Home Tin Tức Thời Sự Liên Bang Nga trước mắt một khách du lịch

Liên Bang Nga trước mắt một khách du lịch PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Chúa Nhật, 05 Tháng 10 Năm 2008 05:05

Trần Bình Nam
04/10/2008

“… Hoa Kỳ cần thoát ra khỏi thế lưỡng đầu thọ địch bằng chính sách liên kết với Liên bang Nga để đương đầu với Trung Quốc, một thế đương đầu không tránh được vì đó là sự lựa chọn của Trung Quốc …”

Chúng tôi trở về Hoa Kỳ khi gió thu vừa tới. Nam California trở lạnh làm tôi nhớ một câu trong một bài hát nào đó của nhạc sĩ Văn Cao “chỉ cần nghe gió biết thu sang”. Đúng thu đã sang. Thu sang trong thời gian tháng 9 chúng tôi du lịch Liên bang Nga, Phần Lan, Thuỵ Điển và Đan Mạch. Khí trời Bắc âu trở lạnh với chút mưa phùn trong gió. Gió mang chất lạnh giữa bầu trời của thủ đô Moscow còn nắng vàng le lói.

Ba mươi bốn khách du lịch chúng tôi trải qua 14 ngày trong gió thu trên máy bay, đường bộ, tàu thủy, qua phà vượt biển cùng với ông Trần Chính, người hướng dẫn chuyến đi. Tại mỗi nước có thêm một người hướng dẫn bản xứ để cùng với ông Trần Chính giới thiệu đến chúng tôi quê hương xinh đẹp của họ. Họ dùng tiếng Anh chuẩn xác, vừa đủ, giữ lịch trình để không gì thiếu không gì thừa.

Chúng tôi được hưởng cái hiểu biết phong phú của ông Trần Chính nhất là về tôn giáo và nghệ thuật gồm hội họa, âm nhạc của ông. Ông có thể say sưa nói đến tôn giáo và nghệ thuật trước một giáo đường, trước một bức tranh, trước một ngôi mộ của nghệ sĩ đôi khi quên cả thì giờ và nhiệm vụ hướng dẫn của mình. Hiểu biết của ông Trần Chính gồm hiểu biết trong sách vở cộng với những chi tiết trong các tác phẩm hoa mỹ chung quanh vấn đề ông đang trình bày làm cho những gì ông thuật với khách du lịch đi từ thật đến ảo, từ sự kiện lịch sử đến dã sử lẫn lộn một cách nhuần nhuyễn với nhau. Ông Trần Chính có một lối kể chuyện hấp dẫn được tuôn ra một cách tự nhiên, cuốn hút làm người nghe say mê không còn phân biệt đâu là ranh giới của thật và ảo. Ông Trần Chính đối với khách du lịch như một vị giáo sư hướng dẫn sinh viên làm luận án. Những gì ông nói gợi ra trăm con đường đưa người nghe vào những lĩnh vực yêu thích và có thể dùng nó làm căn bản để nghiên cứu rộng thêm.

Từ thành phố Seattle chuyến bay của hãng hàng không Scandinavian (SAS) đưa chúng tôi đến thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, đổi qua một máy bay SAS khác đi Moscow, thủ đô Liên bang Nga. Về đêm, Moscow không nhiều đèn như Bắc Kinh, nhưng cảnh trí đồ sộ với những công trình xây cất vĩ đại đập vào mắt du
khách. Moscow là thủ đô của nước Nga từ năm 1480, trung tâm điểm là Công trường Đỏ (Red Square) hình tam giác nằm trước một khu hành chánh có tường thành bao quanh gọi là điện Kremlin. Hình ảnh đặc thù của điện Kremlin là chóp “hình củ hành” của các nhà thờ Chính thống giáo (Orthodox Church) bên trong Kremlin vươn thẳng lên bầu trời. Nhà thờ là trung tâm sinh hoạt tinh thần của các vua chúa Nga.

  











Sử ghi rằng từ thế kỷ thứ 9, nhiều giống dân gốc tích khác nhau đã di dân đến nước Nga và lập thành những vương quốc nhỏ sống chung quanh một tụ điểm hành chánh (gọi chung là kremlin) và dần dần hình thành một đế quốc. Một giống dân Scandinavian gọi là dân Vanagian do Rurik lãnh đạo vượt biển Baltic di cư sang và đến định cư tại thành phố Novgorod trên sông Volkhov. Người kế nghiệp Ririk là Oleg tiến dần về phía Nam chiếm thành phố Kiev đã được dựng lên bên bờ sông Gnepr vào thế kỷ thứ 5. Novgorod và Kiev họp thành một vương quốc thịnh vượng đầu tiên gọi là vương quốc Kievan Rus, một trung tâm thương mãi nằm giữa hai trung tâm: Scandinavian (bây giờ là Thuỵ Điển, Na Uy và Đan Mạch) và Constantinople (trung tâm đế quốc Byzantine tách ra từ đế quốc La Mã năm 395, bây giờ là Istanbul).

Năm 989, cháu của Oleg là Valdimir I nới rộng vương quốc đến tận bờ biển Hắc Hải, vùng núi Caucase (vùng Crimea) và vùng hạ lưu sông Volga. Vladimir muốn biến vương quốc thành một vương quốc tôn giáo và đã chọn đạo Thiên chúa chính thống thống thuộc Hy Lạp (Greek Orthodoxy) và qua đó liên minh với Constantinople và Âu châu thống thuộc La Mã. Lúc đó Hồi giáo đang thịnh hành nhưng Vladimir không chọn Islam vì ông nghĩ dân Nga không thể sống với một tôn giáo cấm rượu. Yaroslav nối nghiệp Vladimir và đã đưa đế quốc Kievan Rus đến đỉnh cao. Yaroslav hình thành luật, khuyến khích nghệ thuật và khéo léo liên minh với các thế lực khác. Khi qua đời (1054) ông chia đế quốc cho con cái và khuyến khích hợp tác để phát triển đế quốc. Nhưng chỉ trong vài thập niên anh em tranh giành nhau cuối cùng đế quốc Kievan Rus vỡ vụn thành nhiều sứ quân kình chống nhau.

Năm 1147 trong thời gian tranh chấp, sứ quân Yuri Dolguruki hợp tác với sứ quân thành Novgorod thành lập trung tâm Moscow bên bờ sông Moscow. Năm 1237 quân Mông cổ do cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Batu Khan tấn công và hủy diệt các thành phố của Kievan Rus kể cả Moscow, chỉ trừ hai thành phố Novgorod và Pskov. Sau đó quân Mông cổ trả lại đất đai cho các sứ quân chỉ buộc thần phục và triều cống. Năm 1240 Thuỵ Điển và năm 1242 quân Teutonic tấn công Nga nhưng cả hai cuộc tấn công đều bị Alexander Nevsky lãnh tụ sứ quân Novgorod đánh lui. Quân Thuỵ Điển đại bại trên sông Neva.

Trong suốt một thế kỷ sau đó Kievan Rus phát triển về phía đông bắc và cuối thế kỷ 14 thành phố Tver cũng như Moscow trở nên trù phú và Moscow trở thành tụ điểm quan trọng của Nga. Giáo chủ chính thống giáo dời trung tâm thờ phụng Chúa về Moscow biến Moscow thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo và hành chánh của nước Nga.

Năm 1380 hoàng thân Dmitri Donskoy tấn công Mông cổ và đại thắng tại Kulikovo đã làm ông trở thành anh hùng nước Nga, nhưng phải chờ một thế kỷ nữa đến năm 1480 Nga mới thực sự thoát khỏi ách Mông cổ với tên tuổi của Ivan the Great (Ivan đại đế) và Moscow chính thức trở thành thủ đô.

Nga thực sự được thống nhất dưới triều của Ivan the Terrible vào giữa thế kỷ thứ 16, nới rộng bờ cõi sang tận Tây Bá Lợi Á chính thức mang tước hiệu Tsar (Nga Hoàng). Năm 1584 Ivan The Terrible qua đời. Con rể Boris Godunov cướp ngôi trở thành Nga Hoàng năm 1598. Ba Lan mượn cớ đem quân xâm lăng Nga, cho đến năm 1613 Michael Romanov trục xuất quân Ba Lan khỏi Moscow. Romanov thiết lập chế độ Nga hoàng cho đến cuộc cách mạng cộng sản năm 1917 chế độ Nga Hoàng chấm dứt, toàn gia Nga hoàng Nicolas II bị giết năm 1918. Triều đại Romanov kéo dài 304 năm. Hiện nay Nga Hoàng Nicolas II và toàn gia được cải táng và chôn cất trong một nhà nguyện trong Thánh đường Peter & Paul tại St. Petersburg.

