trường hợp duy nhất. Thời gian gần đây, khi chế độ cộng sản không còn khống chế được những cuộc giao tiếp trong-ngoài, cộng đồng người Việt đã chủ động khai thác những phương hướng nhằm tranh thủ khối quảng đại quần chúng. Phương hướng này đã được nhìn thấy qua những phong trào đấu tranh ở trong cũng như ở ngoài nước, thay vì đẩy những người chưa đứng hẳn với ta về phiá chế độ, thì dùng tuyên truyền và thuyết phục để kêu gọi những thành phần đối tượng thích hợp từ bỏ việc tiếp tay với chế độ. Hình thức "cô lập đầu lãnh - tranh thủ toàn dân" này làm suy giảm hàng ngũ của CSVN, đặc biệt tại hải ngoại, đồng thời gia tăng hàng ngũ dân tộc, bảo vệ khối đoàn kết toàn dân. Chắc chắn CSVN sẽ dùng mọi thủ đoạn để tuyên truyền gây chia rẽ, hoang mang.... nhưng kết quả thực tiễn sẽ cho thấy là với sự thức tỉnh và khôn ngoan, người Việt hải ngoại sẽ không rơi vào bẫy của cộng sản. Tổng kết lại, chuyến xuôi nam của Nguyễn Tấn Dũng đã không mang lại kết quả gì. Không một hợp đồng nào được ký kết. Lại bị trương ra trước quốc tế hình ảnh nhơ nhuốc của một chế độ độc tài. Đây không phải là cái trớn mà Nguyễn Tấn Dũng mong muốn có được trước khi đi lên phiá bắc. Những ngày cuối tháng 10 hẳn sẽ còn tang thương hơn!. |