Đài Lê, một nữ ký giả VN tại Úc ra tranh cử Dân biểu với khẩu hiệu A Voice for our Community |
Tác Giả: Bai An Tran |
Thứ Sáu, 10 Tháng 10 Năm 2008 14:36 |
*Nguyễn Vi Túy Tuần qua, cô Lê Thị Trang Đài (tên thường gọi là Đài Lê) đã đến thăm các cơ quan truyền thông Việt Ngữ và loan báo ý định ra tranh cử của cô vào chiếc ghế Dân biểu hạt Cabramatta. Chiếc ghế này trước đây do bà Rega Meagher thuộc đảng Lao Động nắm giữ, nhưng trong một cuộc tranh dành quyền lực trong đảng, Thủ hiến Morris Iemma và 3 dân biểu hàng ghế trên khác đều đã phải “rũ áo từ quan” khiến các ghế Dân biểu bị bỏ trống này phải được bầu lại vào ngày Thứ Bảy 18.10 sắp đến, trong đó có đơn vị Cabramatta, nơi được mệnh danh là “thủ đô của người Việt tị nạn” tại Úc. Vài dòng về lý lịch của Đài Lê: Đài Lê rời Việt Nam với mẹ và 2 em gái trong lúc Saigòn bị sụp đổ vào tháng Tư năm 1975. Cả gia đình đã chờ người cha của họ trong một trại tị nạn ở Phi Luật Tân suốt 4 năm trời, nhưng người cha không bao giờ đến được bến bờ! Mẹ của cô lại đưa mấy đứa con lên một chiếc thuyền thứ nhì để làm một cuộc phiêu lưu khác. Sau 10 ngày lênh đênh trên biển, họ được một chiếc tàu tuần của Hồng Kông cứu vớt và đưa tới một trại tị nạn. Mẹ của cô quyết định đưa mấy chị em cô đến “một nơi có sự giáo dục tốt” để bắt đầu cuộc đời mới và bỏ cơn ác mộng lại sau lưng, và họ được nhận vào Úc. Khởi đầu gia đình cô định cư ở Wollongong, nơi có rất ít người Việt. Lúc đó Đài Lê mới 11 tuổi và phải nhanh chóng học tiếng Anh để hội nhập với cộng đồng. Cô tốt nghiệp Trung học và học Luật tại trường Đại học Sydney một thời gian, nhưng sau đó đã chuyển sang học về ngành truyền thông, báo chí. Cô là một ký giả đã nhận được giải thưởng của Đài phát thanh ABC, chuyên ban về sản xuất tài liệu Lịch sử và Xã hội Quốc gia. Cô trở thành ký giả để đại diện cho những người không có tiếng nói và chia sẻ các câu chuyện của họ qua phim ảnh và các bài viết. Cô ra tranh cử lần này để có thể tiếp tục làm tiếng nói cho người dân ở vùng Cabramatta. Cô lớn lên tại Cabramatta, nơi cô bắt đầu sự nghiệp làm ký giả, và là nơi cô có rất nhiều liên hệ sâu sắc và hiểu biết tường tận. Nay cô muốn trở thành tiếng nói đại diện cho cộng đồng sinh động này và cho những người sinh sống tại đây. Sau đây là cuộc phỏng vấn chớp nhoáng mà cô Đài Lê đã dành cho nhà báo Nguyễn Vi Túy. Hỏi: Chắc phải có một lý do quan trọng nào đó, mới khiến cô ra tranh ghế Dân biểu tại đơn vị Cabramatta? Đáp: Thưa anh, lý do lớn nhất là vì Cabramatta không là gì cả đối với Reba Meagher và đảng Lao Động, và họ đã chẳng quan tâm đến đơn vị này trong nhiều nhiệm kỳ qua! Chúng ta không thể tiếp tục chịu đựng hoàn cảnh này mãi, và Đài muốn nơi này ngày càng tốt đẹp hơn bởi “nó là tất cả” của Đài và tập thể người Việt tị nạn của mình nữa. Hỏi: Còn có lý do nào khác không? Đáp: Cabramatta