Lựa chọn của chính phủ Việt Nam |
Tác Giả: BBC | ||
Thứ Năm, 23 Tháng 4 Năm 2009 22:57 | ||
Trong một quốc gia độc đảng, nơi những người chỉ trích chính phủ thường bị bỏ tù, chỉ có những ai thật dũng cảm hoặc thật dại dột mới dám cất tiếng nói. Thế nhưng kế hoạch của chính phủ cho phép một công ty Trung Quốc khai thác nguồn tài nguyên bauxite dồi dào nằm trong lòng đất của vùng Tây Nguyên xanh tươi đã gây phản ứng chưa từng thấy từ một loạt các chỉ trích gia khác nhau. Trong số họ có anh hùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hòa thượng bất đồng chính kiến Thích Quảng Độ và nhiều nhà khoa học cũng như bảo vệ môi trường hàng đầu. Việt Nam may mắn có trữ lượng bauxite lớn thứ ba thế giới, và chính quyền cộng sản muốn thu lợi từ nguồn tài nguyên này. Theo kế hoạch mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi là "chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước", chính phủ đang muốn thu hút 15 tỷ đôla hoặc hơn nữa để phát triển các dự án khai thác quặng bauxite và sản xuất alumin trước năm 2025. Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty Chinalco của Trung Quốc để phát triển một dự án; và thỏa thuận với Alcoa, tập đoàn nhôm khổng lồ của Hoa Kỳ, để nghiên cứu khả thi cho một dự án khác. Chỉ trích Các chỉ trích gia cho rằng việc khai quặng mức độ lớn tại khu vực vốn trồng cà phê và các loại cây truyền thống khác có thể gây thiệt hại không cứu vãn nổi về môi trường và ảnh hưởng tới cộng đồng người dân tộc thiểu số sống tại Cao nguyên. Dường như không chỉ các blogger Trung Quốc mới bài ngoại gay gắt. Bauxite thường được khai thác tại các mỏ lộ thiên, khiến bối cảnh mặt đất biến dạng. Quá trình chế quặng cũng thải ra chất bùn đỏ có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng nếu chảy xuống các dòng sông, suối. Thêm vào đó, sự tham gia của công ty Trung Quốc trong một ḍự án gây tranh cãi như thế này đã thổi bùng lên tư tưởng bài Trung Quốc ở đất nước vốn đã bị người láng giềng khổng lồ đô hộ 1.000 năm và trải qua cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1979. Hòa thượng Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được hoạt động ở trong nước, tuyên bố rằng Việt Nam đang đứng trước "nguy cơ xâm lược" vì "nhiều ngôi làng của công nhân Trung Quốc đang mọc lên khắp cao nguyên và hàng vạn người Trung Quốc sẽ chuyẩn đến đây trong những năm tới". Tuyên bố của hòa thượng được lặp lại trong giới blogger hăng hái của Việt Nam, một nhóm chống dự án khai thác bauxite được lập trên mạng giao tiếp Facebook và thu hút tới 700 thành viên. Dường như không chỉ các blogger Trung Quốc mới bài ngoại gay gắt. Nhưng cho dù đa số người phản đối (khai thác bauxite) chính vì tư tưởng bài ngoại đó, cũng có sự quan ngại thực sự về các chỉ tiêu thấp kém trong bảo vệ môi trường của các công ty khai khoáng Trung Quốc. Dù động cơ chỉ trích là gì, thì chính phủ Việt Nam cũng lo lắng trước việc chỉ trích Trung Quốc một cách tập thể. Gần đây Hà Nội đã đình bản ba tháng báo Du Lịch vì chạy một số bài liên quan tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên. Lựa chọn của chính phủ Câu giải thích là Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với cán cân nhập siêu nghiêng hẳn về phía Việt Nam, do vậy Hà Nội muốn Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam để cân bằng lại. Trong thực tế giai đoạn kinh tế khó khăn này, người đi xin chẳng bao giờ kén cá chọn canh được cả. Với lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong quý 1/2009 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái tới 40% và các nước phát triển đều đang gặp khó khăn về tài chính, Việt Nam cần đầu tư của Trung Quốc hơn bao giờ hết. Phe chống Trung Quốc chắc buồn khi Thủ tướng Dũng bỏ một tuần đi công du Trung Quốc trong tháng này, cố gắng thu hút đầu tư và hứa hẹn tạo điều kiện cho các công ty của nước này hoạt động tại Việt Nam. Theo sau cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, ông Dũng tuyên bố hai bên sẽ cố gắng tăng ngân sách thương mại song phương từ con số 20 tỷ đôla năm 2008 lên 25 tỷ đôla năm 2010 và khắc phục tình trạng bất quân bình về thương mại. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gần đây nói tại cuộc hội thảo về khai thác bauxite có sự tham gia của các khoa học gia đang lo lắng về tác động môi trường, rằng Việt Nam "sẽ không phát triển bauxite bằng mọi giá". Tuy nhiên trong thực tế giai đoạn kinh tế khó khăn này, người đi xin chẳng bao giờ kén cá chọn canh được cả. |