Báo chí quốc tế nêu lên yếu tố Trung Quốc trong các vụ Tam Tòa và Bát Nhã ở Việt Nam |
Tác Giả: Mai Vân, RFI |
Thứ Năm, 06 Tháng 8 Năm 2009 14:42 |
VietCatholic News (07 Aug 2009 04:51) Vấn đề tôn giáo tại Việt Nam đang nổi cộm trở lại với các vụ bạo hành nhắm vào môn sinh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại tu viện Bát Nhã ở Dambri (Lâm Đồng), và giáo dân Công giáo tại Tam Tòa (Quảng Bình). Báo chí quốc tế đã gắn các sự kiện này với đợt bắt giữ một số người từng phản đối chính quyền hợp tác với Trung Quốc trong kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp các hành vi chèn ép của Bắc Kinh tại Biển Đông. Từ cuối tháng Sáu đến nay, vấn đề tôn giáo tại Việt Nam lại nổi cộm trở lại với hai sự kiện nối tiếp nhau, ở Tu Viện Bát Nhã thuộc Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng liên quan đến Phật giáo, rồi sau đó là vụ Tam Tòa, Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, liên quan đến Công giáo. Tại cả hai nơi này, tranh chấp nổ ra giữa chính quyền địa phương với các giáo dân, tín đồ tại chỗ, với việc dùng bạo lực để trấn áp đã thu hút sự chú ý của dư luận báo chí quốc tế, đặc biệt là cuộc tranh chấp tại giáo xứ Tam Toà, với tiếng vang trên cả nước, sau khi hai linh mục bị đánh trọng thương. Sự trùng hợp giữa hai sự kiện đã khiến giới quan sát tự hỏi về nguyên nhân vì sao đột nhiên chính quyền lại có thái độ cứng rắn như vậy khi xử lý các vụ việc thoạt đầu chỉ giới hạn ở quy mô địa phương. Một trong những giả thuyết thường được nhắc đến: đó là giới bảo thủ trong chính quyền muốn đối phó với luồng dư luận phản đối chủ trương quá hữu hảo với Trung Quốc, cho Bắc Kinh khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên, bất chấp những lời cảnh báo về các tổn hại có thể xầy ra cho môi trường và nền an ninh quốc gia. Thái độ bất bình của dư luận lại càng gia tăng khi Trung Quốc không ngần ngại chèn ép Việt Nam trong vùng Biển Đông, vừa ngăn chặn không cho Việt Nam phát triển ngành dầu khí của mình, vừa chận bắt các tàu đánh cá của Việt Nam. Trong một bài viết dài công bố hôm 01/08/2009, hãng tin Mỹ AP đã đề cập đến vụ tranh chấp tại Tu viện Bát Nhã giữa gần 400 môn sinh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với chính quyền Việt Nam vừa bùng lên gay gắt từ cuối tháng sau đến nay. Theo hãng AP, trong vòng 4 năm qua, các thiền sinh này đã được yên ổn tu tập theo lời dậy của Thầy Nhất Hạnh, một tu sĩ Phật giáo mà uy tin trên thế giới chỉ thua có Đức Đạt Lai Lạt Ma mà thôi. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6, họ đã bắt đầu bị làm khó dễ, từ việc tu viện bị cúp điện, nước, điện thoại, cho đến việc nơi tu hành của họ bị cả một đám đông xông vào đập phá rồi bao vây, cô lập, những ai đến thăm đều bị hành hung. Công an địa phương có mặt nhưng không can thiệp.
Theo chính quyền thì vụ việc ở Bát Nhã nẩy sinh từ tranh chấp giữa hai phái Phật giáo trong tu viện, một bên là các môn sinh của Thiền sư Nhất Hạnh, và bên kia là những người ủng hộ vị sư trụ trì là Thượng Tọa Đức Nghi, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tuy nhiên, theo hãng AP, các môn sinh của Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng họ bị chính quyền Việt Nam trừng phạt vì quan điểm ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như những lời kêu gọi mở rộng tự do tôn giáo của thầy Nhất Hạnh. Theo một thiền sinh, thì từ năm 2008, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ bất bình sau khi Thiền Sư Nhất Hạnh tuyên bố công khai trong một bài phỏng vấn dành cho một đài truyền hình Ý là Việt Nam nên cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Hà Nội tham dự một đại lễ Phật giáo, còn Bắc Kinh thì nên để cho đức Đạt Lai Lạt Ma về Tây Tạng tiếp xúc với các tìn đồ, tương tự như chính quyền Việt Nam đã cho phép Thiền sư Nhất Hạnh về nước. Dù thế nào chăng nữa thì quan điểm của chính quyền Việt Nam rất rõ. Theo hãng AP, chính quyền đã ra lệnh cho toàn bộ 379 thiền sinh là phải rời Tu Viện Bát Nhã trước đầu tháng 9/2009. Sau vụ Bát Nhã, liên quan đến Phật giáo, qua hạ tuần tháng 07/2009 đã bùng lên vụ Tam Toà. thoạt đầu giới hạn ở địa phương, sau đó trở thành cuộc đấu tranh của người Công giáo trên toàn quốc.
