Trại tỵ nạn Galang phải đóng cửa |
Tác Giả: Hồng Nga |
Thứ Bảy, 08 Tháng 8 Năm 2009 01:37 |
BBCVietnamese.com từ đảo Galang, Indonesia
Trại tỵ nạn Galang cũ tại Indonesia, nơi trong hai thập niên đã là nơi lưu trú của hàng chục vạn thuyền nhân Việt Nam, đang đối diện nguy cơ đóng cửa. Tin cho hay, hôm thứ Tư 05/08, đoàn làm việc của Bộ Ngoại giao Indonesia có kế hoạch tới khu trại cũ ở Galang để thị sát tình hình trước khi quyết định. Dư luận địa phương bày tỏ bất bình, trong khi có cáo buộc chính phủ Việt Nam đã gây áp lực với Jakarta để làm công việc này. Di tích lịch sử và nhân đạo Mặt trời đang dần hạ xuống eo biển Malacca, nhưng nắng quái vẫn còn vàng rực trong các vườn cây um tùm đã từng thấm đẫm máu và nước mắt của người Việt tỵ nạn. Trại Galang đã không còn hoạt động từ năm 1996, khi những người tỵ nạn cuối cùng rời khỏi nơi đây. Từ đó, nó trở thành khu bảo tàng, với nhiều chứng tích ghi lại những năm tháng đau thương khi nhiều người Việt ồ ạt tìm đường ra nước ngoài để trốn chạy chính quyền cộng sản. Văn khố Thuyền nhân Việt Nam, tổ chức lưu trữ các tư liệu liên quan tới người Việt tỵ nạn sau cuộc chiến Việt Nam, còn ghi lại nhiều thảm kịch khủng khiếp trên con đường thuyền nhân bỏ trốn ra nước ngoài, đương đầu với bão tố, hải tặc, bệnh tật và đói khát. Ước tính có tới 200.000 thuyền nhân Việt Nam đã được trung chuyển qua trại Galang trong những năm từ giữa thập kỷ 70 thế kỷ trước để chờ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc làm thủ tục cho đi định cư tại một nước thứ ba. Ngoài thuyền nhân Việt Nam, còn có thuyền nhân Campuchia tạm trú trong khu trại chia làm hai phần chính. Hiện ở nơi đây vẫn còn một số khu nhà bỏ hoang mà trước đây người tỵ nạn từng trú ngụ, phần lớn đã xuống cấp, cùng nhiều cơ sở như bệnh xá, nhà sinh hoạt cộng đồng, cả hai ngôi chùa, một nhà thờ và một khu nghĩa trang chôn cất trên 500 người tỵ nạn chết lúc còn trong trại. Tất cả, cùng với một bảo tàng nho nhỏ, nằm trong một khuôn viên khá rộng, được một đội ngũ nhỏ người Indonesia canh gác và chăm sóc hàng ngày. Dân địa phương và khách du lịch biết tới trại Galang dưới cái tên đơn giản là Camp Vietnam. Hai thập niên hiện diện của người Việt tại đây khiến thông tin trại có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn, ngừng đón người tới thăm khiến người dân địa phương ngỡ ngàng. Lý do chính là từ khi ngừng hoạt động, trại tỵ nạn Galang cũ đã trở thành một địa chỉ du lịch khá phổ biến, mang lại thu nhập cho người bản địa. Doanh thu du lịch Những năm gần đây, Batam còn nổi lên như một địa chỉ đầu tư, với hàng ngàn cơ sở sản xuất thu hút người lao động nhập cư từ các nơi ở Indonesia. Cũng vì thế, mà khách du lịch từ Singapore và các nơi lân cận tới Batam ngày càng nhiều. Một trong những nơi có tên trong các tua du lịch thông dụng là trại tỵ nạn Galang cũ. Ông Edi R. Surbakti, lãnh đạo Hiệp hội các Hướng dẫn viên Du lịch Batam cho hay, mỗi năm Batam đón khoảng hai triệu khách, và một nửa số đó viếng thăm trại Galang. "Bây giờ nếu trại này đóng cửa, thì chắc chắn du khách sẽ thắc mắc. Trại Galang là một địa chỉ không giống các nơi du lịch thông thường, vì thế mà nhiều người muốn đến thăm."
Các quan chức du lịch địa phương đã bày tỏ quan ngại trước việc trại tỵ nạn cũ có thể bị đóng cửa, mà họ cho là sẽ cắt giảm nhiều công ăn việc làm ở nơi này. Nhất là lý do để đóng cửa trại vẫn chưa rõ ràng tuy có những người cho rằng có thể vì yếu tố chính trị. Văn khố Thuyền nhân Việt Nam, trong thông cáo đăng trên trang mạng, cáo buộc chính quyền trong nước đã gây sức ép cho chính phủ Indonesia nhằm "âm thầm xóa bỏ dấu vết tội ác, hủy hoại di tích lịch sử và nhân đạo thế giới". Tổ chức này nhắc lại sự kiện bia tưởng niệm thuyền nhân tại Galang bị phá bỏ hồi tháng 5/2005, hai tháng sau khi khánh thành, mà họ cũng cho là bị Hà Nội áp lực. Trại Galang được cho là khu di tích duy nhất liên quan tới thuyền nhân Việt Nam còn sót lại ở khu vực Đông Nam Á. Hiện chưa có phản hồi gì từ chính giới Indonesia và Việt Nam về các cáo buộc này. |