Home Tin Tức Thời Sự Bắc Hàn Đang Tháu Cáy Xả Láng

Bắc Hàn Đang Tháu Cáy Xả Láng PDF Print E-mail
Tác Giả: Huệ Vũ   
Thứ Ba, 02 Tháng 6 Năm 2009 00:40

 

Trong tuần qua Bắc Hàn đã làm điên đầu thế giới, nổ thử một trái bom nguyên tử có sức mạnh khoảng 20 kilotons, gần tương đương với sức mạnh của quả bom “Little Boy” và “Fat Man” mà Hoa Kỳ đã thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki trong đầu tháng 8/1945, buộc Nhật đầu hàng.

Sau khi nổ thử bom, mặc dù bị Hội Đồng Bảo An (HĐBA) đồng thanh lên án, Bình Nhưỡng đã bất chấp, bắn thử liên tiếp 6 hoả tiễn tầm ngắn và bộ ngoại giao Bắc Hàn đã ra một bản tuyên bố: “... quả bom Bắc Hàn là quả bom nguyên tử thứ 2054 được nổ thử trên quả đất. Số bom nguyên tử mà 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An đã nổ thử chiếm 99,9%. Nếu tiếp tục bị khiêu khích, thế giới sẽ chứng kiến sự đứng dậy của quân đội và nhân dân Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên trước sự áp bức và chuyên chế của HĐBA để bảo vệ danh dự và nền độc lập. ”

Theo hình ảnh từ vệ tinh, Hoa Thịnh Đốn cho biết Bắc Hàn đang chuẩn bị bắn thử một hoả tiễn tầm xa mới.

Hành động của Bắc Hàn đang làm Nam Hàn, Hoa Kỳ và Nhật điên đầu. Quân đội 2 nước đã tăng mức báo động từ Watchcon 3 lên Watchcon 2. Bộ trưởng Robert Gates liền đi Singapore để thảo luận với bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn, Nhật và các nước trong vùng. Đặc sứ Stephen Bosworth đặc trách các vấn đề Bắc Hàn và Thứ trưởng James Steinberg cũng vội vã lên đường đi Tokyo, Bắc Kinh, Hán Thành và Moscow để tham khảo với các nước.

Vụ khủng hoảng nguyên tử Triều Tiên có thể đưa tới chiến tranh hay không là điều chắc chắn đang được mọi người quan tâm. Cho đến giờ phút này các nước đều lên án Bắc Hàn, nhưng đều mong muốn cuộc khủng hoảng được dàn xếp qua phương thức ngoại giao.

Ngay sau khi Bắc Hàn thử bom, phát ngôn viên Cao Ủy Liên Âu Amadeo Altafaj tuyên bố: “Liên Âu coi việc Bắc Hàn nổ thử bom nguyên tử là một hành động khiêu khích và Liên Âu rất lo ngại đối với hành động này. Tuy nhiên, Liên Âu sẽ liên lạc với các nước để tránh làm cho cuộc khủng hoảng leo thang.” Bộ ngoại giao Trung Cộng cũng tuyên bố hoàn toàn lên án hành động Bắc Hàn nhưng kêu gọi cần phãi bình tĩnh và tìm giải pháp thích hợp. Nga là nước luôn luôn chống đối việc trừng phạt Bắc Hàn hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của HĐBA đã nhanh chóng triệu tập một phiên họp khẩn để lên án Bắc Hàn, nhưng bộ ngoại giao nước này cũng đã nói rằng nên tránh đưa ra một nghị quyết quá cứng rắn vì quyền lực của HĐBA có giới hạn, cánh cửa đi tới đàm phán vẫn còn luôn luôn mở.

Có lẽ những người từ lâu gai mắt với vương triều CS Bắc Hàn lại một lần nữa có thể tức giận với chủ trương mềm yếu của Trung Cộng và Nga. Tuy nhiên, nếu Bắc Hàn nổi điên, hay quốc tế không tự chế có thể đưa tới những hậu quả khôn lường cho Nam Hàn, và nhất là trong lúc Hoa Kỳ đang còn phải mệt mỏi với 2 cuộc chiến Iraq và Afghanistan.

