Công an mượn báo Tuổi Trẻ chỉ trích Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Hai, 25 Tháng 5 Năm 2009 01:05 |
5/25/2009
Hình chụp bài viết của “độc giả” Đinh Văn Tư chỉ trích Đại sứ Michael Michalak trên Tuổi Trẻ Online. Hình: NV SÀI GÒN 24-05 (NV)- '…Cả ông và tôi đều biết là một sự bịa đặt hoàn toàn' - Đó là lời trong bức thư mới đây của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak, gởi Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Sài Gòn Phạm Đức Hải, để phản đối một bài viết đăng trên mục “Bạn Đọc Viết” của tờ báo này đã chỉ trích ông Michael Michalak khi ông có cuộc gặp gỡ nhà bất đồng chính kiến Phương Nam Đỗ Nam Hải tại một quán cà phê ở Sài Gòn hôm 6 tháng 5 năm 2009. * Ý kiến “độc giả”? Bài viết trên Tuổi Trẻ xuất hiện hôm 11 tháng 5 mang tựa đề “Chuyện Không Bình Thường” với tên tác giả là Đinh Văn Tư ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Người này cũng tự nhận là “một độc giả của Tuổi Trẻ trong hơn 20 năm qua”. “Độc giả” Đinh Văn Tư cho biết đã có mặt tại quán cà phê Lối Về, trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận vào lúc 11 giờ trưa Thứ Tư, 6 tháng 5 khi đại sứ Michael Michalak cùng phái đoàn gặp gỡ nhà bất đồng chính kiến Phương Nam Đỗ Nam Hải. Tuy nhiên, trong bài viết, “độc giả” Đinh Văn Tư không nên đích danh vị khách mà vị đại sứ gặp gỡ là Phương Nam Đỗ Nam Hải mà chỉ gọi là “một người đàn ông trạc 50 tuổi”. Ngay cả vị đại sứ Hoa Kỳ “độc giả” Đinh Văn Tư cũng chỉ gọi đó là “một ông Tây” mà sau khi về nhà “lục báo cũ” có đăng hình “ông Tây” này mới biết đó là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. “Độc giả” Đinh Văn Tư viết: “…Một lát sau tôi nghe loáng thoáng có tiếng người Việt nói về dân chủ, nhân quyền nên quay sang nhìn. Đó là một người đàn ông trạc 50 tuổi đang thao thao bất tuyệt, người chăm chăm lắng nghe là một ông Tây, có cả người thông dịch. Hóa ra không phải họ bàn bạc chuyện làm ăn kinh tế mà đang làm một cuộc phỏng vấn. Mấy người khách Tây đặt câu hỏi, người đàn ông kia trả lời.” Và “độc giả” nghe rất rõ câu chuyện giữa hai người: “Những câu hỏi mang tính áp đặt và gợi ý về tình hình dân chủ, nhân quyền ở VN. Người đàn ông trả lời bằng giọng điệu hằn học, xuyên tạc và tố cáo VN thiếu dân chủ, nhân quyền. Ban đầu họ còn nói qua nói lại giọng vừa đủ nghe, về sau giọng nói hậm hực của người đàn ông đã gây sự chú ý cho cả quán. Một số người ở các bàn khác bất bình bước sang bàn họ phản ứng. Bị phản đối, họ vội vàng tính tiền và rút lui.” Cuối bài viết, “độc giả” Đinh Văn Tư đặt câu hỏi: “Nếu cần thiết phải tìm hiểu về đất nước và con người VN, tại sao ông ta không đường đường chính chính đến thăm và làm việc với các cơ quan đoàn thể chính thống của VN?” Trong bức thư gởi Tổng biên tập Phạm Đức Hải, được đài BBC trích dẫn, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak nói ông “thất vọng khi đọc bài báo này” và cho biết với tư cách là đại sứ thì “việc thường xuyên gặp gỡ các công dân Việt Nam” ở mọi nơi và thuộc mọi tầng lớp vừa là công việc, vừa là đặc quyền của ông. Kỹ sư Đỗ Nam Hải hiện là thành viên Ban điều hành Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam. Trong chuyến vào Sài Gòn hồi đầu tháng 5 vừa qua, Đại sứ Michael Michalak không chỉ ghé thăm một mình Phương Nam Đỗ Nam Hải mà trước đó vào chiều ngày 4 tháng 5 năm 2009, đã tới thăm bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà bất đồng chính kiến. Cùng đi với ông Michael Michalak có ông Douglas Sonneck từ Văn phòng Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn. * 'Vở kịch vụng về' do công an dàn dựng Không chỉ đợi ý kiến phản đối của đại sứ Michael Michalak gởi tới Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ về bài viết của “độc giả” Đinh Văn Tư, người ta mới biết đây là một vở kịch do công an tạo dựng mà theo nhận xét của Phóng viên dân chủ Khối 8406 trong một bài viết gởi đi từ Sài Gòn ngày 7 tháng 5 năm 2009, là “khá vụng về”. Trong một đoạn tường thuật về cuộc gặp gỡ này , Phóng viên dân chủ Khối 8406 cho biết : “ Khi mọi người đang mải nói chuyện thì một người đàn ông trung niên khoảng trên dưới 40 tuổi ở bàn bên cạnh chợt đứng lên. Ông ta nói to bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh một cách rất lộn xộn, đại loại như sau: “Tôi xin lỗi vì đã cắt ngang câu chuyện của mọi người, nhưng từ nãy đến giờ tôi nghe ông này (chỉ vào kỹ sư Đỗ Nam Hải) nói là ở Việt Nam hiện nay không có tự do dân chủ, là chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, v.v? Vì vậy, là một công dân bình thường, tôi cảm thấy rất bức xúc. Tôi không thể hiểu một người Việt Nam được đất nước mình nuôi dưỡng trưởng thành mà lại không có lòng tự hào dân tộc, mà lại đi nói xấu đất nước mình, dân tộc mình với những người nước ngoài như vậy, …”. “Là người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với bộ máy công an trị Việt Nam nên kỹ sư Đỗ Nam Hải chỉ cần nghe qua những lời trên là đã thấy “quen quen” rồi! Ngay lập tức, anh nhận định: Đây chính là một màn kịch vụng về và dồ dại của công an Việt Nam và người đàn ông đang huyên thuyên này chỉ là một “diễn viên” đang “vào vai” mà thôi.' - Phóng viên dân chủ Khối 8406, viết. Đến đây thì người ta có thể đoán được “độc giả” Đinh Văn Tư viết bài chỉ trích đại sứ Michael Michalak là ai. Nhưng vấn đề là tại sao ý kiến này lại được đăng trên tờ Tuổi Trẻ, cơ quan trực thuộc Đoàn Thanh Niên Cộng Sản thành phố Sài Gòn, chứ không phải tờ Công An Nhân Dân vốn là cơ quan trực thuộc của Bộ Công An Việt Nam. Một nguồn tin của Người Việt từ Việt Nam, giải thích: “ Ở đây rõ ràng là có sự chỉ đạo từ cấp trên xuống báo Tuổi Trẻ và với áp lực từ phía công an. Việc đăng bài trên Tuổi Trẻ vừa mang tính “khách quan” hơn là báo của Bộ Công An. Hơn nữa Tuổi Trẻ là tờ báo có số phát hành lớn nhất Việt Nam nên dễ dàng gây sự chú ý đối với dư luận.” Tính đến ngày 24 tháng 5, 2009 người ta vẫn chưa thấy phúc đáp của báo Tuổi Trẻ về bức thư phản đối của đại sứ Michael Michalak, ít nhất là trên website của Tuổi Trẻ Online. (KV) |