Ngôi mộ nằm giữa phòng khách một biệt thự |
Tác Giả: Huỳnh Hải - Phạm Tâm |
Thứ Ba, 09 Tháng 6 Năm 2009 05:22 |
(Dân trí) - Một nữ Việt kiều Mỹ trước khi mất có để lại di nguyện: “khi sống chung nhà thì chết cũng muốn được ở chung” nên người nhà đã chôn người phụ nữ ấy tại chính giữa ngôi biệt thự mà chị đã bỏ tiền xây dựng.
Mộ và ban thờ chị Liên được đặt trang trọng giữa phòng khách. Bốn bề ngôi mộ được ốp đá hoa cương màu vàng, phía trên có ghi tên, tuổi người đã khuất, đặc biệt có 4 câu thơ: “Liên ơi thôi đã thôi rồi/ Liên nay đã mất, Sen vàng còn đây” (người đã khuất tên Liên) và “Giai nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”. Làm theo di nguyện của người đã mất Tiếp chúng tôi là anh Trần Văn Tuấn (39 tuổi), em trai của người đang nằm trong ngôi mộ chính giữa nhà. Khi chúng tôi hỏi về ngôi mộ, anh Tuấn nói ngay: “Gia đình chúng tôi làm theo di nguyện của chị nên chôn chị ngay đó”. Rồi anh Tuấn kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của chị mình. Chị tên Trần Thị Kim Liên (SN 1960), vốn có một cuộc sống rất khó khăn, sống bằng nghề gánh cá mướn. Năm 18 tuổi, chị yêu và cưới một người chở ghe cá. Năm 1981, 2 vợ chồng chị qua Mỹ sinh sống. Tại Mỹ, chị sống bằng nghề làm móng và kinh doanh đồ trang trí nội thất. Dù công việc phát đạt, nhưng sau khi gom được chút vốn liếng, chị gom tiền trở về quê hương cho mẹ xây nhà. Kể đến đây, anh Tuấn xúc động: “Chị nói là từ nhỏ cuộc sống khó khăn nên có ước mơ là sau này sẽ cố gắng làm nhiều tiền để xây một căn nhà lầu để ở”. Điều đó đã trở thành hiện thực khi một căn biệt thự hoành tráng được xây lên vào năm 2006. Theo anh Tuấn, chi phí xây ngôi biệt thự đó vào khoảng 1,7 tỷ, tất cả đều là tiền chị Liên gửi về. Tuy nhiên, biệt thự mới xây, chị ở chưa được bao lâu thì phát hiện mình bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Theo anh Tuấn nói, chị Liên có ở chừng 3 tháng rồi về Mỹ và đến tháng 5/2007 thì chị Liên mất. Toàn cảnh ngôi biệt thự nhìn từ ngoài vào. Trước đó, biết mình sống chẳng được bao lâu nữa nên chị Liên có di nguyện để lại việc hậu sự của mình. Chị Liên nói khi sống chị sống cùng mẹ và em thì khi chết chị cũng muốn được ở cùng gia đình, nên chị yêu cầu được an táng ngay trong căn biệt thự mà chị đã bỏ tiền xây dựng. Trong ngôi biệt thự có một phòng nhỏ cạnh phòng khách phía trước mà theo anh Tuấn nói là chị Liên định làm chỗ để xe hơi, biết mình sắp chết chị Liên muốn được chôn ở đó. Tuy nhiên sau đó chị Liên đổi ý và yêu cầu gia đình chôn mình ngay chính giữa nhà, tức là tại phòng khách. Sau khi chị Liên mất, gia đình đã có gửi đơn lên chính quyền địa phương xin được chôn chị trong nhà và được địa phương đồng ý. Thi thể chị Liên được chuyển từ Mỹ về và được quàn trong một chiếc quan tài rất đẹp. Đám tang được gia đình tổ chức chu đáo, hoành tráng. Việc chị Liên được chôn ngay tại phòng khách ngôi biệt thự đã thu hút rất đông người đến viếng cũng như đến “xem” đám tang.
Bước vào cửa nhà sẽ thấy ngay ngôi mộ như vẫn còn sống cùng gia đình Theo anh Tuấn, việc chôn cất chị Liên không xảy ra một trở ngại nào. Nhiều người cho rằng chôn ngay trong nhà sẽ không đảm bảo môi trường nhưng từ lúc chôn cho đến bây giờ (gần 2 năm) gia đình vẫn không thấy có biểu hiện gì của việc ô nhiễm. Không ai trong gia đình mắc bệnh hay có những vấn đề gì đó về sức khỏe. Anh Tuấn nói thêm, từ đó đến nay, cuộc sống của gia đình không có gì thay đổi. Mọi người đều cảm thấy như chị Liên vẫn sống cùng gia đình. Anh Tuấn thừa nhận mới đầu chứng kiến cảnh các thợ đào huyệt trong nhà ai cũng ớn lạnh nhưng rồi cũng quen dần. Giờ thì chỉ nghĩ như chị đang nằm ngủ ở phòng khách mà thôi. Anh Tuấn dẫn chúng tôi lên thăm căn phòng của chị Liên ở trước khi mất. Mọi vật dụng, đồ dùng của chị vẫn được giữ nguyên như khi chị còn sống. Hỏi về những tranh chấp vật chất có thể xảy ra sau này, anh Tuấn cho biết: “Giấy tờ xây dựng, nhà cửa hiện do tôi đứng tên. Bên cạnh đó, ngôi mộ đã được chôn ngay trong nhà thì chúng tôi sẽ sống mãi với nó chứ không có chuyện bất cập gì đó xảy ra”. Anh Tuấn cho biết thêm, hiện tại sống trong căn biệt thự này có mẹ của anh đã 76 tuổi, vợ và 2 con cùng người anh thứ 3 của mình.
Cuộc sống cũng bình thường như những gia đình khác. Qui định của pháp luật (Nghị định 35-2008): Việc táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2. (Nguồn: Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam) |