Home Tin Tức Thời Sự Luật sửa đổi và quyền sở hữu nhà của Việt kiều

Luật sửa đổi và quyền sở hữu nhà của Việt kiều PDF Print E-mail
Tác Giả: Nhã Trân, phóng viên đài RFA   
Thứ Hai, 13 Tháng 7 Năm 2009 01:03

Hơn 30 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, Việt Nam mở cửa chào đón những người Việt định cư ở nước ngoài về thăm quê hương, họ hàng; cũng như đầu tư kinh doanh. AFP PHOTO

Luật mới cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam vừa được thông qua. Luật mới này có những quy định gì mới so với trước đây? Và ý kiến của chính các Việt kiều về vấn đề này thế nào? Nhã Trân có chi tiết.

Sau nhiều tranh luận, Quốc Hội Việt Nam Khóa 12, Kỳ 5 đã thông qua Luật Sửa Đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà Ở và điều 121 Luật Đất Đai, liên quan đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của người Việt nước ngoài.

Điều kiện rộng rãi hơn trước

Theo các quy định mới thì người đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp, người có những đóng góp đặc biệt cho Việt Nam, chuyên gia, người có kỹ năng đặc biệt, người kết hôn với công dân Việt Nam, sẽ được quyền sở hữu 1 căn nhà ở Việt Nam.

Luật sửa đổi nối tiếp tu chính án đề nghị cho những Việt kiều có quốc tịch Việt Nam được mua mỗi người 1 căn nhà, với các điều kiện rộng rãi hơn trước. Đó là, đối tượng chỉ cần cư trú tối thiểu 3 tháng ở Việt Nam, tuy ưu tiên vẫn dành cho những người có tài năng mà Việt Nam đang cần và những người được miễn hộ chiếu ở Việt Nam hay có người phối ngẫu đang cư trú và sở hữu nhà trong nước, so với yêu cầu khi xưa là Việt kiều phải cư trú từ 6 tháng trở lên, có công với Nhà nước, hay thuộc giới chuyên gia khoa học, văn hóa muốn nghiên cứu tại Việt Nam.

Tôi thấy chính phủ Việt Nam dù theo luật cũ hay luật mới cũng không cần thiết phải nói ông vẫn là người Việt Nam nên tôi có quyền đối với ông.

LS Tạ Văn Tài

Sự cải cách Luật Nhà Ở và Luật Đất Đai kỳ này đến sau nhiều ý kiến sôi nổi trong các cuộc bàn thảo của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam từ đầu năm đến nay. Thường trực chính phủ có ý kiến không thay đổi dự thảo luật về đối tượng được sở hữu và điều kiện cư trú tại Việt Nam. Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Hồng Quân cho là chỉ những Việt kiều thật sự có nhu cầu về gia cư mới được mua nhà để ở. Chủ Tịch Hội Đồng Dân tộc, ông Ksor Phước thì lo ngại rằng việc Việt kiều được tự do mua nhà đất không khác gì người ở Việt Nam chắc chắn sẽ dẫn đến chuyện đầu cơ, làm tình hình nhà đất trở nên khó kiểm soát hơn.

Quốc tịch và quyền sở hữu

Một điểm khác gây quan tâm trong giới đại biểu là việc ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quốc Tịch, lý do vì Luật Quốc Tịch có liên quan mật thiết đến điều kiện được sở hữu chiếu theo Luật Sửa Đổi. Bàn về tương quan giữa vấn đề quốc tịch và quyền sở hữu địa ốc ở Việt Nam đối với Việt kiều, Luật sư Tạ Văn Tài ở bang Massachusette Hoa Kỳ nhận định:

“Cái việc muốn giữ, muốn kềm chế trong cái cơ chế vẫn là người Việt Nam thì không cần thiết đâu. Tôi thấy chính phủ Việt Nam dù theo luật cũ hay luật mới cũng không cần thiết phải nói ông vẫn là người Việt Nam nên tôi có quyền đối với ông. Như vậy thì được lòng Việt kiều hơn, [được lòng] người nào muốn về nước làm ăn, mua nhà mua cửa hơn”

Rào cản thủ tục hành chính

Luật Sửa Đổi, bổ sung Luật Nhà Ở và Luật Đất Đai, sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Chín 2009. Kể từ khi Việt kiều được quyền sở hữu nhà trong nước, thủ tục hành chính bị xem là cản trở lớn nhất cho việc mua nhà của họ, mà một trong những tổ chức có nhận định này là Hiệp Hội Doanh Nghiệp Người Việt Nước Ngoài. Dư luận kiều bào hiện chưa hết e ngại về sự rườm rà của thủ tục hành chính và sự chậm trễ của việc áp dụng nghị định hướng dẫn, hiện còn phải chờ được ban hành:

“Ở Việt Nam sau khi Luật có rồi thì bước kế tiếp là phải chờ thông tin hướng dẫn, gọi là thông tin liên ngành. Cái đó nó như vậy, khó như vậy. Thường ít nhất là phải 6 tháng.”

Ở Việt Nam sau khi Luật có rồi thì bước kế tiếp là phải chờ thông tin hướng dẫn, gọi là thông tin liên ngành. Cái đó nó như vậy, khó như vậy. Thường ít nhất là phải 6 tháng.

Luật Sửa Đổi, vừa được thông qua cuối tháng Sáu năm nay, được cho là có nới rộng phần nào quyền sở hữu nhà của Việt kiều. Chính phủ Việt Nam dự đoán các quy định vừa được chỉnh sửa sẽ nâng số Việt kiều mua nhà tại Việt Nam vào khoảng 1,400 mỗi năm. Bộ Xây Dựng, cơ quan soạn thảo Luật Sửa Đổi, thì cho hay có khoảng 2 triệu Việt kiều, tức khoảng 70% tổng số người Việt nước ngoài, hội đủ điều kiện sở hữu nhà trong nước.

Những giới hạn của luật pháp Việt Nam trước giờ về quyền sở hữu nhà ở Việt Nam đối với người Việt nước ngoài đã khiến đến nay vẫn chỉ có khoảng 150 Việt Kiều mua được nhà trong nước trên tổng số 3 triệu người ở hải ngoại, và so với hơn 100 ngàn trường hợp có nhu cầu mua nhà.

Trong một cuộc bàn thảo của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam hồi cuối tháng Năm vừa qua về Luật Nhà Ở và Luật Đất Đai liên quan đến Việt kiều, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào tại Hà Nội nhắc lại rằng theo đánh giá của Nhà nước, Việt kiều là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Người Việt hải ngoại, vì vậy cần được đối xử công bằng và bình đẳng. Chuyện hạn chế họ mua nhiều nhà để ngăn việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất là điều “không cần thiết”. Và chính sách mới, nếu cho phép Việt kiều mua nhà nhưng lại hạn chế quyền của họ và hạn định số lượng nhà được mua, thì chẳng khác chi “mở ra rồi lại trói vào”.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.