|
Bác sĩ George Tiller, chuyên viên phá thai vừa bị sát hại. |
George Richard Tiller là giám đốc một bệnh xá tại Wichita, tiểu bang Kansas, một trong ba bệnh xá duy nhất tại Hoa Kỳ chuyên phá thai vào thời kỳ cuối cùng (sau 21 tuần lễ). Ông vốn là mục tiêu tấn công của nhiều nhóm cực đoan chống phá thai. Họ hàng ngày lai vãng gần bệnh xá của ông. Ngày 19 tháng Tám năm 1993, ông từng bị Shelley Shannon bắn vào cả hai cánh tay ngay bên ngoài bệnh xá. Và ngày 31 tháng Năm vừa qua, ông bị bắn chết khi đang tham dự một buổi lễ ở nhà thờ Reformation Lutheran Church tại Wichita. Người bị tình nghi giết ông (Scott Philip Roeder) vốn thuộc nhóm Freemen chống chính phủ và năm 1996 từng bị kết tội sử dụng chất nổ. Tuy nhiên sau đó, Roeder được toà thượng thẩm Kansas tha bổng. Người vợ cũ của Roeder sau này tiết lộ chất nổ trên nhằm mục đích phá một bệnh xá phá thai. Điều này rất có thể đúng vì David Leach, chủ biên tờ Prayer & Action News, một tập san quá khích chống phá thai, từng cho các ký giả hay: trong thập niên 1990, anh ta từng gặp gỡ Roeder và có đóng góp bài vở cho tập san của anh ta.
Phản ứng của phong trào phò sự sống Công Giáo
Dư luận Mỹ phần đông đều nhất trí với tổng thống Barack Obama, coi vụ sát hại này là một tội ác ghê tởm. Ông Obama tuyên bố: “Tôi hết sức ngỡ ngàng và phẫn nộ về vụ sát hại Bác Sĩ George Tiller khi ông đang tham dự các nghi thức giáo hội vào sáng nay. Bất kể các dị biệt của chúng ta trong tư cách người Mỹ có sâu xa đến bao nhiêu đối với các vấn đề khó khăn như phá thai, các vấn đề ấy cũng không thể giải quyết bằng các hành vi bạo lực đầy ghê tởm”.
Theo tin Zenit, Cha Frank Pavone, giám đốc toàn quốc tổ chức Priests for Life (Các Linh Mục Phò Sự Sống) đã ra một tuyên bố, bày tỏ nỗi buồn sâu xa đối với vụ sát hại trên. Ngài viết: “Vào thời điểm này, chúng ta chưa biết các động lực đứng đàng sau hành vi trên. Nên chúng ta đừng vội kết luận hay phán đoán chi… Chúng tôi, trong (tổ chức) Các Linh Mục Phò Sự Sống tiếp tục nhấn mạnh tới nền văn hóa trong đó, bạo lực không bao giờ được coi là giải pháp cho bất cứ vấn đề nào”. Ngài nói thêm: “Mọi sự sống đều phải được bảo vệ, bất kể tuổi tác, quan điểm hay hành động”.
Trang mạng CatholicVote.org cũng ra một tuyên bố lên án vụ sát nhân, bày tỏ hy vọng rằng “người sát hại ông sẽ được đem ra pháp luật vì tội ác ghê tởm này”. Chủ tịch tổ chức này là Brian Burch quả quyết rằng: “Chúng ta không thể tạo được một Nền Văn Minh Tình Thương bằng một bạo lực như thế. Chúng tôi kêu gọi mọi người thiện chí, vào tuần này, cầu nguyện cho linh hồn Ông Tiller và cầu xin để xã hội chúng ta từ bỏ mọi hình thức hận thù và bạo động”.
Ông Burch cũng nhận định rằng “hành vi bạo lực vô nghĩa này đại biểu cho một phản đề hoàn toàn đối với người yêu sự sống. Hàng triệu người Mỹ đang hàng ngày cầu nguyện và làm việc một cách hòa bình cho việc bảo vệ mọi sự sống nhân bản có quyền đau buồn về tin này”.
Trích lời cố Hồng Y Nữu Ước, John O’Connor, ông Burch nói thêm: “Điều ấy làm mất tiếng tăm phong trào phò sự sống. Sát nhân bao giờ cũng là sát nhân.Là điên loạn. Bạn không thể ngăn ngừa việc giết người bằng cách đi giết người”.
Charmaine Yoest, chủ tịch và tổng giám đốc tổ chức Americans United for Life (Người Mỹ Thống Nhất Phò Sự Sống) lên án vụ sát nhân và khẳng định rằng “quyền căn bản được sống mà chúng tôi tận tụy làm việc cho phải là quyền của mọi người”.
