Home Tin Tức Thời Sự Hiện tình đất nước: Mini-đại hội - Cuộc sát phạt ở thượng đỉnh

Hiện tình đất nước: Mini-đại hội - Cuộc sát phạt ở thượng đỉnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Hai, 13 Tháng 10 Năm 2008 04:23

Bùi Tín

Paris 1-10-2008
Tình hình trong nước đang có nhiều nét không bình thường

Ở Hà Nội, 2 tuần nay, có những cuộc họp kín, không công bố, được canh phòng rất cẩn mật. Từ trong nước, có dự đoán rằng đảng CS đang chuẩn bị cuộc “Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ”, thường gọi tắt là “Ðại hội giữa nhiệm kỳ” sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Ðiều chắc chắn là Bộ Chính Trị gồm 14 nhân vật đang có một cuộc họp dài, đặc biệt quan trọng, khi tình hình trong và ngoài nước đều có nhiều diễn biến phức tạp, dồn dập, dội vào trong nội bộ đảng độc quyền, gây nên những lo âu nặng nề, giữa lúc khả năng đối phó lại rất nghèo nàn eo hẹp, thậm chí tù túng, vì họ vẫn tự gò bó trong khuôn khổ khô cứng của bảo thủ và giáo điều, của cái gọi là “chủ nghĩa xã hội “ đã chỉ còn là bóng ma.

Chắc chắn nội dung cuộc họp ở chóp bu này sẽ “xì” ra ở 2 cuộc họp quan trọng cuối năm, đó là: họp Quốc Hội lần thứ 4 khóa XII sẽ khai mạc sáng 20-10, kéo dài trong 1 tháng, và họp Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CS lần thứ 8 khóa X, sẽ diễn ra vào tháng 11.

Mini-Ðại hội? Một vấn đề hiện đang treo lơ lửng là có “Ðại hội đảng giữa nhiệm kỳ” (có người gọi tắt là mini - đại hội) như đã dự kiến hay không? Nếu có, nó sẽ diễn ra vào đầu năm 2009, và hội nghị trung ương cuối năm nay sẽ phải bàn về cái mini - đại hội ấy.

Trước đây, đã có một lần đảng CS Việt Nam họp hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ, sau Ðại hội VII để “kiện toàn nhân sự lãnh đạo". Trước đó, cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chấp Hành Trung Ương khóa VII từ 24-11 đến 1-12-1993, đã bổ sung vào Bộ Chính Trị có 13 người (với Ðỗ Mười làm tổng bí thư) thêm 4 người nữa là Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm, Ðỗ Quang Thắng và Nguyễn Hà Phan. Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ từ 20 đến 25 tháng 1-1994 thông qua việc bổ sung 4 người trên đây, còn quyết định bổ sung một lúc 20 người vào ban chấp hành trung ương, từ 146 người nâng lên 166 người; trong số này, có Phan Diễn, Nguyễn Phú Trọng về sau vào Bộ Chính Trị.

Nếu sắp tới có hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ thì đây là lần thứ 2 có cuộc họp loại này.

Lẽ ra cuộc họp lần thứ 7 của Ban Chấp Hành Trung Ương (tháng 7-2008) vừa qua đã ra nghị quyết về “Ðại hội giữa nhiệm kỳ”, nhưng Bộ Chính Trị chưa đạt được nhất trí. Nông Ðức Mạnh cùng với Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Sinh Hùng... không muốn họp, cho là không cần thiết, muốn giữ “nguyên trạng' - (statu-quo) - vì Mạnh muốn bám chặt ghế tổng bí thư cho đến Ðại hội XI. Vừa có tin: cánh của Mạnh bị lép vế, buộc phải nhượng bộ, đa số trong Bộ Chính Trị muốn đá Mạnh đi, được thêm sự ủng hộ của 2 cựu tổng bí thư Ðỗ Mười và Lê Khả Phiêu.

Ngày 1-10 mới đây, Nguyễn Phú Trọng thông báo kỳ họp quốc hội tháng 10 này sẽ chưa bàn đến việc sửa đổi Luật Ðất Ðai như dự kiến, ắt là thực hiện ý định chung của Bộ Chính Trị đang họp, tránh né yêu cầu mạnh mẽ, rộng khắp là trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, là không chấp nhận việc sửa đổi luật Ðất Ðai.

