Tranh Dầu Biển Đông(T2T) |
Tác Giả: Trần Khải | |
Thứ Ba, 23 Tháng 6 Năm 2009 22:06 | |
Kế hoạch đã thấy rõ từ nhiều năm trước. Không phải là phía chính phủ Hà Nội ngây thơ tin vào đàn anh Bắc Kinh, vì các diễn tiến tranh dầu đã không còn là chuyện bưng bít bí mật, mà đã trở thành các bản tin in trên báo, đọc trên các làn sóng, và có khi còn “nghiêm khắc cảnh cáo”, kiểu ngôn ngữ mà Bắc Kinh ưa sử dụng với đàn em Hà Nội. Không cần nhìn đâu xa, cũng không cần nhắc tới hai trận hải chiến 1974 và 1988 của thế kỷ trước, chỉ nói các năm gần đây cũng thấy: - năm 2006, sau khi hệ thống công ty dầu khí Ấn Độ ONGC được CSVN giao quyền khai thác hai lô 127 và 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam, Sứ quán Trung Quốc tại New Delhi lớn tiếng phản đối với giới lãnh đạo Ấn Độ, cho rằng hành động của Việt Nam không hợp pháp. - năm 2007, Trung Quốc đã ngăn cản thành công hãng dầu Anh Quốc British Petroleum thăm dò tại lô 5.2, cách bờ biển miền Nam Việt Nam 370 cây số, nằm giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa. Bị Bắc Kinh hù dọa, hãng BP đã rút lui. - năm 2008, TQ phản đối hãng dầu khí Mỹ Exxon về thoả thuận hợp tác sơ bộ đã ký với Petro Vietnam, vì cho là vi phạm vùng biển TQ, cảnh cáo là kinh doanh của Exxon tại Trung Quốc tương lai sẽ bị tổn hại. Đó là chưa kể những “chuyện nhỏ” khác. Và bây giờ là năm 2009, trước tiên là nhà nước TQ cấm ngư dân Việt ra lưới cá Biển Đông ba tháng, và cho biết từ năm tới sẽ khoan dầu Biển Đông. Bản tin trên báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 17-6-2009 cho biết công ty China Petroleum & Chemical Corp. -thường gọi tắt là công ty Sinopec- sẽ khoan mỏ dầu ngoài biển xa đầu tiên của hãng TQ này vào năm tới ở Biển South China Sea, tức Biển Đông theo cách VN gọi, và tình hình khoan dầu này sẽ gần các vùng đang tranh chấp với Việt Nam. Theo báo WSJ, hãng Sinopec đã bắt đầu thăm dò 3 chiều điạ chấn ở vùng rộng 1,250 kilômét vuông ở vùng họ đặt tên là Qiongdongan, và mũi khoan sẽ thực hiện sau đó. Hãng Sinopec có giấy phép từ Bắc Kinh để thăm dò hơn 8,000 kilomét vuông ở vùng này, “kể cả một số lô trong vùng biển mà VN đang tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, thăm dò sẽ thực hiện ở vùng không tranh chấp, theo lời Sinopec” và được báo WSJ thuật lại. Và đó chỉ mới là khúc dạo đầu. Tương lai sẽ đầy sóng gió, vì Trung Quốc đang càng lúc càng khát dầu. Trên tạp chí Journal of Energy Security, (Tạp Chí An Ninh Năng Lượng), bài viết nhan đề “China’s Oil Supply Dependence” (Tình Hình Lệ Thuộc Nguồn Dầu Của TQ) đăng ngày Thứ Năm 18-6-2009 của tác giả David L.O. Hayward cho biết rằng sẽ dễ dàng xảy ra tình hình TQ sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm các nguồn dầu. David L. O. Hayward là phân tích gia quốc phòng của Royal United Services Institute (RUSI) of Australia Inc., tại Canberra, thủ đô Úc Châu. Nơi các đoạn cuối bài viết, là tóm lược các nhận xét như sau. Các công ty dầu TQ đã đầu tư vào các liên doanh ở hơn 20 quốc gia tại Bắc Phi, Trung Á, Đông Nam Á, Mỹ Latin và Bắc Mỹ. Tổng lượng đầu tư này, gồm các khoản mua ào ạt các mỏ dầu và khí và các công ty dầu khí toàn cầu, ước tính dè dặt là 40 tỉ Mỹ Kim, “nhưng con số thực nhiều