Căng thẳng tại Tu viện Bát Nhã |
Tác Giả: BBC News | |
Thứ Bảy, 04 Tháng 7 Năm 2009 22:15 | |
Tin cho hay gần 400 tu sinh có liên hệ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn đang ở trong Tu viện Bát Nhã qua ngày thứ bảy, trong lúc Thượng tọa chủ trì ở đây đòi họ phải ra đi. Thượng Tọa Thích Đức Nghi, viện chủ tu viện Bát Nhã, trước đây đã mời tăng thân Làng Mai về dạy đạo pháp cho hàng trăm chủng sinh, nhưng quan hệ hai bên đã bị xấu đi trầm trọng. Giới chức chính quyền và công an tỉnh Lâm Đồng, được BBC liên lạc, từ chối cung cấp thông tin. 'Bị cô lập' Nói chuyện với BBC ngày hôm nay, Thầy Thích Trung Hải, là người ở Tu viện Bát Nhã nhưng đang có mặt ở Pháp, cho biết: "Hiện tại có khoảng 400 người, gồm các thầy và tu sinh, đang ở trong tu viện, không có điện nước, thức ăn, bị cô lập trong phòng." Vị giáo thọ của tu viện Bát Nhã nói nguyên nhân chính là sự thay đổi ý định của viện chủ tu viện. "Năm 2005, khi Thiền sư Nhất Hạnh được về Việt Nam lần đầu, đã để lại vài vị giáo thọ của Làng Mai theo yêu cầu của Thượng tọa Đức Nghi. Thượng tọa cũng muốn chiêu sinh cho người học theo Làng Mai. Nhưng nay những giáo thọ Làng Mai mang quốc tịch nước ngoài đều đã phải rời tu viện." Được biết từ năm ngoái, Thượng tọa Đức Nghi đã tuyên bố ngừng bảo lãnh tạm trú cho 379 tu sinh. Đến ngày 08/08/2008, công an địa phương ra công văn trục xuất những tu sinh này khỏi tu viện vì không còn có sự bảo lãnh cư trú. Tuy vậy, nhóm tu sinh tiếp tục gửi thư kiến nghị đi các nơi. Ngày 19/11/2008, có một cuộc họp ở TP. HCM với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ. Quyết định rút ra từ cuộc họp là ủy quyền cho ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng giải quyết. Đến lượt mình, Giáo hội Phật giáo ở Lâm Đồng nói họ tạm thời bảo lãnh cho các vị tu sinh này ở lại cho đến khi có giải pháp sau cùng. Tuy vậy, đến hôm nay, mọi việc vẫn không ngã ngũ mà càng trở nên căng thẳng. Thầy Thích Trung Hải cáo buộc Thượng tọa Đức Nghi "ngày càng cứng rắn hơn". "Chủ nhật vừa rồi, cho cắt điện, nước. Và theo tin các vị bên nhà, có khoảng hơn 100 người dùng rao rựa rượt chém, cô lập các vị xuất gia." Một số bản tin trên mạng tường thuật lực lượng công an đang bao vây tu viện. Nhưng theo Thầy Thích Trung Hải, thái độ của công an và chính quyền nói chung có vẻ không rõ ràng. "Chỉ có công an xã, dân quân đứng quan sát hiện trường. Một số vị công an chức tước cao hơn thì cũng có mặt và quay phim. Khi các vị sư thầy đến hỏi chuyện, họ bảo đây là vấn đề nội bộ của tu viện, họ không can thiệp." Theo Thầy Trung Hải, kể cả khi các vị tu sinh gửi đơn cáo buộc đã xảy ra bạo lực với họ, phía công an từ chối can thiệp. Hiện tại có khoảng 400 người, gồm các thầy và tu sinh, đang ở trong tu viện, không có điện nước, thức ăn, bị cô lập trong phòng. 'Sai lệch' Năm 2005, sau gần 40 năm xa quê hương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu tiên về thăm Việt Nam. Hai năm sau, ông quay trở lại Việt Nam để thực hiện lễ cầu siêu giải oan ở trong nước. Chuyến trở về năm 2007 gây chú ý đặc biệt, vì đây là lễ cầu siêu cho tất cả những đồng bào nào "từng là nạn nhân của chiến cuộc, không phân biệt Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, già trẻ hay trai gái." Giới quan sát xem chuyến đi lần đó là phép thử biên độ của tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại một đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo. Nhưng năm ngoái Ban Tôn giáo Chính phủ có công văn phê phán tăng thân Làng Mai "đề cập sai lệch những vấn đề chính trị của đất nước". Người của Làng Mai nói chính Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề ra một loạt đề nghị với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, trong đó có việc giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và bộ phận công an đặc trách tôn giáo. Công văn do Trưởng ban Tôn giáo Nguyễn Thế Doanh ký ngày 29/10/2008 cũng đề cập đến số người đang tu theo pháp môn Làng Mai ở tu viện Bát Nhã. Theo đó, "Những người thực hiện đúng quy định tạm trú, tạm thời cho ở trong một thời gian để thu xếp chuyển đi; những người chưa thực hiện đăng ký tạm trú thì với những ai thuần túy tu học, không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự, cho phép kê khai đăng ký tạm trú và được ở lại trong một thời gian (như những người đăng ký tạm trú) để thu xếp chuyển đi; số gây mất trật tự, mất đoàn kết buộc trở về nơi cư trú cũ". |