Những đề nghị nhân quyền bị bác bỏ |
Tác Giả: BBC |
Thứ Bảy, 16 Tháng 5 Năm 2009 00:36 |
Nhóm ba nước Burkina Faso, Nhật và Canada phụ trách điều phối phần tổng hợp báo cáo Trang mạng của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày hôm nay đã công bố bản phúc trình, tổng kết phiên báo cáo của Việt Nam tại Geneva. Bản báo cáo được thông qua hôm 12.5, sau khi Nhóm làm việc của Hội đồng nhân quyền theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) đã nghe và thảo luận về báo cáo của Việt Nam vào hôm 8.5. Tuy vậy, đến hôm nay, người ta mới có thể được đọc bản tổng kết bằng tiếng Anh, 29 trang này. Trong phần kết luận, người ta được biết Việt Nam chấp nhận 93 đề nghị từ 60 phái đoàn ở Geneva. Cũng có những đề nghị bị Việt Nam bác bỏ, như ghi nhận dưới đây: Canada khuyến nghị Việt Nam a) gia tăng sự độc lập của truyền thông, cho phép báo chí tư nhân; b) đặt luật báo chí tương hợp với điều 19 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị ( ICCPR); c) thông qua luật bảo vệ người tố giác tham nhũng; d) thông qua luật tiếp cận thông tin; e) giảm áp dụng luật an ninh để hạn chế thảo luận về dân chủ đa đảng hay chỉ trích chính phủ; f) giảm thời hạn tù cho các tội phi bạo lực; g) đăng ký và công bố thông tin về mọi cá nhân bị giam theo luật an ninh; h) bảo vệ pháp lý cho những người bị giam vì luật an ninh hay tuyên truyền, gồm cả việc có luật sư do họ tự chọn và có phiên tòa công khai; i) ra lời mời đến mọi tiến trình đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam: không ủng hộ điều a, b, e, g và i. Na Uy đề nghị a) giảm số tội chịu án tử hình; b) cho phép cá nhân, nhóm và các tổ chức xã hội cổ vũ nhân quyền, bày tỏ ý kiến và phản đối công khai; c) thông qua các biện pháp để tuân thủ Tuyên bố LHQ về Bảo vệ nhân quyền; d) bảo đảm truyền thông hoạt động tự do, độc lập; e) bảo đảm Luật báo chí trùng khớp với ICCPR, cho phép truyền thông tư nhân. Việt Nam: không ủng hộ điều b, d và e. Brazil đề nghị a) thành lập tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập; b) hướng tới bãi bỏ án tử hình; c) tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe cho phụ nữ; d) đạt tới các mục tiêu nhân quyền như trong nghị quyết 9/12. Việt Nam: không ủng hộ điều a và b. Hà Lan đề nghị a) luật báo chí tuân thủ Điều 19 của ICCPR; b) cho phép báo chí độc lập và tư nhân; c) dỡ bỏ hạn chế về internet; d) ra lời mời đến mọi tiến trình đặc biệt của LHQ. Việt Nam: không ủng hộ điều a, b, c và d. Vương quốc Anh và Bắc Ireland đề nghị a) hợp tác với chuyên gia quốc tế để phát triển luật truyền thông, tăng tính độc lập cho truyền thông; b) tiếp tục đối thoại giữa chính phủ và tổ chức dân sự; c) đối thoại với quốc tế về luật pháp; d) đào tạo cho viên chức, theo dõi việc thực thi luật pháp; e) tái đối thoại với Đặc sứ LHQ về tôn giáo. Việt Nam: không ủng hộ điều a và b. Mexico đề nghị a) thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris; b) hợp tác với các tiến trình đặc biệt LHQ, mời Nhóm về Giam giữ đi thăm Việt Nam; c) xem xét phê chuẩn Công ước ILO số 169 về Dân tộc thiểu số và bản địa. Việt Nam: không ủng hộ điều a. Azerbaijan đề nghị a) quan tâm các nhóm dễ tổn thương; b) xem xét phê chuẩn Công ước Bảo vệ Quyền của Lao động Di cư và Công ước Người Tàn tật; c) thành lập thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris. Việt Nam: không ủng hộ điều c. New Zealand đề nghị a) ra lời mời đặc sứ tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tra tấn và bạo lực với phụ nữ; b) cho phép truyền thông độc lập; c) bãi bỏ án tử hình; d) thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris. Việt Nam: không ủng hộ điều a, b, c và d. Áo đề nghị a) bảo đảm những ai mất tự do được đưa ra xử ngay; b) cung cấp thông tin có bao nhiêu trại giam; c) bảo đảm những người bị giam giữ có đại diện luật pháp; d) chống nạn mãi dâm trẻ em. Việt Nam: không ủng hộ điều b và c. Thụy Sĩ đề nghị a) xem lại luật báo chí, đặc biệt là về việc bảo vệ phóng viên; b) sửa luật về án tử hình để theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt về tính minh bạch; c) luật đất đai sẽ được thực thi đầy đủ; d) ) ra lời mời đến mọi tiến trình đặc biệt. Việt Nam: không ủng hộ điều d. Phần Lan đề nghị a) cho phép truyền thông đóng vai trò theo dõi; b) sửa luật báo chí theo điều khoản của ICCPR; c) sửa luật hình sự để không bị lạm dụng ngăn cản tự do ngôn luận; d) tạm hoãn thi hành các án tử để hướng tới mục tiêu bãi bỏ luôn án tử hình. Việt Nam: không ủng hộ điều a, b, c và d. Đức đề nghị a) tăng cường hợp tác với cơ chế nhân quyền LHQ; b) mời đặc sứ đi thăm về tự do tôn giáo; c) thành lập thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris; d) chấm dứt hạn chết tự do ngôn luận; e) công bố thông tin về án tử hình; f) giảm số tội có thể bị án tử. Việt Nam: không ủng hộ điều b, c, d và e. Hoa Kỳ đề nghị a) bảo đảm tự do báo chí, bãi bỏ hạn chế với blog và truyền thông; b) cho phép cá nhân phát biểu về hệ thống chính trị, thả những tù nhân lương tâm như Cha Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân; c) đẩy nhanh quá trình đăng ký cho các nhà thờ và tổ chức tôn giáo; d) công nhận Giáo hội Phật giáo Thống nhất, cho phép các chi nhánh của đạo Hòa Hảo và Cao Đài. Việt Nam: không ủng hộ điều a, b, c và d. Argentina đề nghị a) giảm các vụ tạm giam không hợp lý, đảm bảo quyền có phiên tòa công bằng; b) bảo đảm công dân được hưởng các quyền; c) mời đặc sứ về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo đi thăm; d) bãi bỏ án tử hình; e) phê chuẩn Công ước Bảo vệ Người Mất tích; Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế; Công ước về người tị nạn và vô quốc gia. Việt Nam: không ủng hộ điều c và d. Pháp đề nghị a) chấm dứt hạn chế tự do ngôn luận, cho phép truyền thông tư nhân; b) thành lập thành lập viện nhân quyền quốc gia theo Nguyên tắc Paris; c) ký và phê chuẩn Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế. Việt Nam: không ủng hộ điều a, b và c. Italy đề nghị a) tôn trọng tự do tôn giáo; b) trả lời tích cực với yêu cầu thăm Việt Nam của Đặc sứ tôn giáo; c) bảo đảm quyền nhận, truyền bá thông tin; d) có chiến lược quốc gia đưa giáo dục nhân quyền vào trường học. Việt Nam: không ủng hộ điều b. Còn tiếp tục cập nhật. |