Home Tin Tức Thời Sự Về thông điệp của Mỹ với thế giới Hồi giáo: Obama kêu gọi “khởi đầu mới”, người Hồi giáo chờ hành động

Về thông điệp của Mỹ với thế giới Hồi giáo: Obama kêu gọi “khởi đầu mới”, người Hồi giáo chờ hành động PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Viết (Tổng hợp)   
Thứ Bảy, 06 Tháng 6 Năm 2009 08:04

(Dân trí) - Trong thông điệp được thế giới Hồi giáo chờ đợi, Tổng thống Mỹ kêu gọi “một sự khởi đầu mới” cho quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo. Trong phản ứng đầu tiên, dư luận Ảrập hoan nghênh, nhưng cho rằng Obama cần hành động.

 

Obama trong bài phát biểu tại Đại học Cairo.
“Thông điệp hoà bình”

Hôm qua, phát biểu trước hơn 1 triệu người Hồi giáo ở Cairo, Ai Cập, chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du đầu tiên đến Trung Đông, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi xoá bỏ những ý kiến bất đồng giữa phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng với thế giới Hồi giáo, đề nghị có sự tôn trọng lẫn nhau, lật sang một trang mới trong quan hệ hai bên vốn đã bị suy thoái nặng nề dưới thời tổng thống  Bush. 

Ông cảnh báo nguy cơ chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân tại vùng Cận Đông có thể dẫn khu vực này vào con đường vô cùng nguy hiểm. Về vấn đề Israel – Palestine, Obama vừa bày tỏ sự ủng hộ nguyện vọng thành lập quốc gia của người Palestine vừa nhắc lại mối quan hệ bang giao không lay chuyển giữa Mỹ và Israel. Ông nói quân đội Mỹ không muốn ở Iraq hay Afghanistan mãi và đề xuất tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ với Iran. 

Tổng thống Obama tuyên bố sau nhiều thập niên bực dọc và thiếu tin tưởng, đây là thời điểm dành cho sự thành thực, cho đối thoại, và cho một khởi đầu mới. “Tôi đến Cairo này để mưu tìm một khởi đầu mới giữa Mỹ và người Hồi giáo trên khắp thế giới; một sự khởi đầu dựa trên quyền lợi chung và sự tôn trọng lẫn nhau, một sự khởi đầu dựa trên chân lý rằng nước Mỹ và Hồi giáo không phải là cá biệt, và không cần phải cạnh tranh lẫn nhau”, ông nói.

“Tôi tin tưởng rằng muốn tiến tới, chúng ta phải nói thẳng ra với nhau những điều chứa chất trong lòng chúng ta, và quá nhiều khi những điều đó chỉ được nói ra sau những cánh cửa khép kín. Phải có một nỗ lực bền vững lắng nghe nhau, học hỏi lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, và tìm ra một quan điểm chung”. 

Tổng thống Obama cho rằng các vấn đề phải được giải quyết qua tinh thần hợp tác, và phải trực diện đối đầu với các căng thẳng. Các phần tử cực đoan đang lợi dụng các bất đồng và sát hại dân chúng ở nhiều quốc gia có nhiều tôn giáo. Điều quan trọng là đề cập trực tiếp đến tất cả các vấn đề đã gây hiềm khích trong quá khứ, từ các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan cho đến tiến trình hòa bình giữa Israel và người Palestine. Phía Palestine phải từ bỏ bạo động và Israel phải ngưng các hoạt động lập cư. Tất cả các bên phải nhìn vào thực tế tình hình một cách thực tâm và cởi mở.

Tổng thống Obama cũng nói đến sự cần thiết phải hợp tác để ngăn chặn  phổ biến vũ khí hạt nhân và đề cập cụ thể đến các tham vọng hạt nhân của Iran.

Tổng thống Mỹ phát biểu trong một hội trường đông nghẹt người tại khuôn viên rộng lớn của trường Đại học Cairo. Nhưng thính giả mà ông nhắm tới còn đông hơn nhiều: đó là hơn 1,5 tỷ người Hồi giáo trên khắp thế giới.

“Cần hành động nhiều hơn lời nói”

Người phát ngôn của Tổng thống Palestine gọi thông điệp của Tổng thống Mỹ là “sự khởi đầu tốt đẹp” hướng tới một chính sách mới của Mỹ ở Trung Đông. Nhưng tại Jerusalem, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn chưa có phản ứng gì, sau những bất đồng với Obama về vấn đề một nhà nước Palestine và khu định cư Do thái ở khu Bờ Tây. 

Chính phủ Iraq gọi đây là “thời khắc lịch sử và quan trọng, phản ánh một đường hướng tích cực của chính phủ mới ở Washington”. Trong khi đó, người phát ngôn của lực lượng Hamas ở Dải Gaza và đại diện nhóm Hezbollah ở Li-băng thì nói bài phát biểu cho thấy “không có gì thay đổi” trong chính sách của Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ chọn đại học Cairo, chiếc nôi của xu hướng bài Mỹ tại Ai Cập, để chìa bàn tay hoà giải đến 1,5 tỷ người Hồi giáo. Nhưng trong phản ứng đầu tiên, dư luận Ai Cập cho rằng còn quá sớm để đánh giá liệu thông điệp dài 55 phút của ông có làm dịu đi mối quan hệ vốn đã rạn vỡ giữa Mỹ và người Hồi giáo như các quan chức ở Nhà Trắng hy vọng hay không. 

Theo giới học giả Hồi giáo, rút cục, người Hồi giáo sẽ đánh giá Obama qua những chính sách chứ không phải qua lời nói. 

Họ chỉ ra rằng tại Trung Đông, Washington cố gắng đưa thế đa cực vào chính sách ngoại giao nhưng không đạt được kết quả nào đáng kể.

Về vấn đề hạt nhân của Iran, vai trò của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) được Mỹ hậu thuẫn không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của chính quyền Hồi giáo. Nếu thái độ của Washington vẫn cứng rắn không khoan nhượng với vấn đề này, thì ngược lại, một bản báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ được tiết lộ trong nhiệm kỳ hai của ông Bush đã làm tan biến mọi khả năng dùng giải pháp quân sự trừng phạt Iran. Mỹ còn yêu cầu Israel không được ra tay. 

Tại Li-băng, Washington cũng thúc đẩy được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an không cho Syria can thiệp vào nội tình nước láng giềng, nhưng trên thực tế phong trào nổi dậy Hezbollah vẫn được Syria viện trợ vũ khí. 

Đặc biệt, với cuộc xung đột Israel-Palestine, Mỹ dưới thời ông Bush cũng cố gắng lôi kéo Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc và Nga vào cuộc. Nhưng khủng hoảng nội bộ tại Israel và phân hóa trong hàng ngũ Palestine đã làm bế tắc tình hình.

Họ cũng chỉ ra những cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan mà Mỹ đang sa lầy. 

Các học giả kết luận: Lời nói của Obama chẳng có nghĩa gì. Chính sách của Mỹ sẽ phải thay đổi. Là một nhà diễn thuyết có tài, nhưng để thay đổi cả bộ máy chính sách ngoại giao nặng nề của Mỹ không phải là nhiệm vụ dễ dàng với Obama, đặc biệt khi lợi ích của Mỹ - ở nhiều phương diện, vẫn như nhau cho dù ai là ông chủ Nhà Trắng.