Chiến tranh Triều Tiên có thể đưa tới những thiệt hại lớn lao
Bắc Hàn là nước dân chúng phải sống trong cảnh đói khổ, nhưng hiện là nước có sức mạnh quân sự đứng hàng thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga và Ấn Độ. Nước này chỉ có 23 triệu dân nhưng có tới 1.2 triệu quân chính qui, 7 triệu quân dự bị. Trung bình cứ 25 người dân có một người lính chính qui. Ngân sách quốc phòng chiếm gần 30% Tổng sản lượng nội địa (GDP). Chiến lược quân sự truyền thống Bắc Hàn từ thời Kim Nhật Thành đặt trên 4 căn bản: võ trang toàn dân, công sự toàn quốc, đồng chí hoá toàn quân, và hiện đại hoá vũ khí.

Bình Nhưỡng luôn luôn coi Hoa Kỳ là kẻ thù nguy hiểm, nên giới quân sự nước này đã theo dõi sát những cuộc chiến mà quân đội Hoa Kỳ đã trải qua để rút tiả kinh nghiệm, cập nhật sự phòng thủ. Hoa Kỳ đã từng đưa ra một số chọn lựa quân sự như “Operations Plan 5027” tập trung lực lượng Hoa Kỳ và Nam Hàn tấn công giải phóng Bắc Hàn; hay kế hoạch tấn công sấm sét “Blitzkreig” tập trung lực lượng cơ động, phi cơ, trọng pháo hải quân, pháo binh Nam Hàn dọc khu phi quân sự tấn công ào ạt những cơ sở quân sự Bắc Hàn, tiêu diệt khả năng bắn hoả tiễn, trọng pháo mang đầu đạn hoá học, vi trùng của nước này. Tuy nhiên, những chọn lựa này đều khó thể thi hành, và khó tiên đoán hậu quả.

Trong năm 1994, chính phủ Bill Clinton muốn tấn công Bắc Hàn, vào tháng 5 năm 1994, giới quân sự Hoa Kỳ ước tính nếu cuộc tấn công diễn ra, trong 90 ngày đầu tiên sẽ thiệt hại sinh mạng ít nhất 52.000 quân nhân Hoa Kỳ và 490.000 quân nhân Nam Hàn. Trong tháng 6 năm 1994, tướng Gary Luck, chỉ huy trưởng quân đội Hoa Kỳ ở Nam Hàn, đã đưa ra con số ước tính cao hơn, có thể có cả triệu người chết, trong đó có khoảng từ 80 ngàn đến 100 ngàn quân nhân Mỹ, chưa kể thiệt hại sinh mạng thường dân. Chi phí có thể lên trên 100 tỷ mỹ kim và thiệt hại kinh tế của các nước trong vùng có thể lên hàng ngàn tỷ mỹ kim. Lúc bấy giờ quân đội Hoa Kỳ tin chắc Bắc Hàn chưa có vũ khí nguyên tử.

Quân đội Bắc Hàn đang có 20 quân đoàn gồm khoảng 153 sư đoàn và trung đoàn, trong đó có 60 sư đoàn và trung đoàn bộ binh, 25 trung đoàn cơ khí, 13 trung đoàn thiết giáp, 25 trung đoàn lực lượng đặc biệt, 30 trung đoàn pháo binh. Từ đường hoả xa Bình Nhưỡng - Nguyên Sơn (wonsan) đến khu phi quân sự, Bắc Hàn bố trí một nửa quân số trong nước gồm 10 quân đoàn với khoảng 60 sư đoàn và trung đoàn.

