Hòa hay chiến? |
Tác Giả: Lê Mai | ||||
Thứ Tư, 12 Tháng 1 Năm 2011 11:47 | ||||
“Hoà hay chiến” là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc VN ta. Đối mặt với kẻ thù tàn bạo, vấn đề “hoà hay chiến” được ông cha ta cân nhắc, phân tích, đánh giá hết sức kỹ càng. Năm 1284, khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai, vua Trần đã mời các bô lão trong cả nước về họp để bàn về chủ trương “hoà hay chiến” – Hội nghị Diên Hồng. Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng nhất trong lịch sử không bàn về vấn đề chiến lược hay chiến thuật quấn sự mà chỉ bàn một vấn đề duy nhất: nên đánh hay nên hoà? Và tất cả các bô lão đã đồng thanh hô to “Quyết đánh”! “Ý triều đình và lòng dân là một” đã tạo nên sức mạnh vô địch, là nguyên nhân đưa đến chiến thắng tất cả các kẻ thù hùng mạnh, bất kể từ đâu tới. Gần đây hơn, năm 1858, người Pháp chiếm Đà Nẵng, mở đầu cho hơn 80 năm đô hộ đất nước ta. Nhưng trước đó 10 năm, hải quân Pháp đã nổ súng cũng ngay tại Đà Nẵng rồi bỏ đi, vì tình thế cách mạng ở Pháp chưa cho phép tư bản Pháp hành động lớn ở Viễn Đông. Vậy mà, trong 10 năm ấy, nhà cầm quyền không thấy được cái nguy sắp tới, không biết nhìn xa trông rộng, rút cuộc không làm được gì nhiều để phòng thù đất nước. Hay họ chỉ lo làm thơ phú, viết văn tự ca ngợi mình, dành tiền để xây cung điện thôi? Sau khi chiếm đóng Đà Nẵng, người Pháp chiếm đóng Gia Định rồi chiếm đóng luôn ba tỉnh miền đông Nam Bộ. Triều đình Huế không có tư tưởng phản công, tiến công địch, mà chỉ có tư tưởng phòng ngự, biểu hiện trong việc lập một vài phòng tuyến. Vấn đề lớn đặt ra trước triều đình Huế là: chiến hay hòa? Ta hãy xem triều đình Huế giải quyết vấn đề lớn, quan trọng bậc nhất này như thế nào? Nhóm thứ nhất, ba ông đại thần, trong đó có Phan Thanh Giản cho rằng, bãi việc binh đao, cho dân nghỉ ngơi, liệu thời nuôi sức, thì chiến không bằng hòa, nhưng cần thủ cho chắc rồi sau sẽ bàn. Ba ông đại thần cao chức nhất, ngay khi Pháp mới đặt chân lên Đà Nẵng, đã chủ trương chiến không bằng hòa! Ba ông đại thần tâu với Tự Đức rằng: “giặc lấy thuyền bền súng nhạy làm nghề giỏi ở ngoài biển rộng sóng gió, thế ta cũng khó tranh đua với họ. Về kế sách thì hiện giờ nên lấy thủ làm chính. Giữ có vững vàng rồi sau mới có thể nói đánh hay hòa được”. Họ sợ sóng to gió lớn ngoài biển cả. Chưa đánh, họ đã muốn hòa, mà nào có phải kéo quân đi đến nước nào xa xôi đâu, đánh giặc ngay trên đất nước mình kia mà! Nhóm đình thần thứ hai cho rằng: “Họ và ta vốn không gần nhau, không thể thôn tính nhau, họ chỉ đòi bồi thường lớn vô biên để no cái sở dục của họ mới thôi. Chuyến này chúng đến chẳng qua là vì lợi. Nay chúng đã đắc chí ở Trà Sơn, lại đắc chí ở Gia Định; vậy ta phải làm cho cái bình thế kéo dài…Lấy ngu ý mà suy, họ muốn hai việc: một là muốn lập phố xá ở Trà Sơn, thu tô lấy lợi; hai là muốn tung người nước họ vào truyền tà giáo…”. Đó là những nhận định rất sai về ý đồ của người Pháp, quá xem nhẹ nguy cơ xâm lược. Nhóm này nghĩ rằng, nước Pháp ở xa nước ta quá, không thể thôn tính nước Nam được. Giáo sư Trần Văn Giàu bình luận: Dốt quá! Hà Lan đã thôn tính Ja-va và cả quần đảo Nam Dương từ lâu rồi, Anh đã thôn tính Ấn Độ từ lâu rồi, Lữ Tống đã bị Y-pha-nho thôn tính từ lâu rồi. Mà Y-pha-nho, Anh, Hà Lan đều cách xa Lữ Tống, Ja-va, Ấn Độ cũng như ta cách xa Pháp vậy. Làm quan đại thần ở triều đình chẳng biết việc đó thì biết việc gì? Nhóm đình thần thứ ba xin vua chỉ thị cho quân thứ Quảng Nam “liệu viết thư trách Pháp, hãy lấy nghĩa lý là nói, xem họ nếu chỉ muốn thông thương như cũ hoặc xin bỏ cấm đạo mà họ tự rút lui thì ta cho giảng hòa cũng chẳng hại gì. Nếu họ dối trá, chẳng đánh cũng chẳng hòa thì ta chỉ cố sức thủ mà thôi”. Giáo sư Trần Văn Giàu bình luận: Viết thư trách địch! Lấy nghĩa lý mà giảng giải cho chúng! Mong chúng tự rút lui thì ta cho giảng hòa! Còn có khờ khạo nào hơn? Mà đó lại là tư tưởng, chủ trương của một nhóm tả hữu nhà vua! Nhóm đình thần thứ tư lại còn xin phải nghị hòa gấp nữa kia. Họ nói: “Phép dụng binh phải lấy mình nhàn rỗi để đối phó với quân địch mệt nhọc. Nay giặc nhàn rỗi mà ta thì mệt nhọc nên việc đánh giữ rất khó. Hòa vẫn là hạ sách nhưng hiên nay chính là lúc cho quân nghỉ để nuôi dân. Nếu dằng dai hàng tháng hằng năm, sợ có bất ngờ xẩy ra”. Giáo sư Trần Văn Giàu bình luận: Sao lại bảo giặc nhàn rỗi? Cả quan văn võ, há chẳng một ai biết rằng từ tháng 4.1859 quân Áo kéo vào bắc Ý, khiến quân Pháp cũng phải gấp rút kéo quân sang đối phó. Liên quân Anh – Pháp đang bị sa lấy ở sông Bạch Hà, vì vậy Pháp không tăng viện được ở Gia Định mà còn phải rút bớt quân đi. Vậy mà bảo là địch nhàn? Còn bảo ta mệt cũng sai. Mấy năm nay nước Nam có phải đánh đấm với ai đâu? Việc tranh chấp với Cao Miên xong từ lâu rồi. Chỉ có một nhóm đình thần dâng sớ bàn đánh là thượng sách, hòa thì nguy cơ không lường được. Họ lập luận: “Quảng Nam, Gia Định, thế đất và tình hình giặc đại thể giống nhau nhưng cũng có chỗ khác nhau một chút. Ở Quảng Nam, số tàu thuyền của Tây còn ít, chúng vào sâu trong sông trong làng thì ta có thể đánh úp được. Ở Gia Định, thuyền địch nhiều, gần mặt biển, quân ta khó đến gần. Vậy xin cho quân thứ Quảng Nam phòng bị nghiêm, đợi chúng vào sâu trong đất, ta đánh chúng trên bộ để thu toàn thắng. Quân thứ ở Gia Định hợp với các tỉnh cố đốt phá tàu địch. Thế quân ở Gia Định đã thắng thì Đà Nẵng có thể lần lượt dẹp tan quân địch”. Nếu tại triều đình, khuynh hướng hòa và thủ mạnh hơn công và chiến thì trái lại, trong nhân dân, khuynh hướng chủ chiến mạnh hơn. Ông Nghị đốc học Nam Định đem 300 quân đi bộ vào Quảng Nam đánh giặc, giặc rút khỏi Đà Nẵng, họ xin đi thẳng vào Gia Định; vua không cho, bảo trở về. Khắp nơi nhân dân chống nghị hòa, gửi kiến nghị lên triều đình, đòi phải đánh. Nhà vua bảo Trương Đăng Quế: “Lời bàn của công chúng sôi nổi như thế, thì làm sao?” Ông này tâu: “Một chữ hòa, xưa có làm; nhưng đó là sự quyền nghi một thời gian, không phải không thường có”. Tự Đức lại hỏi ý kiến của Nguyễn Tri Phương, ông này cũng có tư tưởng thất bại chủ nghĩa: ” Họ thủy lục nương tựa, súng tinh, người liều, quân ta nhát, thành ra thua, thủy bộ đều không bì với quân địch. Quân thứ chỉ có 3.200 người, không đủ dùng, giữ cũng chẳng nổi, nói gì đánh”. Giáo sư Trần Văn Giàu bình luận: Kẻ cầm quân mà nói như thế đó! Đình thần, quan võ, nhà vua đều sợ địch, không dám đánh, không quyết thắng, thì bảo binh sỹ đánh thắng làm sao? Quân thứ có 3.200, dân quân các tỉnh kéo về Gia Định hàng mấy vạn, trong lúc quân Pháp nhiều lúc dưới một phần mười cái số 3.200 đó! Lịch sử cho thấy, quyết sách “hòa nghị” của triều đình Huế đã đưa đến sự đầu hàng và mất nước vào tay người Pháp trên 80 năm. Để kết thúc, tôi lại nhớ chuyện xưa, đời Tam Quốc, Tào Tháo đem 100 vạn quân sang đánh Giang Đông. Trong khi nội bộ chia làm hai phe chủ chiến và chủ hòa, Tôn Quyền vốn là người do dự, không quyết bề nào, may có Khổng Minh Gia Cát Lượng nói khích, Tôn Quyền mới quyết đánh. Và trận đại chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử đánh tan trăm vạn quân Tào vẫn còn vang vọng.
|