Home Tin Tức Thời Sự BS Nguyễn Đan Quế đề nghị đưa VN vào lại danh sách CPC

BS Nguyễn Đan Quế đề nghị đưa VN vào lại danh sách CPC PDF Print E-mail
Tác Giả: Trân Văn, phóng viên RFA   
Thứ Ba, 19 Tháng 5 Năm 2009 05:28

2009-05-18

Một phái đoàn thuộc Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ USCIRF hiện đang có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.

 

Photo courtesy of UBQTYTCTNB

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế gặp gỡ phái đoàn USCIRF. Từ trái sang: Phó chủ tịch USCIRF Michael Cromartie, Bí thư thứ hai Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Hà Nội Jane Bocklage, BS Nguyễn Đan Quế và Tiến sĩ Scott Flipse.

Phái đoàn đã tiếp xúc với một số nhân vật đang tranh đấu cho tự do tôn giáo - dân chủ - nhân quyền  tại Việt Nam, trong đó có Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Từ TP.HCM, BS Nguyễn Đan Quế đã kể với Trân Văn của Đài Á Châu Tự Do về nội dung cuộc trao đổi giữa ông với phái đoàn tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, diễn ra tại tư gia BS Nguyễn Đan Quế hôm 16-5-2009.

Trân Văn :  Thưa Bác Sĩ, Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đang ở Việt Nam và theo chúng tôi được biết thì một trong những nguời mà Uỷ Ban này muốn gặp là ông. Xin ông cho biết là ông đã có gặp họ chưa?

BS Nguyễn Đan Quế : Thưa, tôi có gặp rồi.

Trân Văn :   Ông có thể cho Đài chúng tôi và thính giả của chúng tôi biết về cuộc gặp được không?

BS Nguyễn Đan Quế :  Vâng. Cuộc gặp gỡ diễn ra ngày 16-5, từ 16 giờ đến 18 giờ 15 phút, kéo dài 2 tiếng 15 phút.

Sau khi gia nhập WTO thì Việt Nam có tiến bộ nhỏ mang tính cách hình thức về nhân quyền, chứ còn từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 cho đến bây giờ thì phải nói là có rất nhiều những vi phạm về nhân quyền tại Việt Nam.

BS Nguyễn Đan Quế

Chính sách tôn giáo

Trân Văn : Trong cuộc gặp này, hai bên đã trao đổi những vấn đề gì, thưa Bác Sĩ?

BS Nguyễn Đan Quế : Trong buổi này, trao đổi chủ yếu là về vấn đề tự do tôn giáo, thì tôi cũng có trình bày với phái đoàn là sau khi Việt Nam gia nhập Cơ quan Mậu dịch Thế giới WTO thì Việt Nam có tiến bộ nhỏ mang tính cách hình thức về nhân quyền, chứ còn từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 cho đến bây giờ thì phải nói là có rất nhiều những vi phạm về nhân quyền tại Việt Nam.

 Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và ông Michael Cromartie, Phó chủ tịch USCIRF. Photo courtesy of UBQTYTCTNB

Đáng chê trách là sự vi phạm trầm trọng về tự do báo chí và tự do tôn giáo, từ chuyện giới hạn cho đến chuyện sách nhiễu, cho đến chuyện bỏ tù, cho đến chuyện bắt bớ những nhà báo, những người viết blog hay là các vị lãnh đạo tôn giáo. Tôi có trình bày với phái đoàn như vậy.

Trân Văn : Thưa Bác Sĩ, về phía phía đoàn thì họ có đưa ra ý kiến nào không?

BS Nguyễn Đan Quế : Họ cũng ghi nhận và cũng có hỏi thêm, thì tôi cũng có nói thí dụ như về trường hợp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi có nói rất rõ với họ như thế này : Giáo Hội PGVNTN có từ năm 1964, trong khi ở thời điểm này tại Miền Bắc thì hoàn toàn không có một giáo hội nào như thế này cả.

