Home Tin Tức Thời Sự Phản ứng của “Human Rights Watch” về việc LS Lê Công Định nhận tội

Phản ứng của “Human Rights Watch” về việc LS Lê Công Định nhận tội PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Mi, phóng viên đài RFA   
Thứ Ba, 23 Tháng 6 Năm 2009 03:49

2009-06-20

Chính quyền Việt Nam cáo buộc các hoạt động của luật sư Lê Công Định nhằm cổ võ dân chủ-nhân quyền trong nước là phạm pháp. Giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới đồng loạt lên tiếng ủng hộ ông Định và tố cáo Hà Nội vi phạm nhân quyền. Trong khi các tranh cãi chưa ngã ngũ thì truyền thông nội địa đồng loạt đưa tin rằng chính luật sư Định đã thú nhận các hành vi của ông là vi phạm pháp luật và xin được nhà nước khoan hồng.

 LS Lê Công Định. AFP Photo

Phản ứng của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế trước sự việc này ra sao?

Trà Mi có cuộc trao đổi với bà Elaine Pearson, Phó Giám đốc Phân bộ Châu Á của tổ chức Giám sát nhân quyền Human Rights Watch, một trong những cơ quan bảo vệ nhân quyền có tiếng và uy tín trên thế giới, để tìm hiểu.

Bà Pearson phát biểu:

Khó xác định thực hư

Bà Elaine Pearson: Tôi cho rằng tại một quốc gia bưng bít như Việt Nam, rất khó để chúng ta xác định được thực hư chuyện gì đã xảy ra khi các nhà tranh đấu nhân quyền và cổ võ dân chủ bị chính quyền bắt giữ. Vì vậy, chúng ta khó biết được chính xác những áp lực mà chính quyền Việt Nam đã sử dụng để buộc luật sư Lê Công Định phải nhận là vi phạm pháp luật. Vì vậy, tổ chức Giám sát Nhân quyền chúng tôi chưa vội kết luận về trường hợp của luật sư Định. Là những người cổ võ cho nhân quyền, chúng tôi hết sức quan tâm đến những giới hạn về quyền tự do bày tỏ quan điểm của người dân tại Việt Nam, cũng như vụ bắt giữ luật sư Định trong chuỗi các hành động vi phạm nhân quyền liên tục của Hà Nội từ trước tới nay.

Tôi cho rằng tại một quốc gia bưng bít như Việt Nam, rất khó để chúng ta xác định được thực hư chuyện gì đã xảy ra khi các nhà tranh đấu nhân quyền và cổ võ dân chủ bị chính quyền bắt giữ. Vì vậy, chúng ta khó biết được chính xác những áp lực mà chính quyền Việt Nam đã sử dụng để buộc luật sư Lê Công Định phải nhận là vi phạm pháp luật.

Trà Mi: Theo bà, liệu việc luật sư Định nhận rằng các hoạt động cổ võ dân chủ của ông là sai trái có thể đẩy lùi các mối quan tâm và nỗ lực của quốc tế trong chiến dịch vận động tự do cho ông không?

Bà Elaine Pearson: Tôi hy vọng là không. Tôi hy vọng những nhà hoạt động nhân quyền khác cũng có cùng quan điểm với chúng tôi, và rằng các quốc gia, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế quan tâm đến trường hợp của ông Định sẽ xem xét cẩn trọng trước những thông tin mà nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra. Vì chúng ta nên nhớ rằng nhà cầm quyền Việt Nam kiểm soát toàn bộ kể cả phương tiện truyền thông đại chúng. Cho nên tôi nghĩ rằng giới ủng hộ nhân quyền sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến trường hợp này một cách chặt chẽ.

Trà Mi: Giới cổ võ nhân quyền trên thế giới tố cáo chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền khi bắt giam luật sư Định. Thế nhưng khi mà chính luật sư Định tự nhận ông phạm pháp, điều này cũng có nghĩa là những việc chính quyền Việt Nam đang làm là đúng luật pháp và có lý do chính đáng, thưa bà?

Bà Elaine Pearson: Tại một quốc gia như Việt Nam, thật khó xác định rằng những lời xác nhận của ông Định là hoàn toàn không bị cưỡng ép hay dùng áp lực.

Trà Mi: Dù sao đi nữa việc này cũng giúp những biện luận mà chính quyền Việt Nam hồi đáp trước sự quan tâm và lên án của quốc tế có cơ sở hơn?

