Home Tin Tức Thời Sự Hải Tặc Thề Sẽ Trả Thù Cho Ba Đồng Đội Bị Hải Quan Mỹ Bắn Chết

Hải Tặc Thề Sẽ Trả Thù Cho Ba Đồng Đội Bị Hải Quan Mỹ Bắn Chết PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Châu   
Thứ Tư, 15 Tháng 4 Năm 2009 05:08

Tin AP, 13-4-2009. - Tin từ Mogadishu, Somalia, cho hay vào ngày thứ HAI, hải tặc Somalia đã thề là sẽ trả thù cho cái chết của ba đồng đội bị Hải Quân Mỹ bắn chết vài giờ trước khi trời tối và mở cuộc tấn công để giải cứu viên thuyền trưởng Hoa Kỳ 53 tuổi.

Thủy thủ trên tàu Maersk Alabama vui mừng trước tin thuyền trưởng của họ đã được tự do. (Ảnh AP).

Lúc 7 giờ 19 tối Chủ Nhật, giờ địa phương (12:19 PM. ET), Lực Lượng Đặc Biệt của Hải Quân Hoa Kỳ đã giải cứu thuyền trưởng Richard Phillips của tàu vận tải hàng hóa Maersk bị hải tặc bắt giữ trên một chiếc thuyền cứu nạn đang trôi giạt trên Ấn Độ Dương suốt năm ngày qua.

Những tay súng bắn tỉa của Hải Quân Mỹ từ chiến hạm USS Bainbridge đã nổ ba phát hạ sát ba tên hải tặc đang dùng mũi súng khống chế viên thuyền trưởng bị bắt làm con tin, và đe dọa sẽ giết ông ta, nếu không nộp 2 triệu đô-la tiền chuộc. Ba hải tặc đã bị bắn vào đầu và chết ngay.

Theo Phó Đô Đốc William Gortney, Tư Lệnh Hạm Đội số 5 Hải Quân Mỹ, khi nhìn thấy những tên hải tặc chĩa súng AK-47s vào lưng của Thuyền trưởng Richard Phillips và ông đang đứng trước nguy cơ bị giết, thì trong vòng một tích-tắc, vị chỉ huy của chiến hạm USS Bainbridge đang ở gần đó đã ra lệnh cho binh sĩ của ông khai hỏa hạ sát các hải tặc.

DIỄN BIẾN SỰ VIỆC
Các lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đã hành động để cứu Thuyền Trưởng Phillips trong tình hình nguy kịch trên chiếc thuyền cứu nạn với ba tên hải tặc. Một hải tặc thứ tư thì đang ở trên chiến hạm USS Bainbridge để thương lượng về số phận của viên Thuyền Trưởng bị bắt. Theo một giới chức thì tình hình đã trở nên “bấp bênh” vì bọn hải tặc đã trở nên quá khích động trong những ngày đã qua, nên cuộc thương lượng không tiến triển tốt đẹp.

Biển ở trong khu vực đó đang động, sóng to, gió lớn và chiếc thuyền cứu nạn đang bị nhồi lên, thụt xuống theo từng đợt sóng mạnh, ba hải tặc trên thuyền cứu nạn đồng ý để cho chiến hạm USS Bainbridge chuyền dây để kéo nó vào một vùng biển yên bình hơn. Sợi dây kéo dài khoảng 82 feet.

Nhưng không lâu sau khi tàu và thuyền đã móc vào nhau, thì đạn đã bắn ra từ chiếc thuyền cứu nạn. Hải quân thấy bọn hải tặc đang chĩa súng vào lưng Thuyền Trưởng Phillips.

Hành động theo lệnh từ Tổng Thống Obama cho phép sử dụng lực lượng thích hợp để giải cứu viên Thuyền Trưởng, một viên chức hành chánh cao cấp đã cho FOX News biết là vào ngày thứ Sáu và thứ Bẩy, Tổng Thống Obama đã hai lần cho phép quân đội giải cứu Richard Phillips trong trường hợp tính mạng ông bị nguy hiểm và Bộ Quốc Phòng cũng đã hai lần thấy sự nguy hiểm ấy. Obama đã cho phép điều động các phương tiện quân sự đến vùng biển Somalia vào cuối tuần qua và đã đưa thêm một bảng danh sách những viên chức quân sự được phép sử dụng vũ lực với những hải tặc Somalia.

