Putin giăng bẫy hay bị rơi vào bẫy |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng |
Thứ Hai, 13 Tháng 10 Năm 2008 12:00 |
Ngô Nhân Dụng Khi quân Nga tấn công Georgia, lấy cớ quân đội Georgia đã tiến vào vùng Nam Ossetia, nhiều người coi như ông tổng thống xứ Georgia đã rơi vào cái bẫy do ông Vladimir Putin đào sẵn. Ông ta chỉ chờ dịp này để kiếm cớ “dậy Georgia một bài học” và tạo cơ hội cho hai miền Nam Ossetia và Abkhazia chính thức tách khỏi Georgia, chờ ngày nhập vào nước Nga. Nhưng gần một tháng sau ngày ông Putin xua quân vào nước láng giềng, nhiều người khác lại nghĩ chính con gấu Nga đã bị rơi vào bẫy. Vì cuộc hành quân vào Georgia chỉ mang lại cho nước Nga một mối lợi nhỏ, là tăng thêm được hơn 200 ngàn dân và mở rộng lãnh thổ thêm được 12,500 cây số vuông, trong khi diện tích Nga đã là rộng nhất thế giới, hơn 17 triệu km2. Trước khi quân Nga can thiệp, cả hai vùng đất này đã ly khai và chỉ giao thương với Nga rồi, không thêm được mối lợi thực tế nào. Sau chiến địch Georgia, nước Nga bị thiệt về ngoại giao và về kinh tế. Có phải ông Putin đã dại dột tự mình rơi vào bẫy hay không? Chúng ta không nên coi thường ông Putin. Ông ta có thể đã thấy trước những hậu quả tai hại cho nước Nga, nhưng ông bất cần. Vì dù cuộc chiến Georgia có tai hại cho 160 triệu người Nga trong nhiều năm tới, nhưng giai cấp cầm quyền gồm các nhà tư bản và cựu sĩ quan công an KGB ở chung quanh ông Putin sẽ nhân dịp này củng cố được quyền bính vững vàng hơn nữa. Và đó mới là chuyện ông Putin quan tâm. Trên mặt ngoại giao, chưa bao giờ các nước Âu Châu và Mỹ đồng ý với nhau trong việc đối phó với Nga như bây giờ. Trước đây các nước Âu Châu có thể sẽ tỏ ý nghi ngại việc chính phủ Mỹ đang đổ tiền liên tiếp vào Georgia, nhưng trong tuần này họ không những không phản đối mà còn góp một tay nữa. Cuộc tấn công của Nga gây thiệt hại cho Georgia hơn một tỷ Mỹ kim về kinh tế. Nhưng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã hứa sẽ cho Georgia vay 750 triệu Mỹ kim, Ngân Hàng Thế Giới đã chấp thuận món nợ 350 triệu Mỹ kim để xây dựng hạ tầng cơ sở. Chính phủ Mỹ lại hứa một tỷ đô la viện trợ. Và Liên Hiệp Âu Châu sẽ viện trợ Georgia một tỷ đồng Euro (gần tỷ rưỡi đô la Mỹ) nữa. Một hậu quả khác về ngoại giao là các nước cộng sản cũ ở Âu Châu và các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ đều lo lắng hơn sau khi quân Nga tấn công Georgia. Lo lắng nhưng không lo sợ, trái lại, họ tìm cách giảm bớt mối lo bằng cách tiến đến gần các nước Tây Phương và Trung Quốc hơn. Các nước vùng biển Baltic tỏ thái độ rõ rệt nhất. Ba nước Latvia, Estonia, và Lithuania đã cùng với Ba Lan đưa ra một tuyên ngôn coi cuộc khủng hoảng tại Georgia là một thử thách mà Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) phải đối đầu. Ngay sau khi bản tuyên cáo được đưa ra, đại sứ Nga tại Latvia đã chính thức cảnh cáo các nước trên, nhưng vô hiệu. Cả 3 nước vùng Baltic đều đã từng bị Nga sáp nhập trong thời Xô Viết, và Ba Lan từng bị Nga cộng sản hóa trong nửa thế kỷ, nhưng nay cả 4 nước đều là thành viên