Theo linh mục Antôn Phạm Đình Phùng, chánh văn phòng Tòa Giám Mục Xã Đoài, Giáo phận Vinh, sáng 20/07/2009, khoảng 150 giáo dân xứ Tam Tòa đã đến dựng lều tạm để làm lễ trên nền nhà thờ Tam Tòa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bất ngờ hàng trăm công an, đã tới ngăn cản, đánh đập các giáo dân, rồi bắt lên xe mang đi khoảng 20 người. Theo hãng tin công giáo Asianews, hàng trăm người đã bị thương trong cuộc xung đột. Bạo động cũng tiếp diễn những ngày sau đó. Theo Asianews, một số người địa phương cho biết là công an cùng nhiều nhóm thường dân phụ trợ đã đi đi lại lại trên các đường phố để tìm đánh tất cả những ai mang biểu tượng của đạo Công giáo. Họ còn thốt ra những lời đe dọa tính mạng giáo dân. Trong tình hình bất an đó, hàng trăm gia đình giáo dân Công Giáo ở Đồng Hới đã phải bỏ nhà chạy qua các vùng lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh để lánh nạn. Tình hình nghiêm trọng thêm khi có hai linh mục bị đánh đập bị thương, có người bị bất tỉnh. Sự kiện đó là chất xúc tác, làm dấy lên cả một làn sóng bất bình trong cộng đồng người Công giáo trên toàn quốc. Phong trào ủng hộ giáo dân Tam Toà được tổ chức ở nhiều tỉnh thành với các cuộc tập hợp phản đối chính quyền. Các buổi cầu nguyện cho giáo dân bị bắt đã huy động được đến nửa triệu người tham dự. Nhà thờ Tam Tòa nguyên là một nơi bị bom Mỹ phá hủy trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Sau chiến tranh, nhà thờ chỉ còn trơ lại tháp chuông. Đất tại khu vực này vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà Thờ. Giáo dân nơi đây đã xin phép xây lại nhà thờ nhưng không được vì chính đã quyết định giữ lại bằng của cuộc chiến, và biền nơi đây thành di tích lịch sử. Vấn đề là giáo dân không có nơi để hành lễ, cũng như chưa có khu đất khác để xây nhà thờ.
Nguyên nhân vụ Tam Tòa khởi thủy là vấn đề đất đai như nói trên, mang tính chất địa phương, nhưng diễn diễn tiến sự kiện và phản ứng chính quyền, cho thấy vụ việc đã mang một tầm cỡ khác. Trong bài viết đăng trên mạng Catholic Online, đề ngày 31/07, tác giả Deacon Keith Fournier đã không ngần ngại nói đến một cuộc "chiến tranh mới ở Việt Nam" đang bắt đầu, một cuộc chiến mà các "kẻ thù của tự do đang tấn công vào giáo hội Công giáo". Không đi xa đến thế, hãng tin Công giáo Asianews, công nhận là những gì xẩy ra ở Đồng Hới nghiêm trọng hơn nhiều so với ở Thái Hà trước đây. Chính quyền điạ phương Đồng Hới thực hiện một chính sách đàn áp thẳng tay. Họ không xấu hổ gì trước mục tiêu biến Đồng Hới thành một nơi không còn người công giáo nữa. Trong một bài viết công bố ngày 05/08/2009, AsiaNews lồng vụ Tam Tòa vào trong bối cảnh xã hội và chính trị chung tại Việt Nam hiện nay để cho rằng người Công giáo bị xách nhiễu vì Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã có quan điểm rõ rệt chống lại kế hoạch khai thác bauxite và bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông, hai đề tài nhậy cảm hiện nay đối với Đảng Cộng Sản. Theo AsiaNews, bauxite không đơn thuần là vấn đề môi trường kinh tế mà còn mối quan ngại là sự hiện diện lâu dài hàng trăm ngàn nhân công Trung Quốc đến làm việc tại các khu mỏ bauxite ở Tây Nguyên. