Chuyện Việt Nam |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | ||||
Chúa Nhật, 15 Tháng 3 Năm 2009 03:31 | ||||
Quảng Ninh (NV) - Hôm 12 tháng 3, Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một đại lễ tại thành phố Hạ Long để cầu siêu cho những người tử nạn tại tại cầu Bãi Cháy.
Cây cầu được xem là hiện đại và đẹp nhất Việt Nam, đồng thời còn được xem như cây cầu của tử thần. Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18, bắc ngang Vịnh Hạ Long, nối Hòn Gai với Bãi Cháy, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ðây là loại cầu dây văng, có chiều dài 1,106m, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,046 tỷ đồng. Phần chính của cầu Bãi Cháy cao hơn mặt nước 50m. Sau 40 tháng thi công, cầu Bãi Cháy được đưa vào sử dụng hồi đầu tháng 12 năm 2006 và từ đó đến nay, trên cây cầu này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 21 người chết. Ðáng lưu ý là có rất nhiều người chọn cầu Bãi Cháy làm nơi để tự sát. Không có ai sống sót khi nhảy từ trên cầu xuống vịnh Hạ Long nhưng cũng không có cơ quan nào thống kê, đã có bao nhiêu người tự tự tại cầu Bãi Cháy. Một bài viết đăng trên báo Gia Ðình và Xã Hội hồi tháng 6 năm 2007 cho biết, người ta đã tìm đến cầu Bãi Cháy để tự tử ngay từ khi cầu đang được thi công. Nếu tính từ ngày khánh thành đến tháng 6 năm 2007 thì chỉ trong vòng sáu tháng sau khi đưa cầu vào sử dụng tại cầu Bãi Cháy đã có thêm ba vụ tự tử, không kể hai vụ tự tử bất thành vì được ngăn chặn kịp thời. Vào giữa tháng 2 vừa qua, tờ Công An Nhân Dân có một phóng sự về “ngã ba tử thần” ở cầu Bãi Cháy. Theo đó, trong hai năm (từ tháng 12 năm 2006 đến tháng 12 năm 2008), ngã ba Yết Kiêu và đường 336 (đường dẫn lên cầu Bãi Cháy từ phía Bắc) đã xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông. Tờ Công An Nhân Dân nhận định: Số vụ tai nạn giao thông xung quanh chiếc cầu quan trọng nhất của Quảng Ninh nhiều đến mức không ai có thể làm ngơ. Công an tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức điều tra khảo sát, phân tích các vụ tai nạn, cấu trúc, tổ chức cung đường rất nhiều lần và kết luận, ngoài những nguyên nhân chủ quan, do người tham gia giao thông thiếu ý thức còn có lỗi từ việc tổ chức hạ tầng kỹ thuật tại nút giao thông này có quá nhiều điều bất hợp lý”. Tờ Công An Nhân Dân cho biết tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chi 14.5 tỷ để “cải tạo giao thông quanh khu vực cầu Bãi Cháy” nhưng không thấy đề cập đến việc ai phải chịu trách nhiệm, khi “tổ chức hạ tầng kỹ thuật tại nút giao thông này có quá nhiều điều bất hợp lý”. (G.Ð) Mộ gió và những câu chuyện ít người biết về đảo Lý Sơn Quảng Ngãi (NV) - Biển Ðông có rất nhiều đảo nhưng không có đảo nào nhiều mộ gió như đảo Lý Sơn (cù lao Ré), tỉnh Quảng Ngãi. Mộ gió là cách gọi những ngôi mộ không có thi thể người chết. Táng trong mộ gió là những pho tượng đất thay thế thi thể những người đã gửi thân xác vào lòng đại đương.
Ðảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có hàng ngàn ngôi mộ gió. Báo điện tử VTC News cho biết, ở đảo Lý Sơn có cả ngàn ngôi mộ gió như thế. Tờ báo này kể: “Những ngôi mộ gió lẫn trong các luống tỏi, trên những bãi cát trắng hoang hoải”. Tại đảo Lý Sơn, có một cụ ông tên Võ Văn Toại, 70 tuổi, đảm nhận công việc nặn các hình nhân, táng thay thi thể những người mất tích giữa biển, trong vài chục năm qua. Ông Võ Văn Toại được xem như một thầy cúng, ngoài việc lên núi Giếng Tiền, đào đất sét về nặn hình nhân, ông làm luôn công việc gọi hồn người chết trở về để làm nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất thân nhân của không ít dân trên đảo. Trên đảo Lý Sơn có một ngôi miếu thờ hải đội Hoàng Sa. Sau ngôi miếu đó là nấm mộ gió dài của cai đội Phạm Quang Ảnh - người được hậu sinh nhắc tới như một bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. . Cụ Toại kể, tập quán đắp mộ gió của dân đảo Lý Sơn hình thành cách nay hơn 200 năm. Mộ cai đội Phạm Quang Ảnh và 24 người lính của hải đội Hoàng Sa có thể xem là những ngôi mộ gió đầu tiên. Ngày ấy, Phạm Quang Ảnh cùng với 70 người lính, sử dụng năm chiến thuyền để canh giữ biển, đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý của biển cho triều đình nhà Nguyễn. Mỗi chuyến ra khơi kéo dài