Sau năm 1975, sau ngày 30-4-1975, Bộ Chính Trị - Đảng CSVN mới thành lập một cách vội vàng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với ý đồ là muốn thâu nhập Giáo Hội PGVNTN vào, thì họ đã thất bại. Năm 1981, lúc bấy giờ Viện Trưởng Viện Hoá Đạo là Hoà thượng Thích Trí Thủ đã từ chức trong một buổi họp và Thượng Toạ Thích Quảng Độ đã lên thay thế.

Thượng toạ Thích Quảng Độ không chấp nhận cách thống nhất của Bộ Chính Trị - Đảng CSVN và ông đã chống đối một cách cương quyết, can đảm và kiên trì cho đến ngày hôm nay. Thì tôi có đề cập đến vấn đề đó.

Về vấn đề Thiên Chúa Giáo, tôi có đề cập đến chuyện các tài sản của giáo hội cũng như các hoạt động của giáo hội bị nhà nước kiểm soát, bị đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước, nghĩa là của Bộ Chính Trị - Đảng CSVN.

Đáng chê trách là sự vi phạm trầm trọng về tự do báo chí và tự do tôn giáo, từ chuyện giới hạn cho đến chuyện sách nhiễu, cho đến chuyện bỏ tù, cho đến chuyện bắt bớ những nhà báo, những người viết blog hay là các vị lãnh đạo tôn giáo.

BS Nguyễn Đan Quế

Thế rồi muốn đi tu thì phải có giấy phép của nhà nước, tôi thấy cái đó là không đựoc; thế rồi bổ nhiệm các chức sắc từ linh mục lên đến giám mục, hoặc là từ giám mục lên tổng giám mục, hay từ tổng giám mục lên hồng y, thì Vatican phải tham khảo Hà Nội để được Hà Nội đồng ý.

Thế rồi tôi cũng có nêu lên những vấn đề như Thánh Kinh, sách kinh cho tới vấn đề xuất bản, kể cả tờ thông tin nội bộ đều bị kiểm soát, kể cả chuyện hành lễ của các giáo hội cũng bị chính quyền kiểm soát.

Tôi có đề cập đến những vụ tranh chấp đất đai ở Toà Tổng Giám Mục Hà Nội và ở giáo xứ Thái Hà. Tôi có nói rằng nhà nước đã đơn phương và dùng sức mạnh để biến hai khu dất tranh chấp thành vườn hoa, và đặc biệt là đã mở một chiến dịch bôi nhọ đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội trên báo chí nhà nước.

Phái đoàn cũng có tìm hiểu một số vấn đề. Tôi có tóm tắt và tôi nói về cái bá đạo của cộng sản ở chỗ họ bắt các giáo hội phải đăng ký nghĩa là chịu sự kiểm soát qua cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc, tức là một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Nếu mà không đăng ký thì họ quy là bất hợp pháp. Tôi thấy cái điểm đó là không được. Thứ hai là những đạo luật, những luật lệ của nhà nước thì phần nhiều là mập mờ, có thể giải thích cách này cách khác, không được rõ ràng.

Tôi có nói tới vấn đề chiến thuật của nhà cầm quyền cộng sản đối với những tín đồ của các tôn giáo mà theo tôi là không đàng hoàng, một mặt thì dễ dãi, nới lỏng đối với tín đồ theo đạo nhưng mặt khác thì lại kiểm soát gắt gao những vị lãnh đạo tinh thần, thậm chí canh gát, hoặc bỏ tù nếu cần.

Và một điểm nữa tôi có đề cập đến các luật lệ thì giữa lời nói và việc làm của chính quyền, của Bộ Chính Trị - Đảng CSVN, thì là bất nhất, không đi đôi với nhau.

Đại khái tôi có đề cập đến những vấn đề đó.

Danh sách CPC

Trân Văn :  Thưa Bác Sĩ, Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ có giải thích với Bác Sĩ lý do họ đến Việt Nam lần này không?

BS Nguyễn Đan Quế : Họ không có giải thích nhưng mà đại khái thì ông Trưởng Phái Đoàn, tức là ông Michael Cromartie, nói với tôi là Phái Đoàn đến Hà Nội được Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm tiếp.