Các tay bắn tỉa đã thiết lập đường đạn bắn vào đầu của ba hải tặc: một tên được nhìn thấy thò đầu qua cửa sổ, và hai tên khác được nhìn thấy đang đưa đầu lên khỏi vòm chóp của thuyền cứu nạn, hình như để thở không khí và chúng đã bị bắn gục.

Sau khi bắn, nhân viên đặc vụ đã men theo sợi dây thừng kéo chiếc thuyền cứu nạn để biết chắc là các hải tặc đã chết và giải cứu ông Phillips. Họ quan sát hiện trường và thấy ba tên hải tặc chết, Thuyền Trưởng Phillips sống nhưng bị trói cả tay chân. Viên Thuyền Trưởng đã được đưa lên chiến hạm USS Bainbridge và sau đó được không vận đến chiến hạm USS Boxer, tại đây, ông đã gọi điện thoại cho gia đình và được khám sức khỏe.

Ngay hôm Chủ Nhật, từ Bạch Ốc, TT Obama đã gọi cho Phillips và gia đình ông ta.

Tổng Thống Obama đã tuyên bố “I am very pleased that Capt. Phillips has been rescued and is safely on board the USS Boxer. His safety has been our principal concern, and Y know this is a welcome relief to his family and his crew.” (Tôi rất vui mừng khi Thuyền Trưởng Phillips đã được giải cứu và đang an toàn trên chiến hạm USS Boxer. Sự an toàn của ông là mối quan tâm chính của chúng ta, và tôi biết rằng đây là một giải tỏa sự khổ đau đối với gia đình và thủy thủ đoàn của ông.)

Tổng Thống Obama cũng khen ngợi quân đội Hoa Kỳ và các Bộ, các cơ quan khác về những nỗ lực trong cuộc giải cứu này. Tổng Thống nói “Chúng ta vẫn quả quyết để chận đứng sự gia tăng hải tặc trong khu vực. Và để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta phải tiếp tục làm việc với các đối tác của chúng ta để ngăn ngừa những cuộc tấn công trong tương lai, hãy sẵn sàng đối phó với những hành động cướp phá đường giao thông của hải tặc và bảo đảm rằng tất cả những kẻ có hành vi cướp biển đều bị bắt giữ và xét xử về tội phạm đã gây ra.”

Trong cuộc họp chiều Chủ Nhật, Bộ Quốc Phòng đã tường trình cho báo chí về cuộc giải cứu đầy xúc động này. Phó Đô Đốc Williams Gortney tuyên bố “Đây là một nỗ lực đồng đội ngoài sức tưởng tượng, và tôi vô cùng tự hào về những cố gắng không mỏi mệt của tất cả những nam nữ quân nhân đã làm cho cuộc giải cứu này thành công.” Phó Đô Đốc ca ngợi Phillips và thủy thủ đoàn của ông là “anh hùng”. Ông cũng cảnh cáo rằng kết quả của ngày hôm nay có thể sẽ đưa đến thêm nhiều bạo lực trong các cuộc cướp phá tương lai, có thể là dưới hình thức trả thù cho những hải tặc đã mất mạng.

HẢI TẶC THỀ SẼ TRẢ THÙ
Hải quân Mỹ đã nhanh chóng dứt điểm cuộc đối đầu nguy hiểm với hải tặc Somalia, cứu thoát viên Thuyền Trưởng tàu vận tải dân dụng Maersk Alabama bị bắt làm con tin từ sáng thứ Tư, 8-4-2009, ngoài khơi vùng biển Aden cách xa bờ 350 miles. Kết quả: ba hải tặc canh giữ và uy hiếp viên Thuyền Trưởng bị bắn chết, tên đang thương lượng trên chiến hạm USS Bainbridge xin đầu hàng vào sáng Chủ Nhật và đã được đối xử trong nhân đạo.

