Home Tin Tức Thời Sự “Tàu lạ” đâm chìm tàu đánh cá VN gần đảo Hoàng Sa, 9 ngư dân bị thương

“Tàu lạ” đâm chìm tàu đánh cá VN gần đảo Hoàng Sa, 9 ngư dân bị thương PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 16 Tháng 7 Năm 2009 05:00

Wednesday, July 15, 2009   

Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quảng Trường Sa và nhà trưng bày Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Hình: báo Tuổi Trẻ.

 

 

 Cuộc diễn tập chống cướp có vũ trang, buôn ma túy và tìm kiếm cứu nạn trên biển của Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam. (Hình: TT).

  Hình bên: Ðảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã xây một phi đạo dài để tiếp tế bằng đường hàng không. Nơi đây đang giữ 2 tàu đánh cá và 12 ngư dân bị Trung Quốc bắt từ ngày 16 Tháng Sáu 2009 để đòi tiền chuộc dù đây là biển đảo của Việt Nam.

QUẢNG NGÃI (NV) - Một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã bị một tàu, được báo chí trong nước và cả hãng thông tấn chính thức của Hà Nội, gọi là “tàu lạ” đâm chìm ở khu vực tọa độ khoảng 13o45 phút độ Vĩ Bắc và 110o32 phút độ Kinh Ðông.

Thời gian xảy ra vụ việc khoảng 1 giờ 30 phút ngày Thứ Tư 15 Tháng Bảy 2009 mà hãng tin TTXVN nói là “Tàu QNg 2203 có 9 thuyền viên đã bị một tàu lạ đâm chìm.”

Theo nguồn tin này “Thông tin trên do ông Huỳnh Thọ, chủ tàu QNg 2416 báo về phòng Phối Hợp tìm kiếm cứu nạn, Trung Tâm Phối Hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, sáng ngày 15 Tháng Bảy.

Cũng theo chủ tàu QNg 2416, “ngay khi xảy ra vụ va chạm trên, các thuyền viên trên tàu QNg 2416 đã nỗ lực ứng cứu và đưa hết 9 thuyền viên tàu bị nạn lên tàu. Những ngư dân gặp nạn đều trong tình trạng bị thương, trong đó có 2 người bị thương rất nặng là Phạm Văn Ca, 30 tuổi và Ðặng Lan, 32 tuổi bị vỡ đầu, máu ra nhiều và bị hôn mê.”

Nguồn tin vừa kể cho hay thêm “hiện tàu QNg 2416 đang đưa các thuyền viên bị nạn về đất liền, dự kiến đến 7 giờ ngày 16 Tháng Bảy sẽ cập bờ biển tỉnh Quảng Ngãi.”

Nhưng bản tin báo điện tử VietnamNet đưa ra con số cho dễ hiểu của vụ bị “tài lạ” đâm chìm tàu đánh cá nói trên xảy ra ở khoảng 200 cây số phía Ðông bờ biển Việt Nam giữa Qui Nhơn và Phú Yên.

VietnamNet cho hay, “Thuyền trưởng tàu bị nạn chỉ kịp phát tín hiệu cấp cứu. Bộ chỉ huy Bộ Ðội Biên Phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tín hiệu cấp cứu được các tàu đánh cá xung quanh vị trí tàu ông Nam nhận được vào lúc 1h30 sáng 15 Tháng Bảy. Lúc đó tàu của ông Nam đang ở trong vùng biển lãnh hải Việt Nam. Trên tàu có 9 thuyền viên.

Vụ đâm tàu đã khiến 7 ngư dân bị thương, trong đó có hai người bị thương nặng. Các thủy thủ đã kịp bám vào những vật dụng làm phao nổi trên biển khi tàu chìm. Tàu đánh cá của ông Huỳnh Bẻo đang thả lưới gần đó nhận tín hiệu cấp cứu kịp chạy đến cứu sống toàn bộ thuyền viên trôi dạt.”

