Viết riêng cho BBCVietnamese. com
Hà Nội không nhắc đến lực lượng Việt Nam Cộng Hòa tham gia trận Hoàng Sa 1974
Tháng Giêng 1974, khi hải quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh chiếm Hoàng Sa và buộc quân đội Nam Việt Nam rút khỏi đó, ban lãnh đạo Bắc Việt không hề có phát ngôn công khai, dù là ủng hộ hay phản đối. Báo chí Bắc Việt không hề đề cập vụ đụng độ giữa Sài Gòn và Bắc Kinh. Phản ứng chính thức duy nhất trước cuộc xâm lăng của Trung Quốc là một tuyên bố ngắn gọn, thận trọng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, kêu gọi có giải pháp thương lượng và hòa bình về mọi tranh cãi lãnh thổ. Kho lưu trữ Hungary Kể từ đó, sự im lặng của Hà Nội đã thường bị xem là thể hiện sự đồng tình của ban lãnh đạo trước hành động của Trung Quốc. Theo đó, thái độ thụ động của Bắc Việt hẳn là do sự thừa nhận ngầm về chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh. Quan điểm này được hỗ trợ nhờ thông báo năm 1956 của Ung Văn Khiêm gửi tham tán Trung Quốc về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa - gợi ý rằng "im lặng có nghĩa là đồng thuận". Quan điểm này nói nếu Bắc Việt không tán thành cuộc xâm lăng, thì phải nói ra chứ. Iim lặng của miền Bắc chủ yếu là do cân nhắc chiến thuật ngắn hạn của Hà Nội.
Nhưng tài liệu tôi tìm thấy từ Kho Lưu trữ Quốc gia Hungary lại kể một câu chuyện khác. Chúng gợi ý rằng sự im lặng của miền Bắc chủ yếu là do cân nhắc chiến thuật ngắn hạn của Hà Nội, chứ không phải vì sự đồng ý về pháp lý giữa Trung Quốc và Việt Nam. Sau vụ xâm lấn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nói với đại sứ Hungary ở Hà Nội rằng "có nhiều văn bản và dữ liệu về quần đảo của Việt Nam". Các cán bộ khác của miền Bắc nói với các nhà ngoại giao Hungary rằng theo họ, xung đột giữa Trung Quốc và chính thể Sài Gòn chỉ là tạm thời; họ nói sau đó, "vấn đề này sẽ là vấn đề cho cả quốc gia Việt Nam." Khác với Bắc Kinh, Hà Nội không hề xem vụ việc đã khép lại. Một vụ trưởng của Bộ Ngoại giao Bắc Việt nói với Hungary rằng chính phủ miền Bắc dự tính sẽ họp với Trung Quốc để làm rõ vấn đề. Tháng Chín 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu vấn đề Hoàng Sa trong chuyến thăm Trung Quốc. Phản ứng không khoan nhượng của Bắc Kinh rõ ràng làm lãnh đạo Việt Nam bực mình. Sang tháng 11, một cán bộ Việt Nam nói với nhà ngoại giao Hungary rằng Hoàng Sa "là phần không thể tách rời của Việt Nam và chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền với các đảo nhiều dầu hỏa này có tầm quan trọng chiến lược." Dấu hiệu phản đối của Việt Nam, gián tiếp nhưng rõ rệt, đã xuất hiện từ những tháng đầu của 1974. Sau khi Trung Quốc chiếm đảo, Bắc Việt bắt đầu gây khó khăn cho Hoa kiều khi muốn thăm thân nhân ở đại lục, và cũng không cho nhiều công dân đại lục sang miền Bắc thăm người thân. Nếu Hà Nội đồng ý cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, hẳn những cử chỉ này đã không xảy ra. Tham vọng lãnh thổ của Hà Nội không phải xuất phát từ việc làm đồng minh của Liên Xô mà đó là mục tiêu của Việt Nam mà thôi. Thực ra, các bản đồ Liên Xô sau năm 1950 đều đánh dấu Hoàng Sa là của Trung Quốc, và vì thế thật khó cho Kremlin công khai phản đối Trung Quốc. Tính toán