Từ sào huyệt, các lãnh tụ hải tặc đã cho báo chí biết là chúng sẽ phục thù cho các đồng đội đã bị hạ sát bởi những tay bắn tỉa của hải quân Mỹ.

Một trong những hải tặc đang giam giữ một tàu của Hy Lạp tại sào huyệt của chúng ở Gaan, một thành phố trung tâm của Somalia, Abdullahi Lami nói qua điện thoại với hãng AP, rằng “Tất cả mọi quốc gia sẽ được đối xử theo cách mà họ đối xử với chúng tôi. Trong tương lai, Mỹ sẽ là nước duy nhất đau buồn tang tóc và khóc thương. Chúng tôi sẽ trả thù về việc giết người của chúng tôi.”

Lami không tiết lộ một chi tiết nào và người ta không biết rõ là bằng cách nào hải tặc có thể phục thù, tuy nhiên, một số người lo sợ rằng chúng sẽ hướng việc trả thù vào hàng trăm con tin của nhiều nước khác nhau đang bị giam giữ khi chúng cướp tàu.

Cuộc giải cứu người bằng quân sự của Mỹ là một cái tát vào mặt bọn hải tặc thường ngang nhiên bắt giữ các tàu thuyền qua lại trong vùng Ấn Độ Dương, và giam giữ các thủy thủ làm con tin cho đến khi hàng triệu Mỹ kim tiền chuộc được chi trả. Nhưng dường như việc này không giúp gì được cho sự chế ngự việc gia tăng sự đe dọa của cướp biển trong khu vực. Các cuộc cướp tàu thuyền, bắt giữ thủy thủ đã biến vùng Vịnh Aden và các thủy lộ dọc duyên hải Somalia thành một trong những trục giao thông nguy hiểm nhất của tàu thuyền trên địa cầu. Hiện nay, hải tặc đang giam giữ hơn một chục chiếc tàu ngoại quốc, hầu hết đều bị neo lại dọc theo duyên hải của các quốc gia thuộc vùng Horn of Africa, với khoảng 230 thủy thủ ngoại quốc từ Nga đến Phi-Luật-Tân.

Cuộc giải cứu của Mỹ đã tiếp theo một cuộc hành quân tương tự trong ngày thứ Sáu, của biệt kích Hải Quân Pháp. Họ ồ ạt tấn công chiếm lại chiếc du thuyền Tanit bị hải tặc cướp. Cuộc đọ súng trên biển đã xẩy ra, giết chết hai hải tặc, giải thoát bốn con tin Pháp, nhưng chẳng may người chủ tàu bị mất mạng trong cuộc tấn công.

Cư dân tại thành phố Harardhere của Somalia cho biết là nhiều sự căng thẳng đang gia tăng ở đó. Abdullahi Jama, chủ một cửa hàng quần áo trong thành phố nói “Chúng tôi sợ rằng hải tặc có thể sẽ trả thù những người ngoại quốc mà chúng đang giam giữ.” Nhưng ông ta cũng nói rằng người dân lo sợ là “mọi sự trả thù mà hải tặc nhắm vào những người ngoại quốc có thể sẽ đem lại thêm nhiều cuộc phản công từ các lực lượng hải quân nước ngoài, có lẽ vào các làng mạc của chúng tôi.”

Jamac Habeb, một thanh niên 30 tuổi, tự nhận là hải tặc, nói với hãng thông tấn AP rằng cái chết của ba hải tặc là “một kinh nghiệm đau thương”. Từ Eyl, sào huyệt trung tâm của hải tặc, Habeb nói thêm “Đây sẽ là một bài học hay cho chúng tôi.”

“Kể từ nay trở đi, nếu chúng tôi bắt tàu thuyền ngoại quốc và các quốc gia liên hệ tìm cách tấn công, thì chúng tôi sẽ giết chúng. Giờ đây quân đội Mỹ đã trở thành kẻ thù số một của chúng tôi.”

