Chuyện ông Obama đến London |
Tác Giả: Nguyễn Giang - BBC News | ||||||
Thứ Tư, 01 Tháng 4 Năm 2009 00:53 | ||||||
Chiều tối nay, giờ Anh, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ hạ cánh xuống London trong không khí nhiều mong đợi từ cả châu Âu.
Theo bình luận của Paul Reynolds trên BBC News, chuyến đi dự Hội nghị G20 là dịp để ông Obama trình bày tư cách cường quốc số một và phong cách lãnh đạo. G20 chắc không giải quyết được gì nhiều vì các vị lãnh đạo của 20 quốc gia và nhiều khách khứa cao cấp chỉ có chưa đầy 5 tiếng đồng hồ ngày 2/04 để họp chung. Báo Sunday Times nghi ngờ rằng trong thời gian ngắn ngủi đó, các vị lãnh đạo khó có thể cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính thế giới. Việc Trung Quốc muốn thúc đẩy cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và biến đồng Nhân dân tệ thành một trong ba ngoại tệ quan trọng nhất của thế giới, bên cạnh dollar và euro, xem ra khó thành lần này. Lý do là cuộc họp tại Bretton Woods hồi sau Thế chiến phải mất hơn 20 ngày mới lập ra được IMF, nay cải tổ nó còn khó hơn. Nhưng như CNN nhắc, kinh tế sẽ vẫn là chủ đề hàng đầu mà ông Obama đem ra nói chuyện ở London. Và cho đến nay, người châu Âu mới chỉ cảm tình với ông về phong cách khác xa vị tiền nhiệm. Ông đã ra lệnh đóng cửa trại tù tai tiếng ở vịnh Guantanamo. Ông cũng vừa đưa ra các chiến lược về Pakistan, Afghanistan và Iraq. Các cuộc chiến này là mớ gai nhọn chia rẽ châu Âu từ mấy năm qua. Về kinh tế, ít ra là với nước Mỹ, ông cũng có kế hoạch cải tổ hệ thống giám sát các ngân hàng và quỹ bảo hiểm. Vẻ đẹp nhà Obama
Tòa Bạch Ốc cũng dứt khoát buộc lãnh đạo tập đoàn xe hơi GM từ nhiệm khiến tờ The Guardian nói cách làm việc của ông Obama khiến lãnh đạo Anh phải nhìn mà "sửa mình". London đã lưỡng lự khi nổ ra vụ một giám đốc ngân hàng, Sir Fred Goodwin cứ nhận lương hưu và tiền thưởng cao "theo hợp đồng", dù Royal Bank of Scotland của ông khốn đốn về tài chính. Báo Mỹ, tờ International Herald Tribune bản châu Âu nói ông Obama sang London trong lúc các nước chống chiến tranh Iraq như Pháp, Đức đều ghi nhận tình cảm tốt đối với ông Obama. Nhưng bài của Julia Werdigier cũng báo động rằng sau London, chuyến thăm Praha dự hội nghị khối Nato sẽ không "nồng thắm" với ông nữa. Thủ tướng CH Czech, nước chủ nhà, cũng là chủ tịch luân phiên của EU, ông Mirek Topolanek đã phê phán kế hoạch kích cầu kinh tế của ông Obama. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cũng e ngại tác động quá sâu rộng của chính quyền Mỹ vào nền kinh tế. Rộng ra bên ngoài Trở lại với G20 thì như The Guardian bỏ công ra đếm, cuộc họp 20 nước nhưng lại có ít nhất là 29 lãnh đạo quốc tế. Ông Obama dù là tổng thống Hoa Kỳ cũng chỉ là một trong số đó. Quyền lợi và quan điểm của Mỹ trên các vùng khác ngoài EU hiện rất khác nhau. Bởi vậy, như Paul Reynolds của BBC nhận định, người ta cũng rất chú ý đến cuộc gặp tay đôi giữa ông Obama với lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Hiện chưa có dấu hiệu ông Obama sẽ "cam kết" chuyện gì với những vị này, vì như người ta nói, chuyến đi của ông mới chỉ để trình làng và làm quen. G20 nhưng đếm kỹ lại có tới 29 vị khách từ Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và CH Czech, nước chủ tịch EU, cùng với cả Tây Ban Nha, Hà Lan, đại diện Liên hiệp châu Phi, Asean, Ủy ban châu Phi, Ủy hội châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tất nhiên là cả Tổng thư ký LHQ.. Báo Anh, tờ The Guardian Tuy vậy, các nước Đông Âu, Trung Á đều hồi hộp muốn biết hai ông lớn của Nga và Mỹ bàn gì với nhau, và có thỏa thuận gì không. Bên vùng Đông Á và Đông Nam Á cũng vậy. Mọi quyết định hay trao đổi giữa Trung Quốc và Mỹ đều sẽ có tác động lâu dài đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Asean. Theo Sunday Times, trước giờ gặp gỡ, ông Hồ Cẩm Đào đã "gài" một cú nắn gân ông Obama. Đó là việc Bắc Kinh, theo tờ báo ra ở London, để cho Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ bắn thử hỏa tiễn và công khai đe dọa mọi hành động bắn hạ của Nhật Bản hay Mỹ là "khiêu chiến". Trước giờ các ông Hồ và Obama họp tại London, tàu chiến Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật đã vào vị trí để chờ sẵn. Nhìn xuống phía dưới quả địa cầu, vụ va chạm tàu chiến ở Biển Đông vừa qua là một thử thách khác cho ông. Nhưng như lời một số nhà bình luận từ Mỹ, chuyện hù dọa ông Obama sẽ khó đạt mục tiêu.
Nói theo cách của blogger Andrew Sullivan thì ông Obama trong hiền lành nhưng cũng trưởng thành từ lò Chicago toàn thứ dữ. Ông không ra tay trực diện nhưng lại có tài "điệu hổ ly sơn" và khiến địch thủ rơi vào chỗ tự hại (self-destruction) . Vào lúc này, khi các chiến hạm USS của Mỹ đang nắm thế thượng phong trên biển nên việc họ "để" hải quân Trung Quốc vươn ra vùng nước xanh biết đâu cũng nằm trong tính toán đó? Về kinh tế, đồng ý là Trung Quốc nắm hàng tỷ trái phiếu Mỹ và có tham vọng biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính số một Á châu vào 2020 nhưng cho đến nay, các sản phẩm và cơ chế điều khiển ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán vẫn là thứ Made in USA. Sự phá sản của mô hình kinh tế sống bằng cho vay này của các nước Phương Tây biết đâu lại tạo đà cho những sáng kiến mới? Xét cho cùng, như chính ví dụ của việc ông Obama lên cầm quyền, tính năng động, sáng tạo trên tinh thần tự do cá nhân và năng lực tự điều chỉnh rất cao nhờ công luận mạnh mẽ của các xã hội Tây Phương mà Hoa Kỳ dẫn đầu mới là điều khiến các thể chế ở Nga và Trung Quốc lo ngại. Bởi thế, dù đến London ở vị thế mạnh, ông Hồ Cẩm Đào cũng sẽ có một chuyến đi đầy thách thức. Không biết ông Hồ và các quý ông khác đi dự tiệc sẽ nghĩ ra sao chứ về mặt PR thì điểm sáng của G20 lần này lại chính là cuộc "đọ giày" ở London giữa hai đệ nhất phu nhân, bà Michelle Obama và Carla Bruni. Trước mắt, có vẻ như chỉ có chính bà tổng thống Argentina, Cristina Kirchner, người bị chê là dùng Botox để sửa mặt hơi nhiều, là còn dám giành ánh đèn flash của giới thời trang trước Carla và Michelle. |