Vì sao Hoa Kỳ tuột dốc vào chốn mê sảng?Khi thị trường chứng khoán trôi vào vùng mê sảng như trong 10 ngày qua (bảy ngày kinh doanh dài như một thế kỷ), mọi tính toán đều có thể trật vuột. Nhưng, từ đáy vực mà nhìn lên, may ra ra sẽ thấy ra một sự tình khác.Trong thời chiến - Hoa Kỳ vẫn còn hai chiến trường ngùn ngụt lửa tại Iraq và Afghanistan - hiện tượng tiền rẻ khiến mọi người tinh toán rủi ro theo lối cực kỳ rủi ro. Tiền rẻ nhờ lãi suất hạ và nhờ đầu tư từ khác xứ khác chảy vào như nước (hai tỷ một ngày kinh doanh) khiến ai cũng nghĩ đến cách kiếm lời cao hơn. Vì vậy, mọi người đều dần dần trút tiền vào các dự án có rủi ro cao hơn. Trong loại dự án rủi ro, có loại tín dụng thứ cấp subprime của những người thiếu tiêu chuẩn đi vay.
Thời thịnh đạt, loại tín dụng rủi ro ấy vẫn là khí cụ đầu tư kiếm ra lời nên được lồng vào trong các kén nợ đem bán để lấy tiền mua tiếp và bán tiếp. Khối nợ thứ cấp ấy trị giả khoảng 540-550 tỷ Mỹ kim. So với tổng sản lượng khoảng 14 ngàn tỷ thì cũng không nhiều, dưới 4% của GDP. Có mức rủi ro thấp hơn sub-prime một chút, nhưng vẫn rủi ro, là loại nợ gọi là Alt-A, với số dư nợ hiện nay khoảng hơn 700 tỷ. Tổng cộng, sau giai đoạn hồ hởi sảng và trái bóng gia cư rồi tín dụng cùng bể mà có bị mất sạch cả hai khối nợ bất trắc ấy, Hoa Kỳ chỉ mất chừng 1.300 tỷ Mỹ kim là tối đa. Bằng 9,2% tổng sản lượng toàn quốc trong cả năm.
Đầu năm 2000, trái bóng cổ phiếu cao kỹ (hi-tech, niêm yết trên thị trường Nasdaq) cũng đã bề, kéo theo nạn sụt giá chứng khoán và gây ra suy trầm kinh tế cho năm sau. Vụ bể bóng ấy khiến thị trường chứng khoán đã mất tám ngàn tỷ đô la trên có vài tháng (tương đương với khoảng 80% GDP, và tính theo ngày nay thì ở khoảng 11.200 tỷ đô la). Trong có vài tháng!Nhưng thời đó, kể cả sau vụ khủng bố 9-11 rồi chiến dịch Afghanistan, vụ Enron, v.v... có ai nói đến "Tổng khủng hoảng" không? Lần này, giới chính trị đã nói đến Tổng khủng hoảng từ năm.... 2004, từ cuộc bầu cử trước. Rồi trong suốt 18 tháng vừa qua của cuộc bầu cử này. Kết cuộc, vì sợ mất 550 tỷ tín dụng subprime hay 700 tỷ cấp cứu tài chánh (tạm gọi là "kế hoạch Paulson), người ta mất khoảng 600 tỷ mỗi ngày trong bảy ngày kinh doanh của thị trường chứng khoán!Trong khi ấy, số nợ subprime thực sự bị mất vẫn chưa lên tới 60 tỷ và loại nợ kế tiếp về rủi ro là Alt-A cũng chỉ mất chừng 40 tỷ. Nếu có kể thêm những khoản nợ khó đòi và có thể cũng sẽ mất của loại thứ cấp và Alt-A thì cũng chỉ có khoảng 130 tỷ Mỹ kim, chưa bằng 1% của tổng sản lượng GDP!
Vì vậy, sự hốt hoảng đã gây khủng hoảng và có nói gì vào lúc này thì cũng chỉ là nói trong hư vô. "Có người rủ nhân loại đi thăm địa ngục, mà không ai trả lời!" Chỉ vì mọi người đều nghĩ rằng mình đang trôi vào đó, nên tất nhiên sẽ trôi vào đó.Bây giờ, ta mới nhìn ngược lên để tìm hiểu vì sao và làm sao có thể ngoi lên khỏi bờ vực.Khi thị trường gia cư, hay cả chứng khoán, mà bị bể sau một giai đoạn hồ hởi sảng, thì kinh tế có thể bị suy trầm, trung bình khoảng một năm, dài lắm là hai năm (như vụ suy trầm sau thời Jimmy Carter, từ tháng Giêng đến tháng Bảy 1980 rồi từ tháng Bảy 1981 tới tháng 11 năm 1982, tổng cộng là hai năm).
Những tế bào ung thối hay thừa thãi của một cơ thể bị nhiễm độc sẽ được gột sạch trong giai đoạn điều chỉnh - giai đoạn uống thuốc xổ để trục độc. Lần này có khác.Các khoản nợ gia cư đều là tờ giấy có ngôi nhà lù lù nơi đó làm vật đảm bảo nên có vẻ an toàn hơn cổ phiếu, là tờ giấy ảo.
Nhà tài trợ gia cư còn có thể bán khoàn nợ ấy đi để lấy tiền tài trợ tiếp và được chính quyền khuyến khích như vậy hầu giúp dân nghèo có cơ hội mua nhà. Mỗi vòng quay của giấy nợ lại sinh ra lời và đẻ ra nợ mới, để đạt thêm mối lời mới - với rủi ro hơn. Từ thị trường tài trợ gia cư, các kén nợ ấy trở thành chứng phiếu cho thị trường đầu tư tài chánh, cho các ngân hàng đầu tư, các quỹ đầu tư đối xung (hedge funds) của Hoa Kỳ vả cả thế giới.