Triều đại Romanov gồm 16 đời vua và nữ hoàng: Michael Romonov 1613-1633; Alexis (con Michael Romanov) 1645-1676; Peter I còn gọi là Peter đại đế (con Alexis) 1682- 1725; nữ hoàng Catherine I (vợ Peter I ) 1725-1727; Peter II (cháu nội Peter I ) 1727-1730); nữ hoàng Anna I (con Peter I) 1730-1740; nữ hoàng Anna II (con Peter I) 1740-1741; nữ hoàng Elizabeth I (con Peter I) 1741-1762; Peter III (cháu nữ hoàng Elizabeth I) 1762; nữ hoàng Catherine II (vợ Peter III) 1762-1796; Paul I (con Catherine II) 1796-1801; Alexander I (con Paul I) 1801-1825; Nicolas I (con Paul I) 1825-1855; Alexander II (con Nicolas I) 1855-1881; Alexander III (con Alexander II) 1881-1894 và Nicolas II (con Alexander II) 1894-1917).

Trong số đó có những anh quân và nữ hoàng lỗi lạc và những đóng góp của họ đã làm cho nước Nga có khuôn mặt của một nước lớn vào lúc có cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917. Peter đại đế trong 43 năm cầm quyền đã cải tiến quân đội nhất là hải quân, du nhập văn minh Âu châu, đánh chiếm Thuỵ Điển và năm 1703 cho khởi công xây dựng thành phố St. Petersburg làm cửa sổ hướng về Âu châu. Ông biến cải Chính thống giáo để phục vụ vương quyền.

Năm 1713 Peter đại đế dời đô từ Moscow về St. Petersburg và tiếp tục huy động toàn lực quốc gia để hoàn tất công trình xây dựng làm cho công quỹ cạn kiệt và nhiều tổn thất nhân mạng. Nhiều cận thần, ngay cả con trai của Đại đế là Alexis (không phải Alexis, vị vua thứ hai của triều đại Romanov) chống đối và Đại đế đã giết con sau khi không thuyết phục được Alexis.

Sau khi Peter đại đế chết, Peter II (con trai của Alexis) nối ngôi và năm 1728 cho dời đô về lại Moscow. Nhưng năm 1732 nữ hoàng Anna, con gái của Peter đại đế lại cho dời đô trở lại St.Petersburg. Đến năm 1918 đảng Cộng sản Nga cho dời đô về Moscow để dễ bảo vệ hơn.

Ngoài Peter đại đế là nữ hoàng Catherine II còn gọi là vị Nữ hoàng vĩ đại. Catherine II là vợ của vua Peter III. Nhưng Peter III tầm thường, nhiễm giáo dục của Đức, không ưa lối sống Nga nên không có cảm tình với giới sĩ quan. Các sĩ quan đã cùng với công tước Grigorii Orlov, tình nhân của bà Catherine II đảo chánh đưa bà lên ngôi nữ hoàng.
 

Nữ hoàng Catherine II có một ý thức chính trị tinh tế, ưu tiên phục vụ quyền lợi nước Nga. Vốn là một công chúa nước Đức, nhưng đến Nga bà sống và hành xử như một người Nga để xoá dấu vết Đức của mình, nên bà được lòng dân chúng Nga. Tuy vậy, biết Nga cần văn hoá Âu Châu nên trong 34 năm cầm quyền (1762-1796) bà tiếp tục con đường Âu hoá của   Peter đại đế nhất là du nhập văn hoá Pháp. Bà thiết lập hệ thống luật lệ, tìm cách áp dụng tư tưởng của Voltaire, Diderot, Montesquieu vào đời sống chính trị Nga. Bà khuếch trương giáo dục đại học và khuyến khích sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Tiếp tục sự nghiệp làm đẹp thủ đô St. Petersburg của Peter đại đế bà đã biến thủ đô St. Petersburg thành một thành phố mang nặng tính chất dân tộc Nga với phong cách kiến trúc kỳ thú và một kho tàng văn hoá nghệ thuật đệ nhất trên bờ biển Baltic không kém gì Paris và Luân Đôn. Cá nhân bà là một nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật giá trị trên thế giới.

Dưới triều đại của bà thành phần quan lại được ưu đãi và được dùng để cai trị nông dân xem như nông nô để phục vụ đế quyền. Các phong trào chống đối của nông nô bị đàn áp thẳng tay. Bà cũng làm yếu thế lực của nhà thờ bằng cách biến đất của nhà thờ thành đất của nhà nước.

