Home Tin Tức Thời Sự Đại sứ Anh tại Việt Nam thăm Cộng đồng người Việt tị nạn tại London

Đại sứ Anh tại Việt Nam thăm Cộng đồng người Việt tị nạn tại London PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Khánh Thành   
Thứ Hai, 23 Tháng 3 Năm 2009 06:33
LONDON - Nhân dịp kỷ niệm 30 năm người Việt tị nạn được nhận định cư tại Anh Quốc và 27 năm ngày thành lập hội An Việt tại Vương Quốc Anh và theo lời mời của Hội An Việt, ông Đại Sứ Anh tại Việt nam, trong chương trình đi thăm cộng đồng người Việt tị nạn tại London, hôm nay chủ nhật 22.3.2009, Đại Sứ Mark Kent tại Việt Nam đã đến thăm trung tâm dạy tiếng Việt cho con em Việt Nam tại Trung Tâm Công Giáo London. Hướng dẫn ông Đại Sứ có cựu Nghị Viên London Vũ Khánh Thành, nhân viên Đại Sứ Quán và một số nhà báo ở Việt Nam. Ông Đại Sứ được Linh Mục phụ tá Vương Thuật và ông Phan Văn Thận, hiệu trưởg của nhà thờ Việt Nam đón tiếp với 200 các em học sinh và các thầy cô giáo. Ông Đại Sứ đã ân cần thăm hỏi các em và các giáo chức bằng tiếng Việt và ca ngợi việc gìn giữ văn hoá Việt, tiếng Việt của các cộng đồng Việt Nam tại nước ngoài. (Cũng cần biết thêm, ông Đại Sứ viết và nói tiếng Việt thành thạo và có một trang Web tiếng Anh, tiếng Việt giúp mọi người quan hệ trực tiếp với đại sứ quán – [Blogs.fco.gov.uk/roller/kent]

Đại sứ Mark Kent và và Ông Vũ Khánh Thành
Ông Đại Sứ cũng đi thăm các cở kinh doanh của người Việt tại đường Mare Street, thành phố Hackney nơi có đông người Việt định cư nhất tại Anh Quốc. Các cơ sở kinh doanh này tuy nhỏ so với các khu Việt Nam tại Úc hay Hoa Kỳ nhưng rất đa dạng, từ tiệm ăn, tiệm móng tay, tiệm cắt tóc, tiệm tạp hoá … đến tiệm vàng và kim cương, tiệm sửa xe, cơ sở may mặc v.v … Tới đâu các chủ tiệm và ông Đại Sứ cũng vui vẻ trò truyện và thăm hỏi bằng tiếng Việt rất tương đắc. Ông rất vui khi thấy nhiều hàng hoá bày bán là các sản phẩm từ Việt Nam tới như xoài, mít, bánh đa, gạo … thứ gì cũng có khiến người Việt Nam tại nước ngoài có cuộc sống không khác gì tại Việt Nam của mình, quên nỗi buồn nhớ quê hương.

Trọng tâm của việc viếng thăm London của ông Đại Sứ là việc viếng thăm Trung Tâm An Việt. Ông đã được đón tiếp bởi ông Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố Hackney Ian Rathbone và ông Vũ Khánh Thành, giám đốc sáng lập và điều hành hội An Việt. Một số giáo sư thuộc Hiệp Hội các Học Giả về Đông Nam Á tại Anh Quốc như các Giáo Sư Stephen Oppenheimer (Đại Học Oxford) Michael Hitchcock (phó Viện Trưởng Viện Đại Học Chichester) Gs Terry King và Martin Richards, giám đốc Đông Nam Á Học và ĐNA Đại Học Leeds, Gs Chris Dixon, Đai Học London Met và Ian Gover, Đại Học UCL cũng có mặt với nhiều quan khách khác.

