Home Tin Tức Thời Sự Obama và McCain tranh luận trực tiếp

Obama và McCain tranh luận trực tiếp PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo   
Thứ Bảy, 27 Tháng 9 Năm 2008 06:06

Hai ứng viên chức tổng thống Hoa Kỳ John McCain và Barack Obama đã lộ rõ các bất đồng về chính sách ngọai giao và kinh tế trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình.

Khi được hỏi về khoản trợ giúp 700 tỷ đôla để cứu vãn nền kinh tế, ông Obama nói đây là "phán quyết cuối cùng" về tám năm cầm quyền của đảng Cộng hòa.

Về Iraq, ông McCain ca ngợi chiến dịch tăng quân ("surge"), trong khi ông Obama cho rằng quân đội Mỹ đã không được sử dụng một cách hợp lý.

Ông McCain nói ông không tin là đối thủ của ông có đủ kinh nghiệm để lãnh đạo đất nước.
Về phần mình, ông Obama nói ông đã đúng khi phản đối việc tiến vào Iraq năm 2003 và rằng Hoa Kỳ đã lơi là trong chính sách với Afghanistan, nơi đáng ra phải có chiến dịch truy tìm al-Qaeda.
Ông McCain trả lời rằng chỉ có nhờ tăng 30.000 quân Mỹ tại Iraq mà chính sách quân sự tại đây mới thành công.

Ông tuyên bố: "Chúng ta đang chiến thắng tại Iraq và chúng ta sẽ trở về nhà với thắng lợi và vinh dự".

Cuộc tranh luận trực tiếp diễn ra tại Oxford, Mississippi, đáng ra chỉ tập trung vào chính sách đối ngoại, thế nhưng tình hình khủng hoảng tài chính hiện thời cũng đã được bàn đến nhiều.










* Chính sách tài chính

Phát biểu về kế hoạch giải cứu tài chính hiện đang được Hạ viện bàn thảo, Thượng nghị sĩ Obama nói: "Chúng ta cần hành động nhanh chóng và khôn khéo."

Đây không phải là khởi đầu của đoạn cuối trong cuộc khủng hoảng. Đây là kết thúc của giai đoạn khởi đầu nếu chúng ta có thể đưa ra một gói biện pháp giúp bình ổn các tổ chức tín dụng.

TNS John McCain

Ông McCain thì cho rằng còn lâu nữa vấn đề mới có thể được giải quyết cho dù đáng mừng là Hạ viện đang tiến gần tới một thỏa thuận.

Ông nói: "Đây không phải là khởi đầu của đoạn cuối trong cuộc khủng hoảng. Đây là kết thúc của giai đoạn khởi đầu nếu chúng ta có thể đưa ra một gói biện pháp giúp bình ổn các tổ chức tín dụng. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm".

Ông McCain chỉ trích ông Obama về các hoạt động tài chính của ông Obama, rằng Thượng nghị sỹ Illinois đã yêu cầu hàng triệu đôla cho các dự án ưa thích của ông kể từ khi nhậm chức. Ông Obama bác bỏ cáo buộc này.

Cả hai ứng cử viên đều thống nhất rằng kế hoạch giải cứu kinh tế sẽ gây áp lực to lớn lên ngân sách cho vị tổng thống kế tiếp và điều đó có nghĩa chính phủ sẽ phải giảm bớt chi tiêu.
Hàng chục triệu người Mỹ đã theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, chỉ năm tuần trước kỳ bầu cử 4/11.

'Đe dọa nghiêm trọng'

Khi được hỏi về Iran, ông McCain nhấn mạnh rằng Tehran là đe dọa cho cả khu vực và cho quân Mỹ đóng tại Iraq, thông qua việc can thiệp vào tình hình nước này.

Ông trình bày về đề xuất một "khối các nền dân chủ' để thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Iran mà hiện đang bị Nga chặn lại tại các tổ chức đa quốc gia như Liên Hiệp Quốc.

Ông cũng chỉ trích ông Obama vì tỏ ra muốn đàm phán với lãnh đạo Iran mà không đưa ra điều kiện.