Triều đại đáng để ý sau đó là triều đại của Nga hoàng Alexander I. Alexander I không phải là một ông vua có tài nhưng dưới triều ông nước Nga đã đánh bại cuộc xâm lăng năm 1812 của Napoleon nhờ mùa đông khắc nghiệt và nhờ chiến thuật “vườn không nhà trống” đã đưa tên tuổi ông vào lịch sử nước Nga.

Bước sang triều đại Nicolas I, Nga hoàng củng cố quyền hành với việc thành lập cơ quan mật vụ Cheka, tiền thân của KGB và áp dụng ba nguyên tắc: Chính thống giáo trở thành tôn giáo quốc gia, quyền hành Nga hoàng là tuyệt đối và chủng tộc Nga được xem là chủng tộc ưu tú có ưu tiên hơn các chủng tộc khác. Văn học và nghệ thuật phát triển dưới thời Nicolas I tạo ra những tên tuổi lừng danh thế giới như Fyodor Dostoyevsky (tác giả The Brothers Karamanov), Alexander Pushkin (tác giả The Captives of the Caucasus), Leo Tolstoi (tác giả War and Peace), nhạc sĩ Piotr Tchaikovsky (viết Swan Lake, Romeo and Juliette) và nhiều tên tuổi khác.

Triều đại Nicolas I bảo thủ, nhưng trận chiến tranh tại Crimea với đế quốc Ottoman cuối triều đại của ông để tiến vào Trung đông thất bại cho Nicolas I thấy nước Nga còn lạc hậu cần phải được canh tân. Vua con là Nga hoàng Alexander II (1855-1881) là người thực hiện sự cởi mở với danh hiệu Nga hoàng giải phóng nông nô. Ông đã giải phóng 52 triệu nông nô (45% dân số lúc đó).

Alexander II bị ám sát chết năm 1881 do cuộc cải tổ của ông phấn khích thành phần làm cách mạng. Họ cho cuộc cải tổ của ông chưa đủ sâu rộng. Nga hoàng Alexander III chận bớt sự cởi mở, tập trung quyền hành, tái thiết lập chế độ trọng tôn giáo, ưu tiên chủng tộc Nga. Nhưng quá trễ. Làn gió cách mạng đã manh nha, mang những tư tưởng mới từ Âu châu tới với những nhà cách mạng như Lenin, Plekhanov, Paul Akselrod, Pavel Martov … Sự tham chiến của Nga vào trận Thế chiến I đã làm cho kinh tế nước Nga lụn bại. Quân nhân bất mãn bỏ hàng ngũ và trở thành nòng cốt của cuộc cách mạng năm 1917.

Thăm nước Nga hai nét đập vào mắt du khách là tính bảo thủ và khả năng cũng như sự yêu mê văn học nghệ thuật của họ. Trong những thành phố du khách đi qua (Moscow, Novgorod, St. Perterburg) đầy dẫy kiến trúc và di tích mỹ thuật được giữ gìn nghiêm túc và trân quý. Ông Trần Chính miêu tả dân tộc Nga bằng ba tính chất: một dân tộc mang tính huyền bí; một dân tộc vĩ đại ngay cả với thảm trạng họ tự mang đến cho mình; và là một dân tộc trữ tình yêu mê cái đẹp của thiên nhiên.

Cái vĩ đại của Nga được thấy qua đất nước mênh mông với một dân tộc trộn lẫn nhiều dòng máu, mang trong mình nhiều nền văn hoá, và tiêu biểu nhất là trong hai thế kỷ họ hai lần thắng hai cuộc xâm lăng, năm 1812 của Napoleon, lần thứ hai năm 1941 của Hitler (trong khi cả Âu châu đều quỳ gối trước sức mạnh quân sự của Pháp và Đức), và trong suốt 45 năm từ 1945 đến năm 1990 là trung tâm quyền lực thứ hai trên thế giới ngang ngữa với siêu cường Hoa Kỳ.