Ít ra là từ lâu nay, rất hiếm khi hải tặc Somalia gây tổn thương cho các thủy thủ đoàn ngoại quốc bị giam giữ. Mặc dù cách đây mấy năm, một thành viên của thủy thủ đoàn Đài Loan, trên tàu đánh cá bị cướp và giam 6 tháng, đã bị hải tặc giết, nhưng theo Noel Choong, Trưởng Phòng Hàng Hải Quốc Tế theo dõi về hải tặc tại Kuala Lumpur, Malaysia, thì có lẽ đây là một trường hợp lẻ tẻ, không phải chủ trương của hải tặc.

Somalia hiện nay không có chính phủ hữu hiệu, một quốc gia được cai trị bởi các bộ lạc và hỗn loạn. Nạn hải tặc, một phần có lẽ là nỗ lực của ngư dân Somalia nhằm bảo vệ lãnh hải chống lại những tàu đánh cá bất hợp pháp từ nước ngoài vào phá hoại tài nguyên và đời sống địa phương, nhưng một số người thì đã lao vào nghề cướp biển chỉ vì bị lóe mắt bởi những món lợi khổng lồ mà họ sẽ thu được qua tiền chuộc.

Trước sự thành công của Mỹ trong việc giải cứu con tin, Thủ Tướng Somalia đã bày tỏ sự hoan nghênh cuộc hành quân của Hải Quân Hoa Kỳ hôm Chủ Nhật, 12-4-2009.

Phát ngôn viên của Thủ Tướng, ông Abdulkhadir Walayo nói với hãng tin AP “Chính phủ Somalia mong muốn thảm kịch chấm dứt một cách hòa bình, nhưng những ai đã liên quan đến trường hợp vừa rồi đều phải lựa chọn dùng bạo lực hoặc các phương thức khác. Dù sao thì chúng ta thấy nó sẽ là một bài học hay cho những hải tặc hoặc những ai khác đã dấn thân vào cuộc làm ăn bẩn thỉu này.”

Tuy vậy, các hải tặc vẫn tự đắc, thề rằng các biến cố này sẽ không thể ngăn chặn họ trong việc bắt thêm tàu thuyền.

Một hải tặc đang giam giữ một tàu của Đức Quốc, giấu tên, quả quyết rằng “Chỉ việc giết ba hải tặc và bắt giữ một người sẽ không làm cho chúng tôi thay đổi tư tưởng. Chúng tôi đã quyết định tiếp tục công việc làm ăn bất chấp sự sát hại và bắt giữ vừa rồi.”

Sáng thứ Hai, 13-4-2009, Tổng Thống Obama và các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ca ngợi cuộc hành quân của Lực Lượng Đặc Nhiệm Hải Quân Mỹ (Navy SEALS) trong nhiệm vụ giải thoát Thuyền Trưởng Phillips.

Trong buổi nói chuyện tại Bộ Giao Thông Vận Tải, Tổng Thống Obama nói: “I am very proud of the efforts of the U.S. military and the many other departments and agencies that worked tirelessly to resolve this situation“

“Tôi chia sẻ sự thán phục của quốc gia chúng ta đối với sự can đảm và quên mình mà Thuyền Trưởng Phillips đã dành cho thủy thủ đoàn của ông và tôi muốn minh xác rằng chúng ta nhất quyết chận đứng sự gia tăng cướp biển trong khu vực ấy, và để hoàn thành mục tiêu ấy, chúng ta đang phải tiếp tục làm việc với các đối tác của chúng ta để ngăn ngừa những cuộc tấn công trong tương lai, và chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng đối phó khi bọn chúng nổi dậy, và phải bảo đảm rằng tất cả những kẻ có hành vi cướp biển đều bị bắt giữ và xét xử.”

(”I share our nation's admiration for Captain Phillips' courage and leadership and selfless concern for his crew and Y want to be very clear that we are resolved to halt the rise of (piracy) in that region, and to achieve that goal we're going have to continue to work with our partners to prevent future attacks and we have to continue to be prepared to confront them when they arise, we have to ensure those who commit acts of piracy are held accountable”).