còn tồn đọng nhiều vấn đề lắm, một trong những vấn đề cần giải quyết ngay là chỗ đậu xe. Đài đã phải chịu đựng cảnh “chạy vòng vòng” (trong nhiều năm qua) để tìm chỗ đậu mà không ra, nhiều người phải đậu đại vào chỗ này chỗ kia và bị phạt oan uổng! Một khi chỗ đậu xe không có thì kéo theo nhiều vấn đề khác, thí dụ như các dịch vụ buôn bán của người Việt mình cũng vì thế mà mất khách! Rõ ràng là khách kéo đến vùng Cabramatta ngày càng đông, mãi lực thương mại có, nhưng phát đạt và trù phú thì chưa. Và mình phải tìm cách để biến nơi này thực sự trở thành “thủ đô” của mình, chứ không phải là một khu bị cô lập và bị bỏ rơi bởi các chính trị gia không thực tâm sống chết với nó! Hỏi: Cô là một đảng viên của đảng Tự Do (Liberal), ra tranh cử dưới sự hỗ trợ của đảng này. Tại sao trong lúc nhiều người chọn đảng Lao Động (Labor), cô lại chọn đảng Tự Do? Đáp: Những ai đến Úc lâu như anh và Đài mới hiểu và biết được rằng, chính đảng Tự Do dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Malcolm Fraser mới chính là đảng đã có chính sách mở cửa để thâu nhận người tị nạn Việt Nam. Đảng Lao Động lúc ấy đã chống đối dữ dội việc này, và đó là lý do Đài gia nhập đảng Tự Do như là một sự tri ân đối với đảng này khi nhận gia đình Đài từ Hồng Kông vào Úc. Hỏi: Cô muốn tạo một “thành tích lịch sử” khi là một phụ nữ Việt Nam tị nạn đầu tiên trở thành dân biểu ở Úc? Đáp: Nếu Đài Lê đắc cử thì đúng thế, bởi cho đến nay Đài vẫn là người Việt Nam duy nhất trong hệ thống truyền thông ABC của chính phủ Úc đại lợi, Đài cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên ra tranh cử ghế Dân biểu tại đơn vị này. Tại Úc chúng ta có nhiều Nghị viên và Nghị sĩ gốc Việt, nhưng Dân biểu thì chưa ai làm được như bên Mỹ. Hỏi: Cô nghĩ những yếu tố nào sẽ khiến cô nhận được phiếu ủng hộ từ cử tri trong vùng Cabramatta? Đáp: Đài nghĩ, Đài có cơ hội để trở thành “tiếng nói của cộng đồng”, bởi Đài đã sinh sống quá lâu trong vùng này, hiểu biết được tâm tư và nguyện vọng của cư dân. Trong nghề nghiệp cũng vậy, Đài luôn tìm cách để thực hiện các chương trình nói về nguồn gốc tị nạn của người Việt mình, và đánh tan các thành kiến kỳ thị trong một số người Úc muốn “Úc là quốc gia của người da trắng”. Và nếu phe đối lập của đảng Tự Do tại NSW lên cầm quyền trong nhiệm kỳ tới, Đài hứa sẽ đề đạt các nhu cầu của Cabramatta và giải quyết tận gốc rễ. Chính quyền Lao Động tiểu bang lẫn địa phương đã quá coi thường vùng này, họ muốn làm gì thì làm, và phần lớn thì lại chẳng làm gì cả, vì thế câu trả lời đích đáng nhất là cử tri vùng Cabramatta phải có thái độ, và cho họ thấy sức mạnh của lá phiếu. Hỏi: Cô vừa nói tới chính quyền địa phương. Đối thủ chính của cô là ông Nick Lalich. Cô nghĩ sao về ông ta? Đáp: Tôi biết ông ta rất rõ, từ khi tôi làm ký giả ở tờ báo địa phương (Champion) và phụ trách về vấn đề