Các tướng công an lại “cố ý làm lộ bí mật công tác”? |
Tác Giả: Trân Văn, phóng viên RFA |
Thứ Sáu, 26 Tháng 6 Năm 2009 01:34 |
2009-06-24 Tướng Hoàng Kông Tư trong buổi họp báo tại Sài Gòn, thông báo việc bắt giam LS Lê Công Định. Photo courtesy of Thanh Nien online Dẫu rằng luật sư Lê Công Định thừa nhận, ông đã vi phạm điều 88 trong bộ Luật Hình sự Việt Nam thì Việt Nam cũng không thể bác bỏ sự phản đối của dư luận trong, ngoài nước, cũng như vô hiệu hoá các yêu cầu mà Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế vừa đặt ra, chẳng hạn như Việt Nam phải tôn trọng Hiến pháp, tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền Video nhận tội... Khoan bàn tới những vấn đề có liên quan đến quyết định vừa kể của Đoàn Luật sư TP.HCM, ở loạt bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một yếu tố mà dựa theo tường thuật của báo chí trong nước, đây chính là một trong vài tác nhân, dẫn tới quyết định mới nhất, liên quan đến luật sư Lê Công Định của Đoàn Luật sư TP.HCM. Đó là video clip ghi cảnh luật sư Lê Công Định đọc bản tường trình, qua đó, ông thừa nhận đã vi phạm điều 88 của bộ Luật Hình sự Việt Nam và cho biết ông “rất ân hận với những hành vi sai trái của mình, mong được Nhà nước xem xét cho hưởng lượng khoan hồng”. Bà Elaine Pearson, Human Rights Watch Từ ngày 18 tháng 6 đến nay, video clip vừa kể đã và đang được hệ thống truyền thông Việt Nam khai thác tối đa nhằm chứng minh việc bắt giữ luật sư Lê Công Định là cần thiết và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên việc khai thác video clip ấy không chắc mang lại hiệu qủa mà chính quyền và công an Việt Nam mong đợi. Hôm 20 tháng 6, trả lời Ban Việt ngữ Đài chúng tôi, bà Elaine Pearson, Phó giám đốc Phân bộ Châu Á của Tổ chức Quan sát Nhân quyền cho biết: “Tôi đã nghe và xem qua đoạn video clip đó nhưng chúng ta không biết bên trong, họ đã dùng những chiêu thức nào gây áp lực đối với ông ta để có được những cái mà họ cho là bằng chứng đó”. Cũng vì vậy, bà Elaine Pearson mong rằng, các quốc gia, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế sẽ xem xét cẩn trọng những thông tin mà chính quyền Việt Nam công bố. Theo bà, cần nhớ rằng, chính quyền Việt Nam kiểm soát toàn bộ, kể cả hệ thống truyền thông. Thậm chí, khi trả lời Đài BBC, ông Roman Misil, một viên chức ngoại giao của Cộng hoà Czech tại Hà Nội còn kể rằng, ông và lãnh đạo các cơ quan ngoại giao của Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam cảm thấy lo ngại hơn khi đoạn video clip được phát trên đài truyền hình quốc gia và các kênh truyền thông. Cũng theo ông Roman Misil, lãnh đạo các cơ quan ngoại giao của Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam, đã kêu gọi chính phủ Việt Nam nhanh chóng thả luật sư Lê Công Định và tất cả những người đang bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ một cách hoà bình… Cố ý làm lộ bí mật?Video clip ghi cảnh luật sư Lê Công Định đọc bản tường trình, không chỉ gieo rắc thêm nghi ngại trong cộng đồng quốc tế. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi qua email, một luật sư Việt Nam, yêu cầu không nêu tên, khẳng định rằng, video clip được Bộ Công an và hệ thống truyền thông Việt Nam khai thác để biện minh cho việc bắt giữ luật sư Lê Công Định lại chính là bằng chứng, chứng minh luật pháp Việt Nam đang bị vi phạm: “Video clip ghi cảnh luật sư Lê Công Định đọc bản tường trình được Bộ Công an Việt Nam công bố ở lần họp báo thứ hai do họ tổ chức hôm 18 tháng 6. Vào thời điểm đó, ông Định vẫn còn đang bị tạm giữ, chưa bị khởi tố. “Vào thời điểm Bộ Công an công bố video clip, ông Định vẫn còn là một công dân với đầy đủ các quyền hiến định, những quyền này chưa bị hạn chế, vì ông chưa phải là bị can trong bất kỳ vụ án nào. Cả chính quyền lẫn Công an phải tôn trọng các quyền mà điều 73 của Hiến pháp dành cho mọi công dân. Một luật sư Việt Nam Cả chính quyền lẫn Công an phải tôn trọng các quyền mà điều 73 của Hiến pháp dành cho mọi công dân, trong đó có ông Định. Giống như mọi công dân khác, ông Lê Định được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm. Trong quá trình bị tạm giữ, người bị tạm giữ có thể thừa nhận chuyện này, phủ nhận chuyện kia nhưng cơ quan điều tra không có quyền sử dụng những thông tin đã thu thập trong quá trình điều tra để công bô trước công chúng theo hướng hạ thấp danh dự, nhân phẩm của bất kỳ công dân nào đang bị tạm giữ, kể cả ông Định. Ngay cả trong trường hợp đang là bị can, bị cáo. Tuy cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng hạn chế một số quyền công dân của bị can, bị cáo trong thời gian đang tiến hành điều tra nhưng luật vẫn buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của các bị can, bị cáo. Còn một điểm cần lưu ý nữa là từ các quyền tự do căn bản do hiến pháp qui định, công dân có thêm một số quyền nhân thân. Bộ Luật Dân sự dành hẳn một điều là điều 31 để qui định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Cụ thể là cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ.” Cũng luật sư yêu cầu ẩn danh nhận định thêm rằng, việc Công an Việt Nam khai thác video clip ghi cảnh luật sư Lê Công Định đọc bản tường trình cho thấy, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn giẫm đạp lên nhiều qui định pháp luật dù rằng, năm ngoái, đã từng có một viên tướng công an phải trả giá đắt. Quả thực có một vài dấu hiệu cho thấy, hình như tướng Vũ Hải Triều và tướng Hoàng Kông Tư, những người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ luật sư Lê Công Định, cũng phạm tội “cố ý làm lộ bí mật công tác” như tướng Phạm Xuân Quắc hồi năm ngoái. |