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, ngày 31/05/2009 đã lên tiếng cảnh báo về tác hại môi trường việc khai thác bauxite. Bức thư của Đức Hồng Y đươc công bố vài ngày sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua đề án này bất chấp phản đối của công luận. AsiaNews cũng ghi nhận là cho dù nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội chỉ trích đề án bauxite, nhưng giới truyền thông Việt Nam chỉ nhắm vào những nguời Công giáo như linh muc Nguyễn văn Khải, Dòng chúa Cưú thế ở Hà Nội, và linh mục Lê Quang Uy, đã lên tiếng kêu gọi xem xét lại đề án nguy hiểm. Báo chí nhà nước đã cho là hai nguòi này thiếu hiểu biết, gây chia rẽ, cản trở công cuộc phát triển của đất nước, thậm chí tố cáo họ muốn lật đổ chinh quyền. Ngoài hồ sơ bauxite, AsiaNews, còn thấy Giáo hội Công giáo và Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng giám Mục thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến một hồ sơ tế nhị khác, đó là ranh giới với Trung Quốc. Ngày 24/07/2009, Tòa Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh và nhà xuất bản Tri Thức dự kiến tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề biên giới Việt Nam Trung Quốc ngay tại Toà Tổng giám mục trong bối cảnh có nhiều tin là chính quyền Việt Nam dưới sức ép của Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ thêm về ranh giới trên bộ và trên biển. Vào giờ chót, do áp lực của chính quyền, hội thảo được dời đến một nơi khác, chật hẹp hơn, cách đấy 2 cây số. Một số diễn giả chủ chốt được dự kiến, trong đó có Đức Hồng Y, đã rút lui, không đến tham gia hội thảo, vì có "những trách nhiệm khác quan trọng hơn''. Phỏng vấn giáo sư Carlyle Thayer Vấn đề Tam Tòa và Bát Nhã đã nổi cộm lên vào lúc chính quyền vừa bắt giam một lọat nhân vật đầu tranh cho dân chủ, cũng đã từng có quan điểm phản đối Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của RFI qua e-mail, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, trước hết đã lồng vụ Tam Toà vào trong bối cảnh các vụ tranh chấp đất đai giữa Giáo Hội Công giáo và chính quyền Việt Nam. Vấn đề Tam Toà chỉ là sự kiện mới nhất trong tranh chấp giữa Giáo Hội Công giáo Việt Nam với chính quyền, liên quan đến việc đất của Nhà Thờ bị chế độ Cộng sản tịch thu. Năm ngoái đã có tranh chấp giữa cộng đồng người Công giáo và chính quyền điạ phương về sở hữu đất đai ở Thái Hà (Hà Nội) và Toà Khâm sứ Hà Nội. Bên cạnh đó, cũng những vụ tranh chấp ít được nói đến hơn ở các tỉnh Hà Đông, An Giang, Vĩnh Long. Nhưng nguồn gốc vụ Tam Toà, thì gần đây hơn, vào thập niên 90, khi chính quyền điạ phương chọn ngôi nhà thờ bị bom đạn phá hủy làm 'di tích tưởng niệm tội ác chiến tranh của Mỹ''. Khu đất bị tịch thu vào năm 1996, nhưng giáo dân vẫn đươc phép đến đây thờ phụng. Qua năm 97, Ủy ban Nhân dân Quảng Bình ra quyết định, tuyên bố Nhà thờ Tam Tòa là đài tưởng niệm. Thoạt nhìn qua thì vụ Tam Toà là một vấn đề điạ phương, nhưng có nhiều điểm tương đồng với những vụ tranh chấp khác liên quan đến đất của nhà thờ. Một cách cụ thể, sự vụ nổ ra hiện nay là do chính quyền địa phương không có khả năng đáp ứng một cách xây dựng yêu cầu của Giáo hội tại chỗ về việc cấp đất cho họ để họ xây dựng nơi thờ phụng. Vụ tranh chấp hiện nay, nổ ra từ ngày 20 tháng 7, khi giáo dân dựng lều làm nơi tạm thời hành lễ. Công an đến nơi dẹp bỏ, và xô xát giữa hai bên dẫn đến bạo động. Các chức sắc Công giáo nói là công an đã sử dụng lựu đạn cay, dùi cui... để đánh những người phản đối. Qua ghi nhận của Giáo Hội địa phương thì rõ ràng là giáo dân điạ phương đã xông vào giải thoát cho nhiều người bị bắt. Hành động bạo lực của công an và việc bắt giữ hơn một chục người đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối công khai rầm rộ, ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong các ngày chủ nhật 26 tháng 7, và mùng 2 tháng 8. Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngàn người đã tham gia thắp nến cầu nguyện cho Tam Tòa. Phản ứng của chính quyền điạ phương theo một mô hình đã từng thấy trước đây trong các vụ tranh chấp đất đai giữa giáo hội Công giáo và chính quyền. Trước tiên, chính quyền tung chiến dịch truyền thông báo chí để đả kích giáo dân Tam Toà, tố cáo họ có hành động ''phản cách mạng và đe doạ an ninh quốc gia''. Và cũng giống như trong các cuộc tranh chấp khác, công an mặc thường phục và những đám du côn đã đánh linh mục và giáo dân. Riêng về vụ Bát Nhã, giáo sư Thayer đã bác bỏ luận điểm xem đấy là một vấn đề hoàn toàn cục bộ ở địa phương: Diễn biến tại Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc có dấu hiệu đi theo một logic khác. Thoạt đầu tu viện này do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Nhà sư trụ trì tại đấy đã mời những tu sinh của Thầy Thích Nhất Hạnh về Bát Nhã để tu tập. Ta cần nhắc lại là Thiền sư Nhất Hạnh đã được long trọng tiếp đón khi được phép trở về Việt Nam vào năm 2005. Từ đó đến nay, lập trường ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như những lời kêu gọi gia tăng quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh đã làm cho chính quyền Việt Nam nổi giận đối với ông. Có dấu hiệu cho thấy là các quan chức trong ngành an ninh đã gây áp lực trên chính quyền địa phương và các chức sắc Phật giáo để họ trục xuất các môn sinh của Thiền sư Nhất Hạnh. Vào cuối tháng sáu vừa qua, chính quyền điện phương đã cắt điện nước và điện thoại của Tu viện. Sau đó một nhóm người thuê mướn tại địa phương võ trang bằng buá rìu, gậy gộc, đã tấn công vào tu viện và đập phá mọi thứ tại đấy. Báo chí Nhà nước tại Việt Nam đã đưa tin theo hướng sự cố Bát Nhã là vấn đề tranh chấp giữa các nhóm phật tử địa phương. Thế nhưng có thể thấy rõ bàn tay của ngành an ninh trung ương trong việc dàn dựng những hành động mạnh tay, kể cả bạo động. Cả hai vụ Tam Tòa và Bát Nhã theo giáo sư Thayer có mẫu số chung với các vụ trấn áp những người hoạt động dân chủ gần đây: đó là yếu tố Trung Quốc: Những sự cố ở Tam Toà và Bát Nhã đã diễn ra cùng một thời điểm với việc chính quyền bắt những người hoạt động dân chủ, nổi tiếng nhất là Lê Công Định. Ba sự kiện đó có mối liên hệ là đều nằm trong bối cảnh rộng lớn hơn là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thấy uy tín của mình bị suy giảm vì vấn đề bauxite. Vấn đề bauxite không chỉ là một thách thức đối với năng lực của chính phủ trong việc đưa ra được những đề án phát triển quan trọng, mà còn là một vấn đề tế nhị liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cả giới lãnh đạo giáo hội Công giáo lẫn Phật giáo đều dùng trọng lượng của mình để dấn thân vào các vấn đề vừa kể. Họ ủng hộ giới bảo vệ môi môi trường, các nhà kinh tế, cũng như các quân nhân về hưu chống lại đề án bauxite. Lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã trực tiếp lên tiếng chỉ trích các thương lượng thương mại của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc. Ông Lê Công Định, cũng những nhà hoạt động dân chủ khác đã nêu vấn đề bauxite và Trung Quốc trên các trang blog của họ. Hành động cứng rắn gần đây của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, ra lệnh cấm đánh cá, tác hại đến ngư dân và ngành đánh cá của Việt Nam đã làm cho lãnh đạo Việt Nam lúng túng. Tóm lại, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính quyền của ông đang đứng trước một cơn 'bão táp ' trên vấn đề rất tế nhị là quan hệ vơí Trung Quốc. Các sự kiện trên xẩy ra trong lúc đảng Cộng Sản vừa thông báo bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội đảng, dự trù vào đầu năm 2011. Trong bối cảnh đó, có thể là khối ''bảo thủ và an ninh'' trong Đảng đang phô trương sức mạnh một cách sớm sủa để dẹp tan những vấn đề có khả năng gây chia rẽ trong nội bộ Đảng. Những người cải tổ trong Đảng phải thận trọng trong bầu không khí nặng nề về ý thức hệ đó. (Nguồn: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/116/article_4480.asp, ngày 06/08/2009) |