của Nato. Ðiều 5 trong hiến chương của minh ước này viết rõ rằng nếu một nước thành viên bị tấn công thì các nước khác sẽ tới giải cứu. Vì thế, họ không run sợ trước những lời đe dọa của Nga. Sau vụ Georgia, Ukraine, một nước khác thuộc Liên Xô cũ càng cảm thấy bị đe dọa và tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Nga. Với 17 triệu người nói tiếng Nga trong một quốc gia có 47 triệu dân, Ukraine lúc nào cũng lo Nga sẽ xúi giục một cuộc nội loạn để chiếm lấy vùng Crimea ven Hắc Hải. Dưới thời cộng sản, các chính phủ Liên Xô đều có chính sách lưu đầy dân các nước vùng Baltic, vùng Caucase, Hắc Hải đi Siberia, và đưa người Nga chính gốc tới sống tại các quốc gia này để “trồng người.” Nga cũng di dân sang các nước Hồi Giáo ở Trung Á như vậy. Tuy bị đe dọa trước vụ Georgia nhưng ông tổng thống Ukraine lại tỏ ra sẵn sàng đương đầu với ông Putin trong một cuộc chiến tranh cân não. Một lý do cũng là để ông tranh giành ảnh hưởng với bà thủ tướng, là người bị coi là quá mềm yếu đối với Nga. Ông tổng thống sẽ được dân Ukraine cho điểm tốt vì trong tâm thức dân tộc này không ai quên được hơn 4 triệu người Ukraine đã chết đói trong vụ tập thể hóa nông nghiệp của Stalin hồi 1930. Ngay giữa cơn khủng hoảng chính trị vì ông tổng thống và bà thủ tướng bất đồng, cả hai người vẫn tiếp đón ông phó tổng thống Mỹ đến trấn an các quốc gia trong vùng này. Trong tuần trước, ông Thủ Tướng Putin đã chính thức trấn an Ukraine rằng Nga không bao giờ có tham vọng trên nước này, và ông nhắc lại Nga đã cam kết từ lâu công nhận vùng Crimea là thuộc Ukraine. Các nước miền Trung Á thuộc Liên Xô cũ vẫn còn nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga, nhưng quyền lợi của họ khiến nước nào cũng muốn đi tìm thế đối trọng qua đường liên hệ với các nước lớn khác. Một mục tiêu trong chuyến đi của Phó Tổng Thống Cheney tuần này là đến Azerbaijan. Ông sẽ bảo đảm nước này và những nước bên kia bờ biển Caspian như Turkmenistan, Kazakhstan, Tajikistan, là dầu, khí của họ có thể an toàn chuyển qua Azerbaijan và Georgia sang thị trường Âu Châu và Phi Châu. Những quốc gia nhiều dầu và hơi đốt này cũng không muốn bị lệ thuộc vào các đường dẫn dầu qua Nga và Iran. Trong tuần qua bốn nước trong vùng, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, cũng là một nước láng giềng lớn đã bầy tỏ tinh thần độc lập đối với Nga trong cuộc họp của Liên minh Thượng Hải, trong đó họ không ủng hộ Nga trong việc tách hai vùng đất của Georgia ra khỏi nước này. Cộng Sản Bắc Kinh có nhiều lý do để từ chối ủng hộ Nga: ngay trong nước họ cũng có nhiều vùng muốn ly khai. Cho nên trong tuần trước ngoại trưởng Trung Quốc đã bầy tỏ “mối quan ngại” trước việc Nga công nhận hai vùng mới ly khai khỏi Georgia tuyên bố độc lập. Hồi đầu năm nay, khi Nga lên án việc các nước Tây Phương công nhận Kosovo tuyên bố độc lập, lúc đó Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ lập trường của Nga. Nếu Nga tiếp tục các hành động đe dọa các nước láng giềng, chắc thái độ của Trung Quốc sẽ nghiêng về phía Mỹ. Trung Quốc có thể là