Loài người có thể sống đến 130 tuổi ? |
Tác Giả: Thụy My | |||
Thứ Hai, 10 Tháng 1 Năm 2011 13:07 | |||
trường sinh bất tử sẽ là một giấc mơ đẹp hay một cơn ác mộng ? Le Figaro Magazine đặt ra một câu hỏi mà có lẽ nhiều người cùng quan tâm, đó là liệu loài người có thể sống được đến 130 tuổi ? Lần đầu tiên con người đã thay đổi và tạo ra được sự sống nhờ lắp ghép các phân tử lại với nhau, như trong trò chơi Lego. Viễn cảnh của những tiến bộ khoa học thật là chóng mặt : làm tái sinh, thay đổi các bộ phận cơ thể, thậm chí tạo ra cơ quan mới. Như vậy, trường sinh bất tử sẽ là một giấc mơ đẹp hay một cơn ác mộng ? Tuổi thọ và hạnh phúc (DR) Chẳng hạn Vladimir Skoulatchev, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học của đại học Matxcơva, người đã dành phần lớn cuộc đời để tìm hiểu hiện tượng lão hóa. Ông đã chế tạo được một loại thuốc có thể làm vô hiệu hóa sự lão hóa của tế bào, và hy vọng sẽ đưa vào thị trường trong vòng 5 năm tới. Nhà khoa học này có được sự ủng hộ của Tổng thống Nga Dimitri Medvedev, có được sự tài trợ từ nhà tỉ phú Oleg Deripaska cũng như công ty quốc doanh Rosnano chuyên về kỹ thuật nano, đã đầu tư vào 440 triệu euro. Cách đó hàng ngàn cây số, tại Viện Kỹ thuật Massachusetts ở Boston, Hoa Kỳ, một ê-kíp dưới sự điều hành của giáo sư Leonard Guarente từ nhiều năm qua cũng đang nghiên cứu về một gien có khả năng kéo dài tuổi thọ của tất cả các bộ phận cơ thể. Khi thử nghiệm trên loài chuột, chúng vẫn giữ được vóc dáng, sức khỏe tốt và sống lâu hơn. Giáo sư Guarente hy vọng sẽ sử dụng gien này trong dược phẩm. Theo tác giả bài báo, thì khắp nơi trên thế giới có hàng ngàn nhà khoa học đang nghiên cứu về quy trình lão hóa và sự trường thọ. Ngay từ năm 1958, ông Jean Rostand, thành viên Viện Hàn lâm Pháp đã dự báo là con người sẽ sống thọ hơn nhiều. Roland Moreau, bác sĩ đồng thời là nhà vật lý sinh học tin rằng cơ thể con người được lập trình để sống trung bình đến 120 tuổi. Nếu tin theo thống kê, thì cứ hai bé gái sinh ra tại Pháp ngày nay sẽ có một sống thọ trăm tuổi, còn sinh ra sau năm 2027 thì tất cả đều « bách niên giai lão », thậm chí một số sống đến 130 tuổi. Không hút thuốc, ít dùng đường và acid béo, tập thể dục thể thao thường xuyên là những yếu tố tích cực góp phần vào sự trường thọ. Nhiều chứng bệnh do di truyền cũng sẽ được đẩy lùi. Nhưng theo nhà triết học Luc Ferry thì sự bất tử là một món quà tẩm thuốc độc. Ông nói, đương nhiên là tôi ước mong được bất tử - còn cả ngàn cuốn sách cần đọc, cả ngàn nơi chốn để khám phá, cả ngàn phụ nữ để yêu. Nhưng nếu chúng ta có thể làm ngưng quá trình lão hóa để ở mãi tuổi 30, 40, thì trái đất sẽ bị nạn nhân mãn, và như vậy cần phải cấm sinh đẻ hoặc sống trong một thế giới không có trẻ em, buộc triệt sản hay đi đô hộ một hành tinh khác. Nhà nghiên cứu Joel de Rosnay thì tỏ ra không ủng hộ quan điểm của trường phái quá chú trọng đến việc dùng khoa học kỹ thuật để cải thiện thân thể và đời sống tinh thần của con người. Họ quan niệm cơ thể cũng giống như một cỗ máy, trong đó các bộ phận đều có thể thay thế hoặc chuyển đổi được. Cũng giống như một chiếc Airbus đã 20 tuổi, mỗi bộ phận được thường xuyên kiểm tra và thay thế khi cần, và cuối cùng trở thành một chiếc máy bay gần như mới, thậm chí có các cơ phận dùng kỹ thuật mới hơn. Nhưng theo ông Rosnay, thì thân thể con người còn có những giá trị khác, chứ không thể so sánh với một cỗ máy. Một trí thức khác, ông Pascal Bruckner cũng cho rằng, trường sinh bất tử là một cơn ác mộng. Ông đặt câu hỏi, chúng ta có đã sống thực sự chưa, đã tận dụng hết cuộc sống, đã yêu thương đủ chưa ? Theo ông, giá trị cuộc sống chân chính không phải là vấn đề thời gian, mà là sự phong phú của nó. Còn bà Nicole le Douarin, tác giả cuốn « Tế bào gốc, hy vọng của trường sinh bất tử » quan niệm, cuộc sống trở thành miên viễn không phải thông qua một cá nhân bất tử, mà nhờ một loạt những cá nhân lớn lên, già đi và trao lại cuộc sống cho các thế hệ mai sau.
|