Hà Nội không vui khi Gerald Ford gặp Leonid Brezhnev năm 1974 Nhưng nếu Bắc Việt phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, tại sao họ im lặng trong trận đánh và cũng đã yêu cầu Moscow im lặng? Để trả lời, ta phải phân tích kỹ quan hệ Trung-Việt và Xô-Việt trong giai đoạn 1972-74. Năm 1972 và nửa đầu năm 1973, lãnh đạo Hà Nội rõ ràng bất mãn trước quan hệ cải thiện của Mỹ và Trung Quốc. Theo họ, Trung Quốc đã hy sinh quyền lợi Việt Nam. Nhưng cuối 1973 đầu 1974, quan hệ Trung - Mỹ bắt đầu xấu đi, vì Mao Trạch Đông kết luận rằng chính sách của Washington về Đài Loan và Liên Xô không đáp ứng mong đợi của ông. Tình hình mới buộc Bắc Kinh và Hà Nội linh động hơn với nhau. Vào cuối năm 1973 và đầu 1974, giới ngoại giao Liên Xô ở Hà Nội ghi nhận phía Trung Quốc bắt đầu mềm mỏng hơn trong giao dịch với Bắc Việt - có lẽ vì nếu xảy ra đồng thời xung đột với cả Mỹ và Bắc Việt, quyền lợi của Trung Quốc sẽ bị nguy hại. Lãnh đạo Bắc Việt dĩ nhiên chẳng thích gì phe Mao tuyển đang một lần nữa thắng thế trên chính trường Trung Quốc. Nhưng họ không thích Chu Ân Lai, kiến trúc sư trong hòa giải Mỹ - Trung và nay cũng là đối tượng tấn công của phe Mao tuyển. Có thể họ hy vọng sự hòa giải Mỹ - Trung sẽ phần nào bị đảo ngược và vì thế muốn tránh gây hấn với Bắc Kinh - đặc biệt vì Hiệp định Paris 1973 đã không chấm dứt giao tranh giữa chính quyền Thiệu và quân cách mạng. Tháng Chín 1973, Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng nói với Fidel Castro rằng nếu miền Nam tiếp tục tấn công "vùng giải phóng", quân cộng sản sẽ đánh lại cho đến khi chính phủ Thiệu sụp đổ. Trong hoàn cảnh đó, rõ ràng Bắc Việt cần có hòa hoãn tạm thời với Trung Quốc. Thời điểm Trung Quốc lấn chiếm cho thấy Bắc Kinh muốn hành động trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ - tức là trước khi Hà Nội có thể giành lấy các hòn đảo tranh chấp Balazs Szalontai Thái độ thận trọng của Bắc Việt với Trung Quốc cũng còn là vì Hà Nội không tin Liên Xô. Nếu họ đã không thích sự gần gũi Mỹ - Trung thì họ cũng chẳng ưa gì việc Mỹ - Xô hòa hoãn. Cuộc hội đàm của Nixon ở Moscow và Brezhnev ở Vladivostok với Gerald Ford rõ ràng bị Hà Nội chau mày. Về phần mình, Liên Xô cảm thấy sự hung hăng của đồng minh Bắc Việt có thể dẫn tới rắc rối to trên trường quốc tế. Tháng 11.1974, chỉ vài tháng trước khi Hà Nội đánh thắng miền Nam, đại sứ Liên Xô Shcherbakov nói với các đồng nghiệp Đông Âu rằng Moscow quyết tâm ngăn chiến tranh bùng nổ ở Việt Nam, vì nó đi ngược lại mục tiêu căn bản trong chính sách toàn cầu Liên Xô. Lời nói của Shcherbakov để lộ ra là Liên Xô muốn giảm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt hơn là hỗ trợ Hà Nội dùng vũ lực thống nhất đất nước. Cuối năm 1973, phái đoàn của Phạm Văn Đồng, khi đi thăm Đông Đức, đã công khai tuyên bố chính sách hòa hoãn của Moscow chẳng đem lại kết quả tích cực ở châu Âu, và nói cả Liên Xô và Trung Quốc đều có cống hiến lớn cho phong trào cộng sản quốc tế. Tức là trong năm 1973-74, Hà Nội vẫn không chịu theo phe nào giữa Liên Xô và Trung Quốc. Tóm lại, có lẽ chúng ta không thể dùng nguyên tắc "im lặng là đồng ý" để giải thích hành vi của Hà Nội trong trận hải chiến Trung Quốc - Nam Việt Nam. Sự thụ động tạm thời của Bắc Việt phản ánh tính toán chiến thuật chứ không mang tính chiến lược hay pháp lý. Trong khi đang còn đánh nhau với miền Nam và nghi ngờ Kremlin, Hà Nội ắt hẳn cảm thấy họ không thể cùng đối đầu với Bắc Kinh. Nhưng ngay sau khi chính quyền Thiệu sụp đổ, Bắc Việt không ngần ngại kêu đòi Hoàng Sa. Thời điểm Trung Quốc lấn chiếm cho thấy Bắc Kinh muốn hành động trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ - tức là trước khi Hà Nội có thể giành lấy các hòn đảo tranh chấp. Về tác giả: Tiến sĩ Balazs Szalontai từng dạy ở Đại học Khoa học Công nghệ Mông Cổ và hiện là một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary. Ông là tác giả cuốn sách Kim Nhật Thành trong thời kỳ Khruschev (Đại học Stanford và Trung tâm Woodrow Wilson xuất bản, 2006). |