một nước được lợi trong vụ ông Putin đánh Georgia. Ðối với Bắc Kinh, khi nào nước láng giềng phía Bắc của họ bị rắc rối ở nơi khác thì tốt cho họ, nhất là khi nước Nga phải lo đối phó với cả Âu Châu lẫn nước Mỹ ở vùng Caucase. Nhiều vùng tranh chấp giữa Nga và Trung Quốc vẫn còn được “cất tạm trong tủ lạnh” vì chưa ngã ngũ. Người Trung Hoa vẫn tiếp tục vượt biên giới sang Nga sinh sống, hợp pháp hoặc không hợp pháp. Trung Quốc phải ủng hộ các nước Trung Á giữ tư thế độc lập với Nga, để bảo đảm nguồn tiếp tế dầu, khí, để chính Trung Quốc không bị lệ thuộc vào dầu khí của Nga. Trung Quốc cũng đang đầu tư vào ngành dầu khí của Iran và Iraq, dầu từ đó có thể chuyển qua ống tới Trung Quốc. Trong cuộc cãi cọ giữa Nga và các nước Tây Phương, Trung Quốc tìm cách đứng ngoài, nói những lời nhân nghĩa, và hưởng lợi. Còn Nga đang bị cô lập. Vụ Nga tấn công Georgia giúp cho những nước đối nghịch của Nga là Âu Châu và Mỹ đoàn kết với nhau hơn. Mặt khác, những nước láng giềng của Nga lại lo ngại để tìm cách đề phòng Nga nhiều hơn. Họ sẽ kết bạn với Mỹ, Âu Châu và Trung Quốc nhanh hơn trước. Khi kinh tế các xứ này càng liên kết với thế giới nhiều hơn thì các nước khác sẽ phải quan tâm bảo vệ họ nhiều hơn. Nước Nga sẽ bị cô lập hơn về ngoại giao trong hàng chục năm tới. Một độc giả Nhật báo Người Việt đã viết thư nêu lên giả thuyết cho là chính phủ Mỹ đã cố ý xúi ông tổng thống xứ Georgia “làm bậy” để cho ông Putin xua quân qua Georgia trừng phạt, để ông Putin sa bẫy. Chúng ta khó tin những lời bàn kiểu “Mao Tôn Cương” đó. Vì chính phủ một nước lớn như nước Mỹ không thể chơi những trò nguy hiểm như vậy; nguy hiểm đến tính mạng hàng trăm, hàng ngàn người, mà hậu quả không thể tính trước được sẽ ra sao. Người lãnh đạo nước Mỹ có thể quyết định sai lầm, vì thiếu tin tức đúng, cũng như mọi người vậy. Nhưng họ rất khó làm những việc liều lĩnh, vì họ đều biết mình chịu trách nhiệm trước dân chúng, trước lịch sử. Tuy nhiên, khi một nhà bình luận có uy tín quốc tế như ông Martin Wolf cũng nêu lên mối nghi ngờ đó, thì chúng ta phải chú ý hơn. Cuối tuần vừa qua, Martin Wolf đã viết trên nhật báo Fiancial Times ở London rằng ông Putin đang muốn gây một cuộc tranh chấp với Tây Phương để củng cố uy tín và quyền hành của chính ông trên nước Nga. Còn ở Mỹ thì nhiều người cũng muốn lôi nước Nga trở lại một tình trạng “chiến tranh lạnh” với lý do khác. Chỉ cần một vài người có tiếng trong chính trường Mỹ (không nhất thiết là nhân viên trong chính phủ, và chắc là không phải), họ chỉ cần nói xúi bẩy vài câu là ông tổng thống nước Georgia có thể tưởng bở. Ông nóng tiết đem quân “trừng phạt” đám côn đồ ở Nam Ossetia đang sát hại người dân Georgia, tưởng rằng ông Putin sẽ không dám đụng tới mình! Và thế là một cái bẫy được trương lên để mời ông Putin tiến tới! Trong khi đó thì hai đảng ở Mỹ đang tranh cử. Nếu vụ Georgia càng sôi nổi, nếu Nga với Mỹ càng công khai đấu khẩu gay go, thì ai cũng biết đảng nào và ứng cử viên nào sẽ thêm ưu thế! Tất cả cũng chỉ là những giả thuyết, không nên coi là sự thật chắc chắn. |