Người Nga cũng vĩ đại ở chỗ họ bành trướng chủ nghĩa cộng sản, nhưng cũng chính họ đủ can đảm vượt ra khỏi sự ràng buộc của chủ thuyết đó để dần xây dựng một chế độ dân chủ. Người Nga đủ khôn ngoan để không trở lại chế độ độc tài đảng trị, bằng chứng là ông cựu tổng thống Vladimir Putin đã không tu chính Hiến pháp để ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 3 vào năm 2008. Ông biết dân Nga cần ông và ủng hộ ông, và theo khuôn khổ của Hiến Pháp ông khiêm nhường nhận chức thủ tướng để cùng với ông tân tổng thống trẻ tuổi Medvedev chung lo việc nước. Tây phương thường dùng truyền thông áp đảo của mình để chế nhạo ông Putin khoác lên mình chức tổng thống dưới cái vỏ thủ tướng và ông Medvedev chỉ là một hình nộm. Lối nhìn đó không được công bình. Tại sao không xem chính sách của ông Putin là một hình thức chuẩn bị người lãnh đạo tương lai của nước Nga như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc cách đây nhiều thập niên đã chọn Hồ Cẩm Đào là người lãnh đạo tương lai của Trung Quốc? (dù ông Hồ Cẩm Đào còn phải chờ một thế hệ chuyển tiếp của Giang Trạch Dân - cũng do Đặng Tiểu Bình chọn - để học việc).


Nhà thờ ở St. Petersburg,
nơi Alexander II bị ám sát




Nhưng dân tộc Nga cũng chính là tác giả của những tấn thảm kịch lớn trong lịch sử của họ mà gần nhất là đường lối bạo hành của Stalin giết hằng triệu người đối lập chính trị và hằng ngàn đồng chí, tiêu diệt cả một tinh hoa của đất nước trong cuộc thanh trừng do một bộ máy công an mật vụ được huấn luyện thuần thục về kỹ thuật khủng bố tàn ác chưa từng thấy kéo dài từ năm 1929 cho đến khi ông qua đời năm 1953. Trung tâm cơ quan mật vụ nằm giữa công trường Lubyanka (còn gọi là nhà tù Lubyanka) nơi tra tấn, thủ tiêu, xử bắn hằng trăm ngàn người của Stalin vẫn còn nằm giữa thủ đô Moscow và vẫn còn là cơ sở làm việc của cơ quan an ninh. Người Nga không hề thấy lúng túng với sự hiện diện của lò sát sinh Lubyanka ngay giữa thủ đô tráng lệ là một điều khó hiểu nổi.

Đến Nga người du khách không khỏi bỡ ngỡ với sự thiếu thân tiện của họ. Trong một nước kinh tế thị trường nhưng đối với họ khách hàng không phải là chủ nhân ông. Họ vẫn giữ những gì riêng của họ. Họ ít tươi cười và không chịu khó học ngoại ngữ để hội nhập như dân chúng các nước Bắc Âu khác.

Dân chúng trên đường phố, nét mặt nghiêm trang (nét mặt đăm chiêu của ông cựu tổng thống Putin là nét mặt điển hình), nhân viên giữ trật tự, cảnh sát công lộ, an ninh địa phương luôn luôn ở tư thế để can thiệp vào mọi bất trắc có thật hay tưởng tượng.

Người tài xế lái xe của hãng du lịch Nga lái đưa chúng tôi từ thành phố St. Petersburg đi Hensinki thủ đô Phần Lan, một đoạn đường không có người “guide” địa phương (các guide đều dùng tiếng Anh để giới thiệu đất nước họ với khách du lịch) chúng tôi hoàn toàn bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài vì anh tài xế chỉ biết nói tiếng Nga và không hiểu bất cứ một thứ tiếng nào khác.

Cũng may cảnh trí các thành phố được bù đắp lại bởi các khuôn mặt “xinh như mộng” của các thiếu nữ Nga.

Thiếu nữ Nga (tôi không nói phụ nữ Nga) đẹp hơn thiếu nữ các nước Tây phương khác kể cả thiếu nữ Pháp (vẫn được tiếng đẹp trên thế giới) và thiếu nữ Mỹ. Thiếu nữ Nga có dáng gọn gàng khuôn mặt ẩn chút huyền bí như giấu kín lịch sử bão táp của đất nước và những thảm trạng của nó giữa miền gió tuyết triền miên. Vẻ đẹp của thiếu nữ Nga được nổi bật hơn khi du khách rời Nga sang Phần Lan và các nước trong nhóm Scandivanian để chạm phải những cô gái trẻ tóc vàng, mắt xanh với khuôn mặt hơi thô và hoang dại. Nếu nói về phụ nữ thì khác hẳn. Nếu cái đẹp của thiếu nữ do tự nhiên, thì cái đẹp của phụ nữ một phần do trang điểm, và điều kiện sống. Phụ nữ Pháp không được ưa nhìn bằng phụ nữ Mỹ vì phụ nữ Mỹ có điều kiện để trang điểm hơn. Phụ nữ Nga trông không “gọn gàng” bằng phụ nữ Pháp.

