Vết nhơ thứ hai của Đặng Tiểu Bình |
Tác Giả: Tiến sĩ Hàn Hiếu Vinh |
Thứ Hai, 04 Tháng 5 Năm 2009 08:21 |
Viết riêng cho BBCVietnamese. com từ ĐH Butler Năm nay đánh dấu 20 năm ngày xảy ra biến cố Thiên An Môn Năm 1989, tôi đã sống ở Bắc Kinh được 5 năm. Dù khi ấy tôi đã ra trường được hai năm, tôi vẫn xem mình là sinh viên, chia sẻ lo toan và khát vọng của giới sinh viên. Sau khi nghe tin nhiều nhóm nhỏ sinh viên đại học bắt đầu tụ tập ở Quảng trường Thiên An Môn sau cái chết của Hồ Diệu Bang giữa tháng Tư 1989, tôi lấy xe đạp dạo quanh quảng trường để quan sát. Ngày 27.4, khi sinh viên các trường bên trong và ngoài Bắc Kinh xuống đường phản đối bài xã luận lăng mạ của Nhân dân Nhật báo, đầu tiên tôi đi theo như một người qua đường có thiện cảm, và sau đó gia nhập vào đoàn người khi tôi thấy băng rôn của ngôi trường cũ mình học. ‘Vì sao muốn dân chủ?' Sáu ngày sau, tôi rời Bắc Kinh đi Sri Lanka, với cảm giác vừa miễn cưỡng vừa hăng hái khi tiến hành một dự án nghiên cứu. Tôi ngây thơ tin rằng khi mình quay lại, Trung Quốc sẽ có một chính phủ dân chủ hơn, ít tham nhũng hơn. Ở Sri Lanka, tôi chia sẻ với những bạn bè địa phương về trải nghiệm sôi nổi hồi tháng Tư, và cố gắng theo dõi sự kiện ở Bắc Kinh qua báo chí. Tôi bị sốc khi một học giả Sri Lanka hỏi tôi: "Tại sao bạn muốn dân chủ? Cứ xem dân chủ đã làm gì cho đất nước tôi? Chúng tôi muốn một lãnh đạo mạnh như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình." Nội chiến đã kéo dài ở hòn đảo xinh đẹp ấy suốt 6 năm và nhiều người vô tội bị giết. Có những vùng quá nguy hiểm, chúng tôi không thể đi thăm, và ngay tại thủ đô Colombo, chúng tôi nghe nhiều vụ nổ bom. Tôi có thể hiểu vì sao bạn bè Sri Lanka khao khát một lãnh đạo và chính phủ mạnh, nhưng tôi vẫn tin cần phải đại tu chính phủ Trung Quốc. Tôi vẫn đang ở Sri Lanka khi các vụ giết chóc xảy ra hôm 4.6. Ban đầu, tôi nghĩ không thể quay về Trung Quốc. Có khi tôi nên biến vào đám đông ở quận Chinatown ở Bangkok vào lúc quá cảnh. Nhưng tôi bỏ ý nghĩ đó khi nhận ra nó sẽ gây rắc rối cho đồng nghiệp và gia đình. Không rõ bao nhiêu người đã chết trong sự biến Thiên An Môn 1989 Tôi trở lại Bắc Kinh ngày 13.6, trông thấy nhiều lính vũ trang đứng ở các giao lộ, nghe những câu chuyện buồn về ngày 4.6. Cái chết trở nên rất gần và riêng tư khi tôi biết trong số nạn nhân có một người bạn, đó là một phóng viên và còn là cha một bé gái hai tuổi. Điều làm cái chết của anh thêm bi kịch là vào đầu tháng Sáu, anh nhận ra sinh viên đã đi quá xa và không còn ủng hộ họ. Mặc dù ít ai đoán trước phản ứng bạo lực của Đặng Tiểu Bình, bất kỳ ai biết lịch sử cuộc đời ông sẽ đồng ý rằng từ góc nhìn của Đặng, việc dùng vũ lực là chính đáng. Đến cuối tháng Tư 1989, Đặng kết luận phong trào sinh viên là cuộc đấu tranh chính trị và rằng đằng sau sinh viên là phần tử phản cách mạng định lật đổ đảng và chính phủ. Với một nhà cách mạng lão thành như Đặng, mềm yếu với bọn phản cách mạng sẽ là tội ác ghê tởm. Ông ta chưa bao giờ mềm yếu với họ, đã đánh họ từ khi gia nhập chủ nghĩa cộng sản thập niên 1920. Có lẽ Đặng không xem sinh viên là phản cách mạng, nhưng ông cũng chẳng đánh giá cao họ. Là nạn nhân của Cách mạng Văn hóa, Đặng tin rằng phong trào 10 năm đó là sai lầm lớn, và rằng Hồng vệ binh là những kẻ phá hoại. Ông tin có thể so sánh sinh viên 1989 với Hồng vệ binh, và điều này được xác nhận khi ông mô tả phong trào sinh viên 1989 bằng từ "bạo loạn". Đặng Tiểu Bình nói ông phải ra lệnh bắn để chấm dứt loạn và phục hồi ổn định, cái mà ông xem là tiền đề cho cải tổ và tăng trưởng. Lúc đó, ít thanh niên nào có thể chấp nhận lý thuyết này. Như nhiều bằng hữu, tôi xem lý luận đó là sự biện bạch, và vụ 4.6 sẽ chấm dứt cải cách. Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ đi vào giai đoạn đình đốn, sẽ không thể làm sống lại cải cách trước khi Đặng qua đời. Hong Kong là nơi duy nhất thuộc Trung Quốc được phép thắp nến tưởng nhớ biến cố Thiên An Môn (ảnh chụp ngày 4.6.2008) Dựa trên đánh giá đó, tôi quyết định đi học nước ngoài để không phí hoài thời gian giữa giai đoạn đen tối. Đánh giá và dự báo của tôi hóa ra hoàn toàn sai - Đặng khôi phục cải tổ năm 1992, và vì rời bỏ Trung Quốc, tôi bỏ lỡ cơ hội vàng để trải qua một trong những cuộc chuyển hóa lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Giả thiết lịch sử Trung Quốc sẽ ra sao ngày nay, nếu Đảng Cộng sản bị lật đổ để những người phản kháng nắm chính quyền năm 1989? Trung Quốc 2009 hoàn toàn khác năm 1989. Hong Kong và Macao đã được trả lại và quan trọng hơn, ngược với dự đoán của nhiều người, hai vùng này vẫn phồn thịnh. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hàng năm trung bình gần 10%; xe lửa chạy nhanh hơn nhiều so với 20 năm trước; nông dân không còn đóng thuế và thậm chí bắt đầu nhận trợ cấp cho việc đồng áng; học sinh cấp một, cấp hai không còn đóng học phí; một hệ thống y tế quốc gia vừa mới được tiến hành. Năm ngoái, Olympic Bắc Kinh diễn ra thành công; nói chung, con người hiện nay có nhiều tự do chính trị hơn, và Trung Quốc cũng mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Cho dù đất nước còn chịu nhiều vấn nạn, ít người Trung Quốc nào phản đối ý tưởng rằng Trung Quốc hôm nay khỏe khoắn hơn, là một nơi sống tốt hơn 20 năm trước. Năm 1989, có lẽ ông khôn ngoan hơn đa số còn lại về cách thức làm cho cải cách thành công. Về Đặng Tiểu Bình Năm 2007, tôi thăm lại nơi ở cũ của mình tại Bắc Kinh. Đó là căn hộ một phòng ngủ, 39 mét vuông, ở tầng một của tòa nhà sáu tầng ngay cạnh sân vận động Tổ chim khi đó đang xây dở dang. Chính phủ cấp cho chúng tôi năm 1990 và vào thập niên đó, chúng tôi có thể mua lại với giá rất rẻ. Thật tiếc, khi đó tôi không thấy có lý do gì giữ một căn hộ nhỏ nên quyết định trả lại. Ngày nay nó trị giá khoảng 800.000 tệ, hơn 40 lần so với giá của thập niên 1990. Nếu thay đổi chính trị xảy ra năm 1989, liệu Trung Quốc có đạt nhiều thành tựu hơn nữa? Tôi đoán với đa số người Trung Quốc, câu trả lời là không. Một số sẽ nói: cứ xem chuyện gì xảy ra cho Nga và Đông Âu, hay Ấn Độ và Philippines. Tất cả đều là nền dân chủ và chẳng khá hơn Trung Quốc trong hai thập niên qua. Hiện nay, nhiều người ở Trung Quốc tin rằng lý luận ổn định của Đặng Tiểu Bình không chỉ là sự biện bạch để giữ quyền lực, mà thực sự ông chân thành muốn cải tổ và rằng năm 1989, có lẽ ông khôn ngoan hơn đa số còn lại về cách thức làm cho cải cách thành công. Đa số đối thủ của Đặng năm 1989, những nhà bất đồng chính kiến và sinh viên, đã rơi vào quên lãng. Tương lai, lịch sử sẽ đánh giá Đặng Tiểu Bình bình tĩnh và công bằng hơn? Giữ ổn định? Tuy nhiên, sự chuyển hóa của Trung Quốc hai thập niên qua có biện hộ được cho cuộc đàn áp quân sự của Đặng ngày 4.6? Về vấn đề này, khó khăn hơn để rửa sạch thanh danh của ông. Tại sao ông không dùng cảnh sát thay vì quân đội để vãn hồi trật tự? Tại sao không ra lệnh dùng súng nước, đạn cao su thay vì đạn thật? Giết người có phải là cách duy nhất chấm dứt khủng hoảng năm 1989? Bất chấp vị trí lớn của Đặng Tiểu Bình trong lịch sử Trung Quốc, không một sử gia công tâm nào lại sẽ không thấy tì vết trong hồ sơ sáng chói của ông. GS. Hàn Hiếu Vinh Chắc chắn Đặng Tiểu Bình sẽ được lịch sử ghi nhận là một trong những nhà cải cách vĩ đại nhất của Trung Quốc. Ông xứng đáng được nhớ như một lãnh đạo nhìn xa, đã đưa Trung Quốc trở lại đường sáng. Nhưng lịch sử sẽ nói gì về những nạn nhân năm 1989? Họ có đơn thuần là nạn nhân? Tôi hy vọng và tin tưởng các sử gia tương lai sẽ nói rằng các nạn nhân cũng đã đóng góp vào sự chuyển hóa của Trung Quốc bằng cách cảnh báo những nhà cải cách, và cho họ thấy những vấn nạn của đất nước vào khoảnh khắc đó. Tôi cũng tin rằng bất chấp vị trí lớn của Đặng Tiểu Bình trong lịch sử Trung Quốc, không một sử gia công tâm nào lại sẽ không thấy tì vết trong hồ sơ sáng chói của ông. Hai vết nhơ lớn hiện rõ vì chúng đều đẫm máu - đầu tiên là quyết định tấn công Việt Nam năm 1979, và thứ hai là việc dùng quân đội chống lại người biểu tình năm 1989. Về tác giả:Tiến sĩ Hàn Hiếu Vinh đang dạy ở Khoa Lịch sử và Nhân học, Đại học Butler, Hoa Kỳ. Ông đã từng viết bài trên BBCVietnamese. com về cuộc chiến Việt - Trung 1979. |