Home Tin Tức Thời Sự Những chuyện kỳ lạ về rác

Những chuyện kỳ lạ về rác PDF Print E-mail
Tác Giả: tran ha   
Thứ Tư, 29 Tháng 7 Năm 2009 01:03

1. Một người đàn ông xấu số ở Anh xây hệ thống đường hầm vô cùng rắc rối và chết chỉ vì đi lạc trong chính mê cung rác của mình.

Các điều tra viên cho rằng, nguyên nhân khiến ông Gordon Stewart, 74 tuổi, chết là do mất nước sau khi không thể thoát khỏi hàng đống vỏ chai, thùng, túi nilon, rác phế liệu.
 
Rác thải là "tình yêu" của nhiều người.

Nhân chứng kể lại các sĩ quan phải đối mặt với một núi rác có mùi rất kinh khủng trong căn nhà của ông Stewart, vì ông sử dụng chúng để xây đường hầm quanh nhà.

Để có thể lọt vào căn nhà kỳ lạ này, cảnh sát đã phải gọi đến cả đội thợ lặn chuyên nghiệp của trung tâm tìm kiếm cứu nạn. Trợ lực cho cảnh sát là các thiết bị bảo vệ, máy dò, ống thở chuyên dụng, máy phân tích và các camera để dò tìm những khu vực đã quá giới hạn ô nhiễm, vùng khí độc hại, dù việc này rất nguy hiểm đối với con người. Một hàng xóm giấu tên nói: “Ông ấy là một người lập dị, nhưng lại rất tử tế. Ông ta là một nhà sưu tập. Mỗi lần tôi để ý thấy ông ấy trở về là nặng trĩu những thùng các tông, túi, bìa cũ. Ông Stewart không có người thân họ hàng ở gần đây, ông ấy khá đơn độc. Dường như ông ấy sống trong thế giới riêng của chính mình. Thật buồn khi nói rằng, chính cái niềm say mê kỳ lạ với rác ấy đã gây ra một “bi kịch” cho ông”.

2. Cụ bà Bridget Molyneux, 75 tuổi, ở Anfield, Liverpool, Anh, tưởng mình may mắn khi nhìn thấy đồng 5 bảng Anh rơi trên đường và cúi xuống nhặt lên, nhưng hóa ra đó chỉ là một tờ biên lai, nên bà để nó lại chỗ cũ. Thật không may cho bà, một nhân viên bảo vệ đường phố đi ngang nhìn thấy liền phạt bà 75 bảng Anh về tội xả rác. Con gái bà tức tốc đến “hiện trường” và cố gắng giải thích cho anh nhân viên kia hiểu rằng ở Anfield vừa có trận bóng đá, nên đường phố sẽ rất nhiều rác. Tuy nhiên, nhân viên bảo vệ đường phố vẫn cương quyết bắt bà nộp phạt với lý lẽ "nếu thấy đó là rác thì phải mang về nhà chứ không được bỏ giữa đường". 

3. Kiến trúc sư Folke Köebberling và nghệ sĩ Martin Kaltwasser, người Đức, sáng tạo nên phòng tranh “độc nhất vô nhị”, phòng tranh từ rác. Chi phí cho ngôi nhà được dùng để trưng bày tranh này gần như bằng 0, vì nguyên liệu chính chỉ có rác và 40 người tình nguyện.

Hai nghệ sĩ tạo nên một không gian Amphis tinh tế tại miền quê gần Cambridge cùng với sự giúp đỡ của 40 tình nguyện viên. Họ cùng nhau xây dựng công trình hữu ích này bằng việc tận dụng những cái cửa ra vào, cửa sổ cũ kỹ, những đồ đạc và bàn học quá "già". Ông Köebberling chia sẻ cảm xúc: "Chúng tôi rất tự hào. Nó là ngôi nhà đầu tiên được xây dựng hoàn toàn từ rác và chi phí bỏ ra gần như bằng 0." Hiện ngôi nhà từ rác “ngự” tại Trung tâm Wysing Arts, đường Fox, Cambridge, Anh và được dùng cho việc triển lãm nghệ thuật và chiếu phim.

4. Trong khi nhiều nhà thám hiểm tài ba tham vọng đặt chân tới ngọn núi Everest để thỏa khao khát được đứng trên đỉnh cao nhất của thế giới thì hoạ sĩ Jeff Clapp, người Mỹ lại chỉ muốn lên đó để lấy rác thải. Việc làm có vẻ “khác người” này đem lại cho gia đình anh một số tiền không nhỏ khi biến đồ rác thải trên đỉnh núi cao nhất thế giới thành những tài sản có giá trị.

Sau khi đọc một tài liệu về rác thải của Everest, năm 2004, Clapp tới Nepal và mang về Mỹ một xe ô tô chở đầy những bình oxy phế thãi. Sau đó, Clapp thành lập một công ty nhỏ, biến những bình chứa oxy bằng nhôm này thành những cái bát, quả chuông trắng bóng và nhiều đồ trang trí khác nhằm khuyến khích mọi người sử dụng đồ tái chế để bảo vệ môi trường.

Từ ý tưởng “bốc đồng” ban đầu, giờ đây, các sản phẩm của Clapp có hiệu riêng “Bells from Everest”. Giá mỗi chiếc chuông từ 1.600 tới 3.000 USD và từ 500 tới 1.500 USD cho một bát nhôm.

Dù giá của những sản phẩm này không rẻ chút nào nhưng với những người không thể leo lên đỉnh Everest, đó là những món đồ có ý nghĩa. Clapp cũng cho biết, anh hy vọng có thể kết hợp với các nhà tài trợ để mở rộng dự án, đồng thời làm một bộ phim tài liệu. Anh cũng muốn viết một cuốn sách về công việc thú vị mà anh đang theo đuổi.