Vì sao cựu tướng tình báo của Pakistan bị xếp vào danh sách khủng bố quốc tế? |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm |
Thứ Ba, 12 Tháng 5 Năm 2009 14:19 |
Vào cuối tháng 11/2008, khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thành phố Mumbai của Ấn Độ, tên của tướng Hamid Gul, cựu chỉ huy Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) bỗng xuất hiện trên hầu hết các phương tiện truyền thông quốc tế ở vai trò là người hậu thuẫn cho nhiều tổ chức khủng bố, trong đó có tổ chức Lashkar-e-Taiba, bị buộc tội chủ mưu vụ tấn công vũ trang tại thành phố Mumbai. Tướng Hamid Gul khi còn là chỉ huy cơ quan tình báo quốc gia Pakistan. Sinh trưởng tại bang Punjap, cái nôi của các tổ chức Hồi giáo cực đoan nên tướng Gul cũng mang tư tưởng cực đoan. Khi còn làm chỉ huy ISI, được bổ nhiệm năm 1986 dưới thời Tổng thống Mohammad Zia-ul-Haq, tướng Gul rất được lòng Mỹ do chủ trương quyết tâm đẩy lùi quân đội Liên Xô ra khỏi Afghanistan. Tướng Gul còn là một người luôn chủ trương đối đầu với quốc gia láng giềng Ấn Độ thông qua việc hỗ trợ cho các tổ chức Hồi giáo quá khích gây rối bên trong lãnh thổ Ấn Độ nhằm tạo tình hình bất ổn. Theo một tài liệu được công bố bởi Cơ quan Tình báo hải ngoại Ấn Độ (RAW) sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại thành phố Mumbai vào cuối tháng 11/2008, khi còn chỉ huy SIS, tướng Gul đã bí mật tài trợ cho hoạt động của hai tổ chức khủng bố khét tiếng là Khalistani và Lashkar-e-Taiba để thường xuyên tổ chức các hoạt động khủng bố vào lãnh thổ Ấn Độ, nhất là tại hai bang Jamu và Kashmir cùng nhiều thành phố lớn khác như thành phố Mumbai, thủ đô Dehli... Mỹ do không muốn quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên căng thẳng làm suy yếu mặt trận chống Liên Xô tại khu vực Nam Á vào thập niên 80 của thế kỷ trước nên gây áp lực buộc Thủ tướng Bhutto phải can thiệp. Và khi yêu cầu của Thủ tướng Bhutto về việc ISI ngừng hỗ trợ cho các tổ chức Hồi giáo quá khích không được đáp ứng, tướng Gul liền bị thuyên chuyển khỏi ISI. Tuy nhiên, phải đợi đến năm 1994, tướng Gul mới tỏ rõ thái độ chống đối Mỹ quyết liệt khi chính phủ của Tổng thống Bill Clinton quyết định trừng phạt Pakistan về việc bí mật phổ biến chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Tháng 10-1994, tướng Gul có cuộc tiếp xúc lần đầu với trùm khủng bố Osama bin Laden, và trong cuộc gặp này tướng Gul đã lên tiếng phản đối việc gọi Bin Laden là trùm khủng bố và phủ nhận những chứng cứ mà Mỹ thu thập được liên quan đến hoạt động khủng bố của Bin Laden. Theo điều tra của CIA, vào ngày 9/1/2001, tướng Gul và tướng Aslam Berg, cựu Tổng tư lệnh Quân đội Pakistan đã tham dự một cuộc họp bí mật tại đền thờ Hồi giáo Darul Uloom Haqqania gần thành phố biên giới Peshawar của Pakistan. Đây là một cuộc họp quan trọng có sự tham gia của đại diện và người đứng đầu của hơn 300 tổ chức Hồi giáo trong đó có cả những tổ chức Hồi giáo cực đoan như Al Qaeda, Khalistani hay Lashkar-e-Taiba... Mục đích của cuộc họp này là kêu gọi cộng đồng người Hồi giáo khắp thế giới bảo vệ chế độ Taliban ở Afghanistan và cả hoạt động khủng bố của Bin Laden. Bin Laden là khách mời danh dự của cuộc họp này và được đích thân tướng Gul gọi là “Chiến binh Hồi giáo vĩ đại". Tướng Gul chính thức bị Mỹ theo dõi sau khi mạng lưới khủng bố quốc tế Al- Qaeda tiến hành tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Tháng 1/2002, sau khi chế độ Taliban ở Afghanistan bị sụp đổ bởi cuộc tấn công quân sự của Mỹ, tướng Gul tuyên bố: "Thế giới Hồi giáo cần đoàn kết để chống lại cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố quốc tế do Mỹ phát động mà mục đích là chống lại người Hồi giáo. Cần phải hủy diệt Mỹ". Tháng 8/2007, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto đã lên án chính tướng Gul đã đứng sau vụ khủng bố làm chết hàng trăm người tại thành phố Karachi của Pakistan nhằm phản đối việc Pakistan ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Nam Á. Nhiều người còn cho rằng, phản ứng quyết liệt này của cựu Thủ tướng Bhutto đã khiến bà bị giết hại vào ngày 27/12/2007 mà nghi vấn là có bàn tay của tướng Gul. Mỹ chính thức liệt tướng Gul vào danh sách khủng bố quốc tế và trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2008. Đây cũng là lần đầu tiên một cựu chỉ huy tình báo quốc gia bị buộc tội hoạt động khủng bố |