Nghề du lịch thường tránh chính trị. Tại Trung Quốc và Âu Châu người hướng dẫn bản xứ (local guide) giới hạn công việc của mình trong việc giới thiệu đất nước với du khách và khéo léo tránh mọi câu hỏi liên quan đến chính trị dù là những chuyện chính trị rất tổng quát. Trái lại ở Nga, người hướng dẫn Nga không ngần ngại nói chuyện thời sự, và qua sự giới thiệu đất nước, họ hùng hồn bênh vực các chính sách quốc gia.

Lúc chúng tôi ở Nga, vụ Liên bang Nga tấn công Georgia vì tranh chấp vùng Nam Ossetia đang là đề tài nóng bỏng, các người hướng dẫn địa phương đã hùng hồn biện minh cho quyết định đánh Georgia của chính phủ Medvedev và Putin. Họ cho rằng trong thập niên 1990, Tây phương – có nghĩa là Hoa Kỳ - đã lợi dụng Liên bang Xô viết sụp đổ để ép Liên bang Nga vào thế một quốc gia tùng phục.

Họ nghĩ rằng NATO, vốn là một liên minh quân sự để chống lại Liên bang Nga trong chiến tranh lạnh thì sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ Hoa Kỳ không cần phải nới rộng NATO nhất là thu nhận thêm các nước vốn nằm trong Liên bang Xô viết để bao vây Liên bang Nga. Họ nói Hoa Kỳ và Âu Châu còn đứng sau lưng bao nhiêu biến cố chính trị, cách mạng mầu hồng năm 2003 tại Georgia, cách mạng mầu cam năm 2005 tại Ukraine…, để chặt cánh của Liên bang Nga. Những người hướng dẫn du lịch Nga cho rằng cuộc tấn công vào nước Georgia tháng 8/2008 là lời cảnh cáo cần có vì uy tín quốc gia.

Tại thành phố Novgorod, thành phố xưa nhất nước Nga, cô hướng dẫn không ngớt lời ca tụng ông thủ tướng Putin đã bỏ công sức theo dõi vụ chỉnh trang thành phố. Nghe những lời ca tụng đó, tôi có cảm tưởng rằng dù thế giới nhìn ông Putin như một cựu sĩ quan công an (KGB), và có khuynh hướng độc tài, người Nga không nghĩ như vậy. Đương nhiên họ không hoàn toàn thuyết phục chúng tôi nhưng phải công nhận họ có lý phần nào khi bất mãn với thế giới bên ngoài chỉ chờ dịp để chèn ép họ.

Dù sao nước Nga vẫn mang một cái gì huyền bí, khó hiểu với khuôn mặt nghiêm trang, ít cười và nếu cười cũng chỉ cười nửa miệng. Chúng tôi chỉ thấy được những nụ cười tự nhiên hiếm hoi tại nông thôn qua các làng mạc chúng tôi ghé thăm trên đường thiên lý dài 700 km từ Moscow đến St. Petersburg.

Hình như người Nga chưa vượt qua trạng thái khủng hoảng tinh thần của 70 năm dưới chế độ cộng sản mà đậm nét nhất là 24 năm đẫm máu (từ 1929 đến năm 1953) Stalin thi hành chính sách tận diệt đồng chí để độc chiếm quyền lực.

Để bành trướng đế quốc, người Anh, người Bỉ , người Đức … từng thi hành những chính sách bạo tàn (Anh với những trại tập trung tại Transvaal, tại đảo Andaman, tại Kenya; vua Leopold II của Bỉ đã giết hằng triệu người Congo, Hitler giết người Do Thái ngoại chủng …), nhưng trong lịch sử chưa có một kẻ độc tài nào giết một cách có hệ thống hầu hết tướng lãnh của mình, đồng chí vô tội của mình, chuyên viên gồm bác sĩ, kỹ sư, văn nghệ sĩ của mình và hằng triệu nông dân vô tội như Stalin đã làm.