Thế giới không tin báo chí Việt Nam

Bà Elaine Pearson: Tôi thật sự tin rằng thế giới bên ngoài Việt Nam không ai thật sự tin vào những thông tin từ báo chí Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên bình tĩnh, cẩn trọng xem xét trước những thông tin mà họ đưa ra.

Trà Mi: Nhưng trong trường hợp này, truyền thông Việt Nam không những đưa tin, viết bài mà còn đăng cả bút tích của luật sư Định và đưa lên mạng cả những đoạn video clip ghi lại lời khai của ông Định, thưa bà?

Bà Elaine Pearson: Vâng tôi biết điều đó. Chính tôi có nghe và xem qua đoạn video clip đó trên mạng, nhưng ý tôi là bề mặt thì như vậy, nhưng chúng ta không biết bên trong nội tình họ đã dùng những chiêu thức áp lực nào đối với ông ta để có được những cái mà họ cho là bằng chứng đó. Cho nên chúng ta không thể nào biết được tính xác thực và mức độ đáng tin cậy của những việc này tới đâu. Những gì chúng ta biết chắc là ông Định đã từng là một nhân vật đấu tranh cho nhân quyền mạnh mẽ, một luật sư đã từng mạnh dạn đứng ra bảo vệ những nhà hoạt động dân chủ khác. Và sự việc ông bị chính quyền bắt giam đã là một thông điệp rất mạnh mẽ với quốc tế rằng tại Việt Nam những ai dám lên tiếng bênh vực cho quyền con người đều khó thoát khỏi những sự đàn áp và bắt bớ từ chính quyền.

Tôi thật sự tin rằng thế giới bên ngoài Việt Nam không ai thật sự tin vào những thông tin từ báo chí Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên bình tĩnh, cẩn trọng xem xét trước những thông tin mà họ đưa ra.

Trà Mi: Thế nhưng theo Hà Nội, quyền bày tỏ quan điểm của công dân khác với việc tuyên truyền chống nhà nước. Nghĩa là anh có quyền nói gì thì nói, miễn là đừng nói ngược lại với những chính sách và luật lệ của nhà nước, vì theo nhà nước, những điều này có thể dẫn tới việc lật đổ chính quyền.

Bà Elaine Pearson: Quyền tự do bày tỏ quan điểm của con người được cả thế giới công nhận qua Công ước Quốc tế về Nhân quyền và qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. Trong đó không có bất cứ giới hạn nào đặt ra đối với những gì con người đựơc thể hiện, được bày tỏ trong việc lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của người dân như những việc ông Định đã từng làm, chẳng hạn như lên tiếng về tự do tôn giáo tại Việt Nam, về dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên với nhiều tác hại rủi ro cho nhân dân. Rồi những phát biểu của ông trên đài Á Châu Tự Do hay BBC chẳng hạn không hề có ý kích động lật đổ chính quyền mà chỉ đơn thuần kêu gọi sự thảo luận và phản biện. Tổ chức Giám sát nhân quyền chúng tôi tin rằng những phát biểu đó không thể bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và không thể bị trừng phạt.

Vì vậy, chúng tôi hy vọng Hà Nội sẽ phóng thích ông Định và bãi bỏ những luật định ngăn cấm quyền tự do ngôn luận mà Hà Nội cho là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, như điều 88 Bộ luật hình sự về “Tuyên truyền chống phá nhà nước” chẳng hạn. Vì những luật như thế này ngăn cản quyền tự do bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa của người dân, vốn được Công ước quốc tế bảo vệ.

Trà Mi: Nếu Hà Nội không đáp ứng sự quan tâm và những lời kêu gọi này của cộng đồng quốc tế, như họ vẫn từng làm, theo bà, có cách nào khác vận động hữu hiệu hơn là kêu gọi thiện chí và trách nhiệm của chính quyền Việt Nam trong việc tôn trọng nhân quyền không?

Bà Elaine Pearson: Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục nêu trường hợp của Việt Nam với các quốc gia có ảnh hưởng đến Việt Nam. Những nước có quan hệ thương mại với Việt Nam nên quan tâm nghiêm túc và lên tiếng trước những vụ việc vi phạm nhân quyền của Hà Nội để họ biết rằng những việc đó làm nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan ngại.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.