Một chuỗi sự kiện nóng bỏng: Cần nhận rõ vài đặc điểm của hiện tình đất nước và hiện tình của đảng CS khi sắp bước vào những cuộc họp lớn cuối năm.

Nạn lạm phát phi mã lên đến gần 30% kể từ đầu năm, giáng vào mỗi người dân, gia đình lao động và công chức; khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới phơi bày thêm những yếu kém vốn có của kinh tế-tài chính trong nước; qua 8 tháng nhập siêu hơn 16 tỷ US$; chứng khoán VN index rơi tự do từ 1.200 xuống dưới 500; vốn đầu tư FDI và viện trợ quốc tế ODA đưa vào khá nhiều, nhưng khả năng thực hiện quá yếu, chỉ giải ngân được dưới 1/4 (12 tỷ trên 57 tỷ US$) trong 9 tháng đầu năm, do hành chính quan liêu, tham nhũng, thiếu nhân lực có chất lượng; nông thô trì trệ, ô nhiễm nặng, thành bãi rác của công nghiệp; đầu tư lệch lạc, nặng về hào nhoáng, ăn xổi, tập trung vào khách sạn, nhà hàng, nhà ở loại sang, khu nghỉ mát, du lịch, sòng bài, sân golf , coi rất nhẹ đời sống xã hội, như nước sạch, hệ thống tải điện trong đô thị, hệ thống cống rãnh, giao thông; chống tham nhũng lãng phí vô hiệu, nói nhiều làm ít; vấn đề dân oan vì mất đất, bất công dai dẳng, vấn đề tự do tôn giáo thành vấn đề chính trị phức tạp, bế tắc; xã hội xuống cấp nghiêm trọng về văn hóa, đạo đức: cờ bạc, nhà thổ, nghiện hút, giết người, buôn lậu, hàng giả, bằng giả, thuốc giả, buôn người, buôn phụ nữ, trẻ em, buôn người lao động, trò giết thầy, thầy đánh trò, xã hội đảo điên.

Ðặc điểm tình hình hiện nay là những kết quả ban đầu của đổi mới kinh tế, phát triển nông nghiệp, tăng xuất khẩu, không khí phấn chấn khi được tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO cuối năm 2006... tiêu tan dần, nhường chỗ cho khủng hoảng kinh tế-tài chính-xã hội-tâm lý đang mở rộng. Ðà phát triển hụt hẫng, tỷ lệ phát triển tụt xuống chỉ còn 6%, vụ án tham nhũng số 1 PMU18 bị lật ngược, gây nên một không khí bi quan, bực bội, giảm hẳn niềm tin ở bộ máy lãnh đạo và cầm quyền.

Nét nổi bật trong tâm lý xã hội là người dân bình thường ngày càng nhận rõ rằng hệ thống lãnh đạo và cầm quyền hiện nay không ngang tầm với trách nhiệm, thiếu cả tài năng và đức độ, ở dưới mức trung bình của thế giới về thực thi pháp luật nghiêm minh, về thực hiện công bằng và bình đẳng trong xã hội, về xây dựng nền văn hóa mới, về xây dựng nền báo chí năng động thành mũi nhọn tiền phong trong đổi mới.

Những tiếng nói ngay thẳng, khảng khái trong xã hội ngày càng vang lên mạnh mẽ, công khai, chỉ rõ ban lãnh đạo độc đoán là bộ chính trị 14 người hiện nay đã thất bại rõ rệt trong công việc ưu tiên chống tham nhũng, nuốt lời hứa long trọng chống tên “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hiểm này; [phó giáo sư Trần Ðình Thiên phó viện trưởng Viện Kinh Tế VN, trong trả lời phỏng vấn của TTCT, chứng minh rằng: tham nhũng lãng phí đã làm giảm đến 4 % GDP/năm, chi phí “bôi trơn” quá lớn làm mệt mỏi các nhà đầu tư, qui hoạch đầu tư nhiều sai lầm như hàng loạt nhà máy đường phá sản; 30% vốn xây dựng cơ bản bị thất thoát; hệ thống chính trị coi làm quan chức là con đường làm giàu duy nhất, không có liêm sĩ, không trau dồi đạo đức, không bị luật pháp đủ nghiêm để chế tài].