Và Stalin đã nhúng tay vào tội ác với sự tiếp tay của một số nhân vật mà đến nay thế giới vẫn nghĩ là những nhân vật lỗi lạc của Liên bang Xô viết như Khrushchev, Molotov, Kaganovich, Voroshilov. Ba nhân vật sau này đã ký hằng ngàn án tử hình đồng chí mình do sự nhận tội qua tra tấn của những đồ tể như Agranov, Ezhov, Beria …

Can đảm tự nhìn lại và nhận tội lỗi của mình (hay bị truy tố trước công luận) là phương thuốc lấy lại sự bình an tâm hồn cho một cá nhân hay tâm lý ổn định cho một quốc gia. Tòa án Nuremburg và tòa án Tokyo đồng minh thiết lập sau Thế chiến II để xử các tướng Đức, tướng Nhật đã giúp cho Đức và Nhật tìm sự an bình sau tội lỗi chiến tranh thì dân tộc Nga chưa bao giờ đối diện với tội lỗi do Stalin gây ra. Sau khi Stalin nằm xuống Beria và đồng bọn đồ tể của ông đã bị đưa ra tòa hành quyết, và năm 1956, ba năm sau khi Stalin qua đời Khrushchev đã tố cáo những sai lầm của Stalin trước đại hội đảng lần thứ 20 của đảng cộng sản Liên xô. Nhưng cả hai việc đều là hành động để tự vệ của các viên chức còn sống (trường hợp Beria), và củng cố quyền lực cá nhân (trường hợp Khrushchev) chứ không phải sự ăn năn hối lỗi của quốc dân trước những oan hồn.

Tại Nga chưa có một phong trào quốc gia kể tội Stalin. Tội lỗi ông vẫn để yên đó và giới cầm quyền cũng như dân chúng vẫn tìm thấy nơi Stalin một con người làm cho thế giới phải nể sợ nước Nga. Tinh thần quốc gia quá khích che mắt người Nga trước những sai lầm quá khứ, đồng thời không cho (hay chưa cho) họ ghi nhận những hành động phi thường của một số nhân vật.

Sau cuộc cách mạng giải thế chế độ Mác Xít tại Liên Xô do cuộc cải cách của Gorbachev, nước Nga đã có can đảm biến nước Nga thành một quốc gia dân chủ vận hành theo Hiến pháp, có can đảm vất bỏ cờ đỏ búa liềm để thay bằng lá cờ nguyên thủy dưới thời Nga Hoàng, can đảm trả lại tên St. Petersburg cho cố đô xinh đẹp và đầy nét lịch sử của triều đại Romanov mà những người Bolshevik đã áp đặt tên Leningrad mang danh hiệu Lenin, một nhà cách mạng đã vô tình mang thảm trạng lại cho quê hương ông.

Nhưng dân Nga vẫn mang một mối giận hờn Gorbachev vì đã làm cho nước Nga đang là một siêu cường nhất thời biến thành một quốc gia hạng hai, hạng ba bị thế giới coi thường chèn ép. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1996, ông Gorbachev được chưa tới 1% số phiếu của dân.

Gorbachev xứng đáng là một vĩ nhân không phải chỉ riêng cho dân tộc Nga mà cho cả nhân loại. Người Nga có thể biết vậy nhưng ông Gorbachev hãy chờ, chờ cho đến khi dân Nga lấy lại được phong độ một siêu cường, họ sẽ công nhận và cùng với thế giới phong thánh ông.

Thăm Nga trong một thời gian ngắn người du khách không khỏi có cảm tưởng người Nga bài ngoại. Nhưng kho tàng văn hoá và lịch sử của người Nga nói lên một điều khác. Trong quá khứ họ đã tìm cách học lối sống của châu Âu. Nữ hoàng Catherine II, một trong những nữ hoàng lỗi lạc của triều đại Romanov là người gốc Đức, và bà đã du nhập văn hoá Âu Châu vào triều đại của bà. Tiếng Pháp là ngôn ngữ một thời được trọng vọng trong triều đình Nga, và kho tàng văn hoá nghệ thuật của họ đầy ắp ảnh hưởng của Đức, của Pháp, của Ý. Tôn giáo của họ là đạo Thiên chúa chính thống gốc Hy Lạp.

Người Nga có thể nói là một giống người tình cảm sống theo định mệnh (fatalism). Ưa nghệ thuật, thích văn chương, yêu những cảnh huy hoàng của thiên nhiên, và trên hết là đậm nét tự hào dân tộc.

Hiểu tâm lý của người Nga là điều cần thiết trong việc hoạch định chính sách để mang lại ổn định cho thế giới. Có thể Hoa Kỳ quá vội vàng sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ đã không vỗ về tình cảm người Nga để khuyến khích họ nhanh chóng gia nhập hàng ngũ các nước dân chủ trên thế giới mà áp dụng chính sách “giậu đổ bìm leo” như nới rộng NATO và mới đây đặt hỏa tiễn tại các nước Đông Âu vốn là đồng minh của Nga làm cho người Nga cảnh giác.