Trung Quốc cũng châm vào hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac khoảng 400 tỷ trong trò chơi kiếm lời đó. Điều ít ai nghĩ ra trong cơn hồ hởi sảng là mức lời sẽ thụ hẹp dần khi có quá nhiều người tham gia trò chơi đuổi bắt bong bóng, trong khi mức độ hiểm tai, rủi ro, thì gia tăng gấp bội. Mà các "trọng tài" đứng ngoài tính điểm, là các công ty lượng giá trái phiếu (thẩm định giá trị của giấy nợ so với rủi ro) như S&P, Moody's hay Fitch, cũng hồ hởi không kém những kẻ trong cuộc. Và chính quyền thì còn tệ hơn vậy vì yếu tố chính trị "phải đạo". Ai dám nói thẳng là đừng lấy rủi ro vay mượn quá sức hoàn trái của mình?
Ngoại lệ duy nhất là... Thống đốc Sarah Palin trong cuộc tranh luận với Nghị sĩ Joe Biden. Nhưng khi ấy đã trễ, và chẳng còn ai muốn nghe nữa. Vì mọi người đều hốt hoảng và tìm cách đổ lỗi cho ai khác, nào là tài phiệt Wall Street, nào là chính khách gian manh ăn tiền của bọn bất lương bất cẩn để ngó qua chỗ khác, v.v...
Kết cuộc thì trái phiếu gia cư, vốn là loại an toàn vì còn có ngôi nhà ở nơi đó làm vật đảm bảo, đã hết an toàn. Tín dụng thứ cấp sụp đổ đã kéo theo mọi loại nợ khác và gây ra ách tắc tín dụng khiến nhiều cơ sở tài chánh sụp đổ hàng loạt. Khủng hoảng gia cư đẩy lên khủng hoảng thứ cấp, gây ra khủng khoảng tài chánh và bóp nghẹt sinh hoạt kinh tế ở bên dưới! Sau Bear Sterns tới Lehman Brothers, Merrill Lynsh và Washington Mutual, v.v...
Tội ác của Wall Street đã thành tội nghiệp cho cả nền kinh tế.Kế hoạch cấp cứu của Tổng trưởng Paulson (cứ nói 700 tỷ cho gọn) có hy vọng tháo gỡ ách tắc tín dụng bằng cách bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Nhưng ách tắc chính trị trong mùa bầu cử và khủng hoảng lãnh đạo vào cuối trào của Bush đã hoàn tất nhiệm vụ mê sảng còn lại: làm mất niềm tin vào kế hoạch cấp cứu trước khi kế hoạch này đi vào thực tế.
Việc cấp cứu không thể hoàn thành một sớm một chiều, nhưng không còn ai nghĩ đến điều ấy nữa. Trước khi tiền bạc được tung ra để mua lại các khoản nợ bất trắc và bơm thêm thanh khoản cho kinh tế thì sự hốt hoảng đã gieo thêm tai họa và kéo theo sự sụp dổ dây chuyển của những ngành nghề không liên hệ gì tới đầu cơ hay đầu tư tài chánh. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chạy đua giữa lính cứu hoả và đám cháy, với nhiều người lo sợ đến độ quăng lửa trên nóc nhà của chính mình. Hoa Kỳ, hay đội lính cứu hỏa của quốc gia, Ngân khố và Ngân hàng Trung ương có đủ khí cụ và cả tiền bạc, hay nước chữa lửa. Nhưng, hoảng loạn càng lan thì sẽ càng tốn nước. Và kinh tế sẽ càng bị suy trầm lâu hơn, nặng hơn. Khối lượng nước chữa lửa cần thiết cũng không là miễn phí, cứ in giấy bạc là xong, nó sẽ gây di hại cho sinh hoạt kinh tế của những năm tới vì đè nặng trên gánh quốc trái và nâng cao lãi suất trái phiếu.
Trong vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933, tổng sản lượng Mỹ mất toi 50% trong có ba năm, với tỷ lệ thất nghiệp kéo dài đằng đẵng trên đỉnh cao 25%, và số nhà bị tịch biên chiếm phân nửa tổng số các ngôi nhà được tài trợ. Chúng ta chưa đi tới tình trạng kinh hãi ấy.
Nhưng các chính khách thì chỉ nói đến viễn ảnh u ám này. Và Nghị sĩ Barack Oabma là người thắng lớn trong cơn hốt hoảng! Điều mà ít ai thấy ra: ông càng dẫn trước đối thủ McCain thì thị trường chứng khoán càng rớt mạnh. Phải chăng thị trường đã bàng hoàng tiêu hoá một kết luận bi thảm khác. Rằng Obama sẽ đắc cử! Bi thảm vì phương thuốc kinh tế của ông - tăng chi cho các dự án bao cấp nên sẽ phải tăng thuế, và kinh tế sa sút sẽ đẩy mạnh khuynh hướng bảo hộ mậu dịch, như trong thời Franklin Roosevelt - sẽ kéo dài nạn suy trầm và đẩy kinh tế xuống suy thoái!Người ta hay nói đến cuộc tranh cử tổng thống năm nay là tốn kém nhất. Ít ai ngờ là tốn kém như vậy, khi đẩy dân Mỹ vào dốc mê, trước sự bần thần của cả thế giới. |