Vũ khí của Bắc Hàn không tân tiến bằng Nam Hàn, nhưng có một số lượng trội vượt. Về không lực, Bắc Hàn có khoảng 1700 phi cơ, trong đó có MIG-29. Lực lượng phòng không có một số lượng hoả tiễn điạ đối không SA-2 và SA-5 không thể ước định, pháo phòng không bố trí khắp nơi trong nước, ước tính có khoảng 16.000 khẩu. Trọng pháo có khoảng 13.000 khẩu, trong đó có đại bác 170 ly. Về hoả tiễn, Bắc Hàn có thể có khoảng 800-900, trong đó loại Scud có tầm xa khoảng 500 cây số, loại Rodong có tầm xa khoảng 1200 cây số, loại Taepodong 1 có tầm xa từ 1500 đến 2800 cây số và loại Taepodong 2 có tầm xa khoảng 4000 cây số. Xe tăng có khoảng 3500 chiếc, xe bọc sắt có khoảng 7000 chiếc.

Để đối phó với đe doạ tấn công Blitzkreig, giới quân sự Bắc Hàn cũng đưa ra chiến thuật: Thứ nhất khi tiếng súng nổ phải huy động tất cả hoả lực pháo binh, hoả tiễn tấn công các mục tiêu quân sự, thành phố ở Nam Hàn liên tục không ngưng nghỉ. Thứ hai, huy động lực lượng tiến nhanh qua lãnh thổ qua Nam Hàn, tung toàn bộ lực lượng đặc biệt tấn công cảm tử các mục tiêu quân sự Hoa Kỳ và Nam Hàn.

Thủ đô Hán Thành của Nam Hàn chỉ nằm cách đường biên giới khoảng 50 cây số và có khoảng 10 triệu dân, là nơi có thể biến thành biển máu.

Trọng pháo 170 ly và 240 dàn phóng rocket của Bắc Hàn có thể tấn công tàn phá Hán Thành, chưa nói đến đầu đạn hoá học, vi trùng, hay dirty bom.

Theo ước tính của quân đội Hoa Kỳ, trong một giờ đồng hồ Bắc Hàn có thể bắn tới 500.000 quả đạn pháo qua khu phi quân sự.

Lực lượng đặc biệt của Bắc Hàn có khoảng 120 ngàn người, được đào tạo có nhiệm vụ phá hoại hậu phương địch, tấn công các mục tiêu chiến lược, các căn cứ không quân, hải quân, cơ sở truyền tin của Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật.

Một cuộc huy động để tấn công ào ạt và chớp nhoáng của quân đội Hoa Kỳ rất khó che dấu tạo yếu tố bất ngờ và cũng khó tiêu diệt khả năng nguyên tử, hoá học và quân sự Bắc Hàn, vì nước này đã đề phòng từ lâu, những cơ sở quan trọng đều được xây lòng đất, sườn núi. Theo các nguồn tin tình báo, Bắc Hàn có 12 địa điểm sản xuất vũ khí hoá học, số vũ khí này chứa trong khoảng 170 cơ sở ngầm dưới mặt đất, số lượng có thể lên tới 5000 tấn. Cuộc tấn công dù sấm sét tới đâu, Bắc Hàn cũng vẫn còn cơ hội trả đũa và cho tới khi Bình Nhưỡng được giải phóng thì Hán Thành cũng có thể chỉ còn là đống gạch vụn.

Giải quyết khủng hoảng nguyên tử Bắc Hàn bằng quân sự là một sự chọn lựa khó thể thi hành đối với Hoa Kỳ trong lúc đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, và hai cuộc chiến. Nhất là cuộc chiến Afghanistan đang lan rộng sang Pakistan. Giải pháp ngoại giao chắc chắn là điều mà Hoa Kỳ mong muốn.

Có nhiều người cho rằng Bắc Hàn là đàn em của Trung Cộng, hành động Bắc Hàn đều do Trung Cộng xúi dục. Nắm đầu Trung Cộng có thể giải quyết chuyện Bắc Hàn.

