Trung Quốc, chỗ dựa giúp Miến Điện coi thường áp lực quốc tế |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Tư, 12 Tháng 8 Năm 2009 05:12 |
Giới tướng lãnh quân sự Miến Điện Sau bản án nhắm vào lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, Tập đoàn Quân sự cầm quyền tại Miến Điện hầu như bị cả thế giới đả kích, ngoại trừ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh sẳn sàng dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bênh vực Miến Điện Dùng phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An để bênh vực Miến Điện Không chỉ tuyên bố suông. Bắc Kinh còn sử dụng uy thế của mình tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bác bỏ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế muốn gây sức ép trên đàn em của họ. Phiên họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An vào hôm qua theo đề nghị của Pháp nhằm thông qua một bản tuyên bố về Miến Điện đã bị dời lại qua ngày hôm nay theo yêu cầu của Trung Quốc, được hỗ trợ của Việt Nam, Nga và Lybia với lý do là đại sứ các thành viên này cần tham khảo thêm ý kiến từ trong nước. Theo các nhà quan sát, với tuyên bố chính thức của phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc vào sáng nay, văn kiện tại Hội Đồng Bảo An khó có thể có lời lẽ cứng rắn đối với tập đoàn quân sự Miến Điện, cho dù bản dự thảo, theo hãng Reuters, chỉ có vỏn vẹn 16 dòng, và cũng chỉ là một bản tuyên bố, không mang tính chất cưỡng hành ! Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc bênh vực Miến Điện tại Hội Đồng Bảo An. Vào tháng 01/2007 chẳng hạn, Trung Quốc cùng với Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình bác bỏ một nghị quyết hiếm hoi của Hội Đồng Bảo An nhắm vào Miến Điện, cho dù dự thảo văn kiện này đã thu được đa số phiếu từ các thành viên còn lại. Trong thời gian qua, từ Hoa Kỳ cho đến Liên Hiệp Châu Âu, rất nhiều quốc gia đã quyềt định ban hành những biện pháp trừng phạt chính trị và kinh tế thương mại để buộc Tập đoàn Quân sự Miến Điện dân chủ hoá đất nước. Thế nhưng, thực tế cho thấy là áp lực của quốc tế, đã không có tác dụng vì chính quyền Miến Điện vẫn còn có thể dựa vào một số láng giềng mà đứng đầu là Trung Quốc. Ngoài việc bênh vực Miến Điện chống lại mọi nghị quyết trừng phạt của Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc còn tích cực giúp đỡ đàn em của mình cả về mặt kinh tế, thương mại, đến trang thiết bị quân sự, vũ khí. Theo ông Ian Holliday, chuyên gia về Miến Điện tại Trường Đại Học Hồng Kông, thì Trung Quốc hiện là nguồn cung cấp cho Miến Điện tất cả những gì nước này cần. Lẽ dĩ nhiên, hậu thuẫn nói trên không phải là vô vị lợi vì Miến Điện ngược lại, đã trở thành nguồn cung cấp dầu khí, quặng mỏ và nhiều loại tài nguyên thiên nhiên khác cho Trung Quốc. Thế nhưng quan trọng hơn cả đối với Bắc Kinh là vị trí địa lý chiến lược thiết yếu của Miến Điện đối với nền an ninh của Trung Quốc. Bảo vệ quyền lợi kinh tế và điạ lý chiến lược Trước hết là về mặt an toàn năng lượng. Miến Điện không chỉ là nước cung cấp đầu khí, mà còn là tuyến đường trung chuyển dầu khí lý tưởng cho Trung Quốc, giúp Bắc Kinh chuyển thẳng năng lượng nhập từ vùng Trung Đông đến các trung tâm kinh tế của họ nằm ở miền Nam. Cho đến này, các tàu dầu từ Trung Đông hay châu Phi đến Trung Quốc phải vòng xuống phiá Nam qua Singapore và eo biển Malacca để rồi ngược lên phiá Bắc. Tuyến đường này vừa dài, vừa đắt, lại phải đi qua những khu vực mà Hải Quân Trung Quốc không thể khống chế, do đó nếu tàu dầu cập cảng Miến Điện bên bờ Ấn Độ Dương, rồi từ đó chuyển hàng xuyên qua Miến Điện để đến miền Nam Trung Quốc thì đó là một điều rất tốt cho Bắc Kinh. Chính vì thế mà ngày 27/03/2009 mới đây, Bắc Kinh đã ký với Miến Điện một thoả thuận xây dựng đường ống dẫn dầu khí từ bờ biển Arakan của Miến Điện đến vùng Vân Nam Trung Quốc, mục tiêu để chuyển vận dầu thô Trung Quốc nhập từ Trung Đông và Phi Châu, cũng như khí đốt mà Bắc Kinh mua của Miến Điện. Công trình trị giá 2,5 tỷ đô la dự trù hoàn tất vào năm 2013. Ngoài ra, cũng trên phương diện địa lý chiến lược, hợp tác quân sự Trung Quốc - Miến Điện còn cho Bắc Kinh cửa ngõ mở ra vùng Ấn Độ Dương, một nơi mà Trung Quốc cũng muốn tăng cường ảnh hưởng để giám sát đối thủ Ấn Độ. Theo các nhà phân tích, được Trung Quốc hết lòng giúp đỡ, cũng dễ hiểu là vì sao Tập đoàn Quân sự hoá giải được các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đồng thời dửng dưng trước áp lực của quốc tế. |