Dư luận tiếp tục rất nóng về quan hệ giữa Trung Quốc – Việt Nam kể từ vụ cáp tàu Bình Minh 2 “bị cắt đứt” hôm 26/5/2011.
Hình ảnh chắc chắn, dẻo dai của sợi cáp bị cắt đứt vô hình chung báo hiệu mối quan hệ “cơm thiu canh thối” giữa Nhà cầm quyền TQ và Nhà cầm quyền VN? Một thông tin, có phải là thông minh không? khi trang VNExpress cho biết: Nga sẽ giao 6 chiếc tàu ngầm cho Việt Nam vào năm 2014 và không quên báo rằng “…đây là một trong những hợp đồng lớn nhất lịch sử xuất khẩu khí tài hải quân của Nga”(1), và rằng đó là loại tàu “lớp kilo 686″. Thông tin này phải chăng là một cái nghếch mặt sưng xỉa để nói chuyện với anh hàng xóm? Vấn đề chẳng lẽ được tính bằng “lớp trăm cà ram”, “lớp kilo”, “lớp tạ”, “lớp tấn” ở đây? Phải chi đạt được hình ảnh anh chàng võ biền với sức trâu hùng hục đâm sừng vào núi, cũng còn hay, đằng này, chỉ phô bày thân thể gầy còm, ẻo ợt của anh chàng vô công rỗi nghề, lười biếng tập thể dục bỗng chốc chạy ra anh hàng xóm oang oang nói: “mày có đồ chơi tao cũng có nè!”. Nghe mà thảm hại!
Tranh chấp Biển Đông vẫn được cả khu vực và toàn thế giới khuyên sử dụng bằng con đường đối thoại, thương lượng ôn hòa trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau của nhiều phía. Ông Thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn trong tư cách “đặc phái viên” sau chuyến viếng thăm Trung Quốc gần đây, đã để lại nhiều ý kiến thắc mắc, nghi ngờ mà tác giả “BS Ngọc” vừa có bài phân tích (2) để đưa ra kết luận về “bài học thiếu minh bạch” có nguy cơ lặp lại trong việc giữ gìn bờ cõi. Hình ảnh Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc hợp với “Trọng Thủy thời nay” đã được tác giả cảnh báo, vẻ như đang dần lộ rõ?
Song song đó, trang RFA hôm 1/7/2011 đã đặt dấu hỏi cho bài “Bí mật đồng thuận Việt Nam Trung Quốc?” (3). Cùng ngày, trên trang BBC, bạn đọc cũng gặp thêm một dấu hỏi khác bằng bài “Trung Quốc ‘cắt cáp’ lần ba?” (4)
Tất nhiên, với tính khí “thích ăn theo”, người viết bài cũng “bày đặt” thêm một dấu chấm hỏi nữa: “Hai nhà cầm quyền TQ, VN có vẻ thích dư luận xài dấu chấm hỏi hơn là dấu chấm dứt khoát trong quá trình giải quyết tranh chấp?”
Đúng. Chỉ có minh bạch, công khai, trung thực là tiền đề giải quyết mọi tranh chấp Biển Đông, nếu cả hai nhà cầm quyền VN và TQ thật tâm muốn cung cấp cho nhân dân hai nước một cuộc sống hòa bình (chưa dám nói dân chủ, tự do ở đây, vì bài viết này không có ý định lồng ghép “ý đồ đen tối” nào cả).
Một Lê Chiêu Thống hay Trần Ích Tắc?
Công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký công nhận cái gọi là “12 hải lý” gì đấy, một lần nữa được mang ra ở mức độ rộng rãi và quy mô hơn đứng về mặt công luận, mặc dù cái công hàm này cách đây khoảng 4 năm đã được tung vô tội vạ ở Quận 5 Tp.HCM như nhiều người dân vẫn còn nhớ. Tuy nhiên phải công nhận, chỉ có internet mới đủ khả năng để làm cú “quảng bá thương hiệu Phạm Văn Đồng” nhanh chóng nhất mà nền công nghệ thông tin được xem là ngành phát triển như vũ bão tại VN ít nhất 3 năm qua.
Ai tung ra công hàm này? Tung ra vì ý đồ gì? Tại sao phía Việt Nam không hề có bất kỳ một tuyên bố gì về bản công hàm, trong khi phía Trung Quốc đã nhắc đến nhiều lần mặc dù chưa phải là cấp cao nhất hay cấp ngoại giao chính thức?
Điều đáng tiếc khi hai nhân vật có chút tiếng tăm ở Việt Nam trong vài năm qua là ông Dương Trung Quốc – “Nhà sử học” và ông Trần Lâm – “Luật sư, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”, đã trả lời phỏng vấn phóng viên Nam Nguyên như sau (trích):
Ông Dương Trung Quốc: “Đúng là có một số chi tiết làm cho công luận bức xúc cần được xác minh xem là đúng hay không đúng, về việc có đúng nội dung hai bên thỏa thuận không thì tôi nghĩ hai bên thỏa thuận những vấn đề chung thôi, còn những cách đặt vấn đề như kiểu Trung Quốc nhắc lại thỏa thuận của ông Phạm Văn Đồng cách đây 50 năm, tôi nghĩ rằng Trung Quốc cố tình khai thác và lợi dụng chi tiết này.
