(Dân trí) - Chuyến đi của Tổng thống Mỹ đến Nga đã diễn ra đúng như dự đoán của giới phân tích: có thành công - vì đã tháo gỡ bớt các nút thắt vướng mắc trong quan hệ Nga-Mỹ, nhưng thiếu đột phá - vì mọi sự gần như mới dừng lại ở từ “cam kết”.
Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp với Thủ tướng Nga Putin hôm qua.
Tổng thống Mỹ Obama đã nỗ lực nâng tầm quan hệ song phương với một loạt thoả thuận chung ký sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Dmitry Medvedev. Ông Obama cũng đã có cuộc gặp - theo lời một quan chức Mỹ, là "rất cởi mở và thu hút sự chú ý", với Thủ tướng Nga Vladimir Putin trong nỗ lực phá vỡ những rào cản giữa hai bên, mặc dù cả hai thừa nhận vẫn còn bất đồng trong một số vấn đề. Phát biểu trước các sinh viên Nga tại một buổi lễ tốt nghiệp của Trường Kinh Tế Mới ở Mátxcơva, Tổng thống Mỹ nói rằng lý thuyết thời Chiến tranh Lạnh cho rằng Mỹ và Nga chỉ có thể tồn tại trong tư cách đối nghịch tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau là sai lầm. Ông Obama cũng đã có cuộc tiếp xúc với người dân Nga. Kết quả đầu tiên phải kể đến trong chuyến đi của ông Obama là nới lỏng tút thắt mớ bùng nhùng bất đồng là thoả thuận khung cho một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START I) có từ thời Chiến tranh Lạnh - một biểu tượng cho thành công của chuyến đi “điều chỉnh quan hệ” Nga-Mỹ. Nhưng để tiến tới được một thoả thuận cụ thể thay thế START I là cả một quá trình và nhiều gian nan với cả hai nước. Nhiều lý do khiến giới phân tích nhận định cả hai cũng khó mà hoàn thành được văn bản trước tháng 12/2009 - thời điểm START I hết hiệu lực. Điều này, nếu xảy ra, sẽ đồng nghĩa với thực tế là hai nước chưa có đột phá gì trong quan hệ song phương. “Thành công không đột phá” thứ hai là dù nỗ lực của Nga đặt điều kiện cắt giảm thêm đầu đạn hạt nhân với vấn đề triển khai tấm chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Cộng hoà Séc dường như không thu được kết quả, nhưng những tuyên bố của ông Obama cho thấy lập trường của Mỹ về vấn đề này đã có những thay đổi quan trọng. Tổng thống Mỹ đã cam kết cân nhắc mối quan ngại của Nga về vấn đề tấm chắn phòng thủ tên lửa và tôn trọng lợi ích của Nga ở không gian hậu Xô Viết - những lời lẽ đã dịu hơn quyết tâm của người tiền nhiệm George Bush khi đề cập đến hệ thống đã được triển khai này và vấn đề gia nhập NATO của hai nước thuộc Liên Xô cũ là Gruzia và Ukraine. Ông Obama cũng đồng ý ký vào “hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý” để thay thế hiệp ước START I được ký năm 1991 - hành động nữa không cùng chiều với lập trường của Bush. Hai bên đã rất khéo léo khi đề cập đến những bất đồng còn tồn tại, trong khi lại không đề cập đến phương cách giải quyết cụ thể những trở ngại này với quan hệ song phương. Trong cuộc họp báo chung tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Medvedev và người đồng cấp Mỹ đã đề cập đến những khía cạnh còn gây chia rẽ giữa họ - như việc Nga phản đối kế hoạch của Washington triển khai tấm chắn phòng thủ tên lửa ở châu Âu, việc kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO và việc Mỹ khẳng định tính toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia. Các vấn đề này chắc chắn đã được hai bên thảo luận, nhưng cả hai cùng không đề cập đến kết quả sau cuộc họp.
Hai bên đã cùng tuyên bố quyết tâm gác lại những bất đồng và tập chung giải quyết các vấn đề tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân - những vấn đề mà hai bên dễ dàng đạt được sự đồng thuận mà không cần chuyển hướng các ưu tiên trong chính sách đối ngoại lâu nay của mỗi nước. Ông Obama nói: “Có thể chúng tôi sẽ không đi đến chỗ đồng ý về tất cả mọi vấn đề, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể có thái độ tương kính và hội ý với nhau, phục vụ lợi ích cho cả nhân dân Mỹ lẫn nhân dân Nga". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng xác định rõ rằng trong khi đi tìm một quan điểm chung, ông sẽ không gạt qua một bên những nguyên tắc mà ông cho là quan trọng. Những vấn đề hai bên dễ dàng đạt được sự đồng thuận mà không cần chuyển hướng những ưu tiên trong chính sách còn bao gồm việc Nga cho Mỹ mượn không phận để chở quân đến Afghanistan, hai bên nối lại các hoạt động hợp tác quân sự Mỹ-Nga (bị đóng băng sau cuộc xung đột ngắn năm 2008 giữa Nga và Gruzia), thiết lập một uỷ ban chính phủ chung mới và trao đổi thông tin về tù nhân chiến tranh.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng tiến bộ trong giải giáp có thể cho phép Mỹ và Nga đặt nền tảng cho sự tin cậy lẫn nhau để theo đó, hai nhà lãnh đạo có thể giải quyết những bất đồng mới. “Những gì chúng tôi có thể làm giờ đây là tăng cường tin cậy giữa chính phủ hai nước để nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng giống như cuộc xung đột năm ngoái ở Gruzia, chúng tôi có thể sẵn sàng đối phó tốt hơn”, ông Sergei Karaganov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, nói. |