Không chối cãi Trung Cộng và Nga luôn luôn có thái độ miễn cưỡng qua các nghị quyết của HĐBA trừng phạt Bắc Hàn. Trung Cộng là nước cung cấp dầu và thực phẩm chính cho Bắc Hàn, có liên hệ thương mại nhiều nhất với Bắc Hàn, tiếng nói của Trung Cộng có thể nặng ký hơn các nước khác, nhưng không hẳn Bắc Hàn là nước gọi dạ bảo vâng của Trung Cộng. Ngoại thương song phương giữa Trung Cộng và Bắc Hàn trong năm 2008 lên khoảng 2.79 tỷ mỹ kim, nhưng Trung Cộng xuất cảng qua Bắc Hàn trên 2 tỷ, thị trường Bắc Hàn đem lại lợi nhuận cho Trung Cộng nhiều hơn.

Trong lúc Trung Cộng đang cải cách, nêu thuyết “Xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa” của Đặng Tiểu Bình, chủ trương kinh tế thị trường, thì năm 1982, để chứng tỏ độc lập với Bắc Kinh, Bình Nhưỡng đã khánh thành Tự Chủ Tư Tưởng Tháp (Jechu tower) bên bờ sông Thái Đồng, cao 170 mét, đỉnh là hình ảnh một ngọn lửa hồng, nêu cao tư tưởng Mác-Lê và Kim Nhật Thành. Trung Cộng đã tiến bộ nhờ áp dụng kinh tế thị trường, thì Bắc Hàn vẫn tiếp tục duy trì chế độ độc tài toàn trị.

Trung Cộng có nhiều điểm muốn bán đảo Triều Tiên ổn định, phi nguyên tử.

Thứ nhất, Trung Cộng là nước chủ nhà tổ chức hội nghị 6 nước giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Hàn, thành công được cuộc đàm phán này cũng làm cho Trung Cộng gia tăng uy tín trên sân khấu chính trị thế giới.

Thứ nhì, chiến tranh xảy ra cũng sẽ làm cho đường biên giới sông Áp Lục mất ổn định, có thể Trung Cộng phải nhận nhiều triệu người tỵ nạn chiến tranh, là một gánh nặng lớn. Ước tính ít nhất 2 triệu người.

Thứ ba, Nam Hàn là nước đầu tư rất lớn ở Trung Cộng, chiến tranh xảy ra và chế độ Bắc Hàn sụp đổ, Nam Hàn sẽ chuyển tiền đầu tư qua xây dựng Bắc Hàn làm Trung Cộng bị thiệt hại.

Thứ tư, một Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử không đe doạ cho Trung Cộng, nhưng đe doạ nguyên tử Bắc Hàn có thể làm cho Nhật lấy cớ chạy đua nguyên tử và vũ trang. Đây mới là điều đe doạ cho tương lai Trung Cộng.

Thứ năm, một bán đảo Triều Tiên hoà bình là viễn ảnh có thể làm cho Hoa Kỳ không còn lý do để tiếp tục đóng 37.000 quân với rất nhiều đầu đạn nguyên tử ở Nam Hàn. Đây cũng là mối đe doạ cho TC.

Với những lý do trên, giải quyết vấn đề nguyên tử từ hội nghị 6 nước ở Bắc Kinh vẫn là thượng sách đối với Trung Cộng hiện nay.

Bắc Hàn có phải hoàn toàn hiếu chiến, không bao giờ có thể tin tưởng vào sự thành công của các cuộc đàm phán với nước này hay không?

Không chối cãi Bắc Hàn là một nước ngoan cố, các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ chưa từng đi đến thành công. Đàm phán 6 nước được bắt đầu từ năm 2003, trải qua gần 5 năm mới có kết quả, nhưng rồi trở nên tờ giấy lộn. Hiện giờ Bắc Hàn còn hung hăng hơn.

