Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc cấm VN đánh cá trong lãnh hải của Việt Nam?

Trung Quốc cấm VN đánh cá trong lãnh hải của Việt Nam? PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc Lâm, phóng viên đài RFA   
Thứ Ba, 19 Tháng 5 Năm 2009 22:38

Vùng biển Hòang Sa và Trường Sa. Photo: RFA

Sau khi Việt Nam cùng với Malaysia đăng ký đường cơ sở mới đặc quyền khai thác kinh tế tại Biển Đông thì Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ bản đăng ký này và cho rằng bản đăng ký đó vi phạm chủ quyền của họ.

Mới đây, Bắc Kinh tiếp tục ra lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng biển đanh tranh chấp, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009.

Bắc Kinh tiếp tục ra lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng biển đanh tranh chấp, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009.

Khôn ngoan trong việc xử sự với Trung Quốc

Mặc Lâm phỏng vấn nhà sử học kiêm đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc để tìm hiểu quan điểm của ông trước những sự việc này.

Mặc Lâm : Thưa ông, thông qua các tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam thì người dân có cảm giác rằng nhà nước chưa có thái độ dứt khoát trước những vụ việc mà Trung Quốc hành xử chung quanh vấn đề biên giới trên đất liền cũng như trên vùng Biển Đông.

Với cái nhìn của một nhà sử học, ông có cho rằng thái độ này phù hợp với cách mà cha ông chúng ta đã áp dụng từ hàng ngàn năm qua hay không?

Trước hết, với tư cách một người làm lịch sử thì phải nói là vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là vấn đề sống còn. Ông cha ta có tồn tại được cũng nhờ biết khôn ngoan trong vviệc xử sự với Trung Quốc

Ông Dương Trung Quốc : Trước hết, với tư cách một người làm lịch sử thì phải nói là vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là vấn đề sống còn.

Ông cha ta có tồn tại được cũng nhờ biết khôn ngoan trong việc xử sự với Trung Quốc. Ngày xưa các cụ luôn luôn coi sự hoà hiếu là quan trọng hàng đầu. Hoà hiếu là để nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền của mình. Có thể nói đấy là trong cả bề dày lịch sử ông cha ta đã làm được.

Tất nhiên thời hiện đại này có những sự trạng khó khăn hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng vấn đề đường lối đứng đắn đối với Trung Quốc cũng là vấn đề sống còn của đất nước mặc dầu tình hình Việt Nam hội nhập có quan hệ đa phường. Sau vấn đề biên giới thì vấn đề lãnh hải luôn luôn là quan trọng.

Nó không những chỉ là một cái thể hiện chủ quyền mà nó cũng là quyền lợi thiết thực, từ vấn đề hàng hải cho đến tài nguyên, vấn đề quân sự, vân vân.

Thế nên đấy chính là cái chỗ mà tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tạo một sức ép rất mạnh, không phải chỉ với Việt Nam mà cộng đồng những quốc gia trong khu vực nữa.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang có một tiềm năng ở thế mạnh thì đương nhiên Trung Quốc sẽ khai thác tối đa việc này. Vì thế đối với Việt Nam tôi nghĩ rằng là đương nhiên vấn đề chủ quyền của chúng ta là mang tính nguyên tắc rồi; chính phủ lâu nay luôn luôn phát biểu mang tính nguyên tắc ấy.

Điều đó là không sai, là đúng. Thế nhưng mà đồng thời tôi nghĩ rằng là đương nhiên trí tuệ của quốc gia thì phải quan tâm nhiều cách ứng xử làm sao cho có hiệu quả.

Nhân dân là chỗ dựa vững chắc cho chính phủ

Mặc Lâm : Thưa ông, thế còn vai trò của người dân trong việc góp ý cũng như cung cấp tư liệu hoặc thậm chí phản đối công khai thì ông có đánh giá như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc : Vai trò của quần chúng rất quan trọng vì quần chúng sẽ là người chia sẻ những cái khó khăn của nhà nước, những cái phức tạp của thời đại này; đồng thời nhân dân cũng là người có thể đưa ra những chỗ dựa vững chắc cho những quan điểm của chính phủ.