Chỉ trong vài tháng nay, một chuỗi sự kiện nghiêm trọng xảy ra làm nổi bật sự yếu kém của lãnh đạo và quản lý, phơi bày sự bất lực và hèn kém của bộ chính trị, khi hàng loạt cầu cống lớn gãy đổ, rạn vỡ, vụ án PCI Pacific Consultant Nhật Bản và vụ án Nexus Technologies Hoa Kỳ bị tiết lộ, dòng sông Thị Vải bị bức tử từ 13 năm nay trong sự vô cảm của chính quyền và ngành bảo vệ môi trường, rồi vụ đàn áp trí thức và sinh viên yêu nước biểu tình trước sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc phơi bày sự ươn hèn của lãnh đạo trước bọn bành trướng; cho đến gần đây là việc Ủy Viên Bộ Chính Trị Phạm Quang Nghị ra quân đàn áp các linh mục và giáo dân sau khi cướp đất của họ ở khu Nhà Chung và xứ Thái Hà, với thủ đoạn đen tối liên kết với bọn du côn, lưu manh chuyên nghiệp, cho chúng uống rượu để lao vào hành hung giáo dân tay không, rồi dùng báo chí kể cả báo Nhân Dân của đảng CS làm việc đê hèn vu cáo, xuyên tạc, cắt cụt câu nói của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt để rồi họ nhận được những bài học làm người nhớ đời. [mời các bạn đọc bài Tự Trọng của anh Ðỗ Mạnh Tri trên mạng].

Trên đất nước ta, chưa thời nào, chưa lúc nào có nhóm cầm quyền chóp bu hạ cấp, mất hết tự trọng, phản dân tộc, vô trách nhiệm, tệ hại quá đáng, bị nhân dân khinh ghét đến thế.

Ðấu đá nhân sự

Theo tin từ Hà Nội, chưa bao giờ vấn đề nhân sự lãnh đạo lại căng thẳng và nóng bỏng như hiện nay. Nhớ lại các khóa trước, các quan lớn đại thần cộng sản còn chỉ mặt nhau: ịcó gì đâu, nó từng hạ ta, nay ta hạ nó”; “kẻ này có 7 tội”, “kẻ kia có 10 tội”; “những tên này là tay sai Mỹ, có bằng chứng bán mình cho CIA”; rồi khi Lê Duẩn hấp hối, Lê Ðức Thọ mò đến, chìa bút giấy ra yêu cầu Lê Duẩn viết lời chúc thư giao chức tổng bí thư cho mình, bị Lê Duẩn đuổi cổ:”cút khỏi đây! tên vô lại!”

Nông Ðức Mạnh được tiết lộ là rất kiên trì “xin được phục vụ đến Ðại hội XIỂ vì tự thấy còn sức (!),vì xem ra chưa chọn được ai nổi vượt lên để thay mình. Thế là nhiều vị phải thuyết phục Mạnh, còn vạch đủ nhược điểm và sai lầm của Mạnh, tuổi cao (69 tuổi), tính nhu nhược, trình độ lý luận kém, ăn nói dở, không có nội dung, quá thu vén cho cá nhân và gia đình, bênh che tham nhũng vì con gái và con rể dính vào bộ máy PMU 18, ép trung ương cho con trai Nông Quốc Tuấn học hành yếu kém vào ban chấp hành trung ương không thành, lại cố đưa lên Sơn La để được bầu vào Quốc Hội, thành nghị gật, chưa nói một câu nào ở Quốc Hội...

Nguyễn Minh Triết hy vọng được kiêm chức chủ tịch nước với tổng bí thư, nhưng mức tán thành quá thấp vì kém toàn diện, ý kiến nghèo nàn, lý luận thấp, giao thiệp vụng về, ngoại ngữ yếu kém; lại yếu đau, ho suyễn, ung thư phổi; sức làm việc kém trong khi phải xử lý rất nhiều tình huống.