Ông Vũ Khánh Thành trong diễn văn chào mừng ông Đại Sứ và quan khách đã lược qua những khó khăn mà đồng bào Việt Nam tị nạn đã gặp phải từ năm 1979 đến nay. Cái khó khăn nhất là về anh ngữ mà 80% người Việt tại Anh là người Việt gốc Hoa, đa phần sống tại các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, không có căn bản học vấn, không có chuyên môn. Các nước như Úc, Hoa Kỳ, Canada … hồi ấy đến Hong Kong lựa chọn những người nào có học vấn, có tay nghề sẽ được nhận đi định cư. Phần còn lại nước Anh đã nhận 30 ngàn người đến Anh. Các người đến sau này thêm nhiều ở Hong Kong đều bị gửi trả về Việt Nam để trao trả lại Hong Kông cho Trung Quốc.

Khó khăn thứ hai là tìm kiếm công ăn việc làm. Sau một hai năm ổn định cuộc sống, nhờ có hàng may mà nhiều người đã chuyên cần làm việc ngày đêm, tích luỹ tiền bạc để mở các hãng may mà đời sống khá lên. Trong thâp niên 1980 đã có khỏang 40 - 50 hãng may của người Việt tại Hackney. Sau khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, kỹ nghệ may mặc xuống dốc, nhờ kỹ nghệ làm móng tay từ Mỹ truyền qua mà hiện nay tại London đã có cả ngàn tiệm móng tay của người Việt. Các cửa hàng ăn, các tiệm tạp hoá cũng nở rộ. Bên cạnh đó là sự thành công của giới trẻ ở các trường trung học và đại học đã làm rạng danh người Việt dù rằng cha mẹ các em không có học vấn chi cả. Mặt tiêu cực làm cho cộng đồng Việt Nam tại Anh bị tai tiếng nhiều nhất mấy năm gần đây là việc trồng cần sa của những người Việt đến nuớc Anh bất hợp pháp để kiếm sống mà nuớc Anh chưa có giải pháp ngăn chặn hay trả họ trở về.

Ông Đại Sứ và ông Chủ Tịch Hội Đồng thành phố Hackney đánh giá rất cao công việc của hội An Việt từ 27 năm qua để giúp đỡ người Việt tại Anh ổn định cuộc sống. Các ông cũng đề cao sự hợp tác của các giáo sư đại học Anh có mặt hôm nay đã và đang giúp đỡ hội An Việt thành lập Viện Nghiên Cứu Việt Nam và Đông Nam Á hầu giúp đỡ thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc của dân tộc mình và tiếp tục đào sâu các giá trị đông phương trong các luận văn Cao Học hay Tiến Sĩ mà hội An Việt đã và đang giúp đỡ các sinh viên nghiên cứu về Việt Nam.



Đặc biệt ông Đại Sứ cũng trao quà cho anh đầu bếp nhà hàng Hương Việt đã cho ông và 50 quan khách có bữa tiệc rất ngon ngày hôm nay.

Không hẹn mà gặp Luật Sư TRỊNH HỘI, người đã hy sinh một phần tuổi trẻ của mình cho người tị nạn Việt Nam tại Hong Kong và Phi Luật Tân, đã có mặt trong buổi tiếp tân Đại Sứ Anh tối nay. Nhiều người tị nạn tại Anh nghe tin Trịnh Hội có mặt đã náo nức được đến thăm hỏi để nói lên lòng biết ơn của họ trong thời gian 30 năm khó khăn tại Hong Kong trước đây. Trịnh Hội đã nhọc công tổ chức nhiều đại hội và quyên góp tiền bạc giúp đỡ người tị nạn những ngày đầu đến Hong Kong và nhất là Phi Luật Tân - lo liệu giấy tờ, vận động với các chính phủ tây phương để nhận người tị nạn. Công việc khó khăn vất vả ấy đã kéo dài hơn 30 năm trời mới vừa chấm dứt vài tuần lễ vừa qua khi người tị nạn cuối cùng đến Canada và các trại tị nạn tại Phi đóng cửa. Đại Sứ Mark Kent và quan khách rất cảm động trước tấm lòng hy sinh vô bờ bến của Luật Sư Trịnh Hội.

Buổi tiếp tân kết thúc lúc 10 giờ 30 tối trong không khí vô cùng phấn khởi và lưu luyến của mọi người tham dự.