Cơn dịch tịch biên nhà gia tăng kỷ lục trong 6 tháng đầu năm: Trên 1.5 triệu căn nhà rơi vào tiến trình tịch biên |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nam | |
Thứ Sáu, 17 Tháng 7 Năm 2009 22:22 | |
Giới kinh tế gia nhận định là tình trạng tịch biên nhà giống như một cơn đại dịch vậy, và ngày càng tệ hơn. Theo số liệu thống kê, cho tới hết 6 tháng đầu năm 2009, có tới 1.53 triệu căn nhà rơi vào tình trạng “đang giải quyết tịch biên”, gồm cả các hình thức thông báo nợ bị xấu (default notice), thông báo bán đấu giá (auction sale notices), nhà băng tịch biên nhà (bank repossessions) ,… Con số này tăng 9% so với 6 tháng trước, và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê của RealtyTrac. Có tới 1.91 triệu hồ sơ nộp cho các loại tiến trình tịch biên nói trên, tính trung bình cứ 1 trong số 84 căn nhà tại Mỹ, ít ra nhận 1 lần nộp hồ sơ nói trên trong 6 tháng đầu năm của năm nay. Nhà băng đã tịch thu lại 386 căn nhà trong 6 tháng đầu năm nay. Theo phát ngôn nhân Rick Sharga của RealtyTrac, thì “điều này có nghĩa là mặc dù chính phủ và các nhà băng cho vay có nỗ lực, nhưng mà vẫn chưa kiểm soát được tình trạng tịch biên nhà.” Điều này cho thấy là chưa có tín hiệu phục hồi trong lãnh vực gia cư. Vào tháng 6, 2009, có trên 336 ngàn căn nhà rơi vào tình trạng nộp hồ sơ bị tịch biên, trở thành tháng thứ tư liên tiếp có số nhà nộp hồ sơ tịch biên cao trên 300 ngàn căn/tháng. Con số này tăng 33% so với tháng 6 năm trước và tăng 5% so với tháng 5 rồi. Theo giám đốc điều hành James J. Saccacio của RealtyTrac thì “tình trạng tịch biên nhà gia tăng theo mức độ kỷ lục. Tình trạng tịch biên do nguyên nhân thất nghiệp là lý do chính trong chuyện gia tăng tịch biên nói trên, và số người cảm thấy rằng sốn nợ của họ trong căn nhà cao hơn giá trị thị trường của căn nhà càng làm cho khả năng nhà bị tịch biên gia tăng thêm trong thời gian tới. Chính nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái là nguyên nhân chính, ảnh hưởng nhiều nhất trong chuyện gia tăng nhà tịch biên lên mức kỷ lục như hiện nay. Việc làm ngày càng mất nhiều và người mất việc thường mất luôn khả năng trả tiền nhà, và giá nhà giảm sút cũng góp phần thúc đẩy chủ nhà rơi vào tình trạng để căn nhà bị tịch biên. Họ cảm thấy thật là một quyết định thiếu sáng suốt nếu tiếp tục trả tiền cho căn nhà mà giá trị hiện dưới mức nợ và tiếp tục giảm giá. Theo nghiên cứu của Paola Sapienza của trường Kellogg và Luigi Zingales của trường the University of Chicago Booth School of Business, thì chủ nhà có khuynh hướng bỏ căn nhà khi giá trị căn nhà rớt dưới mức 15% so với nợ trên căn nhà. Như thế, chuyện “bỏ nhà” trong nhiều trường hợp là một quyết định mang tính chất “chiến lược”. Theo hai nhà nghiên cứu nói trên có ít nhất 25% trong số bỏ nhà nói trên có giá trị căn nhà rớt xuống 25%, và trong các vùng bị giảm nặng, có thể giá trị căn nhà bị giảm 40% trở lên. Một số khác đang thương lượng với nhà băng để điều chỉnh lại món nợ, để chủ nhà có thể có khả năng giữ lại căn nhà. Tuy thế, quá trình này kéo dài và chậm chạp khiến cho nhiều người bực mình. |