Nguyễn Tấn Dũng trong thế thủ, cố giữ nguyên chức thủ tướng, bị chiếu tướng nặng nề: lạm phát quá cao, lãnh đạo tài chính nhiều sơ hở, đầu tư lệch lạc, cải cách hành chính ỳ ạch, nhiều bộ quá kém như Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư, Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Khoa Học và Công Nghệ...

Cuối cùng có 3 người được nêu lên để chọn: Trương Tấn Sang (60 tuổi) hiện là thường trực Bộ Chính Trị, vốn ở Thành Ủy Sài Gòn, hơn 10 năm trước sống buông tuồng, gây bi kịch gia đình, mất uy tín, đưa lánh ra Hà Nội làm trưởng ban Kinh Tế Trung Ương nhưng kém hiểu biết về mặt này. Nổi tiếng là công tử bột Bạc Liêu (tuy quê ở Long An), là play-boy, rất thích nhậu nhẹt và mê gái;

- Hai là Phạm Quang Nghị, 60 tuổi, quê Thanh Hóa, được đưa lên thời Lê Khả Phiêu, làm bộ trưởng văn hóa; chính cán bộ trong Bộ Văn Hóa hồi ấy tố cáo Nghị ăn bẩm trong vụ chính phủ Pháp viện trợ tân trang Nhà Hát Lớn Thành Phố Hà Nội, Nghị lập 5 công ty của bộ (về ốp tường, lợp mái, thiết bị sân khấu, ghế ngồi, trang trí, thảm, an ninh...) để nhận thầu công trình này, riêng bộ trưởng nuốt 15% giá thầu. Bộ Công An cử đoàn điều tra nhưng Nghị cầu cứu Phiêu để ém nhẹm. Báo Pháp từng nói về vụ bê bối này. Gần đây Nghị mất uy tín vì chỉ đạo quá kém vụ Thái Hà và Tòa Khâm sứ;

- Ba là Hồ Ðức Việt, 62 tuổi, quê Nghệ an, tốt nghiệp tiến sĩ môn toán lý ở Praha (Tiệp). Việt nổi tiếng là con người khép kín, không nói, không phát biểu, không giao du, ngậm miệng ăn tiền. Khi làm chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học Công Nghiệp Và Môi Trường Của Quốc Hội, có biết bao chuyện quan trọng và khẩn cấp, Việt vẫn ngủ gật dài (theo một thành viên của ủy ban này). Làm trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, tự cô lập mình thì làm sao tìm kiếm phát hiện người tài giỏi được! làm tổng bí thư thì càng gay.

Vậy thì ai sẽ là Tổng bí thư, là nhân vật số 1, là chóp bu của chóp bu của chế độ độc đoán, độc đảng, độc quyền giữa thời khủng hoảng toàn diện này? Ai sẽ làm vua giữa 14 ma vương?

Ðiều phi lý, trớ trêu, mang tính bi thảm là nhân dân ta, cử tri nước ta không hề có một tiếng nói nào trong việc phát hiện, đề cử, kén chọn người lãnh đạo cao nhất của nước mình. Ngay cả 3 triệu đảng viên CS cũng đứng ngoài cuộc gọi là lựa chọn kỳ quặc, quái đản này.

Sắp đến nhân vật ngồi trên đầu 86 triệu dân ta chỉ là con đẻ của một cuộc sát phạt nhau giữa 14 nhân vật, không có một sự ủy nhiệm nào của nhân dân, trong một căn phòng nhỏ được canh phòng cực kỳ cẩn mật, cách ly khỏi xã hội; 14 ngôi sao mờ ảo mà tài đức đều đã phơi bày ra sự không ngang tầm với trách nhiệm, khi “quan trí” tỏ ra thấp lè tè, dưới xa dân trí trung bình; không thể có sự lực chọn nào khác chăng! Bỗng nhớ thời bao cấp xa xưa, ra cửa hàng gạo, chỉ có gạo mốc, không có lựa chọn đành chịu, nuốt gạo mốc vậy.