David O'Steen, tổng giám đốc tổ chức National Right to Life Committee (Ủy Ban Quyền Sống Toàn Quốc) gửi lời chia buồn tới gia đình bác sĩ Tiller về sự mất mát này và khẳng định rằng tổ chức của ông “không hàm hồ lên án bất cứ hành vi bạo lực nào như thế bất luận vì động lực nào”. Ông nói thêm: “phong trào phò sự sống luôn làm việc để bảo vệ quyền sống và gia tăng lòng kính trọng đối với sự sống con người. Việc sử dụng bạo lực bất hợp pháp trực tiếp đi ngược lại mục tiêu trên”.
Đại đa số dân Mỹ muốn hạn chế việc phá thai
Hiệp sĩ Columbus tối cao, ông Carl Anderson, hôm 1 tháng Sáu vừa qua, viết trên Zenit cho hay đại đa số dân Mỹ muốn hạn chế việc phá thai. Ông nhắc tới bài diễn văn tại đại học Notre Dame gần đây, trong đó tổng thống Barack Obama dựa phần lớn các nhận định của ông trên hai phán quyết quan trọng của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Đó là phán quyết Brown v. Board of Education và phán quyết Roe v. Wade.
Nhưng trong khi phán quyết đầu ngày càng được dân chúng Mỹ ủng hộ bao nhiêu thì phán quyết sau ngày càng bị dân chúng Mỹ phản đối bấy nhiêu. Ta biết phán quyết đầu chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Phán quyết sau hợp pháp hóa nạn phá thai, một phán quyết vốn được giải thích bằng ý niệm cho phép phá thai không hạn chế.
Việc gia tăng chống đối ý niệm trên được chứng nghiệm bằng nhiều cuộc trưng cầu ý kiến gần đây. Hiệp sĩ Anderson kể lại kết quả cuộc trưng cầu ý kiến của Pew. Cuộc trưng cầu này cho thấy chỉ có 18% ủng hộ việc cho phép phá thai “trong mọi hoàn cảnh”, 28% ủng hộ việc cho phép phá thai trong “phần lớn các trường hợp”, 28% cho biết phải coi phá thai là “bất hợp pháp trong phần lớn các trường hợp” và 16% cho biết phải coi nó là bất hợp pháp trong mọi hoàn cảnh. Như thế, đủ thấy 72% dân chúng Mỹ chống lại việc cho phép phá thai không hạn chế; chỉ có 18% ủng hộ việc đó.
Cuộc trưng cầu ý kiến gần đây hơn của hãng Gallup cho thấy đa số người Mỹ hiện nay tự nhận mình là người phò sự sống. Xét chung, giống như kết quả Pew, cuộc trưng cầu này cho thấy 76% người Mỹ bất đồng với chế độ cho phép phá thai không hạn chế của phán quyết Roe v. Wade, trong khi chỉ có 22% đồng ý. Tổng hợp lại, các cuộc trưng cầu ý kiến này cho thấy người Mỹ muốn có hạn chế đối với việc phá thai theo tỷ lệ 3:1, một nhất trí rất đáng kể, tuy phần đông không lưu ý.
Một cuộc trưng cầu ý kiến người Mỹ về phá thai, chi tiết hơn, cách nay mấy tháng, cho thấy sự nhất trí kia sâu sắc như thế nào. Tháng Mười năm 2008, một cuộc trưng cầu do Hội Hiệp Sĩ và Dòng Marist thực hiện cho thấy số người tự nhận là “phò lựa chọn” có hơn số người tự nhận là “phò sự sống” chút đỉnh. Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, hỏi những câu hỏi đặc thù hơn về chính quan điểm của người được trưng cầu, ta thấy một kết quả khác hẳn: chỉ có 8% người Mỹ đồng ý với việc phá thai “ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ”, và 8% khác chỉ ủng hộ phá thai ở sáu tháng đầu của thai kỳ. Nhưng 84% người Mỹ muốn có những hạn chế có ý nghĩa hơn.
Hiệp sĩ Anderson nhận định rằng cho đến nay thẩm phán Sonia Sotomayor ít nói gì về phá thai nhưng trong lúc Thượng Nghị Viện Mỹ đang cứu xét việc bổ nhiệm bà vào Tối Cao Pháp Viện, nhiều người đang áp lực buộc bà phải công bố mình ủng hộ phán quyết Roe v. Wade. Điều này, theo ông Anderson, quả đang đi ngược lại khuynh hướng của đại đa số dân chúng Mỹ.