|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đoàn đại diện Giám mục Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Nguyễn Văn Nhơn dẫn đầu - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ |
Sau khi nghe ý kiến với những suy tư đối với một số vấn đề liên quan đến xã hội và đất nước của các vị đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong bầu không khí cởi mở và thân mật, Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng từ ngày đất nước đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, đoàn kết giữa đồng bào Công giáo và các tầng lớp nhân dân khác được củng cố và phát triển, qua đó Thủ tướng hoan nghênh tinh thần chung sức, chung lòng của đồng bào Công giáo Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đã có những đóng góp đáng kể vào thành tựu to lớn về mọi mặt của đất nước trong những năm qua và 9 tháng đầu năm 2008. Thủ tướng thể hiện sự hài lòng về tình hình chấp hành pháp luật nghiêm túc của đại đa số đồng bào Công giáo, về xu thế sống tốt đời, đẹp đạo đang là xu thế chủ đạo trong người Công giáo Việt Nam cũng như về mối quan hệ giữa các cấp chính quyền với bà con giáo dân, với hàng ngũ giáo sĩ đạo Công giáo và với Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp trong tinh thần cùng chung lo việc đạo, việc đời, vì lợi ích chung của đất nước. Thủ tướng khẳng định quyết tâm xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết các tôn giáo để thực hiện cho bằng được mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và cho rằng chủ trương của Nhà nước duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước với các tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam là sự thể hiện đầy đủ trách nhiệm và tình cảm của Nhà nước đối với đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam. Thủ tướng khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, nhằm đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp của tín đồ các tôn giáo, để đồng bào các tôn giáo luôn yên tâm sống đạo và giữ đạo hài hòa trong lòng dân tộc. Chính sách đó được đảm bảo bằng pháp luật và phải được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do tôn giáo để có các hành vi vi phạm pháp luật, càng không thể cho rằng làm trái pháp luật mà là đúng giáo luật hay chỉ làm theo giáo luật bất chấp pháp luật. Mọi tín đồ tôn giáo Việt Nam, trước hết là công dân Việt Nam. Một tín đồ tốt phải là một công dân tốt.
Nhân cuộc gặp này, Thủ tướng cũng đề cập tới quan điểm của Nhà nước Việt Nam về vấn đề đất đai là: Theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai, đồng thời, theo Nghị quyết 23 của Quốc hội khóa XI, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại cũng như không xem xét lại chủ trương và thực hiện chính sách về nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí, sử dụng từ ngày 01/7/1991 trở về trước. Việc cho rằng Luật đất đai của ta còn bất cập nên vin vào đó để vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được. Trong khi pháp luật đang có hiệu lực thi hành thì mọi người đều phải chấp hành. Mọi nhu cầu về nhà đất đều được xem xét, giải quyết cấp đất, giao đất theo pháp luật hiện hành. Việc cấp đất, giao đất cho tổ chức tôn giáo phục vụ nhu cầu hoạt động tôn giáo cũng được thực hiện theo nguyên tắc đó trên cơ sở đề xuất của tổ chức tôn giáo, chính sách đất đai, chính sách tôn giáo và quỹ đất của địa phương. Trong thực tế nhiều nơi đã thực hiện rất tốt việc này. Đối với Giáo hội Công giáo, có thể kể đến một số trường hợp sau: Thành phố Hồ Chí Minh giao đất cho Tòa Giám mục xây Trung tâm mục vụ, tỉnh Đắc Lắc giao hơn 11.000 m2 cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột, thành phố Đà Nẵng cấp 9.000 m2 cho Tòa Giám mục Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị giao 15ha cho giáo xứ La Vang, tỉnh Nam Định giao cho khu vực nhà thờ Khoái Đồng cho giáo phận Bùi Chu, tỉnh Lâm Đồng giao 10ha để Giáo hội xây Trung tâm mục vụ giáo phận... Những trường hợp trên và nhiều trường hợp khác nữa đều được giải quyết với sự hợp tác tốt giữa Giáo hội địa phương và chính quyền sở tại trên tinh thần đối thoại và cộng đồng trách nhiệm cao. Thủ tướng cũng tỏ thái độ nghiêm khắc phê phán đối với những hành vi vi phạm pháp luật tập trung đông người cầu nguyện đòi đất, dựng ảnh tượng thánh giá, làm lều bạt, phá hoại tài sản công cộng, chống người thi hành công vụ... xảy ra ở giáo xứ Thái Hà, 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung Hà Nội vừa qua. Thủ tướng đánh giá cao về thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đó và yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó, vì nếu cứ tiếp tục như vậy, sẽ ảnh hưởng không tốt tới phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, tới quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội cũng như tới quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang trên đà phát triển tích cực.
|
Tiếp Đoàn đại diện Giám mục Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh tinh thần chung sức chung lòng của đồng bào Công giáo VN trong sự nghiệp phát triển KTXH của đất nước - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ |
Thủ tướng tỏ ý lấy làm tiếc và thực sự không hài lòng về những việc làm sai trái của Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trong thời gian gần đây như: Chủ trương, tổ chức và ủng hộ những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân tại 42 Nhà Chung và khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, thiếu tôn trọng và hợp tác với chính quyền Hà Nội trong đối thoại để tìm giải pháp thích hợp, có những lời lẽ thách thức pháp luật, có những phát ngôn dù trong ngữ cảnh nào cũng thể hiện sự xúc phạm dân tộc, coi thường vị thế đất nước và tư cách công dân Việt Nam trong mối tương quan với thế giới. Thủ tướng cho rằng những lời nói và hành vi của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã làm giảm sút lớn uy tín của ông trong cộng đồng Công giáo Việt Nam và trong xã hội, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và chính quyền Hà Nội, giữa Nhà nước và Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nghiêm túc tự xem xét lại những hành vi của mình để có cử chỉ sửa mình và hành động thiết thực để khắc phục những sai trái vừa qua, và mong muốn Hội đồng Giám mục Việt Nam với tinh thần đồng đạo và vì lợi ích chung hỗ trợ và giúp đỡ Tổng Giám mục Kiệt nhiều hơn nữa, trước hết là chấp hành đúng pháp luật.
Thủ tướng cũng giải thích thêm với các Giám mục về thiện chí đối thoại chân thành của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với việc giải quyết vụ việc ở 42 Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà vừa qua, khẳng định các cơ quan chức năng Hà Nội, không chủ trương và không thực hiện vũ lực, nhưng đối với các hành vi vi phạm pháp luật thì quốc gia nào cũng phải sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Thủ tướng cho rằng việc chuyển tải thông tin về các sự việc vi phạm pháp luật ở 42 Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà, 178 Nguyễn Lương Bằng vừa qua là cần thiết và cơ bản chính xác, còn những ý kiến góp ý về nội dung, cách thức đưa tin, yêu cầu các cơ quan truyền thông lắng nghe và cùng trao đổi để việc đưa tin đáp ứng tốt hơn đối với công chúng và xã hội. Các vị đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp đoàn và bày tỏ nguyện vọng của đồng bào Công giáo tiếp tục thực hiện đường hướng đồng hành cùng dân tộc để xây dựng đất nước phát triển. Cuối buổi gặp gỡ, Thủ tướng chúc các vị đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam và qua các vị tới toàn thể các Giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân sức khỏe, thực hiện ngày càng tốt hơn tinh thần Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh./. |