Sau đó ông Cromartie nói qua là có gặp Linh mục Nguyễn Văn Lý và Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhưng không gặp được Luật sư Lê Thị Công Nhân. Phái Đoàn lại có nói đến chuyện gặp một số những vị linh mục.

Phái Đoàn không nói lý do và tôi cũng không hỏi, nhưng mà rõ ràng theo tôi thì Uỷ Ban này đến đây là lần thứ ba thành ra rõ ràng là để tìm hiểu về vấn đề vi phạm tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội tức là không theo đúng những lời cam kết trước khi vào WTO, cũng như những cam kết đối với quốc tế.

Trân Văn :  Thưa Bác Sĩ, trước - trong - và sau cuộc gặp với Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ thì Bác Sĩ có gặp rắc rối nào từ phía công an của chính quyền Việt Nam hay không? Họ có đưa ra những cảnh báo hoặc là ngăn chận cuộc gặp giống như một số trường hợp khác không?

BS Nguyễn Đan Quế : Không. Họ chỉ canh gác thôi. Canh gác bên ngoài một ngày trước và trong cuộc họp. Canh gác ngoài đường. Nhà tôi ở trong hẽm thành ra canh gác trước nhà đã đành nhưng mà bên ngoài nữa. Thường thường công an canh gác rất nhiều. Còn trực tiếp thì không có một sự tiếp xúc nào hết.

Trân Văn :  Thưa Bác Sĩ, canh gác vào thời điểm trước - trong và sau cuộc gặp thì nó có khác với những ngày bình thường hay không?

BS Nguyễn Đan Quế : Có khác, khác hoàn toàn.

Trân Văn : Bác Sĩ có muốn nói gì thêm về cuộc gặp này không?

Tôi thúc giục chính quyền Obama đưa tên Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần phải quan tâm đặc biệt về tôn giáo, tức là danh sách CPC.

BS Nguyễn Đan Quế : Trong cuộc họp này ông Trưởng Phái Đoàn nói với tôi rằng Phái Đoàn sẽ có cuộc gặp với Ngoại Trưởng Phạm Gia Khiêm, thì ông ấy có hỏi tôi, yêu cầu tôi cho một số đề nghị cụ thể về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Trân Văn :  Và Bác Sĩ đã đề nghị ra sao?

BS Nguyễn Đan Quế : Tôi có đề nghị với ông ấy, thứ nhất tôi thúc giục chính quyền Obama đưa tên Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần phải quan tâm đặc biệt về tôn giáo, tức là danh sách CPC.

Điểm thứ hai là tôi thấy Toà Thánh Vatican và chính quyền Hà Nội cần phải thiết lập quan hệ ngoại giao càng sớm càng tốt. Và tôi có nói rằng phía Hà Nội phải thay đổi lập trường, mềm mỏng hơn nữa để có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican.

Và tôi có nói thêm là chính quyền Hà Nội cần phải tiếp xúc, nói chuyện, thương thảo với Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt để tìm ra một giải pháp thoả đáng để giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai ở trước Toà Tổng Giám Mục và giáo xứ Thái Hà.

Điểm thứ ba, tôi đề nghị nhà nước Việt Nam mà quyền lực tối cao là Bộ Chính Trị - Đảng CSVN phải công nhận, phải thương thuyết với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Và cuộc thương thuyết phải bình đẳng, ngay thẳng, không có điều kiện. Ngoài ra, Bộ Chính Trị - Đảng CSVN, nhà nước và chính quyền, cũng phải thương thuyết với các giáo hội độc lập khác là Cao Đài và Hoà Hảo.

Tôi cũng yêu cầu chính quyền Hà Nội phải thả ngay, ngay tức khắc và vô điều kiện,  tất cả những tù nhân lương tâm, trong đó có cha Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Blogger Điếu Cày.

Thì tôi có đề nghị với ông Trưởng Phái Đoàn như vậy.

Trân Văn : Cảm ơn Bác Sĩ đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này. Xin chào Bác Sĩ!