Ông Obama đã bác bỏ chỉ trích này, nói rằng trong vai trò tổng thống, ông có quyền "gặp bất cứ ai, bất cứ lúc nào và bất cứ đâu nếu như điều đó sẽ bảo vệ an ninh của nước Mỹ".

Đây là cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên giữa hai ứng cử viên
Ông nói: "Tôi không đồng ý với TNS McCain rằng chúng ta có thể thúc đẩy các trừng phạt mà không có sự hợp tác của các quốc gia như Nga và Trung Quốc".

"Chúng ta cần có liên hệ ngoại giao trực tiếp và cứng rắn với Iran."
Tuy nhiên, ông đồng ý với đối thủ của ông rằng "không thể chấp nhận một nước Iran được vũ trang hạt nhân" cũng như các đe dọa mà điều đó sẽ gây ra cho Israel, đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.

'An toàn hơn'

Khi được hỏi về cuộc chiến chống khủng bố, ông McCain nói ông tin rằng nước Mỹ nay an toàn hơn sau khi cuộc tấn công 11/9/2001 xảy ra.

Thế nhưng ông cho rằng còn nhiều việc phải làm để bảo đảm an ninh cho người dân Mỹ. Ông Obama đề cập tới chi phí khổng lồ dành cho việc phòng vệ tên lửa và nói rằng đó là việc làm cần thiết nhưng chính phủ đã sai lầm khi không bỏ tiền nhằm ngăn chặn chạy đua hạt nhân.

Ông cũng chỉ ra việc al-Qaeda đã lan rộng ra 60 nước và rằng Hoa Kỳ cần nỗ lực hơn để ngăn chặn tình trạng này, trong đó có yêu cầu phải cải thiện hình ảnh nước Mỹ.

Ông Obama nói: "Một trong những điều tôi sẽ thực hiện với tư cách tổng thống là khôi phục vị thế của nước Mỹ trên thế giới".

Ông nói thêm rằng vị tổng thống mới sẽ có "viễn kiến chiến lược rộng lớn hơn" những gì người Mỹ chứng kiến trong tám năm nay.

Tiến bộ lớn

Ông McCain trước đó đã nói ông sẽ không tham gia cuộc tranh luận tại Mississippi chừng nào Hạ viện chưa thông qua gói biện pháp cứu vãn nền kinh tế nhưng đã thay đổi quyết định sau khi có một số tiến bộ trong quá trình đạt thỏa thuận.

Chưa đầy 10 tiếng đồng hồ trước khi cuộc tranh luận bắt đầu tại đại học Mississippi, ban vận động cho ông McCain nói họ "nối lại hoạt động" và rằng ông Thượng nghị sỹ sẽ có mặt.

Nay ông McCain tỏ ra lạc quan rằng đã có "các tiến bộ lớn trong việc đạt một thỏa thuận giữa hai đảng " về việc giải cứu tài chính.

Ban vận động của ông trong một thông cáo cho hay: "Theo sau cuộc tranh luận, ông McCain sẽ quay về Washington để bảo đảm rằng mọi ý kiến và mọi lợi ích, đặc biệt của người dân đóng thuế và của các chủ sở hữu địa ốc, đều được tính đến trong văn bản thỏa thuận cuối cùng".

Phóng viên BBC Jamie Coomarasamy tại Mississippi nói tranh luận trực tiếp luôn luôn là sự kiện quan trọng, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời và hệ quả chính trị của nó làm tăng thêm kịch tích gấp bội.

Thảo luận giữa lãnh đạo Hạ viện và Tổng thống George W Bush về khoản 700 tỷ đôla tiền cứu giúp các tổ chức tài chính đã được nối lại sáng thứ Sáu sau khi bế tắc vào cuối ngày thứ Năm.

Đề xuất này gặp một số khó khăn khi các dân biểu Cộng hòa rút phiếu của họ lại để đề cử một biện pháp thay thế.

Trong một thông cáo ra hôm thứ Sáu, ông Bush thừa nhận còn một số tranh cãi về một số khía cạnh của kế hoạch, nhưng nhấn mạnh rằng ai nấy đều đồng thuận về việc cần có biện pháp mạnh.