phần sẽ cao hơn”. Tại sao TQ phải đi mua tài nguyên dầu khí ào ạt như thế? Hayward đưa ra các lý do sau, không nhất thiết ghi theo thứ tự ưu tiên. Thứ nhất, TQ muốn tiếp tục làm vai trò cơ xưởng khổng lồ sản xuất hàng tiêu dùng, vừa nâng tiêu chuẩn sống của dân và vừa đáp ứng nhu cầu nội địa. TQ có thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, tới 1.3 tỉ khách hàng. Thứ nhì, TQ muốn tiếp tục xuất cảng ào ạt sản phẩm ra toàn cầu, để tiếp tục đóng vai nước xuất cảng hàng đầu thế giới và chiếm thị trường. Thứ ba, TQ muốn tự quân bình kinh tế và ước mơ tăng sức phát triển. Thứ tư, TQ tự xem TQ như lãnh đạo của trật tự kinh tế thế giới mới, để sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu vào năm 2020/30, và sẽ chiếm vị trí khống chế về tình hình thế giới và địa lý chính trị – như thế, tương lai phải khống chế Tây Phương. Thứ năm, với trữ lượng ngoại hối 1.95 ngàn tỉ Mỹ Kim, TQ sẽ không bao giờ còn có cơ hội vàng khác nữa để mua các nguồn dầu khí và tài nguyên mỏ khác của thế giới với giá rẻ như hiện nay, Và bây giờ, thực tế là Ngân Hàng Nhân Dân TQ gần như trở thành là ngân hàng thế giới và là “thách thức nghiêm trọng đối với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, đối với đồng Mỹ Kim của khối Ả Rập có nhờ bán dầu, và đối với các định chế tài chánh ngoài TQ”. Trị giá thấp giả tạo của đồng Yuan đã giúp TQ mau chóng gom đô la vào kho ngoại hối. Thế này thì các nước Âu-Mỹ đã bị TQ phục kích về tài chánh rồi. Thứ sáu, TQ đi mua ào ạt tài nguyên dầu khí và các mỏ khác bởi vì tài nguyên thế giới có lúc phải cạn. Thứ bảy, TQ muốn tăng lượng dầu dự trữ chiến lược. Giai đoạn đầu tiên của kho trữ dầu chiến lược TQ sẽ hoàn tất năm 2009, sẽ trữ 100 triệu thùng barrels dầu (m/bo). Giai đoạn thường niên thứ nhì dự kiến là giữ 200 m/bo, và tăng dần để trữ lượng vượt quá 500 m/bo khoảng sau năm 2013. Trữ được dầu như thế, TQ có khả năng mở các cuộc chiến tranh quy ước truyền thống mà không cần sử dụng tới vũ khí nguyên tử hay các vũ khí hủy diệt tập thể. Như thế, các nước Tây Phương kể như bất lợi về chiến thuật và có thể sẽ buộc phải dùng vù khí nguyên tử trước nhằm ngăn cản bước tiến TQ. Thứ tám, TQ có chương trình tăng tốc quân sự, hiện đại hoá quân đội và thiết lập hải quân vùng biển nước xanh (biển xa bờ) nhằm bảo vệ các tuyến đường biển chở dầu khí về TQ. Mỹ nói chương trình này của TQ trong bản chất có tính tự vệ, nhưng nhiều học giả không đồng ý về tính cách “hiếu hoà” này. Đoạn cuối bản nghiên cứu của tác giả Hayward viết: “Lịch sử đôi khi cho thấy rằng các nước thường dự trữ dầu khí (và các tài nguyên năng lượng khác) nhằm sửa soạn các cuộc chiến khu vực và các xung đột có thể có với các nước đối thủ và các nước kình nhau cũng đang đói năng lượng. Trong bầu không khí ngày càng tệ hại, với khủng hoảng tài chánh tiếp diễn, với ngày càng cạn dần nguồn dầu, khả năng xảy ra cuộc chạm trán quân sự trong thế kỷ 21/22 trong đó dầu có thể đóng một vai đã tăng cao hơn nhiều”. Riêng tình hình Việt Nam, đã và đang bị TQ ép từ Biển Đông vào mà tự mình còn mở cửa cho người vào ngõ bauxite Tây Nguyên thì cực kỳ khó hiểu. Phải có chuyện gì kỳ lạ lắm trong nội bộ Đảng Ba Đình. Có phải viễn ảnh một Tây Tạng 2 đã tiến hành? |