Tuy nhiên, đi trở lại tiến trình, ngày 13 tháng 2 năm 2007, thế giới gần như thở ra nhẹ nhõm, sau khi hiệp ước phi nguyên tử hoá Bắc Hàn đã được 6 nước: Nam, Bắc Hàn, Hoa Kỳ, Nhật, Nga và Trung Cộng cùng đặt bút ký kết. Trong tiến trình thi hành, cuối tháng 12 năm 2007, Bắc Hàn đồng ý vô dụng hoá các cơ sở nguyên tử ở Ninh Biên (Yongbyon) dưới sự giám sát của chuyên viên Hoa Kỳ. Bắc Hàn cũng đồng ý đưa ra một bản tuyên bố đầy đủ chi tiết về chương trình nguyên tử nước này, cam kết không chuyển kỹ thuật nguyên tử, kiến thức nguyên tử và nguyên liệu nguyên tử cho bất cứ nước nào. Bình Nhưỡng đã không thể đưa ra bản công bố hoạt động nguyên tử của nước này đúng thời hạn được ấn định là cuối năm 2007. Nhưng tháng 6 năm 2008, Bình Nhưỡng đã phá tháp làm lạnh lò phản ứng (cooling tower) ở Ninh Biên, một điều đã được quốc tế ghi nhận là Bắc Hàn đã tỏ quyết tâm vô hiệu hoá lâu dài các cơ sở nguyên tử của nước này.

Sau khi Bắc Hàn đưa ra bản tuyên bố hoạt động nguyên tử. Hoa Kỳ nói rằng cần phải thành lập một cơ chế quốc tế mạnh để kiểm tra và minh xác lời khai của Bắc Hàn trước khi loại bỏ Bắc Hàn khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Bình Nhưỡng đã phản đối điều này. Tháng 9 năm 2008, Bắc Hàn trục xuất quan sát viên quốc tế ra khỏi Bắc Hàn, và tìm cách phục hồi các cơ sở nguyên tử đã bị tê liệt hoá.

Hiệp ước ngày 13 tháng 2 coi như đã chết vào tháng 9 năm 2008.

Nếu việc kiểm tra có thể giao cho cơ quan Nguyên tử Năng quốc tế (IAEA) hay do 6 nước ký hiệp ước giải quyết rất có thể vấn đề đã có một kết quả khác. Nhưng đòi hỏi phải thành lập một cơ chế quốc tế mạnh để kiểm tra của Hoa Kỳ, trong lúc nội bộ chính phủ Hoa Kỳ có sự chống đối hiệp ước làm cho Bắc Hàn mất tin tưởng vào thiện chí Hoa Kỳ.
Trong tháng 6/2008, tờ Telegraph tiết lộ có sự tranh chấp trong nội bộ chính phủ Bush. Phó Tổng thống Dick Cheney tìm cách phong toả những nỗ lực của Ngoại trưởng Rice. (Vice President Dick Cheney fought furiously to block efforts by Secretary of State Condoleezza Rice to strike a controversial US compromise deal with North Korea over the communist state’s nuclear programme, the Telegraph has learned. “The exchanges between Cheney’s office and Rice’s people at State got very testy. But ultimately Condi had the President’s ear and persuaded him that his legacy would be stronger if they reached a deal with Pyongyang,” ).

Tuy nhiên, nguyên nhân chính đưa tới phản ứng của Bình Nhưỡng là sự thay đổi chính sách ở Hán Thành.

Liên hệ Nam –Bắc Hàn có khi căng thẳng, có khi hoà dịu, nhưng từ khi Tổng thống Kim Đại Trung đưa ra chính sách Dương Quang (Sunshine) trong năm 1998, tìm cách hoà giải và đi tới thống nhất trong hoà bình, liên hệ 2 miền đã có những tiến bộ quan trọng. Vào năm 2000, lãnh tụ 2 miền đã có thể họp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng, thân nhân gia đình hai bên có thể gặp nhau. Chính sách Dương Quang đã giúp cho Tổng thống Kim Đại Trung được chọn trao giải Nobel hoà bình năm 2000.