Hội Đồng Thành Phố, và cũng từng phỏng vấn ông ta mấy lần. Ông ta rất dễ mến, nhưng trọng trách Thị Trưởng mấy nhiệm kỳ đã cho thấy ông không giải quyết được vấn đề chỗ đậu xe cho vùng Cabramatta. Nay ông lại muốn kiêm nhiệm thêm chức Dân biểu, thì quả là điều đáng ngại, và như thế rất khó mà ông ta chu toàn được nhiệm vụ! Quý vị nghĩ coi, việc làm Thị Trưởng thành phố Fairfield cũng đa đoan lắm việc rồi, nay ông Lalich lại muốn là người “giữ ghế” cho đơn vị Cabramatta nữa thì cử tri vùng này không nên để ông ta có cơ hội trở thành “một người làm 2 job!” như thế được! Bởi nếu rơi vào trường hợp này, các vấn đề của Cabramatta chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn! Không phải Đài nói xấu, nhưng rõ ràng các “việc nhỏ” trong thành phố Fairfield mà ông Lalich không làm xong, thì có thêm ghế Dân biểu thì cũng chỉ để làm vì thôi. Chúng ta phải chọn người có trách nhiệm và khả năng, chứ không thể để tình trạng như báo chí Úc đã mô tả: “Đảng Lao Động thả con lừa ra cũng thắng” ở đơn vị Cabramatta! Hỏi: Nhìn cô không ai đoán được tuổi! Cô có thể nói đôi chút về gia đình? Đáp: Đài Lê tên thật là Lê Thị Trang Đài, mấy người quen hay gọi đùa Đài là “Linda Trang Đài” (cười). Đài năm nay 40 tuổi, đã lập gia đình với một kỹ sư điện và có một con trai 5 tuổi. Đài có sự quen biết khá rộng trong giới truyền thông Úc Việt, và luôn nhận được sự cộng tác của họ trong các đề tài mà Đài muốn thực hiện. Chồng của Đài và các thành viên trong gia đình của Đài cũng rất ủng hộ các công việc mà Đài đang làm, nhất là trong việc “xâm mình” nhận lời đề cử của trung ương đảng Tự Do để ra tranh cử lần này. Hỏi: Cô là một ký giả đã làm nhiều phóng sự giá trị cho đài truyền hình ABC và Radio. Cô có thể kể một vài cuốn phim mà cô đã làm? Đáp: Tôi vừa trở về từ Mã Lai với một nhóm người tị nạn, và đã hoàn tất cuốn phim về người Việt tị nạn mang tên “Malaysian Vietnamese Boat People” nói về hành trình đi tìm tự do, và chết vì tự do của người vượt biển, cuốn phim này sẽ được chiếu trên đài truyền hình ABC vào cuối năm nay. Đây là một cuốn phim rất cảm động, và rất sống động với đoàn người trở lại Bidong, và các nấm mộ hoang không ai coi sóc còn để lại! Tôi cũng đã làm nhiều phim khác, mà tôi xin kể những phim có liên quan đến người Việt của mình như: “Taking Change of Cabramatta”, “Starting From Zero”, “In Limbo”, và “Operation Babylift”.v.v. Hỏi: Cô còn muốn nói gì thêm trong cuộc phỏng vấn này? Đáp: Trước hết cảm ơn anh đã cho Đài có cơ hội nói lên tâm tư và nguyện vọng của mình đến cử tri vùng Cabramatta. Đài mong muốn mọi người trong cộng đồng hỗ trợ và bỏ phiếu cho Đài trong ngày Thứ Bảy 18 tháng 10 này. Nếu có bất cứ câu hỏi nào khác xin quý vị đừng ngần ngại gọi điện thoại cho Đài Lê ở số: 0416 272 271 hoặc email This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it |