Thế kỳ này của Châu Á? |
Tác Giả: BBC |
Thứ Năm, 07 Tháng 5 Năm 2009 13:39 |
(08 May 2009 02:33)
Goldman Sachs tin rằng vào năm 2015 bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Trong số bốn nước được dự đoán là cường quốc kinh tế hàng đầu có đến ba quốc gia châu Á, cho phép suy luận là trật tự thế giới đang sắp xếp lại, theo nhận định của TS Kishore Mahbuani từ Khoa chính sách công mang tên Lý Quang Diệu, đại học quốc gia Singapore. "Từ năm đầu tiên của công nguyên đến năm 1820, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục là Trung Quốc và Ấn Độ", ông nói. "Trong thế kỷ 19 và 20, đầu tiên là châu Âu rồi đến Bắc Mỹ chiếm vị trí đó", ông nói. "Nhưng hai trăm năm gần đây là giai đoạn bất thường của lịch sử". Ngày xưa Thành Cát Tư Hãn từng thiết lập một đế chế bao phủ một phần năm bề mặt trái đất, kéo dài từ Nhật Bản sang đến Đông Âu, nay nhiều người có cảm giác là Trung Quốc và Ấn Độ lại đang một lần nữa thiết lập các quyền lực châu Á. TS Mahbuani cho rằng các nước châu Á đang ngày càng thêm tự tin về tương lai và rằng "Thế kỷ châu Á" đang đến. "Cuộc khủng khoảng hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của người châu Á", ông nói. "Phương Tây từng nói với chúng tôi rằng họ biết cách vận hành thế giới, nói với chúng tôi làm cách nào để tạo ra nền kinh tế tốt nhất trên thế giới. Làm sao chúng ta có thể tiếp tục tin họ được nữa?" Thế kỷ châu Á Mô hình Hoa Kỳ về tư bản đã tạo ra những lợi ích, nhưng chưa phải là tất cả cho nền kinh tế Á châu. Khi Trung Quốc và Nam Hàn sao chép mô hình suy nghĩ và tiếp thị theo kiểu phương Tây thì nền kinh tế của họ cất cánh. TS Mahbuani tin rằng một trong số những vấn đề cơ bản mà người châu Á học được từ phương Tây là tinh thần của nền kinh tế thị trường tự do. "Đó là câu hỏi về tính thực tế", ông nói. "Các nước châu Á đang đi lên vì họ cuối cùng đã hiểu được, tiếp thu được và ứng dụng một cách tốt nhất." Về cơ bản đã có chuyển đổi, và nhóm G8 gồm 8 nước công nghiệp hóa hàng đầu nay trở thành nhóm G20 với Ấn Độ và Trung Quốc tham gia. Trật tự thế giới mới có thêm các công ty như Embraer - tập đoàn máy bay Brazil, và Tata - tập đoàn công nghiệp của Ấn Đ̣ô, sản xuất đủ mọi thứ từ sắt thép đến khách sạn và tài chính. "Bắt đầu có một số chuyển dịch trong các nền kinh tế mới đó", chuyên gia Arindam Bhattacharya từ Boston Consulting Group nhận định. Ông phân tích rằng các công từ những nước lớn và nghèo, nhờ nghèo mà có được chất cạnh tranh rất mãnh liệt, khác với thị trường phương Tây. Ông Bhattacharya tin rằng các công ty từ các nước kinh tế đang phát triển cởi mở hơn với các đối tác, cởi mở đối với các vụ thu mua, và cởi mở trong chuyện học nhanh chóng. "Một trong số các chiến lược phòng ngự của các công ty phương Tây là thu mua các đối thủ đó", ông nhận định. Hơn vậy, ông cho rằng các công ty châu Á có thể thay đổi cuộc chơi, không bắt chước theo các công ty phương Tây. 'Thay đổi cuộc chơi' "Tata cho ra xe Nano", ông Bhattacharya nói. "Tất cả các công ty xe hơi trên thế giới nói điều đó không thể làm được nhưng họ đã thực hiện điều đó". Tương tự vậy, Embraer cũng theo đuổi dự án máy bay phản lực mà sau này đã giúp công ty trở thành người dẫn đầu trong khu vực. "Các công ty đang sáng tạo rất khéo léo", ông nói. "Họ không phải đi theo hệ thống đăng ký bản quyền, cũng không cần phải đầu tư cả tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển công nghệ." "Nhưng họ cũng rất giỏi trong việc đem các sản phẩm mới vào thị trường." Quan điểm ngược lại thì cho rằng các nước châu Á như Nam Hàn và Trung Quốc đã giàu lên nhờ sản xuất hàng với giá rẻ và xuất khẩu lao động sau Hoa Kỳ và Âu châu. Nhưng phương Tây bây giờ không tiêu thụ hàng hóa nhiều như trước nên các thị trường của họ bị thu hẹp. Cũng có ý kiến cho rằng các nền kinh tế Á châu vì vậy bị ảnh hưởng nhiều trong cơn suy thoái hiện tại họ chủ yếu là nhà sản xuấ, không phải tiêu dùng. "Các nước Á châu đã tìm cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước," Ajay Chibber, phụ tá Tổng thứ ký Liên Hiệp Quốc nói. "Các chính phủ được khuyến khích tiêu dùng trong chính phủ, gia tăng cơ sở hạ tầng, và chi tiêu xã hội, trong ngắn hạn". Ông Chibber nói kế hoạch cải tổ y tế qui mô ở Trung Quốc là một phần của chủ trương này. "Một trong những lý do người Á châu không tiêu dùng quá nhiều là vì họ không có hệ thống an sinh xã hội," ông Chibber giải thích. Ông Chibber tin rằ̉ng nếu các nhà̉ lãnh đạo Á châu tái cân bằng được cơ cấu kinh tế của họ thì châu Á sẽ trở thành trung tâm quyền lực thế giới, như họ đã từng là cách đây 400 hay 500 năm. Khi vượt qua được cơn khủng hoảng này, người dân Mỹ sẽ không tiêu dùng nhiều như cách đây bốn năm năm trước. Vì vậy việc tái cân bằng phải xảy ra ở Á châu, và nếu họ làm đúng, lịch sử sẽ lập lại. "Trong các cuộc khủng hoảng trước Á châu phải theo các giải pháp của phương Tây, nhưng bây giờ họ phải tìm ra giải pháp cho chính mình," ông Chibber nói. (Nguồn: BBC, ngày 7.5.2009, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2009/05/090506_genghiskhan.shtml) |