Theo tờ Tuổi Trẻ, những ngư dân này đều thuộc xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Nhìn theo vị trí tàu bị đụng chìm trên bản đồ, người ta thấy địa điểm gần với đảo Tri Tôn, đảo phía Nam của quần đảo Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) miền Trung Việt Nam khoảng 200 km và khu vực đặc quyền khai thác kinh tế trên biển, theo công ước về luật biển quốc tế là 200 km tính từ bờ biển.

Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đoạt từ VNCH đầu năm 1974 sau một trận hải chiến mà chiến hạm HQ 10 của HQVNCH đã bị chìm, Thiếu Tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà đã tuẫn tiết theo tàu.

Như những lần trước khi bị tàu Trung Quốc tấn công hay đâm chìm ở khu vực các quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa, báo chí CSVN đều nói tránh là “bị tàu lạ đâm chìm” chứ không dám nêu thẳng là tàu Trung Quốc

Một số website Trung Quốc đưa hình ảnh và video tàu tuần Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam thời gian gần đây ở khu vực Hoàng Sa. Lính Trung Quốc võ khí lăm lăm và hung hăng, dữ tợn. Ngư dân Việt Nam có người chắp tay vái lạy như tế sao mà vẫn không được buông tha.

Ngày 16 Tháng Sáu 2009, tàu tuần Trung Quốc bắt 3 tàu đánh cá thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa khi họ đang trên đường chạy bão. Ngày 20 Tháng Sáu họ thả cho 1 tàu và 25 ngư dân trở về với lời nhắn đem 540,000 nhân dân tệ (khoảng hơn $30,000 USD) để chuộc 12 ngư dân và 2 tàu còn lại bị kéo về đảo Phú Lâm , đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã xây một phi đạo cho máy bay lên xuống tiếp tế.

Ngày 22 Tháng Sáu 09, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội, Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Hồ Xuân Sơn đã tới tòa đại sứ Trung Quốc “ngoại giao” kiểu xin cho mong Bắc Kinh thả các ngư dân và 2 tàu còn bị giữ mà không phải nộp tiền thuộc. Tới nay, Bắc Kinh vẫn lặng thinh. Nay lại xảy ra vụ “tàu lạ” đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam, không tàu nào khác ngoài tàu tuần Trung Quốc.

Vụ việc trong ngày 15 Tháng Bảy, 2009, xảy ra chỉ 3 ngày sau khi hải quân, cảnh sát biển CSVN mở cuộc diễn tập chống “cướp biển, buôn lậu ma túy và cứu hộ tàu bị nạn trên biển Việt Nam. Cuộc diễn tập này có quay phim, chụp hình tuyên truyền ồn ào ở Việt Nam cho thấy khả năng bảo vệ và giữ gìn an ninh trên biển của hải quân và cảnh sát biển CSVN.

“Ngày 11 Tháng Bảy, Vùng 3 Cảnh Sát Biển (thuộc Cục Cảnh Sát Biển) hoàn thành ngày cuối cùng của đợt diễn tập thực binh chống cướp có vũ trang, buôn bán vận chuyển ma túy và tìm kiếm cứu nạn trên biển Ðông khu vực miền Trung diễn ra từ ngày 9 Tháng Bảy.” Báo Tuổi Trẻ ngày 12 Tháng Bảy 2009 viết tường thuật. “Tham gia diễn tập có sự phối hợp của quân chủng Hải Quân, Quân chủng Phòng Không-Không Quân, Bộ Tư Lệnh Bộ Ðội Biên Phòng, công an TP Ðà Nẵng và Quảng Nam với tám tàu tuần tra, hai máy bay trực thăng. Ðây là đợt diễn tập đầu tiên có quy mô lớn về các nội dung trên tại vùng biển này (từ Quảng Bình đến Phú Yên).”

Vụ việc xảy ra cho ngư dân Quảng Ngãi ngày 15 Tháng Bảy cũng chỉ diễn ra sau khi một tượng đài đội quảng Trường Sa được dựng trên đảo Lý Sơn 2 ngày.

