Trung Quốc đưa tàu lớn tới Hoàng Sa cấm đánh cá ở khu vực nửa tháng |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Ba, 19 Tháng 5 Năm 2009 11:54 |
Tuesday, May 19, 2009 HÀ NỘI 19-5 (TH) - Nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa một số tàu tuần cỡ lớn trong đó có tàu mang tên Ngư Chính đến Biển Đông nửa tháng từ ngày 16/5 đến 1/6/2009 mà họ mượn cớ là “bảo vệ nghề cá và bảo vệ chủ quyền”. Hành động ra oai ngang ngược này được đưa ra sau khi nhà cầm quyền Hà Nội lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh cấm đánh cá ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung quốc cưỡng chiếm từ 1974. Ngày 16/5/2009, phát ngôn viên Bộ Ngọai Giao CSVN, Lê Dũng, họp báo phản đối lệnh cấm đó tại một số vùng biển “trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông”, theo thông tấn xã CSVN. Ông Dũng lập lại quan điểm là 'Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Cho nên “Mọi hành động của nước ngoài đối với hai quần đảo này cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các khu vực này”. Ông Lê Dũng nói thêm “Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và 'Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông' (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.' Như trong quá khứ, những lời phản đối suông của CSVN không làm thay đổi tình hình hay sự thay đổi chính sách bá quyền của của Bắc Kinh. Hàng năm, Trung Quốc mở các cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật quanh khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, cấm tàu biển qua lại. CSVN vẫn lên tiếng phản đối và Bắc Kinh vẫn tập trận. Hãng thông tấn Đức DPA thuật lời Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam nói rằng Trung quốc cấm đánh cá vào mỗi mùa xuân mà không hề tham khảo với phái Việt Nam. Ông này nói Trung Quốc thường xuyên bắt giữ các tàu đánh cá của Việt Nam ở trong những khu vực bị giới hạn và đòi tiền chuộc. “Ngay cả những khi tàu đánh cá Việt Nam không ở trong các khu vực đó, Trung quốc cũng vẫn bắt giữ và đòi tiền phạt”. Ông Thắng nói. Căng thẳng về chủ quyền khu vực biển Đông gia tăng khi hạn chót của việc nộp hồ sơ xác định quyền khai thác kinh tế trên thềm lục địa mở rộng tại cơ quan Công Ước Luật biển của LHQ đáo hạn ngày 13/5/2009. Bắc Kinh phủ nhận các hồ sơ của Việt Nam và Mã Lai và cho là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Theo báo Quân Đội Nhân Dân, vào ngày Trung quốc bắt đầu cấm ngư dân Việt đánh cá trên biển Đông, một trẻ em Việt Nam đầu tiên đã ra đời trên đảo Song Tử Tây, đảo lớn nhất trong số các đảo có người Việt Nam trấn giữ trong quần đảo Trường Sa. “Lúc 12 giờ 5 phút ngày 16/5/2009, công dân đầu tiên đã chào đời tại bệnh xá quân - dân y trên xã đảo Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.” Tờ Quân Đội Nhân Dân viết. “Thượng úy, bác sĩ Mai An Giang, kíp trưởng kíp công tác của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người cùng các đồng đội trực tiếp theo dõi, đỡ và đón cháu bé đầu tiên ra đời trên đảo vui mừng thông báo với báo chí tin “nóng” đặc biệt trên.” Theo nguồn tin này “Sản phụ là chị Trương Thị Liền, 32 tuổi, chồng là Hồ Dương, 35 tuổi. Hai vợ chồng trẻ hiện đang sinh sống tại xã đảo Song Tử Tây. Quá trình mang thai, chị Trương Thị Liền luôn được các bác sĩ thăm khám, theo dõi chặt chẽ sức khoẻ mẹ và thai nhi. Ý nguyện của gia đình chị là quyết tâm sinh con trên xã đảo, mặc dù so với đất liền, điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, nhà hộ sinh… không thể bằng”. Nguồn tin này cho hay thêm “Tổ quân y đã “nhịn” bữa cơm trưa để theo dõi sát quá trình thai nhi vận động. Cháu bé chào đời, ngay lập tức được các thầy thuốc tiến hành hút đờm dãi, lau miệng, khai thông đường thở, kích thích cháu khóc và làm rốn (cắt rốn) an toàn. Bé gái cân nặng 3,5kg, hiện khoẻ mạnh bình thường”. |