Dân biểu Mỹ bất bình về nhân quyền |
Tác Giả: BBC |
Thứ Hai, 13 Tháng 7 Năm 2009 01:39 |
Dân biểu Frank Wolf được cho là một nhân vật có quyền lực trong Hạ viện Mỹ Một dân biểu Hoa Kỳ, ông Frank Wolf, vừa đặt câu hỏi về cam kết nhân quyền của Tổng thống Obama trong khi cùng bảy dân biểu khác đòi đặt Việt Nam vào lại danh sách Các nước gây quan ngại về Nhân quyền và Tự do Tôn giáo (CPC). Dân biểu Frank Wolf (thuộc đảng Cộng hòa, đại diện cho khu vực thứ 10, tiểu bang Virginia) là đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và đồng thời cũng giữ vị trí trong Tiểu ban Tài chính Hạ viện. Ông Wolf được cho là một trong các hạ nghị sỹ "quyền lực". Hôm thứ Năm 09/07, ông Frank Wolf ra thông cáo bày tỏ lo ngại về việc chính phủ Obama đã không "đặt nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ". Trong thông cáo được lưu chiểu tại Quốc hội, dân biểu Wolf nói ông và nhiều người khác quan ngại sâu sắc về "phương hướng của chính phủ trong lĩnh vực nhân quyền". Thông cáo của ông đề cập tới những điều mà ông gọi là "lạc bước" trong cách hành xử với các nước vi phạm, trong có Việt Nam. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã cho bắt một loạt các nhân vật mà Hà Nội cho là "chống đối" và "cấu kết với các thế lực bên ngoài" hòng lật đổ chế độ. Chúng tôi tin rằng danh sách CPC là một công cụ ngoại giao quan trọng và linh hoạt, đã được sử dụng trong quá khứ để mang lại các kết quả khả quan tại Việt Nam mà không ảnh hưởng tới lợi ích song phương. Thư của các dân biểu Mỹ Sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về vụ LS Lê Công Định bị bắt, Việt Nam đã công khai chỉ trích Hoa Kỳ là "can thiệp nội bộ". Báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam cũng nói nhiều về nguy cơ "cách mạng màu" và "diễn biến hòa bình". Nhiều nhà quan sát nhận định rằng kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ, các phát biểu của Việt Nam hướng về Hoa Kỳ gần đây trở nên gay gắt một cách đáng chú ý. Theo họ, điều này không nhất quán với tiến trình cải thiện quan hệ kéo dài suốt 20 năm nay. Dân biểu Frank Wolf bày tỏ thất vọng về người đại diện cho chính phủ Mỹ tại Việt Nam, đại sứ Michael Michalak. Ông Wolf viện dẫn một bài báo của tờ Washington Times, trích lời đại sứ Michalak nói "chưa đủ chứng cớ" để đặt Việt Nam lại vào danh sách CPC. Vị dân biểu này nói đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã biết rõ "quan ngại của tôi về việc ông ta không coi trọng vấn đề nhân quyền cũng như thất bại của ông ta trong việc biến tòa sứ quán thành hòn đảo tự do" ở Việt Nam. Danh sách CPC Chính phủ Hoa Kỳ, tuy bày tỏ quan ngại về vụ bắt ông Lê Công Định ngày 13/06, chưa có phản ứng chính thức gì về các vụ bắt giữ gần đây nhất. Tuy nhiên, hôm 10/07, dân biểu Frank Wolf cùng bảy vị khác thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã ký tên vào lá thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đòi liệt Việt Nam vào danh sách CPC trở lại. Thư viết trong phúc trình hàng năm 2009, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã kết luận rằng "đang tiếp tục có nhiều vi phạm và hạn chế tự do tôn giáo nghiêm trọng ở Việt Nam". "Chúng tôi yêu cầu bà liệt Việt Nam trở lại vào danh sách CPC. Các điều kiện nhân quyền ở Việt Nam đã tồi tệ đi kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 1/2007." "Chúng tôi tin rằng danh sách CPC là một công cụ ngoại giao quan trọng và linh hoạt, đã được sử dụng trong quá khứ để mang lại các kết quả khả quan tại Việt Nam mà không ảnh hưởng tới lợi ích song phương." Thư của tám vị dân biểu cho rằng "quan hệ Mỹ-Việt quan trọng trên cả hai khía cạnh chiến lược và lịch sử" và "cho Việt Nam vào danh sách CPC sẽ có lợi cho quan hệ về lâu về dài". Bức thư có chữ ký của các dân biểu mà Việt Nam từng cho là "thiếu thiện chí" như Christopher Smith, Loretta Sanchez và Ed Royce. Dân biểu gốc Việt đầu tiên, Joseph Cao, cũng ký tên vào lá thư này. |