“Tượng đài Ðội Hoàng Sa kiêm quảng Trường Sa bằng đá granit nặng gần 30 tấn vừa được vận chuyển ra đảo Lý Sơn và lắp đặt thành công tại nhà trưng bày Ðội Hoàng Sa Bắc Hải, ở thôn Ðông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn. Ðây là tượng đài do nhà điêu khắc Hà Trí Dũng phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Hoàn Hảo ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thực hiện sau hơn 1 năm.” Báo Tuổi Trẻ ngày 13 Tháng Bảy 2009 tường thuật. “Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Hoàng Sa kiêm quảng Trường Sa tại huyện đảo Lý Sơn do huyện Lý Sơn và Sở Văn Hóa-Thể Thao Và Du Lịch Quảng Ngãi (chủ đầu tư) dự kiến sẽ hoàn thành vào Tháng Chín năm nay.

Dự án gồm các hạng mục: Nhà trưng bày tranh, ảnh, hiện vật đội Hoàng Sa Bắc Hải; phục dựng đình làng An Vĩnh; tôn tạo miếu thờ cai đội Phạm Quang Ảnh, chỉ huy đội Hoàng Sa; dựng tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quảng Trường Sa... Tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng.”

Ngày 12 Tháng Sáu, 2009, Ðại Tướng Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Ðội CSVN, Lê Văn Dũng, trong cuộc phỏng vấn tuyên truyền của VietnamNet, trả lời câu hỏi “Lực lượng bảo vệ (ngư dân ở những nơi họ đánh cá được xác định là chủ quyền của Việt Nam) thế nào?” trả lời rằng “Vẫn tốt, vẫn đầy đủ.” Dịp này, ông còn nhắn ngư dân là “Nếu phát hiện tàu lạ, hãy báo cho chúng tôi.”

Như tin các báo chí và cả từ TTXVN, các ngư dân bị đâm chìm tàu được một tàu đánh cá khác cứu chứ không phải được Hải Quân CSVN cứu mạng.

Theo tự điển nguồn mở Wikipedia, quần đảo Hoàng Sa, từ hán việt có nghĩa là “cát vàng” (tiếng Anh: Paracel Islands; là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở biển Ðông. Quần đảo nằm cách miền Trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía Bắc của Philippines; cách Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) của Việt Nam khoảng 200 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 km.

Trung Quốc loan báo cấm đánh cá ở khu vực Hoàng Sa và Trường sa từ giữa Tháng Năm đến ngày 1 Tháng Tám 09 nhằm đúng mùa đánh cá chính của ngư dân Việt Nam. Sau khi Hà Nội lên tiếng “đề nghị” Trung Quốc đừng cấm dân Việt đánh cá trên khu vực biển và đảo của Việt Nam, Trung Quốc đã tức tốc tăng cường thêm nhiều tàu tuần lớn đến khu vực này trong khi không thấy có hành động gì nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biến đảo từ Hà Nội ngoài những lời tuyên bố suông.

Ðã vậy, khi Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng CSVN tiếp Lý Nguyên Triều, trưởng ban tổ chức Trung Ương Ðảng CS Trung Quốc từ Bắc Kinh sang Hà Nội , hãng tin TTXVN ngày 12 Tháng Bảy 09 loan báo như sau:

“Chiều 12 Tháng Sáu, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đánh giá cao việc Việt Nam và Trung Quốc hợp tác có hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức nhân dân, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung lên một tầm cao mới.”

Tiếp đoàn đại biểu Ðảng Cộng Sản Trung Quốc do ông Lý Nguyên Triều, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Ban Bí Thư, trưởng ban Tổ Chức Trung Ương dẫn đầu, Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam lần này của đoàn thể hiện sự quan tâm và coi trọng của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước, là biểu hiện sinh động của việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Tổng bí thư khẳng định Ðảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một, luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình để gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước do Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Chủ Tịch Mao Trạch Ðông đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.”