Phú Quốc đang mất dần vẻ đẹp trời cho |
Tác Giả: Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA | ||
Chúa Nhật, 31 Tháng 5 Năm 2009 11:11 | ||
Phú Quốc được tạo thành bởi 99 ngọn núi với hàng dãy rừng ngút ngàn và nằm giữa vùng biển có 40 đảo lớn, nhỏ, nổi tiếng thế giới với bờ biển trông xanh, quang cảnh thơ mộng, nhiều sinh vật, thủy sản quý hiếm, trong đó có loại ngọc trai, bò biển, đắt tiền. Hòn đảo này nằm về phía Tây Nam, lâu nay được xem là “thiên đường du lịch”. Từ nay đến năm 2020, Phú Quốc sẽ được biến thành trung tâm du lịch quốc tế về sinh thái biển, có thể thu hút từ 2 đến 3 triệu du khách khắp 5 châu. Chết dần mòn vì khai thác du lịch Tuy nhiên theo các công ty du lịch thì “thiên đường Phú Quốc” đang bị “bức tử” và chết dần mòn vì một số doanh nghiệp đặt máy hút cát sát bờ làm sạt lở bãi biển, rồi phá núi để lấy đá, nới thêm bờ biển. Những kế hoạch kinh doanh, mở rộng du lịch mang tên “bê tông hóa” đang đua nhau băm nát bờ biển Phú Quốc và bùng nổ khắp nơi trên đảo, đến mức báo động. Nhiều danh lam thắng cảnh có thể bị xóa sổ như Dinh Cậu, Đảo Ngọc, Hang Yến hay Xóm Cồn. Ông Nam, một nhân viên phục vụ khu nghỉ mát Dương Đông, ở sát bờ biển Phú Quốc kể vài nét về cái đẹp thiên nhiên của đảo này: “Tôi đang ngồi trên bãi biển với trăng thanh gió mát, quang cảnh tuyệt vời trước mắt và quý vị có thể nghe tiếng sóng biển rì rào.” Với kinh nghiệm lâu năm làm việc nơi khu du lịch được du khách quốc tế đến thăm tấp nập quanh năm, khi được hỏi cảm tưởng về hiện tượng được tờ Lao Động cho là “trận cuồng phong bê tông hóa” ông nhìn nhận quả thật Phú Quốc đang mất dần vẽ đẹp trời cho của mình: Tương tự như Thái Lan, những cảnh tượng thiên nhiên của Việt Nam, đặc biệt là ở Phú Quốc cứ từ từ biến mất do các công trình kiến trúc mọc lên dầy đặc khắp nơi, bằng bê tông, cốt sắt, tường cao, xóa dần quang cảnh đẹp mắt từ bao đời, lưu truyền tới nay. Ông Nam, một nhân viên phục vụ khu nghỉ mát Dương Đông “Tương tự như Thái Lan, những cảnh tượng thiên nhiên của Việt Nam, đặc biệt là ở Phú Quốc cứ từ từ biến mất do các công trình kiến trúc mọc lên dầy đặc khắp nơi, bằng bê tông, cốt sắt, tường cao, xóa dần quang cảnh đẹp mắt từ bao đời, lưu truyền tới nay.” Theo ông thì người dân địa phương ít khi để ý tới việc bảo vệ hay biến đổi môi sinh, mọi biến đổi bộ mặt Phú Quốc là do doanh nghiệp nước ngoài hay từ Saigon đổ về đây: “Vì sinh sống bằng ngư nghiệp nên đa số người dân Phú Quốc không nghĩ đến chuyện thiên đường du lịch tồn tại hay bị đánh mất, nếu bãi biển bị đục khoét, thắng cảnh bị giết lần mòn là do các công ty khai thác du lịch quốc tế hay nội địa dựng các công trình có lợi cho họ, nhưng quên đi làm tan nát cái đẹp thiên nhiên tuyệt vời và vô giá.” Trong khi đó, cô Phước, nhân viên của khách sạn Hương Biển cho biết du khách vẫn đến đây ồ ạt, sinh hoạt tại Phú Quốc vẫn thoải mái: “Phú Quốc vẫn như trước, không có gì thay đổi, người ta đến thăm đảo này vì nơi đây an ninh bảo đảm, cuộc sống vừa túi tiền. Người dân địa phương ước mong du lịch đến ngày một nhiều hơn.” Vẫn theo tờ Lao Động thì thật là đáng lo ngại vì vô số kiến trúc tân kỳ đua nhau mọc lên khắp chốn và dọc theo bờ biển. Nhiều công trình được sao chép bừa bãi từ nước ngoài, không phù hợp với quang cảnh xung quanh, khiến người ta cho là hiện tượng kỳ quái, khó coi. Tại khu du lịch Ngàn Sao, nằm trên một diện tích chừng 300 mét vuông sát bãi biển, có nhiều khối bê tông được dựng lên dựa theo hình dáng như kiểu sư tử phun nước bên Singapore, quạt gió tại Hà Lan và nhà hát Opera ở Úc Châu. |