Khầ̉u chiến giữa Iran và châu Âu |
Tác Giả: BBC |
Thứ Tư, 24 Tháng 6 Năm 2009 01:17 |
Sau khi tạm dẹp yên đám đông biểu tình phản đối bầu cử tổng thống, chính quyền Iran nay quay sang cáo buộc các chính phủ Phương Tây, "khơi dậy bạo động" và bắt đầu ngăn truyền thông hoạt động.
Hôm qua Chủ nhật, toàn thành phố Tehran không xảy ra cuộc tuần hành nào, mặc dù hôm thứ Bảy tin đưa đã có tới mười người chết trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Cũng có tin một số lãnh đạo biểu tình đã bị bắt và Chính quyền Tehran tiếp tục trấn áp báo chí nước ngoài, trong đó có việc trục xuất phóng viên BBC Jon Leyne khỏi đây. Còn Tổ chức Nhà báo không Biên giới cho biết 23 nhà báo và blogger địa phương đã bị bắt trong tuần qua. Tuần qua lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã lên tiếng ủng hộ ông Ahmadinejad, người chính thức thắng cử nhưng bị phe đối lập đứng đầu là ông Mir Hossein Moussavi bác bỏ và đòi bầu cử lại vì cho là có gian lận. Chính quyền Iran nay tuyên bố chính các chính phủ nước ngoài đã khuấy động rối loạn. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran Hasan Qashqavi, đưa ra cáo buộc rằng "Thay vì mời gọi người dân đi theo các thủ tục và có cách hành xử dân chủ, nhiều nước châu Âu và Hoa Kỳ đã ủng hộ phe đối lập và những kẻ cơ hội." Can thiệp nội bộ Tuần trước, đích thân Giáo chủ Ali Khamenei đã nêu tên nước Anh mà ông cho là thủ phạm gây ra việc can thiệp vào Iran. Các sử gia đồng ý rằng trong quá khứ London đã từng dính líu vào chính trị Iran nhưng lần này thì Bộ trưởng Ngoại giao David Miliband đã bác bỏ chuyện Anh Quốc đứng đằng sau các vụ biểu tình. Nhiều nước châu Âu và Hoa Kỳ đã ủng hộ phe đối lập và những kẻ cơ hội... Người phát ngôn Hasan Qashqavi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Manoucher Mottaki còn cho rằng có nhân viên tình báo Anh đột nhập vào Iran trước ngày bỏ phiếu để thực hiện âm mưu phá hoại. Ông Miliband cho rằng mọi cáo buộc là vô căn cứ. Trong lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ cảnh báo Iran không dùng vũ lực để đối phó với các cuộc biểu tình, nước Đức đã lên tiếng rõ rệt hơn cả. Hôm nay 22/06 Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel kêu gọi chính quyền Iran không dùng vũ lực. Nhưng bà cũng không ngần ngại nói rằng: "Nhân quyền và quyền công dân là không thể tách rời nên người Đức ủng hộ các đoàn biểu tình hòa bình ở Iran khi họ dùng quyền tự do ngôn luận để tụ họp và thực hiện quyền của họ." Bà cũng yêu cầu chính quyền Iran để báo chí, truyền thông được tự do đưa tin và không dùng vũ lực chống lại người biểu tình và hãy thả hết các thành viên phe đối lập. Bùng nổ trên mạng Giáo chủ Ali Khamenei của Hồi giáo Shia ở Iran nêu tên Anh Quốc để phê phán việc 'can thiệp nội bộ' Việc bà Merkel nhắc đến vai trò của truyền thông cho thấy các mạng nhắn tin như Twitter, trang chia sẻ ảnh Flickr hay trang video YouTube đã được người Iran, nhất là giới trẻ dùng nhiều để chuyển các thông tin ra bên ngoài. Họ cũng dùng các cách nhắn tin hiện đại, kết hợp với cách thông báo đơn sơ như gọi từ cửa xe hơi ra ngoài phố để tổ chức các cuộc tuần hành. Theo phóng viên BBC Hugh Syles thì 60 phần trăm dân chúng Iran ở độ tuổi dưới 30. Họ không nhớ gì về thực tế cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Với họ, sinh hoạt xã hội trong thời dùng Internet, điện thoại di động và xem TV vệ tinh là chuyện bình thường. Đa số chỉ mong có một cuộc thay đổi ôn hòa để họ được hưởng tự do và chấm dứt hệ thống thần quyền hà khắc can thiệp vào đời tư của người dân. Nay, vụ bỏ phiếu có những sai phạm như chính nhà nước công nhận nhưng hơi muộn chỉ là cái cớ để các bức bối xã hội bùng nổ. Thông tin toàn cầu đã nhanh chóng đưa câu chuyện ra nước ngoài, kết nối những người biểu tình với hàng trăm nghìn kiều dân Iran ở Phương Tây và truyền thông các nước Âu Mỹ. |