Một trong những truyền thống của Việt Nam là có nền ngoại giao nhân dân, chính phủ thì có thể thực hiện một cách theo đúng những cam kết quốc tế hoặc là song phương, nhưng nhân dân tạo ra một chỗ dựa về dư luận.

Tôi nghĩ rằng nếu biết khai thác đầy đủ cái đó thì nền ngoại giao sẽ hoàn thiện và mạnh mẽ. Tuy nhiên, hình như vì cái tư tưởng bao cấp nên cuối cùng nhà nước đứng ra làm hết, mà không quan tâm đúng mức đến vai trò của nhân dân.

Mặc Lâm : Vai trò Quốc Hội trước vấn đề này xem ra còn khá mờ nhạt. Là một đại biểu Quốc Hội, ông có cho rằng vai trò của định chế này là hết sức cần thiết hay không?

Ông Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ Quốc Hội cũng là một định chế mà về lý thuyết thì nó là quan trọng nhất còn về thực tế thì nó cũng là một diễn đàn để chính phủ tìm thấy ở đây một sự chia sẻ, một sự đồng thuận cao hơn.

Tôi nghĩ từ lâu không phải chỉ riêng vấn đề đối với Trung Quốc, tôi thấy từ chuyện mở rộng Hà Nội cho đến việc khai thác bô-xít vừa rồi, rõ ràng là người ta chưa quan tâm đến một chỗ dựa thật lớn, đến bản chất "của dân, do dân, vì dân".

Cho nên tôi nghĩ rằng những vấn đề này mà đưa ra quốc hội thì chỉ có lợi chứ không bao giờ phương hại đến vai trò của chính phủ cả.

Các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia phải được đưa ra Quốc Hội

Mặc Lâm : Trong kỳ họp Quốc Hội sắp tới ông có cho rằng vấn đề Biển Đông cần đem ra bàn thảo trong chương trình nghị sự của ủy ban đối ngoại hay không?

Ông Dương Trung Quốc : Chắc trong báo cáo hằng năm của chính phủ thế nào cũng đề cập đến vấn đề đối ngoại. Liệu bây giờ ta có thể nói một cách đơn giản là đối ngoại là tốt đẹp hay không?

Rõ ràng là có những khó khăn lớn, thì nếu vấn đề được đưa ra trong báo cáo của chính phủ, tôi nghĩ cái này Quốc Hội cũng sẽ có thể đóng góp vào. Còn để nó trở thành một nội dung nghị sự thì tôi nghĩ tới cái bài học bô-xít đấy. Ban đầu chính phủ cho rằng nó đầu tư quá nhỏ cho nên không cần thiết phải đưa ra quốc hội, rõ ràng quốc hội khẳng định rằng điều đó không đúng.

Luật cũng quy định là đối với vấn đề quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với quốc gia thì nó không nhất thiết phải định lượng bằng giá trị đầu tư. Và đến bây giờ thì rõ ràng là được đưa vào báo cáo của chính phủ và gần đây nhất là Quốc Hội yêu cầu phải báo cáo riêng.

Tôi nghĩ vấn đề liên quan đến Biển Đông thì cũng sẽ theo lộ trình như thế.

Mặc Lâm : Dư luận trong và ngoài nước vẫn cho rằng xưa nay vấn đề đối ngoại chỉ do một nhóm lãnh đạo cao cấp trong chính phủ quyết định vì vậy cho nên mặt hạn chế của nó thấy rất rõ.

Ông có nghĩ rằng nếu Quốc Hội trực tiếp tham dự vào việc hoạch định các phương hướng đối ngoại một cách tích cực hơn thì kết quả sẽ lớn hơn hay không?

Ông Dương Trung Quốc : Tôi chắc ông quá hiểu nền chính trị của Việt Nam là lãnh đạo của đảng là bao trùm lên hết, cho dù đảng vẫn hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp và theo hiến pháp.

Rõ ràng nếu đảng nhận thức ra thì tôi nghĩ vai trò của Quốc Hội sẽ được đặt đúng cái vị trí của nó, và điều đó chỉ có lợi ích chung cho đất nước.

Nói chung là nhân dân sẽ là người được hưởng thụ cao nhất. Cho nên tôi cho rằng điều đó chính là do nhận thức của các nhà lãnh đạo của đảng.

Mặc Lâm : Xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi thời gian để thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.