Đức Đạt Lai Lạt Ma công kích mạnh sự cai trị của Trung Quốc trong bài diễn văn năm nay Năm thập niên sống lưu vong và nhiều năm bị Bắc Kinh bôi nhọ vẫn không làm giảm đi ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với quê hương và người dân Tây Tạng.
Lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng luôn cam kết phi bạo lực, khiến cả thế giới tôn trọng. Tuy nhiên, xung đột lâu nay về tình trạng của Tây Tạng giờ đã đi tới một điểm hệ trọng. Cho tới nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn gặp thất bại khi thương thuyết với Trung Quốc, và Ngài đang chịu sự chỉ trích gia tăng từ những người ủng hộ, vốn ngày càng thất vọng trước sự bất lực về chính trị này. Rất nhiều người Tây Tạng từ lâu đã cảm thấy không thoải mái với ‘cách tiếp cận trung dung' - là đề nghị chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Tây Tạng để đổi lấy sự tự trị thực sự - điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cổ suý từ năm 1988. Trong vòng thương thảo mới nhất tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc có vẻ cứng rắn hơn trong quan điểm của họ, và lên án đề xuất của Tây Tạng là nỗ lực tìm kiếm "độc lập dưới vỏ ngụy trang". Sự cứng rắn của Trung Quốc khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải tuyên bố những nỗ lực thương thảo của Ngài đã thất bại. Mặc dù đa phần người Tây Tạng ủng hộ sự lãnh đạo của Ngài, họ cũng đã tập trung được một số người Tây Tạng lưu vong - khoảng chừng 150 ngàn người - kêu gọi p̣hải có đường lối cứng rắn hơn. Nếu Ngài còn bảo vệ ý tưởng khôi phục một dạng đối thoại nào đó với TQ thì tôi nghĩ nhiều người Tây Tạng sẽ cho rằng di sản của Ngài chỉ là sự thất bại mà thôi Jamyang Norbu Một nhà hoạt động và viết blog về Tây Tạng, là Jamyang Norbu, nói: "Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn sự lựa chọn nào khác, Ngài phải quay trở lại cái mà người Tây Tạng đã kêu gọi ban đầu, đó là cuộc đấu tranh giành độc lập". Ông đổ lỗi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma là "ngây thơ về chính trị" khi muốn tìm sự nhân nhượng của Trung Quốc. Ông nói: "Tất cả những cử chỉ của Trung Quốc mời người Tây Tạng tới ngồi vào bàn đàm phán về thực chất chỉ là cái bẫy của TQ - họ hoàn toàn ‘xỏ mũi' Đức Đạt Lai Lạt Ma. "Nếu Ngài còn bảo vệ ý tưởng khôi phục một dạng đối thoại nào đó với TQ thì tôi nghĩ nhiều người Tây Tạng chắc sẽ cho rằng di sản của Ngài chỉ là sự thất bại mà thôi". Rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ hơn - những người chưa bao giờ biết đến một Tây Tạng tự do - tin rằng chính sách quan hệ ngoại giao cấp thấp đã thất bại. Hội Thanh niên Tây Tạng, TYC, một tổ chức gồm khoảng 30 ngàn thành viên muốn tìm kiếm sự độc lập, nói rằng người ta ngày càng thất vọng với các lãnh đạo Tây Tạng. Phó Chủ tịch Dhondup Dorjee đã viện dẫn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây chết người tại Tây Tạng và các khu vực thiểu số Tây Tạng vào năm ngoái - là các đợt bạo động tồi tệ nhất trong 20 năm qua.
Trung Quốc tin tưởng quân đội của họ có khả năng đè bẹp bất kỳ cuộc nổi dậy nào Ông nói cuộc nổi dậy là bằng chứng cho thấy thanh niên Tây Tạng sẵn sàng hi sinh tính mạng vì "sự nghiệp Tây Tạng". Ông Dorjee nói tổ chức TYC không tuyên bố bạo lực là giải pháp để đạt mục tiêu, mà thay vào đó, các thanh niên Tây Tạng cả trong nước lẫn hải ngoại tiếp tục chiến dịch bất tuân thủ về dân sự. Tuy nhiên, cho dù có khác biệt về mục đích chính trị, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn hết sức được tôn trọng với tư cách là lãnh đạo tinh thần. Ông Dorjee nói: "Trong môi trường dân chủ, Ngài khuyến khích mọi người và các tổ chức có các ý kiến khác biệt. "Ngài chưa bao giờ nghi ngờ về quyền được tranh đấu đòi độc lập của người Tây Tạng". Lãnh đạo phong trào thanh niên Tây Tạng cũng nói Đức Đạt Lai Lạt Ma đơn giản chỉ muốn kiếm giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện thời. ‘Diệt chủng văn hoá' 50 năm trôi qua, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng nay thấy mình ở bên lề, mất khả năng ngăn chặn những thay đổi ngay trên quê hương mình, khiến cho tình hình tại Tây Tạng càng trở nên đặc biệt mong manh. Đức Đạt Lai Lạt Ma cáo buộc Trung Quốc đã phạm tội "diệt chủng văn hoá" khi tìm cách thay đổi người thiểu số Tây Tạng, bào mòn văn hoá, ngôn ngữ và tôn giáo của người Tây Tạng bằng việc đưa rất nhiều người Hán vào và thực hiện hệ thống "cải tạo lòng yêu nước".
Hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào cuối thập niên 1940 Sử gia sinh ra ở Tây Tạng, Tsering Shakya, nói vấn đề Tây Tạng tại Trung Quốc động chạm đến bản sắc và phẩm giá của một tộc người, và vấn đề này sẽ còn tiếp tục cho tới khi người Tây Tạng có được sự hài lòng nhất định. Bà nói chính sách của Trung Quốc hiện nay là cô lập hoá người Tây Tạng và gây ra các vấn đề về sau, mặc dù Bắc Kinh thấy không cần phải cân nhắc lại quan điểm của họ. Bà Shakya, từ đại học Columbia ở Canada, nói ngay cả khi tất cả mọi người Tây Tạng đều xuống đường, Trung Quốc biết rằng họ có đủ sức mạnh quân sự để đè bẹp bất cứ cuộc nổi dậy nào. Đảng Cộng sản TQ còn sợ bất cứ thỏa hiệp nào sẽ gây ra ‘hiệu ứng domino' tác động tới tình hình bên trong Trung Quốc - với các cuộc nổi dậy tại các khu vực thiểu số khác như Tân Cương, Nội Mông và Cam Túc. Trong khi đó, theo bà Shakya, Tây Tạng đang mất dần sự chú ý trong nghị trình quốc tế, do các lãnh đạo thế giới không muốn gây rủi ro trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Người kế tục? Những người Tây Tạng nóng lòng muốn thấy thay đổi còn đối diện với một vấn đề nữa, là hiện chưa có ai sẵn sàng lên thay thế cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, năm nay 73 tuổi, người gần đây có tình trạng sức khoẻ không được tốt. Trong bài diễn văn kỷ niệm 50 năm ngày khởi nghĩa chống TQ không thành, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói mọi người dân Tây Tạng phải có trách nhiệm "hoạt động vì chính nghĩa". Từ nơi ngài sống lưu vong ở Dharamsala, Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Chừng nào tôi còn sống, chừng đó tôi còn giữ trách nhiệm này". Đức Đạt Lai Lạt Ma nói Ngài giờ đã chuyển sang thời gian bán nghỉ hưu. Ngài cũng chưa rõ liệu người kế nhiệm sẽ được bầu ra, tái sinh bên ngoài Tây Tạng hay liệu Ngài, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, sẽ là lãnh tụ tinh thần cuối cùng.
Liệu thế hệ thanh niên có là hi vọng mới của Tây Tạng?
Điều hầu như chắc chắn là "vấn đề Tây Tạng" sẽ không mất đi - trên thực tế, nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi Trung Quốc luôn cáo buộc Ngài là "con sói đội lốt nhà sư", Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn khuyến dụ những người ủng hộ phải theo đuổi mục tiêu một cách hoà bình. Bà Tsering Shakya nói: "Nếu không có sự dẫn dắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người Tây Tạng có thể sẽ tự xử lý các vấn đề theo cách của riêng mình". Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mang lại sức mạnh và sự đoàn kết cho người Tây Tạng, cũng như khiến cho quốc tế chú ý đến sự nghiệp của họ. Rất nhiều người giờ bắt đầu e ngại đến ngày Ngài sẽ vắng bóng. Tuy nhiên, nhà hoạt động Jamyang Norbu nói: "Người Tây Tạng có sức mạnh hơn người ta tưởng. Họ sẽ vẫn thách thức giới chức và chấp nhận hậu quả. "Thời gian đang thay đổi. Giờ đây, nó là cuộc tranh đấu của giới thanh niên. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một biểu tượng nổi lên từ thế hệ mới - chừng nào họ còn đó, chừng đó sự nghiệp này chưa kết thúc". |