Tác động của vụ khủng hoảng phố Wall đối với kinh tế toàn cầu |
Tác Giả: Bai An Tran |
Thứ Hai, 22 Tháng 9 Năm 2008 00:13 |
Đây là một vụ khủng hoảng
niềm tin.19/09/2008 Một số các kinh tế gia hàng đầu của Mỹ cho rằng tình trạng hỗn loạn mới đây ở Phố Wall phát sinh từ một vụ khủng hoảng niềm tin và có phần chắc là sẽ tác động đáng kể tới nền kinh tế toàn cầu và cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Cindy Sane. VOA - Trong thời gian gần đây, một số các công ty tài chánh có uy tín nhất trên thị trường Phố Wall của đã bị phá sản hoặc bị các công ty khác 'nuốt chửng'. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy nhiều công ty lớn cũng đang gặp khó khăn, khiến cho các nhà phân tích e rằng tình trạng hỗn loạn có thể lan sang các ngân hàng thương mại và tác động mạnh tới những khu vực khác của nền kinh tế. Giáo sư Robert Reich của Đại học California ở Berkeley từng giữ chức Bộ trưởng Lao động dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Ông giải thích như sau về mối lo ngại của các nhà kinh tế. Giáo sư Reich nói: "Mối lo ngại của chúng tôi là những diễn tiến này sẽ khiến cho các thị trường tín dụng co cụm quá độ và làm cho hầu hết các hoạt động cho vay bị ngưng lại. Các doanh nghiệp nhỏ không thể vay tiền để đầu tư xây dựng hãng xưởng mới, để mua sắm trang thiết bị hoặc để nghiên cứu. Người dân thường sẽ không thể vay tiền để mua xe hơi hoặc mua nhà, và nền kinh tế sẽ lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Hiện nay, điều này hiển nhiên là ảnh hưởng tới mọi nơi trên thế giới. Các thị trường vốn trên thế giới đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn." Ông John Irons, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Chính sách của Viện Chính sách Kinh tế ở Washington, tán đồng nhận định của giáo sư Reich. Ông Irons nói thêm: "Vâng, tôi nghĩ rằng hiện giờ vẫn còn hơi sớm để có thể biết rõ toàn bộ tác động của việc này như thế nào. Nhưng chắc chắn là đang có những mối rủi ro là tình trạng bất ổn của Phố Wall sẽ ảnh hưởng tới các thị trường cho vay chuyên cung cấp các khoản cho vay để tiêu thụ, như những khoản cho vay để mua xe, mua nhà; và các khoản cho vay thương mại dành cho các doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo ra những hậu quả bất lợi nghiêm trọng cho nền kinh tế." Một số các nhà bình luận đã so sánh vụ khủng hoảng tài chánh hiện nay với vụï Đại khủng hoảng Kinh tế bắt đầu từ năm 1929. Tuy nhiên, kinh tế gia Robert Reich cho rằng có phần chắc là sẽ không tái diễn tình trạng dân chúng đổ xô đi rút tiền ra khỏi ngân hàng. Ông Reich nói: "Tôi không nghĩ là dân chúng sẽ hốt hoảng kéo nhau tới các ngân hàng thương mại để rút tiền, bởi vì những khoản ký thác ở các ngân hàng này được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang. Vì vậy, chúng ta sẽ không rơi vào một tình huống tương tự như hồi đầu thập niên 1930, là lúc mà những người gởi tiền ở ngân hàng ồ ạt kéo đến ngân hàng để rút tiền ra, rồi mang tiền về nhà để đem giấu dưới gối. Điều đó sẽ không xảy ra. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đồng ý với nhau rằng cho tới giờ này thì tác động của vụ khủng hoảng ở thị trường tài chánh có thể nhận thấy qua sự gia tăng của tỉ lệ thất nghiệp và sự sút giảm của các khoản đầu tư và cho vay. Trong khi đó, vụ khủng hoảng ở thị trường nhà đất cũng khiến cho giá trị của khoản đầu tư chính của người dân Hoa Kỳ - là căn nhà, bị sút giảm mạnh. Giáo sư Reobert Reich cho rằng sự sút giảm này sẽ khiến cho giới tiêu thụ mua sắm ít hơn trước. Ông Reich nói: "Tôi muốn nói rằng chắc chắc là họ sẽ mua sắm những thứ cần thiết. Nhưng những món hàng thuộc loại có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao sẽ được gác qua một bên - họ sẽ không mua những thứ đó vào lúc này. Và điều này có nghĩa là bộ phận nhu cầu của nền kinh tế, các hoạt động mua sắm trong nền kinh tế, sẽ lâm vào tình trạng khó khăn. Giáo sư Reich cho rằng chính phủ cần phải quản lý tốt hơn các hoạt động của Phố Wall và làm cho các thị trường vốn được trong suốt hơn để phục hồi niềm tim của giới đầu tư và giúp cho nền kinh tế Hoa Kỳ cùng với kinh tế thế giới có thể phát triển một cách tốt đẹp. BÀI MỚI ĐĂNG |