nhiều tháng, có khi tới sáu tháng. Do chiến thuyền thuộc loại nhỏ. Các chuyến đi thì dài, sóng to, gió lớn, bão tố thường xuyên,... nên nhiều chiến thuyền không trở về. Lần nọ, Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình gặp bão, mất tích giữa biển... Vua Gia Long đau lòng, ra tận đảo Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Trong đoàn tùy tùng có một thầy phong thủy nổi tiếng. Thầy phong thủy này sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét đem về cho ông nhào nặn thành 25 hình nhân giống hệt 25 tử sĩ. Kế đó, ông lập đàn chiêu hồn, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất và đem an táng như an táng người chết, cũng khăn xếp, áo the, quần dài, quan quách đầy đủ. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng 25 nấm mộ... Sau này, do mưa gió xói mòn, dân đảo phải nhiều lần đắp lại những ngôi mộ này, dần dà, 25 ngôi mộ riêng biệt trở thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét. Cũng kể từ đó khi ngư dân trên đảo gặp nạn trên biển, chết mất xác, thân nhân của họ tổ chức đắp mộ gió cho họ... Trong hơn 200 năm qua, tại Lý Sơn, lúc nào cũng có một thầy cúng đảm trách công việc nặn các hình nhân và cúng gọi hồn người chết mất xác trở về... Ðể công việc không đứt đoạn, trước khi qua đời, thầy cúng đương nhiệm thường gọi một người mà ông tin cậy, trao lại tất cả những tài liệu hướng dẫn cách nặn tượng, cúng chiêu hồn. Người được chọn trao trọng trách luôn dốc sức làm việc... Cụ Toại kể, sau khi nhận trọng trách ấy, ông đột nhiên trở thành một người khác, đầu óc linh mẫn, đọc đâu thuộc đấy, cứ thế cho đến khi lĩnh hội được mọi việc. Cụ Toại cho biết, mỗi năm, ông nặn hình nhân, gọi hồn, làm lễ an táng cho khoảng chục người dân trên đảo Lý Sơn, chết mất xác ngoài biển. Ðau lòng nhất là sau những trận bão lớn, ông Toại thường phải làm lễ an táng cho cả chục ngư dân một lúc. Những lần như thế, người ta dựng lều trước biển, sắp trước lều cả dãy quan tài. Ông Toại thức thâu đêm nặn hình nhân trong khói hương nghi ngút và gió biển lồng lộng. Ðất sét nặn hình nhân thay thế thi thể người chết phải lấy trên đỉnh núi Giếng Tiền - một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm trước. Có thể vì tập tục này mà dân Lý Sơn không bao giờ dùng đất sét làm nhà. Tuy nhiên, theo lời cụ Toại, hình nhân không chỉ có đất sét. Bởi cây dâu, con tằm là biểu tượng của cuộc sống thiên biến vạn hóa, sự xoay vần của trời đất nên thầy cùng dùng tơ tằm làm những sợi gân cho hình nhân, cành dâu chẻ đôi được xếp vào bụng hình nhân để làm xương sườn. Ðàn ông 7 nhánh, đàn bà 9 nhánh. Xương sống, xương ống tay, ống chân cũng làm bằng thân cây dâu. Một vốc đất đen lấy được nhào nước cho dẻo để nặn thành lá gan. Ðốt cây thụ đao, một giống cây bông trắng, trái mọc thành chùm, vốn có rất nhiều ở Lý Sơn được đốt để lấy than làm phổi. Than củi thụ đao thường quánh vào nhau, trông như lá phổi thật. Mọi bộ phận trong cơ thể một con người, từ mắt, tai, mũi, miệng đến hậu môn, bộ phận sinh dục phải đầy đủ như người thật. Bước cuối cùng là dùng lòng đỏ trứng gà quét lên khắp hình nhân. Khi trứng khô, trông hình nhân như da người thật. Rồi người ta bắt đầu mặc quần áo, khâm liệm cho hình nhân như vẫn làm cho một người chết và cụ Toại bắt đầu cúng chiêu hồn. Lễ cúng chiêu hồn thường rất dài. Khi lễ cúng kết thúc, một con thuyền nhỏ trên có các mâm lễ vật sẽ được thả xuống biển cúng linh hồn và thần thánh ngự ngoài biển khơi. Do khí hậu khô nóng, mưa ít, nắng nhiều, nên những hình nhân trong các ngôi mộ gió ở đảo Lý Sơn không hư hại theo thời gian. Cụ Toại bảo rằng, khi cải táng những nấm mộ gió đã được chôn cách nay hàng trăm năm, các hình nhân vẫn còn nguyên vẹn. Phóng viên VTC News mô tả, có thể thấy mộ gió khắp đảo Lý Sơn. Thiếu đất chôn, người ta đắp mộ gió cả trong ruộng tỏi, ngay trong vườn. Những buổi chiều sóng yên, bể lặng, rất nhiều người đàn ông thắp hương, quỳ lạy trước mộ gió. Họ tưới rượu trắng lên các nấm mồ để cầu người đã khuất phù hộ cho chuyến đi biển sẽ bắt đầu vào lúc rạng đông ngày hôm sau. Còn trong những ngày biển động, nhiều người đàn bà quỳ lạy trước mộ từ chiều đến nhọ mặt người mới đứng lên. Họ xin những người đã chết phù hộ cho chồng, con của họ thoát khỏi hiểm nguy trên biển. (G.Ð) |