VC Bơm Tiền Vào Mỹ Kinh Tài Thương Xá - Mỹ Là Địạ Bàn Trọng Điểm |
Tác Giả: Tin tức |
Thứ Hai, 13 Tháng 10 Năm 2008 12:07 |
Có phải nhà nước CSVN đã bơm tiền đầu tư vào nhiều cơ sở kinh doanh nơi các thành phố đông dân Mỹ gốc Việt như Quận Cam, San Jose, Houston...? Nhà nứớc Hà Nội chính thức nhìn nhận rằng Hoa Kỳ là một trong “các địa bàn trọng điểm” để chính phủ CSVN bơm tiền vào đầu tư, theo một bản tin trên báo Hà Nội Mới hôm 12-10-2008. Trong các dự án đầu tư được phổ biến trong bản tin nhan đề “Doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài: Cần cú hích mới” hôm 12-10-2008, báo Hà Nội Mới tiết lộ rằng nhà nước CSVN đã “đầu tư 30 triệu USD xây dựng Trung tâm thương mại tại Hoa Kỳ,” nhưng bản tin không nói rõ là “Trung tâm thương mại” này được xây hay mua lại ở thành phố nào tại Hoa Kỳ. Bản tin báo Hà Nội Mới có một số chi tiết đáng chú ý, cho thấy quyền lực kinh tế nhà nứơc CSVN đã thò tay xa nhiều ngàn dặm, được trích như sau: “Đã có 320 dự án với 2,5 tỷ USD tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ... Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 320 dự án đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) với 2,5 tỉ USD tổng vốn đăng ký, trong đó 1 tỉ USD đã thực hiện. ĐTRNN được đánh giá là kế hoạch "đi tắt, đón đầu" của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm thứ hai hội nhập WTO song lại gặp quá nhiều rào cản cũng như thiếu hỗ trợ về mặt chính sách. Nở rộ nhưng ít tính cạnh tranh Trong năm 2007, Việt Nam có 64 dự án ĐTRNN với 391,2 triệu USD tổng vốn đăng ký, tăng 77% về số dự án so với năm 2006. Quy mô vốn đầu tư bình quân của các dự án ĐTRNN đạt trên 6 triệu USD/dự án. Trong đó, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp có 17 dự án với tổng vốn 156,8 triệu USD, chiếm 40% tổng vốn ĐTRNN. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu là dự án trồng cây công nghiệp, cao su, điều... tại Lào (lớn nhất là dự án trồng cao su có tổng vốn đầu tư đăng ký 81,99 triệu USD do Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt - Lào đầu tư). Tiếp theo, lĩnh vực công nghiệp có 23 dự án với tổng vốn 147,1 triệu USD, chiếm 38%. Lĩnh vực này chủ yếu gồm các dự án đầu tư vào công nghiệp nặng, bao gồm cả dầu khí. Trong đó, lớn nhất là dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại Madagasca, tổng vốn đầu tư 117,3 triệu USD do Tổng công ty Đầu tư phát triển dầu khí thực hiện... Lĩnh vực dịch vụ có 24 dự án với tổng vốn 87,2 triệu USD, chiếm 22%. Hai dự án lớn nhất trong lĩnh vực này thuộc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (đầu tư 30 triệu USD xây dựng Trung tâm thương mại tại Hoa Kỳ) và Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel (đầu tư thiết lập và khai thác mạng viễn thông sử dụng công nghệ VOIP cung cấp dịch vụ điện thoại và mạng thông tin di động tại Campuchia với 27 triệu USD vốn đầu tư). Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã nới rộng "hiện diện kinh tế" ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, châu Á chiếm phần lớn với 167 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 751 triệu USD. Không chỉ dừng ở phạm vi khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu vốn sang các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ. Ngoài các "dự án truyền thống" như xây dựng trung tâm thương mại, còn có những dự án khai thác, sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh cao...(...)” Đặc biệt, chính một cán bộ cao cấp CSVN đã chỉ đích danh Hoa Kỳ là điạ bàn trọng điểm. Bản tin viết như sau: “...Tại một hội nghị về ĐTRNN, ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khuyến nghị đã đến lúc Nhà nước cần thống nhất quan điểm coi ĐTRNN là phương thức quan trọng nhằm giành quyền chủ động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều ý kiến đề nghị các nhà đầu tư trong nước cần phải được tạo điều kiện hơn nữa để "đem vốn" ra nước ngoài. Thứ nhất, cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy hoạt động ĐTRNN, trong đó, có những giải pháp đột phá, mang tính chất "cú hích" để khuyến khích doanh nghiệp. Đồng thời, phải tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong những năm tới, cụ thể là thúc đẩy đầu tư của Việt Nam sang một số địa bàn trọng điểm (Lào, Nga, Hoa Kỳ, Campuchia).. .” |