Dưới thời Tổng thống Kim Đại Trung, hai miền đã nối lại đường xe lửa từ Hán Thành đi tới khu vực du lịch Kim Cương Sơn (Kumgangsan) . Năm 2001, chính sách Dương Quang gặp trở ngại, bị quốc hội Nam Hàn chống đối, Bộ trưởng Thống Nhất Lâm Đông Nguyên (Lim Dong-won) bị huyền chức vì tội bí mật đưa tiền cho Bắc Hàn để tổ chức cuộc hội nghị thượng đỉnh năm 2000. Sau vụ khủng bố tấn công New York ngày 11 tháng 9 năm 2001, Tổng thống Bush đã gọi Bắc Hàn là một trong những nước thuộc trục ma qủy (Axis of Evil) đã làm cho liên hệ Nam Bắc căng thẳng trở lại. Bắc Hàn ngưng các cuộc đàm phán với Nam Hàn. Trong năm 2002, một vụ xung đột hải quân xảy ra, 4 thủy thủ Nam Hàn tử thương, làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù liên hệ Bắc Hàn và Hoa Kỳ rất căng thẳng trong thời gian này vì vấn đề nguyên tử Bắc Hàn, sau khi lên nhậm chức trong tháng 2 năm 2003 Tổng Thống Lô Vũ Huyễn (Roh Moo-hyun) tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm, không “kow tow” (khấu đầu) với Hoa Kỳ; Nam và Bắc Hàn đã thương lượng và đồng ý thành lập khu công nghệ Khai Thành (Kaesong). Khu công nghệ này nằm cách đường phi quân sự chỉ 10 cây số, lái xe đi Hán Thành chỉ khoảng một tiếng đồng hồ, bắt đầu xây dựng trong tháng 6/2003, và khánh thành trong tháng 12/2004. Cho tới năm 2008, khu công nghệ Khai Thành có khoảng 100 công ty Nam Hàn đầu tư, sử dụng khoảng 40 ngàn công nhân Bắc Hàn. Theo chương trình, vào năm 2012, khu công nghệ chung giữa hai miền sẽ mở rộng khoảng 65 cây số vuông, thu dụng khoảng 700 ngàn công nhân Bắc Hàn. Một số nhà đầu tư Nam Hàn như tập đoàn Huyndai cho rằng phối họp khả năng tài chánh Nam Hàn và công nhân rẻ Bắc Hàn, các công ty Nam Hàn có thể cạnh tranh thị trường hàng hoá rẻ của Trung Cộng trên thế giới.

Trong đầu tháng 10 năm 2007, hai miền tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 ở Bình Nhưỡng. Ngày 2 tháng 10, Tổng thống Lô Vũ Huyễn đi bộ qua đường phi quân sự để tỏ cử chỉ mong thống nhất Nam Bắc. Ngành đường sắt Nam Hàn cũng hy vọng sau hội nghị này có thể nối lại đường xe lửa thống nhất, hàng hoá Nam Hàn có thể chở qua Trung Cộng và Nga bằng tàu hoả.

Tổng thống Lô Vũ Huyễn sau khi đắc cử đã rời khỏi đảng Dân Chủ Thiên Niên Kỷ, thành lập đảng Khai Phóng (Uri Party) làm những người ủng hộ ông tranh cử cảm thấy bị phản bội. Trong lúc chủ trương hoà hoãn với Bắc Hàn bị thành phần thiên hữu chống đối, quyết định đưa quân sang Iraq của ông lại làm cho thành phần thiên tả bất mãn, tai tiếng tham nhũng cũng làm cho ông ta mất uy tín trầm trọng. Kết quả cuộc bầu cử ngày 19 tháng 12 năm 2007, ông Lý Minh Bác (Lee Myung-bak) của đảng thiên hữu Đại Quốc Gia thắng cử và lên nhậm chức trong ngày 25 tháng 2 năm 2008.