Đoàn người du lịch chúng tôi rời nước Nga bằng đường bộ qua biên giới Nga-Phần Lan. Thủ tục xuất cảnh nước Nga khá chặt chẽ. Chúng tôi xuống xe đi bộ qua cửa hải quan để được đóng dấu “xuất cảnh” vào sổ thông hành, và khi bước lên xe bus một sĩ quan hải quan Nga vận quân phục đứng ngay cửa xe bus kiểm soát sổ thông hành của từng người xem có đủ hai con dấu “nhập, xuất” không với một nét mặt nghiêm trang tưởng chừng như chúng tôi là một đoàn tù chuyển trại.

Ai cũng thở phào cảm thấy nhẹ nhàng dễ thở khi đặt chân vào đất Phần Lan như vừa thoát khỏi một bầu trời thiếu không khí, mặc dù chúng tôi đều biết với tư cách du lịch theo đoàn chúng tôi không có gì để lo sợ.

Chúng tôi hiểu những gì đã làm nên thái độ người Nga hôm nay. Họ đang trên con đường đi tìm dân chủ. Họ đang vượt qua tâm lý thời bao cấp để bước vào kinh tế thị trường. Họ đang đi tìm lại “vang bóng một thời”.

Trân trọng nhu cầu đó và có những chính sách thông cảm có thể thế giới Tây phương sẽ tìm thấy nơi nước Nga một đồng minh tốt. Một dân tộc bị định mệnh quấn vào mình một thảm trạng (nạn cộng sản) để trong một thời gian dài nửa thế kỷ giết hại lẫn nhau (như Stalin đã làm) vẫn có khả năng vượt thoát ra ngoài sự ràng buộc của vòng kim cô quái ác đó hẳn không phải là một dân tộc tầm thường. Và nền văn hoá (văn chương, nghệ thuật) nẩy mầm từ thời lập quốc đang được trân trong giữ gìn trong các viện bảo tàng là chứng minh hùng hồn cho tiềm lực tinh thần đó của dân tộc Nga.

Bước vào thế kỷ 21, thế giới phân cực thành 3 khối . Khối Mỹ gồm Hoa Kỳ liên minh với Âu Châu (qua nước Anh trung gian) và đồng minh Úc, Canada, Nam Phi; khối Nga; và khối Trung Quốc. Các nước khác tại Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ sẽ tìm đồng minh do nhu cầu.

Chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ là nể Trung Quốc và coi thường Nga. Chiến lược này có thể tạo ra hai lực lượng thù nghịch với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cần thoát ra khỏi thế lưỡng đầu thọ địch bằng chính sách liên kết với Liên bang Nga để đương đầu với Trung Quốc, một thế đương đầu không tránh được vì đó là sự lựa chọn của Trung Quốc. Bài học chiến tranh lạnh đã quá đủ để Liên bang Nga chọn thế đối đầu với Hoa Kỳ, ngoại trừ Hoa Kỳ tiếp tục chính sách hiện nay và đẩy Liên bang Nga vào con đường đó.

Hoa Kỳ, đầu tàu của kinh tế tư bản đang lâm vào bế tắc với cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay do sự vận hành của các đại ngân hàng đầu tư một cách máy móc gần như vô tri, lạm dụng và thiếu kiểm soát của chính phủ. Tình trạng kinh tế tài chánh này cần được điều chỉnh một cách quy mô và có hệ thống (trong khi liều thuốc bổ 700 tỉ mỹ kim quốc hội Hoa Kỳ vừa cho toa đang tạm cứu sống bệnh nhân) nếu Hoa Kỳ muốn duy trì sức mạnh quân sự và kinh tế để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thế giới tự do.

Còn nữa, Hoa Kỳ còn phải phát huy sáng kiến cải sửa các cơ cấu quốc tế như Liên hiệp quốc, khối G, thay đổi chính sách ưu tiên về vũ khí nguyên tử, làm hòa với khối Hồi giáo, và trên hết làm hòa với Liên bang Nga. Hòa bình thế giới, ít nhất cho đến giữa thế kỷ thứ 21, lệ thuộc một phần vào chính sách của Hoa Kỳ đối với Liên bang Nga trong những năm tháng tới.