Việc này không phải lần đầu, đã từng có thời kỳ văn bản này được phát tán ở vùng Chợ Lớn TP.HCM một cách khá rộng rãi và bừa bãi. Chúng tôi nghĩ là Trung Quốc luôn luôn lợi dụng chi tiết ấy để xuyên tạc.” và, ông Quốc cho biết thêm:
“Như thế tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa về nguyên tắc mà nói chủ quyền và tuyên bố có giá trị pháp lý là không phải của Hà Nội mà là của Saigon.
Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa phân chia lãnh thổ Việt Nam bởi vì Hiệp định Geneve qui định nước Việt Nam là một quốc gia thống nhất. Nhưng thực thi quyền hạn của mình theo luật quốc tế thì tôi nghĩ rằng Hoàng Sa Trường sa vào thời điểm đó nằm trong khu vực mà chính quyền VNCH là người phát ngôn có đủ tư cách pháp nhân nhất.Vì thế chuyện Trung Quốc bây giờ nhắc lại chuyện 50 năm trước thì hoàn toàn phải đặt cho đúng vào bối cảnh lịch sử lúc đó.”Ông Trần Lâm phát biểu:
“Cái công hàm ấy tôi được đọc cách đây ba bốn năm rồi không phải mới đây, người ta bảo cái công hàm ấy không có giá trị. Bây giờ Trung Quốc cứ nói là có giá trị…Chuyện này hiện nay cũng mắc mứu lớn lắm. Việt Nam nói chuyện ông Phạm Văn Đồng chỉ là một chuyện vui vẻ thôi chứ nó không có giá trị pháp lý gì…”Trong bối cảnh hừng hực hôm nay, người viết bài không có ý định cung cấp cho những ai “nóng đầu” hay “lạnh tim” một góc nhìn dễ bị đánh giá là chia rẽ, nhạy cảm hay thiếu khôn ngoan. Tuy vậy, phải nhìn thẳng vào sự thật bằng nhân sinh quan vận động khi phân tích, đánh giá cái công hàm gây quá nhiều tranh cãi và đầy tai tiếng.
Hãy thôi cái cách “tốt khoe xấu che”, hãy dừng cái kiểu “đậy điệm, giả lả, phớt lờ” theo tư duy tráo trở và lật lọng hết sức thô thiển. Chuyện Quốc gia, biên giới, lãnh thổ mà cả ông Lâm và ông Quốc nói như chuyện đùa! Hay hai ông tưởng Hoàng Sa – Trường Sa là cái biệt thự, chiếc xe Ferrary thích thì xài, không thích thì bán!!! Khi bỗng nhiên thấy uổng, thấy hớ thì tìm cách đòi lại và phát biểu như con trẻ!
Cả “quý ngài” Hồ Xuân Sơn và các “quý ngài” trong Bộ Chính Trị cần phải hiểu, khi Trung Quốc nói:
“thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước” thì “quý ngài” làm ơn làm phước hiểu giùm rằng:
THỎA THUẬN CỦA CẤP CAO HAI NƯỚC nghĩa là có cả PHẠM VĂN ĐỒNG, có cả CHU ÂN LAI trong đó.
“Quý ngài” cứ theo cái kiểu “tư duy nhiệm kỳ”, nên chẳng tài hiểu hiểu thâm ý sâu xa của phía Trung Quốc. Các ngài cũng cần phải nhớ người Trung Hoa có câu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” mà tự vấn lại quan hệ ngoại giao của đôi bên. Theo thiển ý của tôi, trung thực, thẳng thắn, khảng khái nói với Nhà cầm quyền Bắc Kinh rằng:
Kính thưa quý vị. Trước tiên chúng tôi chân thành xin lỗi quý vị về công hàm 1958 của ông cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, Quý vị cũng có lỗi vì mua HÀNG QUỐC CẤM CỦA NƯỚC CHÚNG TÔI, chính quý vị biết rõ điều đó. Chúng tôi cũng biết rõ điều đó. Bây giờ, nhân danh Dân Tộc Việt Nam, chúng tôi tuyên bố trước toàn thế giới: Món hàng quý vị đang nắm trong tay hoàn toàn vô giá trị.
Lịch sử Việt Nam đã dám chỉ thẳng ra Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thì bây giờ một lần nữa, lịch sử Việt Nam dù đau đớn nhất, vật vã nhất cũng phải dám chỉ thẳng ra một Phạm Văn Đồng.
Thà đau một lần, thà nhục một lần rồi thôi!
Có lẽ, không còn cách nào khác để giải quyết “cái công hàm” vô cùng tai hại đó. Nếu không công khai, minh bạch, trung thực, Việt Nam sẽ tiếp tục bế tắc trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.
|