Tổng thống Lý Minh Bác tuyên bố xét lại chính sách Dương Quang, chỉ phát triển khu công nghệ Khai Thành và giúp đỡ nhân đạo cho Bắc Hàn khi nước này từ bỏ chương trình nguyên tử, cải thiện nhân quyền. Bắc Hàn đã gọi Tổng Tống Lý Minh Bác là tên phải bội. Tháng 3/08, Bình Nhưỡng trục xuất 11 viên chức Nam Hàn đồng quản trị khu công nghiệp Khai Thành. Một số người Nam Hàn đến gần khu phi quân sự dùng bong bóng thả truyền đơn qua Bắc Hàn kêu gọi dân chúng đứng lên chống chế độ, tranh đấu nhân quyền, làm Bắc Hàn điên tiết, đe doạ biến Nam Hàn thành đống tro tàn. Từ ngày Tổng thống Lý Minh Bác lên cầm quyền tới nay mọi dự án đầu tư ở Bắc Hàn đều bị hủy bỏ. Trong cuối tháng 3/09, Bình Nhưỡng cắt đứt đường điện thoại, cầm giữ khoảng 700 công nhân Nam Hàn tại khu công nghệ Khai Thành. Trong tháng 4/09 hai bên đã có một phiên họp cấp nhỏ để giải quyết vụ công nhân Nam Hàn, nhưng không đạt kết quả. Đầu tháng 5, Bắc Hàn gởi thư cho Nam Hàn tuyên bố sẽ không xét tới việc đàm phán và tuyên bố tất cả những hợp đồng ký với Nam Hàn đều trở nên vô hiệu.

Song song với gia tăng gây căng thẳng với Nam Hàn, trong đầu tháng 4/09 Bắc Hàn bắn thử hoả tiễn tầm xa. Bị HĐBA lên án vi phạm nghị quyết 1718, Bắc Hàn lại thử bom nguyên tử và sau đó tiếp tục bắn thử hoả tiễn!!

Bắc Hàn luôn luôn có thái độ bất thường, nhưng qua lịch sử cho thấy căng thẳng hay hoà dịu ở bán đảo Triều Tiên cũng tùy thuộc một phần vào chính sách của Hoa Kỳ và Nam Hàn.

Chiến tranh để giải quyết cho xong chuyện Bắc Hàn hình như là việc khó xảy ra, con đường đưa Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị Bắc Kinh có lẽ sẽ là chọn lựa tốt nhất. Bắc Hàn đang giống như một tên du côn trong tay có súng, có dao, có lựu đạn đang đói, sống chung quanh những người giàu. Những người giàu này một là hy sinh xương máu để diệt tên du côn, hai là cho ăn uống, vỗ về để tên du côn chịu sống hoà bình, từ từ chuyển hoá tên du côn thành kẻ thuần nếp, có văn minh.

Xu hướng thế giới hiện nay hình như ít có người lãnh đạo quốc gia nào, dù độc tài, lại chỉ muốn nước mình bị cô lập với cộng đồng chung quanh.

Bắc Hàn đang là một quốc gia độc tài toàn trị, nhưng một quốc gia như vậy khi nhà độc tài nằm xuống lại rất dễ có tình trạng tranh chấp nội bộ xảy ra. Kim Chánh Nhật hiện nay đang là một người bệnh hoạn. Có tin đồn Kim Chánh Nhật muốn đưa con trai thứ 3 là Kim Chánh Vân (Kim Yong-un) năm nay mới 25 tuổi lên thay thế và nội bộ Bắc Hàn đang chia rẽ, có kẻ ủng hộ Kim Chánh Vân thì cũng có phe ủng hộ người con trưởng là Kim Chánh Nam.

Những người con của Kim Chánh Nhật chưa hẳn đã có thể tạo được sự tùng phục của giới lãnh đạo đảng và tướng lãnh cao cấp trong quân đội.

Cơ hội Bắc Hàn rối loạn, có thể đưa tới thay đổi không lâu. Hoa Kỳ và Nam Hàn có kiên nhẫn chờ đợi hay không?

Cầu mong bán đảo Triều Tiên được bình an.

Người xưa có nói: “Phong vân bất trắc, nhân tính đảo điên”. Khí hậu địa cầu đang hâm nóng, gió bão bất thường. Đây cũng là điều đáng lo vậy.