Home Tin Tức Thời Sự Vì sao Obama đảo ngược quyết định về vụ ảnh lạm dụng tù nhân?

Vì sao Obama đảo ngược quyết định về vụ ảnh lạm dụng tù nhân? PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Anh (Theo BBC)   
Thứ Năm, 14 Tháng 5 Năm 2009 14:12

(Dân trí) - Từ “đảo ngược” có thể không quen thuộc trong Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama, nhưng thực tiễn thì lại khác.

Giới phân tích dự đoán Nhà Trắng sẽ còn đưa ra các "đảo ngược" nữa trong tương lai.


 Một tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama đã tỏ ý rằng Lầu Năm Góc sẽ công bố những bức ảnh thêm cho thấy các tù nhân đã bị ngược đãi, lạm dụng như thế nào ở Afghanistan và Iraq dưới chính quyền cũ. Đây là một động thái nằm trong kỷ nguyên minh bạch mới của chính quyền Obama.
 
Một tuần sau, ông tuyên bố Nhà Trắng sẽ ngăn không cho công bố những bức ảnh đó và sẽ bảo vệ quyết định trước tòa. Và lần này tất cả là vì một lý do tối quan trọng: an ninh quốc gia.

 Khi một chính trị gia bị “bắt quả tang” “đảo ngược” tình thế, câu hỏi đầu tiên luôn là: Vì sao?

 Câu trả lời cũng không khó kiếm. Bởi chỉ cần nhớ lại những bức ảnh rùng rợn lạm dụng tù nhân của Mỹ tại nhà tù Abu Ghraib, Iraq bị phanh phui vài năm trước đây; nhớ tù nhân bị trùm đầu đứng trên một chiếc hộp, thể như đang chuẩn bị cho chạy điện qua; nhớ những gương mặt của lính Mỹ cảm thấy vui thích như thế nào khi làm nhục tù nhân; hoặc nỗi sợ của của một tù nhân khi đứng cách hàm răng sắc nhọn, hung dữ của một con chó chỉ vài phân, chúng ta sẽ hiểu.

 Và cũng đáng để nhớ lại phản ứng, sự giận dữ trên khắp thế giới khi các bức ảnh ngược đãi đó được tung ra. Hình ảnh nước Mỹ không chỉ bị ô uế. Những bức ảnh đã trở thành công cụ tuyển quân hữu hiệu của những kẻ cực đoan.

Obama cho biết các bức ảnh mới không “nhạy cảm” như những bức ảnh ở nhà tù Abu Ghraib. Nhưng chúng rõ ràng là đủ tệ để các tướng lĩnh của ông phải phản đối việc công khai.

 Các chỉ huy quân sự của Mỹ hiện nay ở Iraq và Afghanistan, tướng Odierno và McKiernan, đều nói với vị Tổng tư lệnh quân đội rằng việc công bố các bức ảnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của lính Mỹ. Và có vẻ như Tổng thống Obama đã bị thuyết phục bởi biện luận này.

 Một công đôi việc

 Điều khó hiểu ở đây có lẽ là vì sao Obama mới đầu lại nghĩ việc công khai những bức ảnh ngược đãi tù nhân là một ý kiến hay.

 Chắc chắn đây không phải là ý kiến của bản thân ông. Đây là ý kiến của Liên đoàn tự do dân sự Mỹ, tổ chức đã đưa vấn đề này ra tòa, với lý do công chúng quan tâm và chúng chứng minh có sự tồn tại của một văn hóa lạm dụng, ngược đãi.

 Lúc đó Tổng thống Obama có vẻ như cũng bị thuyết phục bởi yêu cầu minh bạch. Cởi mở đã là nét đặc trưng của chính quyền của ông. Nhưng sự cởi mở không may là điều dễ hứa hơn là thực hiện.

Cũng có thể còn nhiều lý do nữa cho thấy quyết định ban đầu của ông có vẻ thuyết phục. Công bố những bức ảnh đó sẽ giúp ông “đoạn tuyệt” được với quá khứ.

Nghi vấn thứ hai là khi cất nhắc việc đảo ngược, lợi ích chính trị sẽ là gì. Trong trường hợp này, rõ ràng Obama đã kết luận: an ninh quốc gia thắng thế sự minh bạch.

 Chắc chắn Tổng thống Obama sẽ làm một số người ủng hộ ông thất vọng. Nhưng ông cũng sẽ khẳng định được với nhiều người rằng vấn đề quan tâm chính của ông là an ninh quốc gia và mạng sống của lính Mỹ.

 Cũng không cần phải là một thiên tài chính trị để có thể luận ra sự đồng cảm nằm ở đâu. Người Mỹ hiện hầu như không đòi hỏi được công bố thêm các bức ảnh về việc lạm dụng tù nhân nữa. Họ vẫn còn chưa “bình phục” được từ những bức ảnh lạm dụng đã được công bố trước đây.

 Và rõ ràng quyết định này mang “tiêu chuẩn kép”. Bởi rốt cục, Tổng thống Obama cũng đã được hài lòng khi công bố các tài liệu mật chi tiết hóa các kỹ thuật thẩm vấn, được gọi là “bản ghi nhớ tra tấn”.

 Một quyết định thực dụng?

 Nhưng việc cho công bố bản ghi nhớ đó cũng bị chỉ trích rất nhiều. Nổi bật nhất là cựu Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, người trước kia hiếm khi chịu ngồi lâu trước máy camera. Vậy mà giờ đây vị cựu Phó tổng thống này lại dành thời gian đi “tour” khắp các đài truyền hình, tố cáo chính quyền Obama đang làm nước Mỹ kém an toàn hơn.

 Nếu công bố thêm các bức ảnh nữa, thì cáo buộc của Dick Cheney sẽ trở nên thuyết phục hơn. Nhưng khi không công bố nữa, cáo buộc lại trở nên không có cơ sở.

 Như vậy, một lần nữa Tổng thống Obama có vẻ như đã đưa ra được một quyết định rất thực dụng. Ông có thể bị cáo buộc là thỏa hiệp với chính những nguyên tắc đã đưa ra của chính mình. Nhưng lần này hầu hết người Mỹ sẽ tin tất cả chỉ vì một mục đích cao cả, tốt đẹp hơn. 

Giới phân tích cho rằng với những người ủng hộ ông Obama, có vẻ như sẽ còn nhiều lần họ bị “đau tim” nữa. Hi vọng Tổng thống sẽ bãi bỏ hoàn toàn những ủy ban quân sự xét xử các nghi phạm khủng bố gây tranh cãi trước đây, hiện đang phai dần. Và theo họ, sẽ có một tuyên bố được đưa ra vào cuối tuần này. Nếu vậy, thì đây sẽ không phải là lần đầu tiên chúng ta được nghe thấy từ “đảo ngược” liên quan đến Nhà Trắng, dưới bàn tay điều hành của Obama.